8 xu thế sẽ định nghĩa cuộc chiến trợ lý ảo trong năm 2018

Dù Amazon và Google đã bán được hàng triệu loa thông minh trong năm 2017, cuộc chiến trợ lý ảo chỉ mới bắt đầu mà thôi

Trong năm nay, Alexa và Google Assistant sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, chiếm lĩnh những vị trí mới và phát triển các hệ sinh thái lớn hơn nữa. Đồng thời, cả hai sẽ phải dè chừng những mối đe doạ từ các đối thủ như Apple và Samsung.

Sau đây là những xu thế lớn sẽ định nghĩa cuộc chiến trợ lý ảo trong năm 2018:

1. Vượt khỏi phạm vi nhà thông minh

Hiện nay, nhiều người đã dần quen thuộc với việc nói chuyện với Alexa khi ở trong ngôi nhà của mình, thì Amazon có thể sẽ đưa trợ lý ảo này vượt ra khỏi phạm vi căn nhà. Có lẽ chúng ta sẽ được thấy một chiếc tai nghe không dây Alexa để cạnh tranh với tai nghe AirPods của Apple, hay các giao diện điều khiển tích hợp Alexa trên các xe hơi thông minh, giống như các mẫu xe mà BMW và Ford đã công bố trong năm 2017.

Trong khi đó, Google và Apple sẽ tìm cách đưa trợ lý ảo của họ vượt ra khỏi phạm vi smartphone. Apple được cho là đang phát triển AirPods thế hệ 2, còn Google thì có thể sẽ tập trung cải tiến tai nghe không dây Pixel Buds của mình. Cả Apple và Google đều đã có các giải pháp dành cho xe hơi như Android Auto và Apple CarPlay, do đó trong năm 2018 chúng ta có thể sẽ được chứng kiến hai ông lớn này đẩy mạnh hỗ trợ các tính năng không dây trên xe hơi, hay thậm chí là các bảng điều khiển xe hơi tích hợp hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào điện thoại, được điều khiển hoàn toàn thông qua các trợ lý ảo giọng nói.

8 xu thế sẽ định nghĩa cuộc chiến trợ lý ảo trong năm 2018

2. Tranh giành lãnh địa văn phòng

Hồi tháng 11, Amazon thông báo kế hoạch đặt một chiếc loa thông minh Echo trên mỗi bàn làm việc tại các văn phòng tham gia chương trình Alexa for Business; cho phép các công ty thiết lập các thông báo định kỳ bằng giọng nói đối với các hoạt động như hội thảo qua video, tự tạo nên các câu lệnh bằng giọng nói riêng cho văn phòng của mình, và quản lý các câu lệnh Alexa mà nhân viên có thể sử dụng. Ngoài ra, Alexa cũng sẽ gắn kết với các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như Microsoft Exchange, Salesforce và SAP Concur.

Bước đi này của Amazon sẽ gây nên những xung đột với Microsoft - cũng đang quảng cáo rằng trợ lý ảo Cortana của họ là một AI hàng đầu cho môi trường kinh doanh tại các công ty. Cả Amazon lẫn Microsoft hiện đang hợp tác để giúp Alexa có thể nói chuyện được với Cortana và ngược lại, ban đầu được kỳ vọng là sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng rồi vẫn chưa đâu vào đâu. Google cũng đang nhăm nhe bước đi tương tự với Assistant, gián tiếp gây ra cuộc chiến tam vương tranh giành ngôi vị AI hàng đầu trong môi trường văn phòng.

3. Cơ hội cho phần cứng bên thứ ba

Bạn có thực sự muốn một chiếc đèn bàn hay tủ lạnh luôn lắng nghe các câu lệnh thoại của mình không? Dù việc tích hợp Alexa hay Google Assistant vào các phần cứng như vậy đã trở nên dễ dàng hơn nhiều thời gian gần đây, nhưng không có nghĩa đây là một ý tưởng hay. Các loa riêng biệt như Amazon Echo và Google Home rõ ràng cho chất lượng âm thanh tốt hơn, chi phí thấp hơn, và có thể được đặt một cách linh hoạt ở bất kỳ nơi nào. Đối với các hãng sản xuất phần cứng bên thứ ba, thách thức trong năm 2018 dành cho họ là phải tìm ra được một lý do khiến người dùng thực sự muốn dùng sản phẩm của mình.

8 xu thế sẽ định nghĩa cuộc chiến trợ lý ảo trong năm 2018 2

4. Cuộc chiến màn hình thông minh bùng nổ

Một mục tiêu khác của Amazon trong năm nay là mang Alexa từ loa lên màn hình, với sản phẩm đầu tiên là chiếc màn hình thông minh 7-inch mang tên Echo Show, và sau đó là chiếc đồng hồ báo thức nhỏ nhắn mang tên Echo Spot. Câu trả lời của Google đối với Amazon cũng sẽ xuất hiện trong năm nay, được cho là sẽ tích hợp mạnh dịch vụ YouTube và Google Photos.

Ở đây chúng ta có một vấn đề lớn: màn hình thông minh thường sẽ có giá cao hơn loa thông minh, và không chắc liệu người tiêu dùng có sẵn sàng bỏ thêm tiền ra sở hữu một thứ cao cấp như vậy không? Do đó trong năm nay, Amazon và Google sẽ phải đưa ra được những lý do rõ ràng khiến người tiêu dùng muốn mua một chiếc màn hình thông minh, hoặc phải tìm cách hạ giá thành của nó xuống.

5. Đã đến lúc kiếm tiền rồi

Dù Amazon cho biết đã có hơn 25.000 câu lệnh bằng giọng nói từ các bên thứ 3 được tích hợp vào Alexa, nhưng các nhà phát triển bên thứ 3 này vẫn chưa tìm ra được một phương thức đáng tin cậy nào để kiếm tiền từ nền tảng này. Trong năm 2018, điều này sẽ thay đổi khi Amazon tung ra tính năng thanh toán và đăng ký dịch vụ trên Alexa. Đây là tính năng tương tự như Google Assistant - vốn ở thời điểm hiện tại chỉ hỗ trợ việc đặt mua các mặt hàng và dịch vụ thật ngoài đời thông qua các câu lệnh giọng nói.


Amazon Echo

Amazon Echo

Một trong những vấn đề lớn đối với các câu lệnh giọng nói từ bên thứ 3 là người dùng Alexa không biết làm sao để phát hiện ra và nhớ cách sử dụng chúng. Mô hình kiếm tiền nói trên sẽ không giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp được, nhưng nó cũng sẽ khuyến khích các nhà phát triển tập trung hoàn thiện các câu lệnh giọng nói tốt hơn để kích thích người dùng dùng chúng thường xuyên hơn.

6. Một thiết bị, nhiều trợ lý ảo khác nhau?

Hồi tháng 10/2017, Sonos tung ra chiếc loa thông minh đầu tiên của mình với một tính năng đáng chú ý: tính mở cao. Hiện chiếc loa của hãng này chỉ hoạt động với Alexa, nhưng Sonos hứa hẹn rằng sẽ hỗ trợ cả Google Assistant trong năm 2018.

Essential, một startup do cựu lãnh đạo Android là Andy Rubin thành lập, cũng dự định thực hiện điều tương tự với thiết bị Essential Home sắp tới.

Vì mỗi trợ lý ảo có những điểm mạnh khác nhau, như Alexa mạnh về shopping, còn Google Assistant thì mạnh về tìm kiếm Internet, nên những chiếc loa thông minh đáng giá nhất chắc chắn phải là những chiếc loa có thể cho phép người dùng lựa chọn tuỳ ý sử dụng bất kỳ trợ lý ảo nào.


Loa thông minh của Sonos
Loa thông minh của Sonos

7. Sự xuất hiện của các đối thủ mới

Sau nhiều năm đấu đá lẫn nhau, Amazon Echo và Google Home sẽ bước vào chiến trường với các đối thủ mới. Đó là Apple với kế hoạch tung ra loa HomePod vào đầu năm 2018 (ban đầu là cuối tháng 12/2017), hay Facebook với màn hình thông minh 15-inch đang được phát triển, tương tự Echo Show của Amazon. Samsung cũng được cho là sẽ ra mắt loa thông minh tích hợp trợ lý ảo Bixby vào nửa đầu năm 2018.

Cả ba đối thủ mới nêu trên sẽ phải rất cố gắng để bắt kịp hai kẻ đi trước. Alexa và Google Assistant đã có nhiều năm chinh chiến, với những tính năng mạnh mẽ như hỗ trợ nhiều người dùng, cùng hàng ngàn nhà phát triển đang tạo ra các câu lệnh giọng nói mới cho hai nền tảng này. Apple có khả năng sẽ tập trung mạnh vào mảng âm nhạc với chiếc HomePod, cho thấy một con đường riêng mà Táo khuyết đã vạch ra cho sản phẩm đến sau của họ, cũng như cho thấy một điều: chỉ có cách tập trung vào điểm mạnh cốt lõi, những đối thủ mới trong cuộc chiến trợ lý thông minh mới có thể có cơ hội để toả sáng giữa đám đông!

8. Trí thông minh thực sự

Động thái mới đây của Google cho phép hỗ trợ nhiều hành động khác nhau chỉ bằng một câu lệnh giọng nói thực sự là một điều đáng chú ý với các trợ lý ảo. Đúng là người dùng nên được phép hỏi 2 điều chỉ trong 1 câu hỏi, bởi đó là điều bình thường khi chúng ta nói chuyện với nhau - những con người thực thụ. Đó cũng là lời nhắc nhở rằng những trợ lý ảo ngày nay vẫn còn khá thô sơ, và chỉ cần những thay đổi rất nhỏ cũng có thể sẽ mang lại những trải nghiệm mới tốt hơn nhiều so với ban đầu.

Do đó, trong năm 2018, chúng ta chắc chắn sẽ thấy xu hướng này phát triển mạnh hơn đối với mọi dòng sản phẩm trợ lý ảo.

Theo Tri Thức Trẻ

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang