Từ “Despicable Me” đến “The Secret Life of Pets”: Công thức làm nên thành công của xưởng phim Illumination là gì?

Nội dung đơn giản, hài hước, kinh phí giữ ở mức thấp là một số trong các cách chủ nhân của “Despicable Me” ăn nên làm ra.

Nếu có bài học gì được rút ra sau thương vụ Disney mua lại Pixar, đó là sản xuất phim hoạt hình là một ngành kinh doanh rất sinh lợi nếu bạn biết cách. Các xưởng phim lớn sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đô la để có chỗ đứng vững chắc trong môi trường làm ăn cạnh tranh này.

Quay trở lại năm 2006, Ice Age: The Meltdown thu về khoảng 661 triệu đô la trong đó doanh thu quốc tế gấp hơn hai lần tiền bán vé nội địa. Thành công này được coi như một trong những dấu hiệu đầu tiên chứng minh vòng tay rộng mở của thị trường quốc tế trước dòng phim hoạt hình giải trí kỹ thuật số.

Từ “Despicable Me” đến “The Secret Life of Pets”: Công thức làm nên thành công của xưởng phim Illumination là gì?
Các tác phẩm của Illumination Entertainment

Cùng thời gian đó, Universal Pictures quyết định lên tiếng. Mặc dù vẫn kiếm được bộn bạc từ các thương vụ bắt tay với một số hãng phim hoạt hình khác, nhưng ông lớn của Hollywood này không từ bỏ ý định sở hữu một thứ gì đó lớn lao hơn. Thế là Universal hợp tác với Chris Meledandri – lúc này rời khỏi ghế chủ tịch của 20th Century Fox Animation để tạo nên Illumination Entertainment.

Trong đó, Meledandri sẽ giữ quyền sở hữu sáng tạo đối với các bộ phim của mình còn Universal được phân phối độc quyền và tài trợ cho các sản phẩm của Illumination. Những năm đầu quả là một canh bạc, khi Illumination còn chưa làm ra tiền. Dự án đầu tiên của họ về một ác nhân, bất hạnh thay, lại trùng ý tưởng với Megamind của gã khổng lồ DreamWorks.

Thế nhưng, Despicable Me không bị hủy. Năm 2010, cả hai phim đều được ra mắt. Megamind thu về 321,8 triệu đô trên 130 triệu kinh phí. Despicable Me không chỉ kiếm được nhiều hơn mà còn ấn tượng hơn khi chỉ với hầu bao 69 triệu mà doanh thu lên tới 543,1 triệu đô la. Thế là Illumination vươn lên trở thành một thế lực tại ngành công nghiệp hoạt hình chỉ bằng cú nã đạn đầu tiên.

Từ “Despicable Me” đến “The Secret Life of Pets”: Công thức làm nên thành công của xưởng phim Illumination là gì? 2
Despicable Me(2010) là hiện tượng mới của làng phim hoạt hình

Bộ phim thứ hai của Illumination, Hop (2011) được ra đời một năm sau đó đánh dấu bước phát triển của hãng bằng cách tích hợp công nghệ live-action vào các nhân vật máy tính. Với ngân sách 63 triệu đô la thì doanh thu 184 triệu như dự báo tương lai tươi sáng chỉ riêng về mặt lợi nhuận.

Khi guồng máy đã đi vào quỹ đạo, The Lorax (2012) ra đời với một đà xuất phát không thể tốt đẹp hơn. Phim thu về 348,8 triệu đô từ kinh phí 70 triệu. Một năm sau, Illumination quay trở lại với những con gà đẻ trứng vàng của họ. Despicable Me 2 kiếm được gần một tỉ đô tiền bán vé, biến Gru và tụi Minions trở thành hiện tượng toàn cầu.

Không thể bỏ lỡ cơ hội béo bở này, năm 2015, Illumination quyết định làm phim riêng về những sinh vật “vàng vàng hình viên nhộng” Minions. Và một thế giới “vàng chóe” ngập tràn những ác nhân nhí ngốc nghếch, “đốn tim” đã ra đời.

Từ “Despicable Me” đến “The Secret Life of Pets”: Công thức làm nên thành công của xưởng phim Illumination là gì? 3
Nhiều người vẫn không hiểu tại sao loài sinh vật tạo hình như viên con nhộng này lại có thể thành công tới thế trên màn ảnh

Minions thu về 1.159 tỉ đô la toàn cầu, trở thành mốc son bạc tiền của Illumination Entertainment. Không chỉ hốt bạc từ các phòng vé, Minions còn tạo nên một cơn sốt khắp thế giới khi xuất hiện ở mọi nơi, từ cặp sách, đồ chơi, phụ kiện tới quảng cáo.

Không có dấu hiệu hạ nhiệt, năm 2016, Illumination tung ra The Secret Life of Pets (kinh phí 75 triệu/ doanh thu 875,5 triệu), sau đó là phim hoạt hình ca nhạc Sing (kinh phí 75 triệu/doanh thu 632,4 triệu). Năm nay, họ đưa Gru trở lại với Despicable Me 3 hứa hẹn sẽ tiếp tục khuấy đảo phòng vé với lượng khán giả khổng lồ sẵn có.

Trong khi Disney Animation và Pixar (thuộc Disney) đi theo hướng các phim có tuyến truyện cảm động, sâu sắc thì Illumination không cố gắng làm mủi lòng khán giả. Với nội dung đơn giản, hài hước, tiết tấu nhanh, các phim của hãng mạnh về mặt hình ảnh phục vụ cho lượng khán giả đông đảo đến từ gia đình.

Mục đích của Illumination là tiết kiệm chi phí sản xuất một cách tối đa. Nếu để ý, có thể thấy kinh phí làm phim của Illumination thường khá khiêm tốn, chưa có phim nào vượt qua con số 80 triệu đô nếu so sánh với hầu bao 200 triệu đô trung bình từ các sản phẩm của Pixar.

Meledandri trả lời phỏng vấn Hollywood Reporter“Nếu bạn có trong tay các tài năng hàng đầu thế giới thì câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tận dụng tài năng đó theo cách ít lãng phí nhất.”

Từ “Despicable Me” đến “The Secret Life of Pets”: Công thức làm nên thành công của xưởng phim Illumination là gì? 4
​“Despicable Me 3” hứa hẹn sẽ tiếp tục là một bom tấn tại rạp trong năm nay

Một trong những cách để họ hiện thực hóa điều đó là khi Universal quyết định mua đứt một xưởng hoạt hình Pháp chịu trách nhiệm cho Despicable Me năm 2011. Mac Guff Line sau đó đổi tên thành  Illumination Mac Guff. Thay vì bỏ ra núi tiền để thuê ngoài, Illumination giữ các tài năng dưới mái nhà của họ.

Thành công của các phần Despicable Me một phần lớn nhờ vào Minions. Có thể nói nhân vật này là con gà đẻ trứng vàng của Illumination trong cuộc đua giữa các hãng phim hoạt hình. Sau Despicable Me 3, hãng sẽ còn ra phim ăn theo các bầy “tiểu yêu da vàng” thêm một thời gian nữa, với Minions 2 ra mắt năm 2020 và rất có thể là Despicable Me 4.

Ngoài ra, Illumination sẽ tiếp tục tung các phần tiếp theo cho The Secret Life of Pets và Sing. Trong năm 2018, hãng sẽ ra mắt một phim hoàn toàn mới  How the Grinch Stole Christmas dựa trên truyện ngắn nổi tiếng cùng tên với hy vọng đạt được thành công tương tự. Miễn là khi các gia đình còn có được những trận cười thoải mái tại rạp thì khi đó Illumination vẫn còn có thể mỉm cười mãn nguyện.

Theo Muzuco

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang