Vì sao lại có quá nhiều thú cưng bị thừa cân?

Việc càng ngày càng nhiều thú cưng ở trạng thái thừa cân đang là lời cảnh bảo đến người người chủ về chế độ ăn uống của chúng

Những chia sẻ bên dưới dựa theo lời chia sẻ của Bác sĩ Deborah Linder, trưởng khoa Phòng chống béo phì cho vật nuôi thuộc Đại học Tufts, Mỹ được in trong ấn phẩm mới nhất của The Conversation.

Khi tôi nhìn vào lịch làm việc hôm nay, hình như có một điều gì đó sai sai. Khách hàng của tôi là một người đang làm việc tại trung tâm thể hình. Anh ta sẽ mang con mèo của mình đến khoa Phòng chống béo phì cho vật nuôi thuộc ĐH Tufts. Chắc anh ta chỉ định nghiên cứu sự khác nhau giữa việc giảm cân cho một con người và một… con mèo thôi chứ nhỉ? Hay anh ta định nhờ tôi lên cơ bắp cho con vật đó?!

Mọi việc cứ như đùa khi tôi đón anh ta ở sảnh, một người đàn ông điển trai với cơ thể không có một chút mỡ thừa, đang cắp theo một chú mèo nặng tới… 9kg thịt (hoặc mỡ). Tôi không thể giữ nổi phép lịch sự mà hỏi thẳng anh ta rằng, tại sao một người với kinh nghiệm đầy mình về một hình thể đẹp lại phải mang mèo của mình tới bác sĩ thú y để chữa béo? Tại sao anh không bắt nó tập luyện để giữ "form chuẩn" giống như những gì mà hàng ngày anh vẫn làm để giúp mọi người tại phòng tập gym?

"À thì, tôi đã bảo nó, đừng ăn nữa, xấu lắm rồi đấy, Bánh Bơ ạ. Làm vài cái chống đẩy nhé!"

"Nhưng sao nó lại thành ra thế này?"

Với một giọng nói đầy tội lỗi, anh đáp "Linder à, cô biết đấy, nó ngước lên nhìn tôi và meo meo. Và thế là…"

Mèo ú không hạnh phúc

Thú cưng thừa cân không phải đối mặt với sự kỳ thị giống như con người, tuy nhiên những ảnh hưởng của béo phì lên sức khỏe và cảm xúc thì người hay chó mèo thì cũng đều như nhau.

Béo phì ở động vật có thể gây ra những biến chứng xấu tại hầu hết các cơ quan trong cơ thể, và là tiền đề gây ra các chứng bệnh liên quan như tiểu đường và viêm xương khớp.

Vì sao lại có quá nhiều thú cưng bị thừa cân?

Chủ của chúng thường nói rằng, họ không quan tâm lắm đến việc thú cưng của mình bị gọi là béo, vì càng béo thì lại càng đáng yêu. Nhưng họ đâu biết rằng chỉ cần vượt 20% ngưỡng thừa cân thì thú cưng có nguy cơ giảm 1,8 năm tuổi thọ. Ngoài ra, một nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì có thể gây những hậu quả lên tinh thần và cảm xúc cho thú cưng.

Lượng mỡ dư thừa làm giảm chất lượng cuộc sống, gây đau đớn và xáo trộn về mặt cảm xúc. Nhưng đừng lo quá! Giống như con người, thú cưng cũng có thể giảm cân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng giảm cân thành công.

Loài người thể hiện tình yêu thông qua đồ ăn

Trong một nghiên cứu khác, tỷ lệ giảm cân thành công ở loài chó chỉ đạt mức 63%. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Liệu có phải thức ăn của chúng có lượng calories quá cao? Hay chúng không được tập luyện một cách hợp lý? Dựa vào kinh nghiệm trong việc chống béo phì cho vật nuôi, thì tôi cho rằng những điều kể trên chưa phải là nguyên nhân chủ yếu.

Thực chất, vấn đề nằm ở cách con người tiếp cận các biện pháp giảm cân cho vật nuôi. Chúng ta chỉ tập trung vào việc thiết kế các bữa ăn hợp lý, xây dựng các kế hoạch tập luyện cho chúng, tuy nhiên lại không đủ cứng rắn để thực hiện tất cả những điều đó.

Vì sao lại có quá nhiều thú cưng bị thừa cân? 2

Các nhà khoa học trong ngành đều cho rằng để chống béo phì cho vật nuôi một cách hiệu quả, chúng ta nên tập trung vào sự gắn kết giữa con người và vật nuôi, hơn là mối quan hệ giữa vật nuôi và thức ăn. Điều quan trọng là chủ của chúng có sẵn sàng thay đổi và vượt qua thử thách để giảm cân cho thú cưng của mình.

Điều này khá hiển nhiên bởi bạn biết đấy, thú cưng không thể tự mở tủ lạnh và lấy thức ăn được đúng không? Do có một sự gắn kết sâu sắc về mặt cảm xúc và tâm lý, chúng ta thường đối xử với chó mèo như một thành viên chính thức trong gia đình. Vì vậy khi nhìn vào đôi mắt "ngây thơ vô số tội" của chúng, không nhiều người có đủ cứng rắn để có thể tuân theo kế hoạch ban đầu, giống như vị huấn luyện viên thể hình ở trên vậy.

Cần lắm một mối quan hệ chủ - vật nuôi lành mạnh hơn

Việc chống béo phì cho thú cưng yêu cầu sự tham gia của cả bác sĩ thú y, dược sĩ và các nhà tâm lý thì mới có thể giải quyết các vấn đề trên một cách triệt để.

Rất nhiều bệnh viện thú y hiện nay đang thuê các nhân viên xã hội để giúp bác sĩ thú y hiểu rõ hơn về khía cạnh tình cảm trong mối quan hệ người - thú nuôi, và cách chúng ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe cho thú cưng. Ví dụ, một người có vợ/chồng vừa qua đời có thể sẽ chia sẻ hộp kem mỗi tối với chú chó của mình như một đối tượng thay thế để khỏa đi nỗi lòng. Một nhân viên xã hội với kiến thức tâm lý học sẽ có thể giúp thiết lập một kế hoạch mà trong đó sự kết nối và yêu mến của chủ vật nuôi không ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.

Và với bài chia sẻ này, tôi hi vọng có thể thay đổi phần nào cách mọi người thể hiện tình yêu của mình đối với vật nuôi thông qua đồ ăn. Cần nhớ rằng, thú nuôi béo dù có đáng yêu thật, nhưng không hề tốt một chút nào đâu.

Theo Trí Thức Trẻ

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang