Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh

Game of Thrones, Westworld, The Crown,... chi hơn trăm triệu cho mỗi mùa phát sóng.

Chi hàng trăm triệu để đầu tư sản xuất các bộ phim truyền hình không còn là điều xa lạ trong cuộc đua của các nhà sản xuất, nhiều nhà đài đã may mắn thu lại được “quả ngọt” đáng đồng tiền bát gạo nhưng cũng có không ít lần họ cảm thấy nuối tiếc vì đã “vung tay quá trán”.

12. Game of Thrones (2011 - 2018)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh

Ngân sách trung bình: 8 triệu USD/tập

Game of Thrones khởi đầu với ngân sách thuộc dạng khủng so với các đối thủ cùng thời, trung bình 5 triệu USD cho 1 tập phát sóng. Nhưng càng về sau, mức độ hoành tráng ngày càng tăng cao, ngoài số lượng diễn viên khổng lồ, trang phục thiết kế 100%, bối cảnh đắt đỏ, chi phí cho kĩ xảo đã chiếm hết 60% ngân sách, nên ở những Season 5, 6 và 7 đã có lúc Game of Thrones chạm mốc 10 triệu USD cho mỗi 60 phút trên truyền hình.

Tính ra cả mùa phim được HBO đầu tư không thua gì một bộ phim điện ảnh thứ thiệt, góp phần ghi tên mình vào bảng danh sách những series "đốt tiền" nhất hành tinh. Nhưng Game of Thrones chỉ là sự khởi đầu trong danh sách này!

11. Sense8 (2015 - 2018)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 2

Ngân sách trung bình: 9 triệu USD/tập

Series do chị em nhà Wachowski cầm trịch kể về câu chuyện của 8 người khác nhau trên khắp thế giới có mối "liên kết" kì lạ, đó chính là một trong những lý do vì sao chi phí sản xuất của bộ phim này lại cao đến như thế. Đoàn phim đa sắc tộc phải di chuyển đến 11 quốc gia và hơn 16 thành phố liên tục trong nhiều tháng, chưa kể thù lao của các diễn viên cũng rất cao khiến cho mọi thứ "đội giá" ngất ngưởng.

Điều đáng nói là sau khi ra mắt năm 2015, khán giả Mỹ  không mấy mặn mà với Sense8, chính điều đó đã làm cho Netflix cân nhắc rất nhiều, cộng thêm thời gian sản xuất khá dài của phần 2, phải quay lại nhiều lần (do diễn viên hét cát-xê và rút vai) khiến cho Sense8 bị vượt ngân sách. Điều này dẫn đến việc Netflix buộc lòng phải hủy bỏ phim sau hai phần.

Dù không được khán giả quê nhà đón nhận nhưng fan quốc tế của Sense8 lại rất đông đảo. Một chiến dịch kêu gọi "cứu phim" đã diễn ra và có đến hơn 500.000 chữ kí gửi đến Netflix. Chính sự yêu mến đó đã giúp Sense8 có thêm 1 tập phim kết thúc sẽ ra mắt vào năm 2018.

10. Marco Polo (2014 - 2016)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 3

Ngân sách trung bình: 9 triệu USD/tập

Là bộ phim đầu tiên "mang tiếng" bị hủy của Netflix, lấy bối cảnh Châu Á dưới thời Thành Cát Tư Hãn. Marco Polo đã tốn rất nhiều kinh phí cho việc xây dựng bối cảnh như thật và các pha hành động đánh đấm, cháy nổ vô cùng mãn nhãn, bên cạnh tiền cát sê không hề nhỏ cho một dàn diễn viên khổng lồ.

Marco Polo bỗng dưng trở thành cái máy "đốt tiền" của Netflix trong khi chẳng gây được tiếng vang ở Âu - Mỹ, thậm chí cả thị trường Châu Á. Hoành tráng là thế nhưng câu chuyện về nhà thám hiểm Châu Á Marco Polo lại lỏng lẻo và chưa có sức thuyết phục, bị giới phê bình "dập" không thương tiếc. Thế nên sau khi cân nhắc tình hình tài chính, Marco Polo là series truyền hình đầu tiên Netflix buộc lòng hủy bỏ chỉ sau 2 mùa chiếu.

9. Westworld (2016 - )

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 4

Ngân sách trung bình: 9 triệu USD/tập

Westworld là ngôi sao mới của HBO và mùa giải thưởng 2017. Phim kể về một công viên giải trí khổng lồ mô phỏng không gian miền viễn Tây, ở đây, con người sáng tạo ra những robot giúp du khách mua vui bằng việc bắn giết và làm tình. Dần dần, nhóm robot vật chủ nổi dậy lật đổ những kẻ thống trị.

Gây tò mò từ lúc mới có thông tin sản xuất, series giả tưởng của HBO đã ngốn hơn 100 triệu USD cho quá trình sản xuất phần đầu tiên, chưa kể ngân sách quảng bá. Số tiền lớn nhất được chi cho dựng bối cảnh hoành tráng gồm công viên hoang dã miền viễn Tây và bối cảnh tương lai. Đặc biệt, số lượng diễn viên thuộc hàng "khủng" nhất nhì các series truyền hình hiện nay cũng góp phần đưa series vào Top những phim truyền hình đắt đỏ nhất hành tinh.

8. Vinyl (2016)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 5

Ngân sách trung bình: 9 triệu USD/tập

Trong năm 2016, HBO đã chi rất nhiều tiền sản xuất những series mới với tham vọng lớn. Nếu Westworld thành công vang dội thì ngược lại, Vinyl - series về nhạc rock đã gặp thất bại và phải chịu thảm cảnh huỷ bỏ chỉ sau phần đầu tiên.

Tuy vậy, Vinyl cũng kịp "đốt" hơn 100 triệu của HBO cho những bản nhạc phim được sáng tác riêng, phục dựng những sân khấu nhạc rock hoành tráng những năm 70. Đây là một cú ngã đau mà chắc hẳn HBO không muốn nhắc tới một chút nào.

7. Rome (2005 - 2007)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 6

Ngân sách trung bình: 9.5 triệu USD/tập

Thiết kế trang phục ấn tượng, bối cảnh được tái tạo chân thực cùng dàn diễn viên kể đến mai không hết đã khiến bộ phim Rome tốn tới gần 10 triệu đô cho 1 tập. Cũng chính vì chi phí làm phim quá tốn kém nên đứa con hợp tác của HBO và BBC chỉ có thể sản xuất hai phần, mỗi phần cách nhau 2 năm. Bất chấp sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và ratings ở mức khá, cuộc chiến thành Rome nổi tiếng lịch sử đành nói lời tạm biệt với khán giả.

6. Friends (1994 - 2004)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 7

Ngân sách trung bình: 10 triệu USD/tập

Một cái tên đã quá nổi tiếng, là sitcom duy nhất trong danh sách này, vỏn vẹn 20 phút/tập, tại sao Friends lại mất đến hơn 10 triệu tiền sản xuất? Cũng dễ hiểu thôi, Friends của kênh NBC không chỉ là một phim hài bình thường mà có tầm ảnh hưởng đại chúng sâu rộng, ratings thuộc dạng "siêu khủng" và sở hữu một dàn "siêu sao" lúc bấy giờ.

Nhà sản xuất đã phải trả tới 1 triệu đô/1 tập cho mỗi diễn viên chính (tính ra các diễn viên chỉ xuất hiện vài phút và kiếm được 1 triệu đô). Với việc có tới sáu nhân vật chính chưa kể chi phí khác, dĩ nhiên số tiền bỏ ra theo đó cũng đã vượt xa ngân sách thông thường của một bộ phim hài cách đây hơn một thập kỉ.

5. The Get Down (2017)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 8

Ngân sách trung bình: 11 triệu USD/tập

Trào lưu phim chính kịch âm nhạc với sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Empire và đài FOX đã khiến các "ông lớn" nhanh tay đổ bạc triệu vào sản xuất để bắt kịp xu hướng và tận dụng tối đa sức nóng.

Chính vì thế, Netflix đã “thổi bay” 130 triệu đô cho phần đầu tiên của series ca nhạc The Get Down. Dù đánh vào đối tượng là cộng đồng da màu với dòng nhạc underground độc đáo, thậm chí được đánh giá cao hơn hẳn Vinyl nhưng điều đó cũng không thể giúp The Get Down được sản xuất thêm bất kì một tập phim nào nữa, vì chi phí thật sự quá đắt đỏ.

4. Band of Brothers (2001)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 9

Ngân sách trung bình: 12.5 triệu USD/tập

Đã từng đứng đầu Top những phim truyền hình "đắt xắt ra miếng", mini-series nổi tiếng của HBO tốn hàng triệu USD cho những cảnh cháy nổ trong bối cảnh Thế chiến thứ 2. Trong quá trình sản xuất, đoàn phim đã phải di chuyển đến hơn 11 địa điểm khác nhau trên khắp châu Âu và dựng phim trường rộng hơn hàng chục km.

Câu chuyện về đội lính biệt kích dù này đặc biệt còn phải dành thêm kha khá kinh phí vào ngân sách marketing như các buối chiếu sớm, các sự kiện dành cho những cựu binh và vận động hành lang cho những giải thưởng quan trọng.

3. ER (1994 - 2009)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 10

Ngân sách trung bình: 13 triệu USD/tập

Khi nhắc đến những phim truyền hình đắt đỏ nhất, không ai lại bỏ qua ER. Chuyện phim xoay quanh một bệnh viện ở Chicago, bối cảnh không có gì đặc biệt, phim quay trong studio, phục trang chỉ toàn là áo blouse, khởi động những season đầu tiên với ngân sách vừa phải chỉ 2 triệu USD, vậy tại sao đài NBC lại tốn đến 13 triệu/tập?

Câu trả lời nằm ở dàn diễn viên toàn "sao bự" của ER và độ dài của nó. Những cái tên như George Clooney, Julianna Margulies, William H. Macy,… đã ngốn kha khá tiền cát xê của NBC, đặc biệt là từ Season 4 đến Season 6 khi hàng loạt diễn viên đinh của phim muốn dứt áo "ra đi". Bộ phim kéo dài tận 15 năm, càng về sau càng đắt đỏ, chính vì thế E.R nghiễm nhiên trở thành huyền thoại của các medical drama mà có lẽ khó có series nào sau này vượt qua được.

2. The Crown (2017 - )

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 11

Ngân sách trung bình: 14 triệu USD/tập

The Crown thực sự đã phá kỉ lục trong lịch sử làm phim truyền hình khi tiêu tốn tới 140 triệu chỉ cho 10 tập của phần đầu tiên. Xoay quanh cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II, The Crown “đốt tiền” của Netflix bằng những bối cảnh xa hoa, tráng lệ, phục trang thiết kế tinh tế đến từng chi tiết. Những tiểu tiết nhỏ như tẩu thuốc, gạt tàn, hay xe hơi xuất hiện trong phim đều được liệt vào hàng đồ cổ cực hiếm.

Sắp tới đây, phần hai của phim chắc chắn sẽ còn tiếp tục khiến khán giả phải ngỡ ngàng với mức độ “ngốn” kinh phí sản xuất hơn nữa và thay thế vị trí đầu tiên của The Pacific đã nắm giữ suốt 8 năm nay.

1. The Pacific (2010)

Top phim truyền hình đắt đỏ không thua kém bom tấn điện ảnh 12

Ngân sách trung bình: 20 triệu USD/tập

Ngay khi vừa có ý tưởng, HBO đã thông báo đến toàn thế giới rằng mình đang bắt tay vào thực hiện phim truyền hình đắt đỏ nhất hành tinh. Và quả thật vậy, khi báo cáo tài chính của The Pacific được công bố, khán giả và giới phê bình đã há hốc mồm với độ chịu chi của HBO khi mini-series 10 tập này đã lấy đi con số chính xác là 217 triệu USD.

Vậy bạn có thắc mắc số tiền đó "chảy" về đâu cho series đắt nhất hành tinh này? Vì câu chuyện là cuộc chiến diễn ra ở rất nhiều đảo trên Thái Bình Dương nên việc tìm bối cảnh, dựng phim trường, làm việc với hơn 300 diễn viên/ngày cũng đã tiêu tốn đến 5 triệu đô, chi phí trả cho biên kịch, các diễn viên phụ, trang phục và các dụng cụ thời chiến tranh cũng tiêu tốn trung bình hơn 500 nghìn đô/ngày, chưa kể phần kĩ xảo cháy nổ.

Sau khi ra mắt, với sự đầu tư có phần đúng đắn đã giúp The Pacific thiết lập nên một cột mốc mới, cột mốc mà khoảng cách giữa điện ảnh và truyền hình không xa là bao.

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang