“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công

Dù phần đầu tiên của “It” gặt hái thành công khổng lồ, điều này không đồng nghĩa phần tiếp theo sẽ đủ khả năng tiếp bước.

Sau thành công của It: Chapter One, hãng Warner Bros. đã nhanh chóng thông báo phần hai sẽ ra mắt vào ngày 06.09.2019.

Tính đến nay, It đã cán mốc 500 triệu USD toàn cầu, vượt mặt The Exorcist (1973) để trở thành phim thuần kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Đích đến tiếp theo là kỷ lục 672.8 triệu USD của The Sixth Sense (1999). Tuy nhiên, điều này cũng đặt áp lực không nhỏ cho phần tiếp theo lấy bối cảnh 27 năm sau với phiên bản lớn của Losers’ Club. Trước sự tái xuất của It, bảy người bạn năm nào phải trở lại thị trấn Derry để tiêu diệt thực thể siêu nhiên một lần và mãi mãi.

Dù phần một vẫn đang chiếu ngoài rạp nhưng đã đến lúc, các fan của It tò mò và bàn tán về việc diễn viên nào sẽ được chọn tham gia phần hai. Các ứng cử viên đã được cộng đồng mạng đề cử suốt những tuần qua. Cả đạo diễn Andy Muschietti cũng hé lộ một chút về phần hai đen tối và nặng nề hơn phần đầu tiên.

Trong lúc chờ đợi những thông tin chính thức từ Warner Bros., chúng ta hãy cùng điểm qua 9 điều mà các nhà sáng tạo nên chú ý để phần hai tiếp nối thành công vượt bậc của phần một.

1. Chọn dàn diễn viên chính ít tên tuổi

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công

Doanh thu khổng lồ của phần một đã tạo điều kiện để các nhà sản xuất chiêu mộ dàn diễn viên tên tuổi thủ vai phiên bản lớn của Bill, Beverly, Richie, Stan, Eddie, Mike và Ben. Đạo diễn Andy Muschietti cũng đã nhắm Jessica Chastain cho vai Beverly. Nhìn lại phần một, ngoại trừ Jaeden Lieberher (vai Bill) và Finn Wolfhard (vai Ritchie), các diễn viên nhí còn lại đều là những gương mặt mới toanh trên màn ảnh. Khán giả cũng sẽ chẳng biết Jaeden và Finn là ai nếu họ không theo dõi series Masters of Sex và Stranger Things.

Chính điều này đã khiến cho Chapter One tạo được cảm giác chân thực, tươi mới với một đám trẻ thật sự, không phải những ngôi sao nhí đình đám tại Hollywood. Phần hai ắt hẳn sẽ mất đi ấn tượng này nếu khán giả nhìn thấy những ngôi sao như Chris Pratt hay Amy Adams bị Pennywise khủng bố. Vì thế, phần hai nên hạn chế sự tham gia của các sao lớn. Chẳng hạn, thay vì Amy Adams, đạo diễn hoàn toàn có thể chọn một diễn viên khác có ngoại hình tương tự nhưng ít tên tuổi hơn, như JoAnna Garcia.

2. Không nên giải thích cặn kẽ nguồn gốc của It

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 2

Một trong những điều Chapter One đã đúng đắn là không đề cập quá chi tiết nguồn gốc của It. Bởi loài quái vật càng sáng tỏ thì càng bớt đáng sợ. Khán giả chỉ cần nhìn thấy It dưới hình dạng của một tên hề với cái mồm đầy răng nhọn đã đủ rùng rợn, không cần thiết phải giải thích cặn kẽ nguồn gốc ngoài hành tinh của It.

Từ khái niệm Macroverse (Vũ trụ vĩ mô) đến các linh thú bảo vệ thế giới, những tình tiết này dường như quá lớn để nhồi nhét vào một tập phim. Các nhà sản xuất sẽ càng sai lầm nếu cố tình “vắt sữa” Itđể mở rộng nó thành một loạt phim nhiều tập hay thậm chí là một phần trong “vũ trụ kinh dị Stephen King”. Thay vào đó, phần hai chỉ nên đào sâu vào những gợi ý của Chapter One về sự hoành hành của It trong lịch sử thị trấn Derry.

3. Tăng độ bạo lực cho các cảnh giết chóc

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 3

Cảnh khiến khán giả há hốc nhất trong It chắc chắn là cảnh mở đầu kinh điển – cái chết của cậu bé Georgie. Mãi đuổi theo con thuyền giấy trôi trên dòng nước mưa, Georgie chạm mặt tên hề Pennywise dưới cống, bị tên hề dụ dỗ và lãnh một cái kết bi thảm. Cảnh phim kinh hoàng này có nhịp dựng hoàn hảo khiến khán giả bị lôi cuốn vào bộ phim và nhận ra mức độ dã man của It.

Chapter Two sẽ mở đầu tương tự (nếu đạo diễn không thay đổi so với tiểu thuyết) với cái chết của chín đứa bé tại Derry, báo hiệu sự trở lại của It. Trong đó bao gồm một đứa bé hai tuổi bị sát hại và những đứa con lại được tìm thấy với thi thể mất đầu hoặc bị xé toạc.

Để vượt qua những chiêu hù doạ vốn đã mất tác dụng sau phần một, Chapter Two cần phải gia tăng mức độ bạo lực và kinh hoàng trong những cảnh phim đặc tả thế này.

4. Cẩn thận với bối cảnh văn hoá

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 4

Sự thay đổi mốc thời gian trong phim khác với tiểu thuyết là một trong những quyết định mạo hiểm, nhưng cuối cùng lại được khán giả vô cùng yêu thích. Câu chuyện của Stephen King bắt đầu với các thành viên Losers’ Club vào những năm 1984 – 1985 hồi tưởng lại những kí ức thời niên thiếu năm 1957 – 1958. Trong khi đó, It: Chapter One theo chân các cô, cậu bé vào cuối thập niên 80, đồng nghĩa phần hai sẽ diễn ra vào khoảng năm 2017.

Lợi thế của phần một là bối cảnh của một thời đã xa, nên những yếu tố gợi nhớ không khí thời đại dễ khiến khán giả yêu thích. Chẳng hạn việc Ben cuồng nhóm New Kids on the Block đã gia tăng sự hài hước – lãng mạn cho phim. Còn khi chuyển bối cảnh sang phần tiếp theo, nếu thêm thắt quá nhiều yếu tố văn hoá không khéo sẽ khiến phim kém duyên. Một đề cử lý tưởng mà It: Chapter Two nên thêm vào là Stranger Things – loạt phim truyền hình gây sốt có bối cảnh thập niên 80 và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các tác phẩm của Stephen King.

Một điều nữa nên nhớ là trong tiểu thuyết, các thành viên của Losers’ Club chiến thắng It bằng sức mạnh tình bạn, bằng cách kề vai sát cánh bên nhau. Trong bối cảnh hiện đại với sự hiện diện của điện thoại thông minh, mạng xã hội và hàng tá thiết bị công nghệ cao, con người liên lạc dễ dàng hơn nhưng cũng vì thế mà thiếu sự tiếp xúc, kết nối thật sự với nhau. Phần hai nên cẩn thận xử lý những yếu tố này để tránh làm mất giá trị, ý nghĩa của tác phẩm.

5. Phát triển nhân vật Stanley

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 5

Những ai đã đọc tiểu thuyết hay xem bản phim 1990 đều biết rõ Losers’ Club sẽ không còn đầy đủ bảy thành viên khi trở lại Derry. Nhân vật ra đi đầu tiên không ai khác chính là Stan – cậu bé rụt rè, nghiêm túc và luôn miễn cưỡng tham gia vào cuộc đối đầu với It. Sau khi nhận được tin It trở lại từ Mike, Stan – vốn mắc hội chứng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) đã tự tử vì không muốn đối diện với con quái vật kinh hoàng thêm một lần nào nữa. Sự ra đi của Stan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của các thành viên còn lại và khiến cuộc chiến đấu lần hai trở nên nặng nề và u ám.

Stanley không được nhiều khán giả yêu thích bởi bản thân nhân vật đã thiếu nổi bật. Vì thế, để tạo ra ảnh hưởng lớn về mặt cảm xúc, phần hai nên dành thời lượng phát triển nhân vật này trước khi kết thúc tuyến truyện của Stan để khán giả thương cảm nhiều hơn.

6. Nên sử dụng nhiều hiệu ứng thực tế

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 6

Chapter One đã chứng minh các hiệu ứng thực tế đáng sợ hơn các hiệu ứng CGI. Khoảnh khắc tên hề Pennywise bất ngờ lộ mặt sau một quả bóng bể chắc chắn khiến bạn giật mình nhiều hơn người đàn bà mặt biến dạng trong tranh. Những pha hù doạ càng chân thực thì càng hiệu quả.

Một trong những cảnh phim yêu thích của fan trong phần hai là bữa ăn tại nhà hàng Trung Hoa, khi cả nhóm mở bánh ra thì bên trong xuất hiện máu, phôi thai chim và những tròng mắt lăn long lóc. Đây là một cảnh tượng kinh tởm và rùng rợn mà không cần sự hỗ trợ của CGI.

7. Nên để Henry Bowers chết hẳn

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 7

Theo như tiểu thuyết, Henry Bowers - kẻ cầm đầu nhóm bắt nạt, đã loạn trí sau khi đối mặt với It và bị nhốt trong một trại tâm thần. Hắn sẽ được It giải thoát, quay lại báo thù các thành viên Losers’ Club, gồm cả việt đâm Mike trọng thương.

Phiên bản điện ảnh đã thay đổi điều này và để Henry té xuống giếng. Chưa rõ hắn còn sống hay đã chết, nhưng tốt nhất đạo diễn nên để nhân vật này “ra đi thanh thản”. Nếu Henry Bowers thật sự đóng vai trò quan trọng trong mạch truyện thì phần hai cần phải hợp lý hoá cách xuất hiện của hắn để tránh đánh mất sự logic. Không gì gây khó chịu hơn việc Henry Bowers đột nhiên xuất đầu lộ diện trong hồi ba như một cú twist khiến Losers’ Club phải khốn đốn.

8. Giảm yếu tố hài

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 8

“Hài hước, Rùng rợn và Nhân văn” là ba yếu tố làm nên thành công của Chapter One. Phim không chỉ hù doạ người xem mà còn mang đến những thước phim tuổi thanh xuân trong trẻo, đáng yêu. Thế nhưng, câu chuyện trong phần hai sẽ vô cùng đen tối, và vì thế, hài hước không thể là yếu tố cần được phát huy. Tất nhiên điều này không có nghĩa bầu không khí trong phim hoàn toàn ảm đạm, nhưng những khoảnh khắc gây cười cần đúng lúc, đúng chỗ với tần suất vừa phải.

Đây cũng là ý định của đạo diễn Andy Muschietti. Anh cho biết nhân vật Mike sẽ phải chịu đựng nhiều bi kịch trong phần hai và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các nhân vật còn lại.

9. Cảnh tử chiến cuối cùng phải thật rùng rợn

“It: Chapter Two”: 9 điều nên làm để tiếp tục thành công 9

Cảnh chiến đấu của Losers’ Club với It trong đoạn cao trào phần một được thực hiện theo lối làm phim hành động với máy quay cầm tay và cách cắt dựng nhanh, vì thế, nó không thật sự đáng nhớ. Nếu muốn phần hai để lại ấn tượng mạnh mẽ, cảnh đánh bại It phải là trận huyết chiến sinh tử. Nó phải đủ đẫm máu để khiến khán giả lo sợ cho sinh mạng của các nhân vật và ghê tởm với sự tàn bạo của It.

Đăng Lê

(Nguồn: IndieWire)

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang