"Smartphone AI đích thực" của Huawei hóa ra cũng chỉ toàn những tính năng cơ bản
Khi cả thế giới dõi theo iPhone X và rồi choáng váng với Pixel 2, có một kẻ đứng ngoài tự dương tự đắc rằng họ có thể tạo ra "smartphone AI đích thực". Nhưng kết quả không được như mong đợi.
Nếu bạn chỉ chọn ra một từ duy nhất để nói về smartphone năm 2018, thì đó chắc chắn phải là AI. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, 3 ông lớn smartphone là Apple, Google và Huawei đã lần lượt ra mắt các mẫu smartphone có chip tùy biến riêng để phục vụ cho AI. Apple đã luôn tự thiết kế phiên bản ARM của riêng mình, Google ra mắt “Pixel Visual Core”, còn Huawei ra mắt Mate 10 với chip “NPU”.
Trong 3 ông lớn này, Huawei là kẻ “mạnh miệng” nhất. Gã khổng lồ Trung Quốc đã từng “đá đểu” Apple khi tuyên bố Mate 10/Mate 10 Pro sẽ là “smartphone AI đích thực”. Trong ngày ra mắt, Huawei khẳng định chip Kirin 970 có thể đánh bại A11 Bionic trong các tác vụ máy học như nhận diện hình ảnh.
Vấn đề là ở chỗ, Huawei đang muốn người dùng hiểu “AI lối mòn” thành “AI đích thực”.
Có lẽ Huawei không để ý đến sự thật rằng "nhận diện mèo" là bài toán được Google sử dụng để mở ra một kỷ nguyên AI mới từ 5 năm trước khi Pixel 2 và Mate 10 ra mắt.
Nhưng những gì Huawei thể hiện được lại không phản ánh chính xác tầm nhìn đó. Một tuyên bố khác của Huawei khẳng định “Ứng dụng AI trên điện thoại sẽ tập trung vào 3 tính năng: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện âm thanh và nhận diện hình ảnh”. Bất kỳ một ai có chút hiểu biết về máy học đều sẽ hiểu, nhận định ấy cũng hiển nhiên không kém gì “điện thoại thì phải nghe gọi được”.
Bởi đi theo một tầm nhìn “đơn sơ” như vậy nên các tính năng AI trên Mate 10 đang tỏ ra cực kỳ... bình thường. Nhận diện khung cảnh để tự tùy chỉnh hình ảnh (làm cho màu sắc chụp hoa quả đậm hơn), dịch ký tự trên hình ảnh, theo dõi nhu cầu của người dùng (trong trường hợp của Mate 10 là để ưu tiên sức mạnh xử lý cho các app hay dùng) là các tính năng “đỉnh” trên mẫu smartphone Trung Quốc số 1 của năm nay.
Cách Huawei dùng AI để cải thiện trải nghiệm người dùng mới chỉ ngang tầm với Samsung, và vẫn còn kém Apple hay Google rất xa.
So với những gì Apple và Google đang mang đến, cách thực thi AI trên Mate 10 không có gì mới mẻ cả. Huawei không thiết kế được một module camera riêng để áp dụng neural network vào bảo mật. Huawei không thể nhận diện bài hát không cần đám mây chỉ trên biểu mẫu 500MB như Google. Tính năng nhận diện khung cảnh trong khuôn hình camera trên Mate 10 tỏ ra hoàn toàn kém cạnh so với các thuật toán máy học dùng để dựng hình AR trên không gian 3D thật – vốn đã có mặt trên iPhone 8, iPhone X và Pixel 2/2 XL.
Hoặc, tính năng "học" thói quen người dùng để cải thiện hiệu năng app hoặc thời lượng pin cũng không quá khác với những gì Apple đã công bố suốt từ WWDC 2017 cho đến sự kiện iPhone diễn ra vào tháng trước. Tất cả các sự kiện này đều được tổ chức trước sự kiện Mate 10, và đều bị Huawei đá xoáy là... chưa phải AI "đích thực".
Huawei phải nhờ cậy đến Bing Translator, còn Google thì có... đầy đủ thế mạnh AI của Google.
Đáng chú ý nhất, tính năng dịch của Huawei Mate 10 đến từ Microsoft chứ không phải là do công ty Trung Quốc tự phát triển. Ứng dụng này không hề hỗ trợ giọng nói trong khi Apple, Google hay thậm chí Samsung đều đã có trợ lý ảo của riêng mình. Riêng Google thậm chí còn làm được "bảo bối" Pixel Buds để dịch giọng nói tự động.
Dĩ nhiên, những điểm yếu kém so với Google và Apple cũng không làm lu mờ sự thật rằng Huawei đang tiến xa nhất trong số các nhà sản xuất Android độc lập: đến cả Samsung cũng mới chỉ đang phát triển chip AI riêng cho Galaxy S9. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New Paper (Singapore), giám đốc marketing của Huawei, Tom Chen khẳng định “Tôi thấy nhiều nhà sản xuất sẽ ra mắt các mẫu điện thoại có tính năng AI trong năm sau, giống như những chiếc điện thoại này của Huawei”.
Có vẻ như tên tuổi smartphone số 1 Trung Quốc đang cố đặt mình vào vị trí “tiên phong” cho AI - theo cùng một cách Huawei "ám chỉ" ảnh chụp từ DSLR Canon là do P9 chụp.
Thực chất, sự tương phản giữa thực tại và những tuyên bố "mạnh miệng" của Huawei cho thấy một sự thật rõ ràng: nhắc đến AI, máy học hay mạng neuron không chỉ là nhắc đến cấu hình, không chỉ là marketing suông. Gã khổng lồ Trung Quốc có thể tạo ra những chiếc điện thoại rẻ hơn, cấu hình mạnh hơn – thậm chí là cả chip “NPU” mạnh hơn trên các tác vụ nhận diện hình ảnh. Song, một thế lực AI thực thụ không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm làm phần cứng mà còn đòi hỏi cả thế mạnh về phần mềm, vốn là một lĩnh vực luôn luôn xa vời với các OEM Android.
Huawei thậm chí còn không kiểm soát hệ điều hành, làm sao có thể đọ lại với CoreML của Apple, làm sao có thể thu hút kho chất xám của các lập trình viên Android? Nếu đã thua kém về mọi mặt như vậy, tại sao Huawei còn mạnh miệng tuyên bố về “smartphone AI đích thực” nữa?
Nguồn tổng hợp
Bài cùng chuyên mục