Bạn có biết chiếc điện thoại của bạn bẩn như thế nào hay không
Cùng check ngay tần suất vệ sinh của những vật dụng mà bạn vẫn dùng hàng ngày nếu như không muốn cơ thể khóc thét.
Bạn cho rằng những vật dụng trong nhà chỉ khi nào bẩn hay bụi phủ lên thì mới cần phải vệ sinh ư?
Nếu thế thì bạn nhầm to rồi đó bởi có những vật dụng bạn có thể vệ sinh định kỳ theo tuần nhưng cũng có vật phẩm bạn phải "làm mới" theo từng ngày nếu muốn tốt, bền và "thân thiện" hơn.
Giáo sư Elizabeth Scott - giám đốc Trung tâm Vệ sinh và Y tế tại Gia đình và Cộng đồng tại Trường Simmons ở Boston đã đưa ra danh sách các vật dụng cũng như tần suất bạn nên vệ sinh vật dụng này.
Vệ sinh hàng ngày
Điện thoại - 1 ngày/lần
Nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình chúng ta chạm vào điện thoại 150 lần/ngày. Và trên điện thoại chứa tới 7.000 loại vi khuẩn ký sinh khác nhau, cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn vô hại.
Do các vi khuẩn này không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên chúng ta không biết được chiếc smartphone mình đang cầm trên tay nhiều vi khuẩn đến thế nào.
Sự phát triển của vi khuẩn trên smartphone nhanh tới chóng mặt sau 3 ngày đặt trong đĩa Petri
Các sinh viên trường ĐH Surrey đã tiến hành 1 vài thử nghiệm thú vị khi ngâm vỏ điện thoại smartphone vào dung dịch Petri để kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn, qua đó giúp ta quan sát rõ hơn bằng mắt thường.
Kết quả là, số lượng vi khuẩn trên điện thoại phát triển 1 cách mạnh mẽ tới chóng mặt, nhiều nhất là vi khuẩn Staphylococcus, Bacillus - có thể gây nhiễm qua đường hô hấp và tổn thương trên da nếu tiếp xúc.
Vì thế không sai khi nói rằng điện thoại là 1 trong những nguy cơ gây bệnh lớn trong xã hội hiện đại ngày nay. Và việc bạn vệ sinh chúng bằng khăn lau kháng khuẩn mỗi ngày là vô cùng cần thiết.
Bồn rửa bát - 1 ngày/lần
Bồn rửa bát là nơi nuôi dưỡng vi khuẩn.
Một trong những loại vi khuẩn phổ biến và nguy hiểm nhất thường gặp ở vòi rửa bát, miếng rửa bát là khuẩn E.coli - gây tiêu chảy, viêm phổi.
Vì thế bạn cần vệ sinh bồn rửa hàng ngày và đừng bỏ qua việc làm sạch đồ dùng nhà bếp, khăn lau, giẻ rửa bát bởi đây đều là yếu tố làm gia tăng số lượng vi khuẩn khu vực này.
Bạn có tin không khi chỉ tính riêng miếng rửa bát sau một tuần sử dụng có 2,2 tỷ vi khuẩn.
Vệ sinh hàng tuần
Lò vi sóng - 1 tuần/lần
Các chuyên gia tiết lộ rằng, dù không sử dụng quá nhiều, chỉ dùng để hâm nóng thức ăn là chính và thức ăn được để trong hộp kín nhưng bạn cũng nên lau dọn vi sóng 1 lần/tuần.
Ga trải giường - 1 tuần/lần
Thử nghiệm cho thấy trên ga trải giường ẩn chứa rất nhiều mồ hôi, chất dịch, tế bào da chết nữa.
Giường ngủ là môi trường hoàn hảo của nhiều loại vi khuẩn và nấm gây hại sản sinh bởi nó có thể chứa nước bọt, chất dịch, các tế bào da chết, mạt bụi... nữa.
Một trong những loại vi khuẩn có thể lây lan trên ga trải giường là Staphylococcus aureus - dễ xâm nhập vào vết xước nhỏ - gây bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Hay như mạt bụi trú ngụ có thể khiến chủ thể dễ mắc bệnh hô hấp. Vì thế bạn nên thay ga 1 - 2 tuần/lần nhé!
Bồn tắm: 1 tuần/lần
Bồn tắm có thể ẩn chứa tới hàng chục ngàn vi khuẩn chỉ trên 1cm2 thôi đấy!
Giáo sư Elizabeth Scott chia sẻ rằng, bồn tắm có thể ẩn chứa tới 120.000 vi khuẩn/6,4cm2. Và chỗ bẩn nhất của bồn tắm là nắp xả nước. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì nước mang theo vi khuẩn sẽ thoát qua lỗ này.
Máy tính: 1 tuần/lần
Máy tính, đặc biệt là bàn phím máy tính ẩn chứa 1 lượng vi khuẩn nhiều gấp 5 lần so với bề mặt bồn cầu, bạn tin không?
Có 1 sự thật là mặc dù 70% người ăn trưa tại bàn làm việc nhưng không tới 10% người lau dọn bàn, máy tính làm việc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng vi khuẩn trên bàn phím nhiều gấp 5 lần so với bồn cầu.
Trong số vi khuẩn đó còn có dấu vết của Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn gây nhiễm trùng), E.coli (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm) nữa. Chạm vào máy tính rồi cầm thức ăn sẽ là con đường ngắn nhất khiến cơ thể bạn gặp nguy.
Vệ sinh hàng tháng
Tủ lạnh: 1 tháng/lần
Tủ lạnh với những loại thực phẩm sống, chín lẫn lộn là nơi cư ngụ của không ít vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm.
Giáo sư Tom Humphrey của Viện Nhiễm trùng và Sức khỏe toàn cầu ở ĐH Liverpool (Anh) cho hay, ngăn đựng rau quả trong tủ lạnh có thể chứa lượng vi khuẩn cao gấp 750 lần mức an toàn.
Mặc dù trong thời tiết lạnh làm chậm tốc độ sinh sôi của vi khuẩn nhưng 1 số loại vẫn gan lì và không ngừng sinh sôi trong tủ lạnh.
Khuẩn listeria (khuẩn gây ngộ độc) có thể tồn tại trong phô mai mềm, thịt, cá… và có thể phát triển ở nhiệt độ từ 1-4 độ C. Vì thế việc bạn vệ sinh tủ lạnh là cần thiết.
Đệm: 2 tháng/lần
Đừng tưởng tấm nệm trắng tinh kia là sạch nhé, bởi ẩn chứa trong chúng là vô số mạt bụi, tế bào chết đấy!
Đệm nằm lâu ngày không vệ sinh là môi trường tốt cho vi khuẩn và các sinh vật gây hại.
Vì thế các chuyên gia cho rằng bạn nên vệ sinh 1-2 tháng/lần hoặc ngay sau khi đệm bị dính vết bẩn.
Bạn có thể sử dụng máy hút bụi để loại bỏ hết những bụi bẩn bám trên bề mặt đệm và mang đệm ra phơi dưới trời nắng để đệm luôn được khô thoáng, hạn chế khả năng phát triển của vi khuẩn.
Gối: 3 tháng/lần
Mồ hôi, chất dầu, bụi bẩn trên tóc, mặt sẽ ngấm vào gối và là nơi sinh sôi của hàng ngàn vi khuẩn.
Theo Hiệp hội Giấc ngủ Anh, sau 2 năm sử dụng, 1/3 chiếc gối của bạn đã chứa bọ rệp, tế bào da chết hay mạt bụi, chúng có thể gây dị ứng da, hen suyễn và không còn tác dụng hỗ trợ nâng đỡ phần cổ bạn nữa.
Vì thế chuyên gia khuyến cáo bạn nên thay gối 3 - 6 tháng/lần và không nên sử dụng 1 chiếc gối quá 3 năm để tránh gây hại cho mình.
Thảm: 6 - 12 tháng/lần
Tấm thảm trải sàn ẩn chứa vô số vi khuẩn có hại mà bạn không thể ngờ tới
Dù ít được để ý đến nhưng thảm trải sàn cũng là 1 trong những nguồn vi khuẩn lớn trong nhà bạn khi nó ẩn chứa mạt bụi, tế bào chết, thức ăn vụn, vi khuẩn gây bệnh...
Chuyên gia khuyên rằng bạn nên giặt thảm ít nhất 6 tháng/lần và hút bụi thảm 1 tuần/lần để hạn chế bụi bẩn nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Bài cùng chuyên mục