Còn lại gì sau cơn bão "trâu cày"?

Cuộc chiến giữa game thủ và giới đầu tư cày tiền ảo đang dần bước vào giai đoạn hạ màn, khi card màn hình đã không còn giữ mức khan hiếm như trước. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trào lưu tiền ảo đã trôi qua hoặc "vỡ bong bóng" như cái cách mà nhiều người mô tả trước đây.

Đỉnh điểm của cơn sốt tiền tệ kỹ thuật số

Ngày 12.6.2017, giá trị quy đổi của đồng tiền kỹ thuật số (CryptoCurrency) Bitcoin (BTC) trên sàn giao dịch Poloniex chạm mốc 3000 USD/ 1 BTC, đây là kết quả của một cuộc tăng giá phi mã từ mức 980 USD/ 1 BTC tính từ thời điểm tháng 3. Không chỉ riêng BTC, các loại đồng sinh sau đẻ muộn khác như Ethereum (ETH), Zcash (ZEC) cũng thể hiện mức độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Rất nhanh chóng, giới đầu tư quan tâm đến lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số đã nắm bắt cơ hội và đầu tư một cách bài bản vào lĩnh vực còn nhiều tranh cãi này.

Tiền tệ kỹ thuật số đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu

 

Có hai hình thức đầu tư CryptoCurrency chính mà người dùng Việt Nam lẫn thế giới thường tham gia: đầu tư tài chính theo kiểu "lướt sóng" (mua vào khi giá thấp, bán ra khi giá cao), hoặc tham gia tạo ra đồng tiền CryptoCurrency bằng cách giải mã những thuật toán phức tạp. Hình thức thứ hai chính là yêu tố chính dẫn đến cơn sốt tiền ảo kéo dài trong suốt giai đoạn từ giữa tháng 6 đến nay.

Do đặc thù công nghệ có thể giải mã/tạo ra đồng tiền CryptoCurrency một cách hiệu quả, lại dễ mua bán và thanh lý, nên Card màn hình xây dựng trên chipset từ Nvidia và AMD (vốn để đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu giải trí) trở thành mặt hàng được những người đầu tư CryptoCurrency săn lùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các mã Card màn hình của AMD (sở hữu hiệu năng "đào" tiền ảo tốt) như RX 470, RX 480, RX 570, RX 580... đều lâm vào trình trạng cháy hàng ở phạm vi toàn cầu. Tương tự, các sản phẩm thuộc thế hệ Card đồ họa thứ 10 của NVIDIA cũng không thoát khỏi số phận trở thành hàng khan hiếm - đây là nét khá mới vì trước đây, cấu trúc Card đồ họa của NVIDIA không thể "đào" hiệu quả.

Cơn sốt vừa qua cũng đánh dấu sự "tham chiến" của dòng Card NVIDIA vào lĩnh vực tiền ảo

Và thế là, cuộc chiến giữa game thủ và "nông dân nuôi trâu cày" (cách gọi vui của cộng đồng gán cho những người đầu tư máy đào CryptoCurrency) chính thức bùng nổ, mà Card màn hình trở thành tâm điểm giành giật của cả hai "thế lực" do đều đóng vai trò tối quan trọng đối với cả hai. Đây cũng là giai đoạn mà mỗi chiếc Card màn hình khi vừa được rao bán trên mạng đều nhanh chóng "bốc hơi", các cửa hàng kinh doanh thiết bị gaming đồng loạt treo biển hết hàng, cũng như cuộc chiến về giá liên tục leo thang lên những nấc khó tin...

Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị của đồng BTC đã hạ xuống 2764 USD/ BTC, nhiệt lượng kích thích những người lao vào cuộc chiến "đào" tiền ảo giảm dần, số lượng Card màn hình cũng bắt đầu hết khan hiếm và dần bình ổn như trước.

Nhưng, có những thứ đã mãi mãi thay đổi sau cơn sốt tiền ảo triền miên vừa qua.

Đầu tư thật, lợi nhuận thật

Sự thay đổi lớn nhất chính là quan niệm, cách nhìn nhận về đầu tư/kinh doanh CryptoCurrency. Tiền tệ kỹ thuật số từ trước tới nay vẫn luôn tồn tại một cách mơ hồ với đại đa số người dùng, chủ yếu vì cách thức tồn tại và vận động phức tạp, không dễ dàng nắm bắt, chưa kể những giai thoại được cường điều hóa về "công cụ rửa tiền" và những câu chuyện thuộc thế giới ngầm.

Ở thời điểm hiện tại, CryptoCurrency vẫn luôn.... khó hiểu như thế, nhưng, có một thực tế mà nhiều người đang dần vỡ lẽ: Đầu tư CryptoCurrency là ngành kinh doanh và đầu tư có lợi nhuận thật, và hoàn toàn không "ảo" như cách mà người ta gọi tên các loại tiền tệ này. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều sàn giao dịch, trao đổi dành cho người Việt đang xuất hiện ngày một nhiều, càng đơn giản hóa thêm khâu chuyển dịch và quy đổi từ CryptoCurrency sang USD, hay thậm chí là VNĐ.

Một bộ "trâu cày" cơ bản

Khi đạt mốc giá trị cao nhất trong tháng 6 vừa qua, chỉ cần làm một phép tính đơn giản, có thể nhận ra một cỗ máy đào CryptoCurrency cơ bản (gồm 6 Card màn hình của NVIDIA hoặc AMD, cùng một số linh kiện chuyên dụng khác đi kèm) dễ dàng giúp nhà đầu tư hồi vốn trong từ ba đến bốn tháng. Thậm chí, khi đã qua cơn sốt và giá trị các đồng CryptoCurrency giảm dần, đi vào quỹ đạo ổn định như ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư vẫn sẽ sở hữu tốc độ hồi vốn thuộc vào dạng khá.

Theo nguồn tin của Thanh Niên Game, khi cơn sốt đã trôi qua và thị trường dần bình ổn, doanh số Card màn hình từ các nhà phân phối dành cho đối tượng khách hàng kinh doanh/đầu tư CryptoCurrency vẫn luôn nằm ở mức khá ấn tượng. Có cung ắt có cầu, do đó, mặc cho lời đồn về việc "vỡ bong bóng" và những tin tức bên lề mô tả người đầu tư đang thanh lý máy móc hàng loạt... thì tính đến thời thời điểm hiện tại, CryptoCurrency vẫn "sống", và việc đầu tư sinh lợi từ lĩnh vực này vẫn luôn rất "thật".

Sự thừa nhận từ những thương hiệu lớn

Một khi đang đi vào quỹ đạo trở thành ngành nghề kinh doanh/đầu tư được nhiều người xem xét một cách nghiêm túc, thì các đơn vị có liên quan đến CryptoCurrency cũng dần có động thái, chiến lược và đối sách để thích ứng thị trường. Đây chính là những chi tiết quan trọng khiến các đồng CryptoCurrency phát triển, bởi lẽ, quy tắc sống còn của mọi đồng tiền kỹ thuật số chính là sự tín nhiệm, tin tưởng, uy tín trong cộng đồng người dùng và nhà đầu tư.

Colorful là một trong những thương hiệu lớn đầu tiên chuyển mình để đón đầu xu hướng đầu tư CryptoCurrency, hãng sản xuất Card màn hình này đã cho ra mắt dòng GTX 1060 chuyên đùng để "đào" tiền ảo, với hiệu năng được cải tiến, độ bền tăng, và tối giản hết những tính năng không cần thiết (như cổng xuất hình VGA) để mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất. Tương tự, ASUS cũng đã nhanh chóng công bố dòng sản phẩm phục vụ cho CryptoCurrency ngay trong tháng 6 vừa qua.

Không chỉ các đơn vị Card màn hình, nhiều hãng sản xuất bo mạch chủ (Mainboard), nguồn máy tính, dây cáp Riser... cũng có nhiều sự thay đổi để thích ứng. Quan trọng hơn hết, hai hãng sản xuất chip đồ họa NVIDIA và AMD cũng đã có nhiều động thái để đón nhận xu hướng CryptoCurrency, cân bằng thị trường và mức độ sản xuất Card.

Trong thời gian tới, chắc chắn CryptoCurrency vẫn sẽ là mối quan tâm lớn của những thương hiệu công nghệ thông tin lớn, và, mỗi khi cuộc vui đón nhận thêm "tay chơi" mới, mức độ uy tín và sự thừa nhận đối với tiền tệ kỹ thuật số sẽ càng được củng cố.

Nhìn nhận như thế nào? Và đâu là mặt trái?

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn CryptoCurrency đang dần trở thành lĩnh vực được quan tâm, được thừa nhận, và sở hữu nhiều điểm mạnh hấp dẫn các nhà đầu tư lẫn nhiều đơn vị trong ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tiền tệ kỹ thuật số không sở hữu những mặt trái đáng lưu ý.

Điểm đáng quan tâm đầu tiên, chính là việc CryptoCurrency sở hữu sức tác động thị trường lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của đại đa số chúng ta. Không ai có thể ngờ đợt sóng cháy hàng Card màn hình diễn ra rầm rộ như thế, không chỉ ở Việt Nam, Châu Á, mà là ở phạm vi toàn cầu. "Hụt chân" là điều đã quá rõ ràng, nhưng đáng nói là các hãng sản xuất Card màn hình và hệ thống nhà phân phối phải mất hơn một tháng để bình ổn và giải quyết được trình trạng khan hiếm kể trên, đó là chưa kể khâu "giải quyết" này phải phụ thuộc rất lớn vào việc CryptoCurrency trượt giá hồi giữa tháng 7.

Sự khan hiếm này đã dẫn đến nhiều mặt tiêu cực trong cơn bão CryptoCurrency, nếu như một số đơn vị phân phối buộc phải tăng giá để bắt kịp với giá gốc cho chính các hãng sản xuất nâng lên (theo nguyên tắc cung - cầu thông thường), thì không ít đơn vị bán lẻ đã tận dụng chi tiết này để ém hàng và đôn giá sản phẩm, gây ra một trong những giai đoạn "loạn" giá cả chưa từng có. Ngoài ra, câu chuyện đặc cọc/đặt hàng cũng trở thành điểm nóng tạo ra nhiều mâu thuẫn trong giới công nghệ. Đây đều là những chi tiết tác động trực tiếp đến thị trường lẫn người tiêu dùng phổ thông.

Chưa kể, sự bất ổn về tỉ giá trong thời gian qua của các đồng CryptoCurrency cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư lao đao, mỗi cú "vung tay quá trán" đều phải trả những cái giá rất đắt. Đặc biệt trong bối cảnh tiền tệ kỹ thuật số hiện nay chưa được bảo vệ bởi pháp luật, rất nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay để tìm ra đối sách quản lý thích hợp nhất dành cho loại mặt hàng rất đặc biệt này.

Những mặt trái và mâu thuẫn này vẫn luôn tồn tại song hành với quá trình vận động, phát triển của CryptoCurrency, khiến cho vị trí của loại tiền tệ đặc biệt này luôn luôn đi kèm với hai chữ "bất ổn".

Dù vậy, việc kinh doanh/đầu tư CryptoCurrency nhiều khả năng năng vẫn sẽ còn phát triển trong thời gian tới, và rất cần nhận được sự công nhận, lưu tâm từ các nhà đầu tư tài chính lẫn cơ quan chức năng. Bởi lẽ, giữa một rừng những đám mây mù và lời đồn thổi tiêu cực như thế, Bitcoin -  đồng CryptoCurrency lớn nhất - đã bước sang năm vận hành thứ 8, liên tiếp tăng giá trị, sinh lợi cho hàng triệu người tham gia vào lĩnh vực tài chính đặc biệt này.

Hạ San

Theo thanhniengame

Bài cùng chuyên mục