Capcom đã từng có một thời thử nghiệm thành công những trò chơi sau
Cách đây rất nhiều năm về trước, Capcom đã từng là một hãng phát triển game đầy mạo hiểm với những trò chơi mang tính chất thử nghiệm của mình. Một vài trong số đó thật sự thành công
Thông thường, việc phát triển các thương hiệu trò chơi điện tử không phải lúc nào cũng có sẵn khuôn mẫu để dựa vào. Một số trường hợp, các nhà phát triển sẽ phải thể hiện sự sáng tạo của mình để tạo ra hướng đi riêng, và những trường hợp đó được xem là "thuốc thử" dành cho giới game thủ. Capcom là một trong những hãng làm game và phát hành game cực kì lâu đời, với tên tuổi được xây dựng cũng từ một số trò chơi "thử nghiệm" đó.
Forgotten Worlds (1998)
Một trò chơi đi cảnh bắn súng màn hình cuộn thì không có gì mới lạ, nhưng nếu nó lấy bối cảnh trong một thế giới kinh dị - viễn tưởng hậu tận thế thì lại khác, đặc biệt là vào cuối thập niên 1980, trước khi cuộc cách mạng Cyberpunk của thập niên 1990 diễn ra. Phần lớn game ở thời điểm đó được làm cho máy console tại nhà hoặc máy arcade, nhưng Forgotten Worlds vừa là trò chơi đầu tiên Capcom thực hiện cho máy tính để bàn, vừa là một ý tưởng hoàn toàn mới khi đó.
Câu chuyện và những truyền thuyết về Forgotten Worlds phức tạp hơn rất nhiều so với những gì trò chơi thể hiện, qua đó trở thành nền tảng cho các câu chuyện tương tự sau này. Bối cảnh game diễn ra vào thế kỷ 29, kể về câu chuyện của cuộc chiến chống lại vị thần tên Bios. Những con người cuối cùng sống trên Dust World, hành tinh từng được gọi là Trái Đất, đã xây dựng nên hai siêu chiến binh để đánh bại Bios. Nó là một cốt truyện đầy tham vọng cho thể loại game vốn thường không được đầu tư nhiều về nội dung.
Ghosts 'n Globins (1985)
Khi hỏi một game thủ 8x hoặc đời đầu 9x về Ghosts 'n Globins, chắc hẳn họ sẽ có rất nhiều để kể. Không ai có thể nghĩ rằng một trò chơi đi cảnh 2D có thể trở nên cực kì cuốn hút và hấp dẫn đến mức đó. Capcom đã tiếp tục xu hướng thử nghiệm yếu tố kinh dị trong nhiều thập kỷ, cuối cùng trở thành một trong những hãng game nổi bật trong thể loại mới này.
Ngày nay, thương hiệu Ghost 'n Goblins vẫn đang rất thịnh hành với vai trò là trụ cột của thể loại "kinh dị phiêu lưu". Đã có nhiều trò chơi spin-off sáng tạo dựa trên nó được ra mắt, điển hình như Gargoyle's Quest cho phép người chơi vào vai một bức tượng đá phép thuật.
Resident Evil 2 (1998)
Mặc dù trò chơi Resident Evil đầu tiên đã tạo được tiếng vang, nhưng nó vẫn mang tới những điểm trừ bởi hệ thống điều khiển cứng nhắc và lời thoại cực kì khó chịu. Phần game thứ hai không chỉ khắc phục các vấn đề đó, mà còn pha trộn một cách thông minh những yếu tố nhập vai và giải đố vào trong một trải nghiệm thậm chí còn kinh hoàng hơn.
Resident Evil 2 được xem là "thử nghiệm" của Capcom vì nó sử dụng khái niệm mới về không gian ba chiều để tăng cường gần như mọi khía cạnh trò chơi, đặc biệt là cơ chế chiến đấu. Có rất nhiều khoảnh khắc tuyệt vời dạy cho người chơi nhìn lên xuống bên cạnh nhìn qua trái qua phải, đồng thời nó cũng khiến cho khái niệm kinh dị sinh tồn trở thành một thể loại riêng, đồng thời còn được xem là một nhánh của cả game nhập vai và phiêu lưu.
Devil May Cry (2001)
Là một trò chơi Capcom khác đã thúc đẩy giới hạn về tính thử nghiệm dành cho thể loại kinh dị giả tưởng, Devil May Cry khởi đầu như một sự kết hợp thú vị giữa yếu tố ma quỷ bắt nguồn từ Ghosts n' Goblins và một vài đặc điểm từ thương hiệu Resident Evil. Vốn dĩ ban đầu nó được phát triển bởi cùng đội ngũ trong Capcom để trở thành một game Resident Evil khác.
Devil May Cry là sự kết hợp giữa kinh dị, giả tưởng, phiêu lưu và những yếu tố drama được dựa vào một phần của Inferno, phần đầu tiên trong thiên sử thi thế kỷ thứ 14 Divine Comedy do nhà văn Ý Dante Alighieri viết nên. Đến khi trò chơi thứ hai được ra mắt, cốt truyện và các nhân vật của Devil May Cry đã trở nên phức tạp hơn, góp phần giúp thương hiệu này xây dựng hình ảnh cho riêng mình.
Okami (2006)
Có lẽ nhiều game thủ sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết rằng Okami là game do Capcom thực hiện, nhất là sau hàng loạt các dự án đình đám xoay quanh những thể loại đối kháng, bắn súng, hành động và kinh dị sinh tồn. Trò chơi này mang đến một luồng gió mới lạ, kể lại một huyền thoại cổ xưa bi hùng của Nhật Bản, với phong cách nghệ thuật và lối chơi hoàn toàn độc đáo.
Người chơi vào vai Amaterasu, nữ thần Mặt trời ở Nhật Bản, nhưng dưới hình dạng một con sói trắng, tập luyện và hoàn thành những nhiệm vụ khác nhau để tăng cường kĩ năng, nhằm đối phó với các thế lực ma quỷ hùng mạnh. Phong cách nghệ thuật theo dạng tranh vẽ bằng mực đã góp phần giúp người chơi đắm chìm trong thế giới huyền bí mà Amaterasu tạo nên. Nó mang đến một phong cách thiết kế đầy táo bạo, đặc biệt khi Capcom nổi tiếng với thiên hướng miêu tả chân thực về con người và bối cảnh.
Phoenix Wright: Ace Attorney (2001)
Vào thời điểm mà các thể loại Cyberpunk và Dark Fantasy thống lĩnh thị trường, Capcom lại bất ngờ quyết định "nhảy" sang thể loại game phiêu lưu theo phong cách Visual Novel. Họ làm điều đó trước khi thể loại này trở thành xu hướng, do đó không quá bất ngờ khi một thương hiệu thành công được khai sinh và trường tồn cho đến ngày nay: Ace Attorney.
Nhân vật chính của Phoenix Wright: Ace Attorney chính là cái tên đầu tiên trong tiêu đề trò chơi, nhưng người chơi còn được vào vai Mia Fey, sư phụ của Phoenix, và hai thực tập sinh Apollo Justice với Athena Cykes. Trò chơi trở thành một luồng gió mới đến từ nhà phát triển đã nổi danh bằng các tựa game kinh dị và máu me, cho phép người chơi sử dụng tài hùng biện, óc suy luận và phán đoán để giải quyết những vụ án khác nhau.
Zombie Cafe (2011)
Một trong những thử nghiệm hài hước và độc đáo của Capcom chính là Zombie Cafe, trò chơi mà hãng phát triển dành cho thiết bị cầm tay, với mục đích dường như để trêu chọc các game khác cùng phân khúc. Trò chơi này pha trộn yếu tố zombie, nấu nướng, ngành công nghiệp phục vụ và thiết kế nhân vật ảo vào chung với nhau, tạo nên một đống lộn xộn cực kì thú vị.
Người chơi sẽ vận hành một quán cà phê mà nhân viên chính là các ... zombies. Giống như mọi game khác cùng thể loại, mục tiêu cuối cùng vẫn là phục vụ khách hàng trong thời gian giới hạn, và tìm công thức mới bằng cách ... tấn công các quán cà phê khác. Để có thêm nhân viên, người chơi có thể biến chính khách hàng thành zombie.
Nhưng nếu chúng làm việc quá nhiều, ham muốn "thịt người" sẽ trỗi dậy và chúng bắt đầu tấn công khách hàng. Capcom đã dùng trò chơi này để giới thiệu thêm một thể loại mới cho thế giới trò chơi điện tử, kinh dị hài hước, vốn đã rất phổ biến bên mảng điện ảnh.
Bài cùng chuyên mục