"The Vietnam War" - Phim tài liệu mà người Mỹ và người Mỹ gốc Việt chờ đợi
Bộ phim tài liệu dài 10 tập của Ken Burns và Lynn Novick mang tên “The Vietnam War” đem đến góc nhìn toàn thể về cuộc chiến trên mọi phương diện. Do đó, bộ phim thực sự cần thiết cho mọi người Mỹ, bao gồm cả thế hệ trẻ kế cận.
“Bắc hay Nam?”
Tôi vẫn còn nhớ là huấn luyện viên thể dục thời phổ thông đã hỏi tôi như thế, tò mò rằng cha mẹ của tôi đến từ vùng nào nào của Việt Nam. Khi tôi kể lại chuyện này với mẹ, bà cảm thấy khó chịu, và cho rằng ông thầy giáo này đang có ý định gán mác tôi thành kẻ thù hoặc đồng minh tùy theo tôi trả lời như thế nào. Và có lẽ là bà đã đúng, nhưng đó không phải lý do mà tôi không trả lời câu hỏi của ông thầy. Đơn giản là, lúc đó, tôi không biết câu trả lời.
Con trẻ thường không nắm nhiều thông tin về cuộc sống của cha mẹ họ trước khi cưới nhau, đặc biệt hơn nếu họ là lớp thanh niên trẻ tuổi lớn lên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Phim tài liệu dài 10 tập của PBS tên The Vietnam War xuất hiện là để giúp thay đổi thực trạng này.
Tôi có nói chuyện với hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick về quá trình dựng phim đầy gian nan của The Vietnam War cũng như ý nghĩa của tác phẩm này đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. “Cô biết nó khó khăn đến thế nào rồi đấy,” Burns nói. “Chắc hẳn nó đau đớn không thể tả khi mất cảquê hương lẫn người thân, rồi sau đó trở nên lạc lõng ở một quốc gia không muốn chứa chấp bạn vì bạn làm họ gợi nhớ đến những mất mát đã qua. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Chúng tôi đã gặp mặt và nói chuyện với rất nhiều những con người tuyệt vời có mặt trong các thước phim của The Vietnam War, và họ cũng đang trong vị thế tương tự, họ cũng có những đứa con nhỏ mong muốn cha mẹ chúng kể cho thêm nhiều điều về cuộc chiến.”
Các anh tôi và tôi lúc nào cũng bận tâm cho chuyện làm sao để thích nghi tốt với cuộc sống ở Houston, Texas – chẳng hạn như bằng cách xem phim truyền hình Knight Rider, nghe nhạc của The Cure, đọc mấy cuốn tiểu thuyết Dragonlance – và không đoái hoài nghĩ nghợi gì về vùng đất quê hương đã bị bỏ lại đằng sau lúc tôi mới được 8 tháng tuổi. Đó chính là cuộc sống mà cha mẹ muốn dành cho chúng tôi, chứ không phải sống trong cảnh bần cùng, trong sự phiền muộn lo âu, và dưới sự lãnh đạo của một chính phủ lạm quyền.
Tôi có lượm lặt tin tức và biết chút ít về những gì gia đình tôi đã trải qua: một ông chú thì chết trên chiến trường, người thì bị bắt bỏ tù suốt mấy thập kỉ, còn hai người khác thì đã ngay lập tức nhảy xuống biển để bơi vượt biên sau khi Sài Gòn thất thủ, bơi cho tới khi họ được tàu thuyền cứu vớt. Hồi còn nhỏ thì cứ mỗi vài năm là tôi sẽ được gặp mặt những người cô người dì, anh chị họ hoặc ông bà nội ngoại mà tôi chưa từng gặp trước đó bao giờ, vì lúc đó họ vừa mới chỉ trốn thoát thành công sang Mỹ để tìm kiếm khởi đầu mới. Nhưng tôi chưa từng khi nào bàn chuyện với họ về cuộc chiến đã qua. Nó gần như một luật lệ ngầm rồi: Nói về nó là điều cấm kỵ.
The Vietnam War không phải là tác phẩm điện ảnh đầu tiên nêu bật bối cảnh toàn cục của cuộc chiến, nhưng về phương diện ấy có lẽ nó là tác phẩm hoàn chỉnh nhất, cuốn hút nhất và công tâm nhất cho đến nay. Hai nhà làm phim Burns và Novick đã nói chuyện với hơn 100 người hòng rút ra được một cái nhìn tổng thể về Chiến tranh Việt Nam. Có 79 người trong số đó đã xuất hiện trong phim tài liệu, bao gồm binh lính Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Việt Cộng, công dân và báo giới Việt Nam, quân đội Mỹ, người trốn nghĩa vụ, mẹ của một người lính được nhận huân chương, tù nhân chiến tranh, các chính trị gia, một y tá thời chiến và những người biểu tình.
PBS và các nhà làm phim đã hết sức nỗ lực kết nối với cộng đồng người Việt ở Mỹ. “Chúng tôi xuất hiện ở Dallas, Houston, Boston, San Diego và Irvine, và chúng tôi có gặp mặt với cánh truyền thông Việt Nam ở Orange County, cũng như tổ chức một buổi trình chiếu phim vào tháng 1 vừa qua ở Pasadena,” Burns nói. “Chúng tôi cũng đã có mặt ở Portland, Seattle và San Francisco, và lần nào cũng có một lượng đông đảo khán giả Việt Nam tại sự kiện. Nhìn chung nó cũng giống như điều mà cô đã nhắc đến, đó là lớp thế hệ trẻ đang dần lên ngôi và họ suy nghĩ thoáng hơn thế hệ trước, và điều đó luôn tốt.”
Novick nói thêm, “Phim có phụ đề tiếng Việt và sẽ được chiếu trực tuyến trên PBS với phụ đề Tây Ban Nha hoặc Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trước, những người tiếng Anh không rành rọt cho lắm, có thể thưởng thức bộ phim này.”
Sarah Botstein, nhà sản xuất cấp cao tham gia dự án The Vietnam War, giải thích về sự khó khăn trong quá trình làm phụ đề cho phim. “Chúng tôi thuê hai phiên dịch viên khác nhau và có hai nhà sản xuất, một người sống ở Hà Nội người còn lại ở thành phố Hồ Chí Minh,” cô nói. “Nó mất khoảng sáu tháng để thực hiện. Chu trình này rất phức tạp về mặt kỹ thuật, và hơn nữa ngôn ngữ được sử dụng thiên về người trẻ tuổi hơn để giúp họ hiểu sâu về cuộc chiến, và nó còn liên quan đến cách chúng tôi hiểu về cuộc chiến, cũng như ngôn từ mà chúng tôi sử dụng. [Làm phụ đề] có cảm giác như một thứ cực kỳ quan trọng và phải làm.”
Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, tôi vẫn không chắc rằng liệu mẹ tôi có muốn xem The Vietnam War hay không, nhưng đối với cá nhân tôi thì bộ phim tài liệu ấy đã cho tôi biết thêm nhiều về những gì gia đình mình đã trải qua. Một cách tình cờ, mẹ tôi có kể rằng trong lúc bà đang sống ở nước ngoài thời chiến tranh, bà đã lén chuyển tiền cho mẹ mình bằng cách cuốn những tờ tiền mặt quanh mấy cuộn chỉ, rồi lại quấn chỉ quanh những tờ tiền đó. Chỉ và cuộn chỉ đều phải cùng màu. Về sau tôi lại có dịp chứng thực cái thủ thuật này khi bà ngoại tôi, trong lúc đang hấp hối, đã đưa ra một yêu cầu kỳ lạ rằng hãy đem cho bà cuộn chỉ đựng trong tủ. Tôi còn biết được rằng mẹ tôi phản đối kịch liệt những hành động của Jane Fonda, vốn đã được nhắc đến chi tiết trong phim.
Cha tôi là một học giả đam mê sử học và ông ấy chắc hẳn sẽ yêu thích The Vietnam War. Nhưng đáng tiếc thay, ông đã qua đời cách đây một năm rưỡi. Dù vậy, trong tuần lễ trước khi đám tang được tiến hành, tôi biết thêm được một điều đó là mặc dù không trực tiếp tham gia chiến trận, cha tôi đã có một phần đóng góp của riêng mình. Là một trong số ít người Việt vừa giỏi tiếng Anh vừa được huấn luyện quân đội tại thời điểm đó, ông có vài lần lái máy bay đến Colorado và đưa thông tin tình báo Việt Nam cho Lực lượng Không quân Mỹ. Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến gia đình tôi buộc phải tẩu thoát sau khi Sài Gòn thất thủ vào năm 1975. Cha tôi chắc hẳn sẽ bị gửi đến trại cải tạo hoặc tệ hơn thế nếu chúng tôi bị bắt. Tôi còn không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi, mẹ tôi và anh em trai tôi, nhưng bộ phim cũng không hẳn là đã tô vẽ nên một bức tranh màu hồng về số phận người thân của những ai đã chủ động chống trả quân miền Bắc.
Nếu so với nhiều người tị nạn khác, tôi đã có một cuộc sống tương đối an nhàn. Sau khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ tôi lúc đó đang là nhân viên của tòa đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản, nên giấy tờ hành chính của chúng tôi tất thảy đều được chuẩn bị kỹ càng và thông qua nhanh gọn, và thế là vào tháng 7 năm 1975, cha mẹ, dì tôi cùng tôi và mấy đứa anh em trai – ba đứa trẻ sơ sinh ngồi trên ba cái đùi – đã đều lên chuyến bay đi qua Mỹ. Tôi lớn lên trong sự tiện nghi khá giả và được học trường tốt. Phần lớn anh em họ, cháu trai và cháu gái tôi đều được sinh ra ở Mỹ và ít có nhận thức gì về cuộc chiến. Nhưng hiểu về Chiến tranh Việt Nam cũng giúp ta hiểu thêm về sức mạnh của dân tộc Việt Nam, những con người đã bị cai trị hết lần này qua lần khác, bất kể là bởi người Trung Quốc hay người Pháp.
“Trải nghiệm của người tị nạn là vô cùng khó khăn. Một số trong chúng ta là con cái của dân nhập cư nhưng họ không phải là người tị nạn, Novick nói. “Cái sự quả quyết mong muốn tiến về phía trước là một phần lý do tại sao họ không nói về nó, tôi nghĩ vậy. Đồng thời, ở Việt Nam, bạn biết đấy, đất nước này hiện vẫn còn đang dây dứt về cuộc chiến bằng cách này hay cách khác, và sự hòa giải là rất cần thiết, bởi Chiến tranh Việt Nam không chỉ là một cuộc nội chiến mà là còn là cuộc chiến vì quyền tự do.”
Không chỉ mỗi con cháu của người Việt Nam tị nạn là hưởng lợi từ tác phẩm tài liệu này. Với The Vietnam War, lớp thế hệ trẻ người Mỹ cũng có cơ hội sở hữu cái nhìn cận cảnh về cuộc chiến đẫm máu đã gần như chia rẽ đất nước thành từng mảnh cũng như để lại những nỗi đau thương vẫn còn tồn đọng cho đến tận nay. Qua The Vietnam War, PBS đã cung cấp tài liệu giảng dạy về Chiến tranh Việt Nam cho hơn 20 ngàn trường trung học toàn nước Mỹ.
“Đảm nhận một dự án như thế này và được tiếp xúc cận mặt, được nói chuyện với những cá nhân từng là nhân chứng lịch sử, đối với chúng tôi cuộc chiến ấy đã như hiện hữu ra một cách sống động ngay trước mắt vậy. Chúng tôi có thể giúp các em học sinh sinh viên trải nghiệm được điều tương tựngay trong môi trường học đường,” Novick nói. “Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng giáo viên. Rất khó để giảng dạy về Chiến tranh Việt Nam vì đó là một giai đoạn lịch sử vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, nên [các giáo viên] họ mong muốn được sử dụng The Vietnam War làm một phần của giáo trình. Và bài tập về nhà cho các em sẽ là viết cảm nhận suy nghĩ của mình sau khi xem phim. Chúng tôi thực chất không cần thiết phải can thiệp quá nhiều vào quy trình dạy học của các giáo viên, bởi vì các em vốn đã luôn tò mò về chủ đề này từ bấy lâu nay rồi. The Vietnam War là nguồn khởi điểm. Bộ phim có thể giúp các em hiểu rõ hơn về Chiến tranh Việt Nam.”
Burns đồng thời cũng nhấn mạnh rằng Thế hệ Y (sinh ra trong khoảng thời gian sau 1980 đến đầu thập niên 2000) và kể cả những người trẻ tuổi hơn đều đủ khả năng nhận thức được những gánh nặng mà chiến tranh mang lại. “Chúng tôi đã thấy những anh chàng cô nàng – từ thực tập sinh ngay tại văn phòng làm việc cho đến những đứa trẻ nhỏ mà chúng tôi đã bắt gặp được xuyên khắp lãnh thổ Mỹ – tất thảy đều cảm thấy rất ấn tượng với sự chân thực của phim,” ông nói. “Khi gián điệp quân miền Bắc là [Nguyễn Văn Liêm] bị ám sát khi đang đi trên đường, sự kiện ấy không chỉ được thu lại qua tranh ảnh mà còn cả trên phim nữa. Thước quay vụ sát hại này thường rất hiếm khi được NBC cho phép sử dụng, qua đó cho thấy rằng The Vietnam War là một dự án rất có tầm. Mặc dù đã quá quen thuộc với cảnh bạo lực máu me trong các trò chơi điện tử, khi xem thước quay ấy, những chàng trai cô gái trẻ lập tức nhận biết được rằng một mạng người vừa bị tước đoạt ngay trước mắt họ. Chúng ta ai nấy cũng đều vò đầu lo âu về thế hệ đi sau. Nhưng họ hoàn toàn ổn, và họ thông hiểu nhiều thứ hơn chúng ta nghĩ.”
Mặc dù vậy, The Vietnam War vẫn là một bộ phim tương đối khó nuốt, kể cả khi nó chỉ hàm ý về những thảm kịch đau lòng đã xảy ra trên lãnh thổ vùng Đông Nam Á cũng như ngay tại nước Mỹ. Ví dụ cụ thể nhất là ở tập 6 của The Vietnam War. Tập này xoay quanh sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, khi Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như quân Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam đã tổ chức một loạt những cuộc tấn công bất ngờ lên phe lính Mỹ và đồng minh trong dịp Tết.
“Xuyên suốt The Vietnam War, từng tập một, từng cảnh một, sự tự nhiên và đồng nhất trong phong thái diễn đạt là điều hết sức cần thiết, vì như thế thì tác phẩm mới thực sự đem đến cảm giác chân thực,” Burns nói. “[Khai thác sâu vào sự kiện Tết Mậu Thân] là trải nghiệm nhập tâm nhất mà chúngtôi có được khi thực hiện dự án, bất kể sự nhập tâm đó là do vô thức hay có chủ ý. Nghĩa vụ của nhà làm phim và người làm nghệ thuật là thử nghiệm mọi thứ, tuy nhiên bạn sẽ nhận ra khi xem phim rằng chúng tôi có kiềm nén lại một số chi tiết. Chúng tôi đã đi đến giới hạn cùng cực về những gì có thểđược trình chiếu trong tập ấy.”
“Tập 7 tiếp nối ngay sau đó cũng không kém cạnh gì,” ông tiếp tục. “Tập 7 xoay quanh hội nghị Đảng Dân Chủ cũng như vài trận chiến tương đối khốc liệt... thậm chí cuối cùng chúng tôi còn phải cắt bớt vài thứ do quá tải thông tin. Để có thể dựng nên The Vietnam War một cách thành công, chúng tôi phải liên tục không ngừng nghỉ chỉnh sửa và hiệu chuẩn mọi thứ. Vì thế nên phim mới mất đến tận 10 năm để làm và chúng tôi phải cẩn trọng với từng chi tiết một.”
Như Novick đã nói, bộ phim tài liệu dài 10 tập này cũng sẽ có thêm lựa chọn phụ đề tiếng Tây Ban Nha, vì đó là ngôn ngữ được nói nhiều thứ nhì ở Mỹ. Với việc Houston liên tục xuất hiện trên các bản tin truyền hình quốc gia trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của siêu bão Harvey, tôi đã nghe rất nhiều người bạn ở Hollywood tỏ vẻ bất ngờ trước tính đa dạng về văn hóa và chủng tộc của thành phố Houston. Nhưng tất nhiên, chuyện này không phải gì mới mẻ với tôi. Ở Houston, đồng hồ đỗ xe điện tử có ba chế độ ngôn ngữ: ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam. Có nhiều biển báo giao thông dọc Bellaire Boulevard được viết bằng tiếng Trung Quốc và Việt Nam. Nhân viên phục vụ người Mexico làm việc trong các nhà hàng Việt Nam và hô to “nước sôi” khi bưng những tô phở nóng ra bàn ăn cho khách. Thực trạng dân nhập cư tại Houston cũng tương tự như ở nhiều nơi khác trên toàn nước Mỹ. Hiện nay có rất nhiều phim truyền hình xoay quanh câu chuyện về đời sống của dân nhập cư tại Mỹ, chẳng hạn như Fresh Off the Boat, Master of None, Jane the Virgin và One Day at a Time.
Có mặt tại sự kiện truyền thông của Hiệp hội Nhà phê bình Phim truyền hình vào tháng 7, Burns nói, “Nếu tôi bước đến trước mặt bạn và nói với bạn rằng, ‘Câu chuyện này là về những cuộc biểu tình phản đối lãnh đạo cầm quyền xảy ra trên khắp nước Mỹ, về một Nhà Trắng bị ám ảnh và trở nên rối bời bởi những vụ rò rỉ thông tin ngoài dự kiến, về một ông nguyên tổng thống chuyên nhục mạ công dân Mỹ và báo giới truyền thông vì đã nói sai sự thật, về cuộc chiến tranh bất cân xứng mà Quân đội Hoa Kỳ với bao nhiêu tài lực cũng không giành phần thắng được, về những tập tài liệu mật bị các tin tặc đem ra công khai, khiến niềm tin của dân chúng bị lung lay, và về những tin đồn xoay quanh một chiến dịch tranh cử tổng thống đầy nghi hoặc,’ thì đó chính là câu chuyện của bộ phim tài liệu mà chúng tôi đã bắt đầu làm vào năm 2006.”
“Chúng tất thảy đều là những thứ đã xảy ra trong Chiến tranh Việt Nam, và không liên quan một chút gì đến thực tại ngày nay,” ông tiếp tục. “Lịch sử không lặp lại lần thứ hai. Chúng ta không bị buộc cứ phải tái diễn những thứ đã đi vào quên lãng từ lâu; chỉ có điều bản chất con người thì chưa bao giờ thay đổi. The Vietnam War, trong bối cảnh mà khoảng cách giữa người với người trong xã hội đang ngày một nới rộng, sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sát thêm cả về những gì đã xảy ra trong quá khứ lẫn trong thời điểm hiện tại.
The Vietnam War là bộ phim tài liệu dài 10 tập với thời lượng tổng thể là 18 tiếng. Hiện các tập có thểđược xem trực tuyến trên website của PBS.
Từ Hạnh Nguyễn - Biên tập viên của Indiewire
Bài cùng chuyên mục