Khám phá những chi tiết 'vay mượn' từ những bộ phim khác trong 'Doctor Strange'

Quang BD

Dù được cho là bộ phim mang nhiều ý tưởng sáng tạo và mở ra cả một vũ trụ ma thuật rộng lớn cho Marvel nhưng kì thực, Doctor Strange chứa rất nhiều chi tiết được vay mượn từ vô số những bộ phim khác.

Tính cách nhân vật

Nhìn qua một chút về tính cánh của Stephen Strange, một anh chàng tài năng giàu sụ và từng chịu nỗi đau mất người thân trong quá khứ, không quan tâm mấy tới cô gái bên cạnh mình mà chỉ nghĩ đến cái tôi to lớn và sự “chảnh chọe” của bản thân. Sau một tai nạn làm tổn thương một phần cơ thể cùng lòng tự trọng của mình, nhân vật chính của chúng ta thay đổi bản thân để trở thành một siêu anh hùng  với sức mạnh to lớn để bảo vệ cho mọi người, yêu cô nữ chính bị anh không để ý bấy lâu nhưng sự cứng đầu vẫn còn thừa.

Vâng, nếu không nói rõ thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đây chính là Tony Stark. Tính cách của Doctor Strange được Marvel vay mượn từ chính… bản thân mình và tạo ra một siêu anh hùng chả có có gì nổi bật. Đâu phải trùng hợp mà cả Robert Downey Jr. và Benedict Cumberbatch đều được chọn để hóa thân thành 2 phiên bản phóng tác của Sherlock Holmes với tính cách lập dị gần giống nhau.

Thế giới gương

Doctor Strange lần đầu tiên đưa vào thế giới siêu anh hùng khái niệm thế giới gương, nơi phản chiếu thế giới thực nhưng mọi tác động trong đó lại chẳng gây ảnh hưởng tới mọi thứ bên ngoài. Đây là chỗ luyện tập cần thiết cho các pháp sư bởi sức mạnh và sự tàn phá quá lớn của họ. Các fan của Marvel thì tung hô sự “sáng tạo” này.

Tuy nhiên, thế giới gương lại chẳng mấy xa lạ với các fan điện ảnh. Truy ngược về trước, thế giới gương từng xuất hiện trong một bộ phim khác cũng nói về phù thủy (trùng hợp nhỉ) là Sorcerer’s Apprentice (2010) với nhiều tính chất y hệt. Tuy nhiên, hình ảnh về thế giới gương rõ rệt nhất chính là trong series Kamen Rider (hay còn gọi là Siêu nhân dế) của Nhật Bản. Những anh chàng Siêu nhân tới từ Nhật Bản này cũng thường xuyên sử dụng thế giới gương làm nơi chiến đấu với nhiều mục đích khác nhau nhưng lớn nhất vẫn là để không làm ảnh hưởng tới mọi người. Quả là 1 tình tiết đậm tính “sáng tạo” của Marvel.

Thay đổi thực tại????

Khi trong thế giới gương, các pháp sư của Doctor Strange có thể thoải mái điều khiển môi trường xung quanh, thậm chí bẻ cong cả thực tại theo mục đích của bản thân. Hình ảnh những tòa nhà cao tầng bị tách ra làm đôi với kỹ xảo đẹp mắt khiến người xem vô cùng thích thú.

Dĩ nhiên chi tiết ngay từ khi trong trailer đã được các fan điện ảnh nhận ra là “mượn ý tưởng” từ Inception của đạo diễn Christopher Nolan. Trong phim, nhân vật chính Dom Cobb của Leonardo DiCaprio thoải mái thao túng mọi thứ trong giấc mơ kể cả bước đi trên các tòa nhà như Stephen Strange. Vậy thì thế giới gương của Doctor Strange và thế giới trong mơ của Inception về bản chất là giống nhau hoàn toàn.

Người tốt thành kẻ xấu

Vốn trong nguyên tác Doctor Strange, Mordo là kẻ phản diện ngay từ đầu khi ganh tị với định mệnh trở thành Phù Thủy Tối Thượng của Stephen Strange. Tuy nhiên, phiên bản điện ảnh đã dành vị trí này cho Kaecilius của Mads Mikkelsen. Trong khi đó, nhân vật Mordo trở thành chiến hữu bên cạnh Strange cho tới phút cuối trước khi quay lưng lại với anh cho giống với… truyện tranh.

Theo như các fan, chi tiết này là sự thay đổi cần thiết để làm tăng chiều sâu cho nhân vật. Tuy nhiên, công bằng mà nói sự thay đổi đột ngột của Mordo có phần thiếu hợp lý là gây ra sự hời hợt trong cách phát triển tính cách nhân vật. Và đây cũng không phải lần đầu tiên một người tốt cho tới cuối phim lại trở thành kẻ xấu trên màn ảnh. Gần đây nhất có thể kể tới Harvey Dent, người cùng chiến tuyến với Batman gần như toàn bộ thời gian của The Dark Knight nhưng tới cuối lại thành phản diện Two Faces. Xa hơn nữa, chúng ta có Harry Osborn của James Franco khi là bạn thân của Peter Parker toàn bộ thời lượng của Spider-Man nhưng tới Spider-Man 2 lại trở thành Green Globin.

Vòng lặp thời gian

Cách hạ trùm cuối Dormammu của Doctor Strange bằng cách sử dụng Time Stone rồi tạo ra vòng lặp thời gian liên tục tới mức hắn “ức chế” rồi tự “out game” cũng là một chi tiết được cho là “sáng tạo” và “mới lạ”.

Dĩ nhiên nếu bạn không tính tới vòng lặp thời gian mới bước lên màn ảnh cách đây ít lâu của Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children. Dormammu dễ “diệt” như vậy thì chỉ cần cô Peregrine là đủ, hắn cũng đâu đáng sợ mấy. Còn đối với dân game thủ, họ chẳng lạ gì với cách “đánh boss” này. Đơn giản chỉ là save game trước khi gặp trùm rồi load game liên tục mỗi khi chết cho tới lúc nắm được điểm yếu của nó mà thôi.

Theo Thanhnien.vn

Bài cùng chuyên mục