Nhà ai cũng từng có chiếc đầu đĩa này, nhưng mấy người biết Qisheng là gì và ông đầu trọc kia là ai?
Đối với những người thuộc thế hệ 8X - đầu 9X, chiếc đầu đĩa Qisheng và ông đầu trọc luôn tươi cười rạng rỡ xuất hiện trên màn hình chính là một kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ phai nhạt.
Vào khoảng đầu những năm 2000, khi người ta đã hết ưa chuộng đầu xem băng hình và bộ dàn chạy đĩa CD cồng kềnh, thay vào đó là sự lên ngôi của các loại đĩa VCD hay DVD, hầu như đi đến nhà ai, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp chiếc đầu đĩa màu bạc với biểu tượng là một ông đầu trọc sở hữu nụ cười rất tươi vui, hài hước.
Tôi vẫn nhớ, khi ấy trong nhà có một chiếc đầu đĩa Qisheng mới hạnh phúc làm sao!
Đã nhiều năm trôi qua, đầu đĩa dần bị thất sủng và dần chìm vào quên lãng, thế nhưng, trong ký ức của những người thuộc thế hệ 8X - đầu 9X, có lẽ hình ảnh chiếc đầu đĩa Qisheng "huyền thoại" sẽ mãi mãi chẳng thể phai nhoà.
Vậy trong suốt những năm tháng lớn lên cùng chiếc đầu đĩa ấy, bạn có khi nào thắc mắc Qisheng nghĩa là gì và ông đầu trọc kia là ai hay không?
Kỳ thực, Qisheng là phiên âm của cụm từ tiếng Trung "Kỳ Thanh", có nghĩa là "âm thanh kỳ diệu". Đây cũng chính là tên công ty đã sản xuất ra chiếc đầu đĩa gắn liền với tuổi thơ của nhiều bạn trẻ Việt Nam.
Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Kỳ Thanh được thành lập vào năm 1992 tại khu công nghiệp mới thị trấn Ma Dũng, thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đến năm 1995, chỉ 3 năm sau khi thành lập, Kỳ Thanh nhanh chóng trở thành một trong số hiếm các đơn vị sản xuất đầu đĩa VCD quy mô lớn của Trung Quốc.
Trải qua hơn 20 năm vận hành, từ một nhà máy dạng trung, nơi đây đã có những bước phát triển vượt bậc và chuyển mình thành một doanh nghiệp hiện đại với dây chuyền sản xuất tự động kỹ thuật cao. Giờ đây, Kỳ Thanh đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất "rạp phim gia đình" lớn nhất Trung Quốc.
Hiện công ty Kỳ Thanh có tới hơn 1.100 nhân viên, chuyên sản xuất các mặt hàng đồ điện gia dụng trên nền diện tích 200.000m2. Các loại sản phẩm của Kỳ Thanh vô cùng đa dạng, từ tivi, tủ lạnh, máy giặt, cho đến bếp điện, nồi cơm điện, hay quạt điện. Kỳ Thanh cũng lập ra những dòng sản phẩm riêng rất có tên tuổi, như Aiyun (Ái Vận) chuyên về âm thanh, Aone chuyên đồ gia dụng... Bên cạnh đó, Kỳ Thanh cũng liên kết với rất nhiều "ông lớn" của ngành tiêu thụ đồ điện tử gia dụng ở quốc gia đông dân nhất thế giới, như: Suning (Tô Ninh), Gome (Quốc Mỹ), Wallmart, Carrefour...
Kỳ Thanh rất được lòng người tiêu dùng Trung Quốc vì dịch vụ hậu mãi cực tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng được đánh giá cao vì phương thức mua hàng qua mạng rất tiện lợi, nhanh gọn và dễ hiểu với đội ngũ nhân viên hùng hậu.
Không chỉ gây dựng nên một nền văn hoá đặc sắc và phúc lợi cao cho các công nhân viên, Kỳ Thanh còn đạt được rất nhiều thành tựu đáng nể trên con đường phát triển của mình.
Trong bảng vàng thành tích của Kỳ Thanh, có thể kể đến giải Bạc Âm thanh chất lượng 1994, giải thưởng Lòng tin của người tiêu dùng 1996, Nhãn hiệu chất lượng Trung Quốc 1997, Sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn 1998, Giải thưởng Danh dự của Hiệp hội Người tiêu dùng 1999, Giải thưởng Danh dự của Hiệp hội Kiểm định chất lượng Trung Quốc 2001, Thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Quảng Đông 2003, Top 50 doanh nghiệp thành phố Đông Quản 2004, Doanh nghiệp kỹ thuật cao 2005, Thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc 2006, Top 10 dịch vụ hậu mãi Trung Quốc 2007, Top 500 doanh nghiệp có giá trị nhất Trung Quốc 2008, Sản phẩm chất lượng 2016, Thương hiệu nổi tiếng 2016...
Cho đến hiện tại, Kỳ Thanh vẫn đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra thị trường thêm nhiều loại mặt hàng đa dạng hơn nữa.
Mặc dù sản phẩm đầu đĩa Qisheng không còn chiếm ưu thế như xưa, nhưng không ai có thể phủ nhận độ phủ sóng rộng rãi của nó, và đây cũng được coi là sản phẩm chính đã làm nên tên tuổi của công ty.
Có lẽ, khi nhắc đến chiếc đầu đĩa "huyền thoại", nhiều người đều có ấn tượng sâu sắc với gương mặt đại diện của Qisheng - ông đầu trọc lúc nào cũng tươi cười. Thế nhưng, mấy người Việt Nam biết người đàn ông ấy là một diễn viên hài được rất nhiều người dân Trung Quốc yêu mến.
Trần Bội Tư (Peisi Chen) sinh ngày 1/2/1954 tại thị trấn Nông An, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông là con trai thứ 2 của diễn viên nổi tiếng Trần Cường.
Năm 1984, Trần Bội Tư tốt nghiệp khoa Diễn xuất, Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc - ngôi trường nghệ thuật hàng đầu Trung Quốc, nơi đã sản sinh ra rất nhiều ngôi sao tên tuổi cho nền điện ảnh Hoa ngữ.
Cũng trong năm này, Trần Bội Tư may mắn có cơ hội tham gia biểu diễn trong chương trình Xuân Vãn (Đại nhạc hội chào năm mới) của Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc và gây được ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
Những vai diễn dí dỏm, lối diễn xuất phong phú cùng biểu cảm hài hước đã tạo dựng nên hình tượng và chỗ đứng của Trần Bội Tư trong làng giải trí ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Trần Bội Tư đã góp mặt trong vô số vở kịch cùng hàng trăm bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình. Ông cũng giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của Lễ trao giải Bách Hoa Trung Quốc - một trong những Liên hoan phim lâu đời và có uy tín nhất ở quốc gia này, hay giải Nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất Trung Quốc 1978-2004, và gần đây nhất là giải thưởng Nhân vật Văn hoá Trung Quốc 2015.
Trần Bội Tư luôn nỗ lực cống hiến cho khán giả những trận cười sảng khoái, ông thậm chí còn hy sinh cả mái tóc của mình vì nghệ thuật. Bởi theo ông, khi diễn hài mà đầu trọc thì hiệu ứng gây cười sẽ cao hơn. Và cũng từ đó, hình ảnh của Trần Bội Tư luôn gắn liền với "ông đầu trọc".
Sau những cống hiến không biết mệt mỏi cho ngành nghệ thuật Trung Quốc, vào ngày Quốc tế Lao động năm 1999, Trần Bội Tư cùng vợ là Vương Yến Linh đã quyết định dùng tiền tiết kiệm mua một mảnh đất hoang rộng hàng ngàn m2 ở khu vực ngoại thành thủ đô Bắc Kinh để "quy ẩn giang hồ". Cặp vợ chồng già trồng lựu và rất nhiều loại cây ăn quả khác trong khu vườn của mình. Hiện tại, họ đang an hưởng tuổi già với những thú vui giản dị nhưng chứa đựng vô vàn hạnh phúc.
Bà Vương Yến Linh vốn là một y tá. Sau này, bà trở thành vợ, đồng thời cũng là người quản lý của Trần Bội Tư. Họ sinh được một người con trai là Trần Đại Ngu.
Tuy rằng Qisheng đã thay đổi rất nhiều gương mặt đại diện, nhưng cho đến nay, dường như vẫn chưa có người nào vượt qua được cái bóng của Trần Bội Tư. Ông đã để lại trong lòng người tiêu dùng những ấn tượng tốt đẹp và tạo cho họ cảm giác dễ chịu cùng sự tin tưởng khi cầm trên tay sản phẩm có in gương mặt ông trên bao bì.
Và có lẽ không chỉ ở Trung Quốc, mà ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều người không thể quên được gương mặt thân thiện cùng nụ cười tươi rói của Trần Bội Tư - người luôn xuất hiện trên những chiếc đầu đĩa đã gắn liền với tuổi thơ của họ.
Trần Bội Tư trong những hình ảnh quảng cáo cho Qisheng.
Chiếc đầu đĩa gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X - đầu 9X.
Bài cùng chuyên mục