Thế giới sắp chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ
Cuối tháng 7, nhiều nơi trên thế giới có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Trong đó, khu vực Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi có thể nhìn thấy toàn bộ hiện tượng.
Theo thông báo từ NASA, nguyệt thực toàn phần dài nhất trong vòng 100 năm sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 28/7. Toàn bộ hiện tượng kéo dài hơn 5 tiếng, bắt đầu vào khoảng 0h14 đến 6h30 sáng ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam).
Thời gian diễn ra pha toàn phần bắt đầu từ khoảng 3h21 đến 4h13 (gần một giờ). Ðến 4h13, nguyệt thực toàn phần chuyển sang nguyệt thực một phần, nguyệt thực nửa tối rồi kết thúc hoàn toàn vào khoảng 6h30.
|
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra rạng sáng 28/7 dài nhất trong vòng 100 năm. Ảnh: Getty. |
Trong thời gian trên, mặt trăng, Trái Đất và mặt trời sẽ ở vị trí thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng nhau với Trái Đất ở giữa. Mặt trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn bởi Trái Đất, không được mặt trời chiếu sáng, do vậy không thể quan sát khi nhìn từ mặt đất.
Ngoài việc bị lu mờ, mặt trăng sáng 28/7 sẽ chuyển sang màu đỏ vì ánh sáng mặt trời khúc xạ trên bề mặt Trái Đất, hiện tượng này được gọi là “trăng máu”.
Tuy nhiên, không phải ai trên thế giới cũng được chiêm ngưỡng sự kiện vũ trụ này. Người dân Ấn Độ, Pakistan, Saudi Arabia, Nam Phi và các nước lân cận có thể nhìn thấy toàn bộ hiện tượng.
Châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và một số khu vực của châu Âu cũng có thể nhìn thấy một số pha của nguyệt thực. Trong khi đó, hầu hết khu vực Bắc Mỹ sẽ không thể thưởng thức được hiện tượng thiên văn kỳ thú diễn ra vào cuối tháng 7.
|
Cùng lúc đó, nhiều nơi trên thế giới có cơ hội ngắm đợt mưa sao băng lớn nhất trong năm. Ảnh: Getty. |
Một số thành phố lớn như Tokyo, Brussels, London, Budapest, Jakarta, Sydney, Paris, Moscow, Bắc Kinh và đảo quốc Singapore là những khu vực tương đối may mắn vì nằm tại vị trí thuận lợi cho việc chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ.
Không giống với nhật thực, nguyệt thực có thể quan sát một cách an toàn bằng mắt thường vì ánh sáng từ nguyệt thực có cường độ yếu hơn.
Cùng thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ, mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào đêm ngày 28/7, rạng sáng ngày 29/7 cũng sẽ là một hiện tượng thú vị với khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ.
Theo Zing.vn
Bài cùng chuyên mục