Aquaman và bài học về phát hành phim siêu anh hùng dành cho Marvel
Aquaman đang chứng tỏ bản thân là bộ phim DC thành công nhất mọi thời đại, chỉ xếp sau The Dark Knight Rises. Và có lẽ thành công này cũng đáng để hãng Marvel Studios nghiền ngẫm một chút
Khi Warner Bros. quyết định theo đuổi một vũ trụ chia sẻ của riêng họ với các nhân vật DC, đa số khán giả đều cho rằng họ đang sao chép Marvel Studios. Thế nhưng hóa ra DC cũng có một vài điều mà Marvel có thể học hỏi, đặc biệt là từ việc ra mắt Aquaman. Bộ phim do đạo diễn James Wan thực hiện ra mắt khoảng hơn một năm sau thất bại phòng vé của Justice League, và xoay quanh hành trình trở thành vua Atlantis của Arthur Curry (Jason Momoa thủ vai). Trong khi Vũ trụ DC mở rộng (DCEU) đã có một khởi đầu tương đối khó khăn với những đánh giá của giới phê bình, dù rằng từng phần phim vẫn mang lại thành công về doanh thu, rõ ràng họ đã tìm được một hướng đi với các bộ phim độc lập như Aquaman và Wonder Woman.
Sau hai năm chật vật với lịch trình 2 phim một năm (Batman v Superman: Dawn of Justice và Suicide Squad vào năm 2016, Justice League và Wonder Woman vào năm 2017), dường như WB đã chấp nhận lùi lại trong năm 2018 này. Bên cạnh bộ phim hoạt hình Teen Titans GO! To the Movies (Không thành công lắm), Aquaman là bộ phim live-action duy nhất trong năm qua, qua đó cho phép nó trở thành mối quan tâm chính của người hâm mộ DC. Trong khi Marvel Studios tiếp tục chứng kiến những thành công vượt bậc cả về giới phê bình lẫn thương mại với Vũ trụ điện ảnh Marvel của họ, dường như Aquaman - bộ phim DC duy nhất trong năm - vẫn mang một số ý nghĩa mà họ có thể học hỏi.
Marvel Studios đạt được nhiều thành công, nhưng họ chưa phải hoàn hảo
Marvel ra mắt 3 phim một năm trong hai năm gần đây
Xuyên suốt 10 năm qua, Marvel Studios đã ra mắt 20 bộ phim trên toàn thế giới. Trong khi nửa cuối của thập kỷ qua đã chứng kiến nhiều bộ phim được ra mắt nhất, với năm 2009 là thời điểm duy nhất không một bộ phim MCU nào được phát hành, nó vẫn tương đương với 2 phim trong một năm. Và mãi cho đến năm 2016, các hãng phim khác mới bắt đầu áp dụng điều tương tự, với Deadpool và X-Men: Apocalypse của 20th Century Fox, rồi DCEU bắt đầu với Batman v Superman: Dawn of Justice và Suicide Squad.
Giai đoạn đầu, Marvel ra mắt trung bình hai phim trong một năm
Cũng trong năm đó, Marvel Studios đang diễn ra Giai đoạn 3 của MCU. Từ đó, họ phải tăng lượng kinh phí cũng như lượng nhân vật tham gia vào những bộ phim chung, đồng thời khép lại các bộ ba cho những nhân vật đơn lẻ - như Thor và Captain America. Kết quả là Marvel quyết định tăng số lượng phim ra mắt trong một năm lên con số ba từ 2017 cho đến nay. Trong năm 2017, Marvel đã tung ra Guardians of the Galaxy Vol. 2, Spider-Man: Homecoming và Thor: Ragnarok. Rồi tới năm 2018 là Black Panther, Avengers: Infinity War và Ant-Man and the Wasp. Năm 2019 này, họ đã có Captain Marvel, Avengers: Endgame và Spider-Man: Far From Home.
Với cốt truyện chung ngày càng lớn, họ phải ra mắt 3 phim trong một năm
Điều đó có nghĩa là Marvel Studios phải ra mắt 9 bộ phim trong ba năm, khi mà họ mất khoảng bảy năm để làm điều tương tự trong Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2. Mặc dù nhiều người hâm mộ hào hứng với các bộ phim mới của MCU, việc ra mắt ba bộ phim trong cùng một năm (và gần nhau) có thể có một tác động tiêu cực đến khán giả ra rạp, và sự phát triển của cốt truyện tổng thể. Hãy thử so sánh điều này với DC, vốn chỉ ra mắt một phim duy nhất trong năm 2018.
Aquaman, bộ phim duy nhất của DC trong năm qua
Bảy năm về trước, Warner Bros. đã công bố những kế hoạch cho một vũ trụ chung, bao gồm việc ra mắt The Flash vào đầu năm 2018, và Aquaman nối tiếp vào mùa hè. Dĩ nhiên kế hoạch đó đã phải thay đổi, với bộ phim riêng The Flash bị đẩy lùi lại ít nhất là tới cuối năm nay mới bắt đầu thực hiện, còn Aquaman dời sang ngày 21 tháng 12 vừa qua. Thế nhưng dù rằng Aquaman phải đối đầu với những đối thủ đáng kể như Mary Poppins Returns, Spider-Man: Into the Spider-Verse và Bumblebee, nó vẫn vươn lên trở thành một trong những bộ phim DC có doanh thu cao nhất.
Ra mắt trong giai đoạn nhiều đối thủ cạnh tranh, Aquaman vẫn thành công lớn
Thay vì thúc đẩy sản xuất một bộ phim khác để có được 2 phim DC live-action trong năm 2018, Warner Bros. đã duy trì khoảng cách 13 tháng giữa Justice League và Aquaman, để rồi nó trở thành quyết định chính xác nhất của họ, khi cho phép Aquaman giữ khoảng cách với Justice League. Mặc dù, điều thú vị là các cuộc thảo luận xoay quanh Justice League đã thay đổi trong năm 2018 vừa qua. Trong khi nhiều người bắt đầu chuyển sang các chủ đề khác, những người vẫn còn hứng thú với JL lại muốn được xem bản Snyder Cut hơn là bản chiếu rạp. Dù đó không phải điều mà Warner Bros. có thể kiểm soát, việc giữ khoảng cách giữa hai bộ phim đã tạo thuận lợi cho Aquaman
Rất nhiều người muốn được xem bản Justice League của Zack Snyder
Về cơ bản, việc Aquaman là bộ phim DC duy nhất trong năm 2018 đã cho DCEU cơ hội để chậm lại và tái cấu trúc hậu trường. Đôi khi, cốt truyện tổng quát có thể trở nên quá chi phối các bộ phim khi nó liên quan đến một vũ trụ chung (Người hâm mộ không ngừng thắc mắc Infinity War ảnh hưởng thế nào đến Ant-Man and the Wasp), và điều đó có thể gây bất lợi cho những bộ phim lẽ ra sẽ đứng một mình. Trong trường hợp của Aquaman, nó hoàn toàn là một bộ phim độc lập hoạt động bên trong (và bên ngoài) DCEU (Theo dòng thời gian của DCEU, Aquaman diễn ra trong khoảng 2016 - 2017, sau Justice League). Dù rằng điều này sẽ khiến nhiều người hâm mộ khó chịu, nhưng Marvel Studios thực sự có thể dựa trên thành công của Aquaman để áp dụng với MCU.
Lịch chiếu gần nhau khiến cuộc tranh luận giữa hai phim khá lộn xộn
Marvel không nên ra mắt 3 phim một năm sau Avengers: Endgame
Kể từ sau Captain America: Civil War, MCU đã phát triển cấp số nhân, và không chỉ chia cắt đội Avengers ban đầu, mà còn giới thiệu thêm hai nhân vật quan trọng cho tương lai của MCU là Black Panther và Spider-Man. Trong khi hai giai đoạn đầu của MCU chứa đựng các bộ phim gần như là độc lập (nhưng vẫn có một số mối liên hệ với cốt truyện lớn hơn), Giai đoạn 3 gần như hoàn toàn tập trung vào việc tạo tiền đề cho cuộc đổ bộ của Thanos trong Infinity War. Và nay với việc Thanos đã thành công trong kế hoạch quét sạch sự sống một nửa vũ trụ, hệ quả của nó gần như nằm giữ mọi thứ khác trong MCU.
Chúng ta có thể nhìn vào Captain Marvel và Ant-Man and the Wasp - hai bộ phim ra mắt sau Infinity War nhưng vẫn lấy bối cảnh, diễn biến câu chuyện trước các sự kiện của bộ phim, qua đó để lại không gian cho các nhà làm phim kể phần truyện của mình mà không xung đột với cú búng tay của Thanos. Nhưng vì cả hai phim đều ra mắt sau Infinity War, chúng đã bị xem là những phần phim "phụ" để người hâm mộ xem trong lúc chờ cái kết bi hùng cuối cùng của Giai đoạn ba trong Avengers: Endgame - đặc biệt là cách mà Ant-Man thoát khỏi Lượng Tử Giới. Gần như chẳng ai quan tâm đến việc Ghost đã đi đâu vào cuối phim, hay khách hàng bí mật của Sonny Burch thực sự là ai.
Hầu như chẳng còn ai nhớ tới Ghost nữa
Đó cũng chính là vấn đề MCU đang mắc phải. Ngay cả nếu từng phần phim ra mắt độc lập, việc phát hành các bộ phim gần nhau (Captain Marvel ra mắt trước Avengers: Endgame khoảng 7 tuần) đồng nghĩa với cuộc tranh luận dành cho từng bộ phim không có đủ thời gian để kéo dài hết chu kì và kết thúc trước khi bộ phim tiếp theo ra mắt. Thay vào đó, việc ra mắt ít phim hơn trong một năm, như DC đã làm với Aquaman (Ngay cả năm 2019 cũng chỉ có Shazam!, còn 2020 có Wonder Woman 1984 là bộ phim chính của DCEU) sẽ cho phép Marvel Studios kiểm soát cốt truyện xoay quanh từng bộ phim, để khán giả có thể bàn luận xong từng phim, rồi mới tới cái tổng thể của MCU. Đó cũng chính là điều mà Aquaman đã làm, và biết đâu đấy, Avengers: Endgame sẽ là bộ phim cuối cùng kết thúc chu kì 3 phim một năm của Marvel cũng nên.
KL Jackarl
Nguồn: Sưu tầm
Bài cùng chuyên mục