Black Mirror: Bandersnatch - Xóa nhòa ranh giới giữa game và phim ảnh
Bandersnatch là tập phim đặc biệt của series Black Mirror, phải nói là rất đặc biệt khi lần đầu tiên khán giả có thể quyết định được kết thúc của một bộ phim thông qua những lựa chọn của mình đưa ra. Nghe quen không? Giống Detroit: Become Human lắm chứ nhỉ?
Bandersnatch là tập phim đặc biệt trong series Black Mirror khi người dùng có thể tương tác trực tiếp với nội dung phim. Nguồn: Netflix.
Black Mirror - serries phim tâm lý giả tưởng do Charlie Brooker sáng tạo với những câu chuyện gây ám ảnh về thế giới công nghệ hiện đại. Series này được đánh giá khá cao tại thị trường Anh và tất nhiên không thể không lọt qua tầm ngắm của các đại gia truyền hình nước Mỹ, điển hình là Netflix.
Đúng như dự đoán, kể từ mùa thứ 3 thì series Black Mirror sẽ toàn quyền sở hữu của nền tảng stream nội dung số một hiện nay - Netflix. Những e ngại về việc "Mỹ hóa" nội dung phim không còn đáng quan tâm khi mỗi lần ra tập mới thì người xem lại được một phen nhốn nháo.
Mới đây nhất, tập phim Bandersnatch thuộc serries này đã làm dư luận xôn xao khi gần như xóa nhòa ranh giới giữa game và phim ảnh, đem nội dung phim tương tác với người dùng, tương tự như những gì tựa game Detroit: Bacome Human đã làm được vào năm rồi.
Dến việc lựa chọn món ăn sáng thôi cũng có thể làm bạn đau đầu rồi. Nguồn: Netflix.
Lấy bối cảnh năm 1984, chàng lập trình viên trẻ tuổi Stefan Butler do nam diễn viên Fionn Whitehead thủ vai đang ấp ủ một dự án game mang tính cách mạng cho tập doàn Tuckersoft nơi cậu đang làm việc.
Tuy nhiên ranh giới thực ảo giữa đời thực và trò chơi điện tử đối với cậu trai này lại ngày càng một xa vời, dần bị xóa nhòa dù được sự chăm lo chu đáo của ông bố Peter (Craig Parkinson thủ vai), nhà trị liệu tâm lý Haynes (Alice Lowe thủ vai) và huyền thoại lập trình game Colin Ritman (Will Poulter) ủng hộ hết mình.
Bạn có nhiều lựa chọn đưa đến nhiều kết thúc khác nhau cho bộ phim Bandersnatch này. Nguồn: Netflix.
Chủ đề của Bandersnatch nhìn chung rất phù hợp với bầu không khí u tối, ảm đạm của Black Mirror. Nhưng màn hình thì đã mất đi thanh timeline. Không ai biết bộ phim thực tế kéo dài bao lâu, và không ai rõ có bao nhiêu kết thúc có thể xảy đến với nhân vật.
Đó chính là điểm đặc biệt của tác phẩm. Người xem nay nhập vai Stefan Butler để đưa ra quyết định thay cho cậu. Bạn tha thiết hay thờ ơ, bạn bạo động hay kìm nén, bạn yêu hay ghét, nhân vật đều sẽ “chiều lòng” theo nguyện vọng của bạn. Để rồi cuối cùng, chính bạn ngồi chứng kiến những lựa chọn của mình dẫn tới đâu.
Như thế, không có kết phim nào là chân lý. Khán giả đã tham gia trực tiếp vào quá trình nhào nặn ra một bộ phim theo ý mình. Chẳng hạn như khi nhân vật cầm chiếc gạt tàn trong tay và tự hỏi “phải làm gì với bố mình?”, màn hình hiện ra hai khả năng: A/ La lớn rồi lùi lại, B/ Giết ông ấy.
Dù bạn chọn phương án nào thì nhân vật cũng đi theo nó. Trong tích tắc, bạn có thể cảm thấy mình thật quyền lực. Nhưng ngay sau đó, tất cả thừa hiểu rằng Netflix quyền lực hơn bạn rất nhiều.
Game hay phim? Đó là câu hỏi mà khán giả đặt ra khi hoàn thành Bandersnatch. Nguồn: Netflix.
Sau khi Black Mirror: Bandersnatch lên sóng, có người tỏ ra hứng thú với tác phẩm tương tác của Netflix, nhưng cũng có người tỏ ra lạnh nhạt với bộ phim khi cho rằng nó giống với trò chơi nhiều hơn, dễ gây phân tâm cho khán giả.
Quả thực, trong số 8 cái kết khác nhau, không có phần kết thúc nào quá ấn tượng, nếu so với những gì mà Black Mirror từng đem lại trong quá khứ. Nhưng tất cả không thể phủ nhận đi thực tế rằng Netflix đang tiếp tục khẳng định vị trí trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến, dù họ sắp sửa phải đối đầu với Disney+.
Trong Black Mirror: Bandersnatch, nhân vật chính cảm thấy hoang mang khi mình không thể kiểm soát hành vi bản thân. Anh liên tục phải nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý để giải thích những hiện tượng lạ, như sự tồn tại của thế giới song song với áp lực vô hình, như có một quyền năng không thể nhìn thấy đang kiểm soát cuộc sống của anh. Một giả định chính là quyền lực vô hình đó đang được trao cho khách hàng của Netflix.
Black Mirror: Bandersnatch là một mũi tên trúng vô vàn đích. Netflix không chỉ khẳng định “trí tuệ siêu phàm” trong việc phát minh ra sản phẩm mới giúp thoả mãn nhu cầu mới của người dùng, họ còn trao cho người dùng một quyền năng khác, là tiền đề cho cuộc hợp tác “win - win”, cũng như tạo ra một cộng đồng những người xem truyền hình trực tuyến đi theo luật chơi của “ông trùm”.
Khán giả tới đây sẽ được chăm sóc tốt hơn nhờ AI của Netflix. Đến một ngày, kênh truyền hình sẽ hiểu khách hàng hơn chính bản thân họ, có thể gợi ý phim theo chính xác tâm trạng, khiến người xem ngày một “nghiện” dịch vụ hơn.
Ở chiều ngược lại, nhờ nâng cao trải nghiệm và chăm sóc khách hàng, Netflix lại có thêm người dùng mới. Họ có cơ hội khai thác UGC (User Generated Content) sau khi tạo ra thói quen “đồng sáng tạo”.
Câu chuyện của chàng lập trình viên trẻ tuổi Stefan và cách tựa game tỏ ra rất hút giới game thủ. Nguồn: Netflix.
Song song với đó, việc bán quảng cáo cũng trở nên dễ dàng hơn, như một lựa chọn về bữa sáng trong Black Mirror: Bandersnatch. Thi thoảng, Netflix có thể đưa vào một câu hỏi vô thưởng vô phạt như kiểu hôm nay uống Milo hay Ovaltine. Nhưng sự vô thưởng vô phạt đó có thể đem tới dữ liệu khách hàng và insight người dùng cho các thương hiệu.
Nhìn chung, Black Mirror: Bandersnatch mới chỉ là bước đi thử nghiệm của loạt phim nói riêng và kênh Netflix nói chung. Tuy nhiên, nó đã khiến người dùng phải ngả mũ, và cho thấy việc phải trả phí hàng tháng cao hơn so với nhiều dịch vụ cùng loại là hoàn toàn xứng đáng.
Nguồn: zing.vn
Bài cùng chuyên mục