Gintama 2: Trở lại với một Live-action lầy lội hơn cả Deadpool
Tiếp nối thành công vượt mong đợi của Gintama Live Action (2017) với doanh thu gần 1.000 tỷ đồng (ước tính doanh thu toàn cầu), nhà sản xuất Warner Bros Nhật Bản một năm sau đó đã tung ra phần 2 của bộ phim với tên gọi Gintama Linh Hồn Bạc 2: Luật Lệ Đặt Ra Là Để Phá Bỏ.
Ngay khi vừa công chiếu tại Nhật Bản, phần 2 của bộ phim đã lập ngay kỳ tích hơn 700 tỷ đồng, khiến Gintama Linh Hồn Bạc 2 trở thành phim đứng thứ 3 Nhật Bản năm 2018, nâng thành tích của cả 2 phần phim lên hơn 5,6 triệu vé bán ra. Giữ nguyên dàn diễn viên từ phần đầu tiên, Gintama Linh Hồn Bạc 2: Luật Lệ Đặt Ra Là Để Phá Bỏ mặc dù chỉ vừa tung ra trailer nhưng đã khiến khán giả, đặc biệt là các tín đồ phim Nhật phải bấn loạn và cười “sặc sụa” về độ hài hước của bộ phim.
Nói chẳng ngoa khi Gintama là bộ phim chuyển thể live-action phá vỡ mọi quy tắc của live-action. Nếu như các phiên bản live-action trước đây, đặc biệt là live-action từ Nhật Bản, tất cả đều tập trung khai thác phần hiệu ứng hình ảnh âm thanh làm thế nào để sống động và đẹp mắt nhất thì Gintama gần như không đặt nặng về chuyện đó. Hiểu được điểm mạnh của mình là cốt truyện, nhà sản xuất Gintama phần 2 tập trung khai thác yếu tố hài hước giải trí đậm chất của nguyên tác để tinh thần cười-xuyên-suốt được giữ y nguyên không xê dịch.
Giữ vững tinh thần đó, Gintama mang trở lại bộ ba nhân viên của Tiệm Vạn Năng cực nhí nhố và hài hước với Gintoki (Oguri Shun đóng), Shinpachi (Suda Masaki đóng) và Kagura (Kanna Hashimoto đóng). Lấy bối cảnh trong 3 chương truyện nổi bật của Gintama khi bộ ba vô tình chạm trán Mạc Phủ Tướng Quân (Shogun) trong các chuyến vi hành của ông đến quán. “Khách hàng là thượng đế”, sự khó ăn khó ở của Mạc Phủ Tướng Quân khiến bộ ba phải ra kế sách “giả gái” để phục vụ vị khách khó nhằn này.
Dưới bàn tay của đạo diễn Yuichi Fukuda (Hentai Kamen), tinh thần hài hước của bộ truyện được đem lên màn ảnh rộng một cách sôi nổi và bẩn bựa. Không dựa dẫm vào những kỹ xảo quá hoành tráng, đạo diễn Yuichi Fukuda tập trung vào chuyển thể những phân cảnh hài hước nhưng nhiều ý nghĩa để tôn vinh linh hồn của tác phẩm gốc. Sự nổi bật nhất của Gintama ngay từ manga cho đến live-action không phải là một cốt truyện “hack não” hay những màn đối đầu mãn nhãn mà chính là sự hài hước đậm chất riêng.
Không kén người xem, Gintama có thể thu hút khán giả ngay từ ánh nhìn đầu tiên khi dõi theo từng trang sách, từng thước phim và rồi khán giả sẽ phải râm ran cười vì độ hài hước và lầy lội của nó. Gintama là một bộ manga do tác giả Sorachi Hideaki sáng tác được công bố chính thức từ 2003. Lấy bối cảnh từ viễn tưởng của kinh thành Edo vào thế kỷ 19, tác phẩm xoay quanh nhân vật Gintoki một samurai huyền thoại nhưng vô cùng lười biếng và vô trách nhiệm. Xuyên suốt các phần của manga, những câu chuyện xoay quanh đời sống thường ngày của Gintoki luôn làm khán giả phải bật cười.
Sau gần 15 năm ra mắt, Gintama luôn là cái tên được nhắc đến thường xuyên trong hạng mục tác phẩm hài hước và hấp dẫn tại Nhật Bản và một số quốc gia khác. Không những thế, sự thành công của Gintama không chỉ dừng lại ở phiên bản chuyển thể live-action, anh Gintoki còn truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư, khán giả hâm mộ chuyển thể lên rất nhiều thể loại khác nhau: anime, light novel, game và cả những quyển tiểu thuyết. Trong phần 2, vì nợ tiền thuê nhà, Gintoki phải tìm việc làm thêm để trả nợ nhưng vô tình lại bị cuốn vào cuộc nội chiến của Shinsengumi. Từ những tình huống dở khóc dở cười cho đến những phân đoạn hành động đậm chất samurai, phần 2 của bộ phim sẽ tiếp tục mang đậm tính giải trí làm khán giả phải bật cười và dõi theo.
Gintama Linh Hồn Bạc 2: Luật Lệ Đặt Ra Là Để Phá Bỏ sẽ chính thức được ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 30/11/2018.
Bài cùng chuyên mục