Điều ba mẹ không kể: Cuộc đời thật đẹp khi có một người cùng ta già đi

Xoay quanh một gia đình ba thế hệ, Điều ba mẹ không kể (tựa tiếng Anh: Romang) mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi khai thác mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái, giữa vợ chồng với nhau theo cách giản đơn, bình dị mà giàu sức gợi.

Câu chuyện mở ra với một tài xế taxi lớn tuổi tên Cho Nam-bong (Lee Soon-jae). Ông là một người chồng, người cha bảo thủ và gia trưởng đến nỗi luôn gay gắt, nóng nảy với bất cứ điều gì không vừa ý. Người chịu cơn thịnh nộ không ai khác chính là vợ ông - bà Lee Mae-ja (Jung Young-sook) - người phụ nữ hết lòng vì gia đình, nhẫn nhịn chồng, thương con và đương nhiên bà luôn là người bị ông Nam-bong la mắng, nặng nhẹ với những lời lẽ không hay.

Hai vợ chồng già sống cùng vợ chồng cậu con trai Jin-soo và cô cháu gái Eun-ji xinh xắn. Jin-soo dù đã làm cha nhưng tính tình khá nhu nhược, lại vô công rỗi nghề, chỉ sống dựa vào bố mẹ và vợ. Gia đình ba thế hệ dẫu có đôi lúc tiếng vào lời ra khi có người luôn cáu bẳn như ông Nam-bong, nhưng cuộc sống nhìn chung không quá nhiều mâu thuẫn.

Nhưng rồi vấn đề lại đến từ người phụ nữ đáng thương nhất nhà - bà Mae-ja khi căn bệnh mất trí ở tuổi già bắt đầu ập đến. Cuộc sống của gia đình nhỏ vốn tiềm ẩn nhiều mối lo giờ đây hoàn toàn bị xáo trộn bởi một người già khi tỉnh, lúc mê và cơn hoảng loạn của bà có thể ập đến bất cứ khi nào, bất kể ở đâu. Tần suất hoảng loạn của bà Mae-ja ngày một nhiều hơn, bà luôn miệng gọi tên Ji-sook - đứa con gái đã mất từ lâu và tưởng nhầm cháu nội Eun-ji là cô con gái xấu số của mình.

Song đến khi trở lại bình thường, bà cũng như bao người mắc phải căn bệnh này, không thể nhớ mình đã làm gì khi cơn mất trí ập đến. Ban đầu, ông Nam-bong tỏ ra lo lắng cho bệnh tình của bà, nhưng khi sự kiên nhẫn của một người hay gắt gỏng đã tạm chiến thắng lòng kiên nhẫn, ông đã cùng con trai đưa vợ vào viện dưỡng lão.

Thiếu vắng bà Mae-ja, cuộc sống của ngôi nhà nhỏ có phần yên bình hơn, nhưng sinh hoạt của ông Nam-bong lại bị xáo trộn theo một cách khác. Khi con dâu phải đi làm, chăm sóc chồng và con gái thì những thói quen ăn uống, sinh hoạt của bố chồng lại không được chăm chút như cái cách bà Mae-ja từng làm. Phải mất đi mới biết mình cần, con người chúng ta thật ra luôn như thế. Và rồi ông đã đón vợ về nhà, từ đó bà trở thành mối quan tâm hàng đầu của ông khi bệnh tình dần trở nên xấu đi.

Ít lâu sau, căn bệnh "lây" sang cả ông Nam-bong và gia đình cậu con trai cũng dọn ra riêng mà không hề biết cả bố mẹ đều mắc phải căn bệnh mất trí tuổi già. Ba mẹ đã không kể. Từ đó, đôi vợ chồng nương tựa lẫn nhau, chăm sóc cho nhau qua ngày. Nếu trước đây, ông Nam-bong cho thấy bản thân là con người cộc lốc, cáu gắt, lúc nào cũng la mắng vợ thì khi cả hai cùng mắc bệnh, người ta thấy được sự dịu dành và kiên nhẫn của ông. Khi chúng ta già đi, vào lúc ta yếu đuối nhất là thời điểm ta sống thật nhất với con người mình. Xen giữa những cơn mê - tỉnh, đôi vợ chồng già trao đổi với nhau bằng những mảnh giấy dán trên cửa, trên tường, tưởng như ít khi nào họ ở cùng một thế giới. Khi một người về với thực tại, thì người kia lại "bận" chu du trong thế giới của riêng mình. Ấy vậy mà chính ở hoàn cảnh này, họ lại yêu thương và trở lại ngọt ngài như ngày trẻ, chỉ có điểu không mãnh liệt và hừng hực như thời đôi mươi, mà trầm lắng, ý nhị hơn rất nhiều.

Có người bảo khi con người ta già đi là lúc chúng ta trở về với bản năng của một đứa trẻ. Sự hiểu biết, trải đời sẽ dạn dày thêm lên, nhưng bản năng mong muốn được làm nũng, được yêu thương chăm sóc lại không khác mấy trẻ con. Hai người già sống cùng nhau trong gian nhà nhỏ như hai đứa trẻ lần mò với lối sống tự lập trở lại. Họ có không gian riêng để thoả lòng mình với những cơn "điên" mà không bị ai dòm ngó, không bị ánh mắt nào phán xét. Và họ lại yêu nhau, theo một cách ngô nghê đến bình dị, giản đơn nhưng chân thành và ấm áp.

Khi nhận ra người phụ nữ bên cạnh mình cần được bù đắp và thương yêu nhiều hơn, ông Nam-bong đã có những câu thoại khiến người xem không thể nào quên và gieo lại rất nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. "Tôi chỉ còn mỗi bà thôi" - thời điểm này, dù có con trai, con dâu và cháu nội, nhưng cả thế giới trong mắt ông chỉ còn mang tên một người phụ nữ - Lee Mae-ja. Có lẽ hơi phiền phức và rắc rối khi cả hai cùng bệnh, nhưng như ông nói: "Hai người vẫn tốt hơn một, ít ra không phải buồn chán". Người ta thấy thấp thoáng nỗi sợ ánh lên từ đôi mắt người đàn ông cằn cỗi, sợ tuổi già, sợ bệnh tật, sợ mất mát, song niềm lạc quan vẫn chưa bao giờ bị dập tắt, vì bên ông có bà.

"Cuộc đời thật đẹp khi có bà", ai mà ngờ một người thô lỗ, cộc cằn khi xưa lại có thể nói ra những lời này? Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đời sẽ đẹp hơn, nếu có ai đó cam tâm nguyện ý cùng chúng ta đi qua thời son trẻ và cùng nhau già đi. Nghèo khó cũng được, vất vả cũng chẳng sao, chỉ cần đau ốm tuổi xế muộn, có người bênh cạnh để chí ít khi ra đi ta không hề đơn độc nếu phải bước trước người thương một bước. Hoặc giả là nếu đi sau vài ba năm, thì ta biết vẫn có ai đó đợi mình phía trước.

Điều ba mẹ không kể là một câu chuyện gia đình chính hiệu, không hề sở hữu những tình huống cao trào giật gân, vì vậy nếu bạn là người ưa chuộng lối dẫn dắt đầy drama của dòng phim thị trường hiện hành thì có thể bộ phim sẽ làm bạn thất vọng. Song với những giá trị cốt lõi mà phim mang lại, chúng ta sẽ có nhiều bài học quý giá về tình yêu, tình cảm gia đình. Hơn thế nữa, Điều ba mẹ không kể thôi thúc con người ta học cách yêu thương người thân, trân trọng người trước mắt. Bằng sự tinh tế và khéo kéo, các nhà làm phim người Hàn đã mang đến màn ảnh một câu chuyện đời thường đẹp như tranh,  lấy đi nước mắt khán giả ngay cả khi nhân vật đang cười. 

Phim có suất chiếu sớm vào tối ngày 25.07.2019.

Yin Li

Bài cùng chuyên mục