“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp

Trong vai trò nam chính kiêm nhà sản xuất, Lưu Đức Hoa mang đến một cuốn phim kịch tính và hấp dẫn về đề tài trộm cắp. Bộ phim còn là lời tri ân của ekip làm phim gửi tới một tác phẩm kinh điển của ảnh đàn Hong Kong nhiều năm về trước.

Bữa tiệc gay cấn trên màn ảnh

Phi vụ cuối cùng (tên gốc: Liên minh trộm cắp, tên tiếng Anh: The Adventurers) đặt bối cảnh tại Đông Âu, xoay quanh thế giới ngầm của các ông trùm buôn lậu và các tay siêu trộm khét tiếng.

Rời khỏi nhà tù, Trương Đan (Lưu Đức Hoa đóng) lên kế hoạch cho một phi vụ cuối cùng, nhằm đánh cắp ba món trang sức đắt giá trong huyền thoại, đồng thời truy tìm kẻ hãm hại anh năm năm trước. Trong cuộc phiêu lưu này, Trương Đan tiếp tục đồng hành cùng hacker Tiểu Bảo (Dương Hữu Ninh đóng) và bắt tay hợp tác với nữ tướng cướp Diệp Hồng (Thư Kỳ đóng).

Câu chuyện phim là sự lồng ghép của hai cuộc đối đầu căng thẳng: cuộc truy đuổi giữa cảnh sát - tội phạm và cuộc truy sát ngay trong băng đảng xã hội đen. Hai cuộc chiến này được khắc hoạ song song, với sức nặng và thời lượng ngang bằng nhau.

“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp
Bộ phim là cuộc đối đầu nghẹt thở giữa tội phạm với cảnh sát

Bằng cách làm này, đạo diễn Phùng Đức Luân đã đánh lừa khán giả về mục tiêu kẻ thù mà nam chính Trương Đan truy lùng. Người anh tưởng là kẻ thù thì ra là bạn tốt, người anh coi như gia đình hoá ra là kẻ hãm hại anh. Hai tuyến truyện được kể xen kẽ và chân tướng sự việc được hé lộ dần dần qua từng lát cắt nhỏ, tạo nên tính chất căng thẳng cho câu chuyện phim.

Mặc dù là một phim hành động, song Phi vụ cuối cùng rất hạn chế cảnh quay bắn súng và cháy nổ. Thay vào đó, bộ phim dành nhiều đất để miêu tả các thủ thuật trộm cắp tinh vi và đẹp mắt.

“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 2

Ở dạ tiệc đấu giá tại thành phố Cannes, Trương Đan chỉ với một cú xoay người rất nhẹ đã dễ dàng rút trộm được tấm vé mời trong túi áo ngực của một vị đại gia. Một lần khác, anh sử dụng dây cáp để trèo lên toà tháp cao, đột nhập vào toà lâu đài cổ.

Với Diệp Hồng, chỉ trong tích tắc, cô có thể biến hoá cho mình một tạo hình khác biệt, trà trộn vào đám đông hoặc tiếp cận nhân vật mục tiêu. Trong khi đó, Tiểu Bảo thiết kế nhiều thiết bị tân tiến phục vụ cho kế hoạch của nhóm cướp, như nhện robot có khả năng nhả đạn, máy sao chép vân tay quấn quanh người như một lớp vải…

Bên cạnh đó, đạo diễn Phùng Đức Luân cũng đưa vào phim các yếu tố đua xe, rượt đuổi, đánh võ, vẽ nên thế giới đạo tặc toàn diện, chân thực và hấp dẫn.

Thiết kế hình ảnh là phương diện thành công nhất của Phi vụ cuối cùng. Toàn bộ 110 phút phim được bao phủ bởi những khung hình động. Con người, vật thể trên màn ảnh luôn di động và bản thân máy quay cũng không ngừng chuyển động.

Trong các cảnh quay đối thoại giữa hai nhân vật, đạo diễn thay đổi khuôn hình liên tục, lần lượt từ cận mặt người này sang cận mặt người kia. Với các trường đoạn rượt đuổi, máy quay di chuyển nhanh, xoay tròn quanh nhân vật, theo sát sau bước chân hoặc chạy dài ở phía trước.

Các cú máy flycam xuất hiện khá dày trong phim, từ trên cao chúc xuống hay lơ lửng giữa không trung, vừa tăng sự kịch tính, vừa khắc hoạ vẻ đẹp của ba thành phố thơ mộng Cannes, Prague và Kiev. Mạch phim được cắt dựng nhanh gọn và dồn dập, phù hợp với thể loại và chủ đề phim.

Hình ảnh của phim luôn động

Một điểm thu hút khác của Phi vụ cuối cùng là cách xây dựng hình tượng nhân vật. Trước hết, bộ phim mang đến một bộ ba ăn ý hoàn hảo, mỗi người trong số họ sở hữu một biệt tài để tương trợ và phối hợp nhịp nhàng trong các phi vụ trộm cắp.

Tuyến vai phụ Thanh tra chính nghĩa nhưng nóng nảy do Jean Nero thể hiện và ông trùm gian xảo của Tăng Chí Vỹ ở phía đối lập của nhóm nhân vật chính, góp phần hoàn thiện bức tranh đấu trí, đấu sức đầy ác liệt trong phim.

“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 3
Một tổ hợp ba người hoàn hảo trên phim

Có lẽ là không quá lời khi nhận xét Thư Kỳ là gương mặt nổi bật nhất của Phi vụ cuối cùng. Nữ diễn viên gốc Đài được ông xã – đạo diễn Phùng Đức Luân ưu ái dành cho những góc quay cận tôn lên gương mặt xinh đẹp và nụ cười quyến rũ. Cô xuất hiện trên phim với hình ảnh thiên biến vạn hoá: lúc thì nhí nhố quậy phá, khi lại đằm thắm gợi cảm.

Nhìn nhận một cách tổng thể, Phi vụ cuối cùng là một phim khá tốt, tính giải trí cao. Chỉ đáng tiếc, cuộc đấu tranh nội tâm giữa lằn ranh tốt – xấu của nhân vật Diệp Hồng được xử lí quá vội vàng, thiếu chi tiết, đánh mất sức lôi cuốn ở cuối phim. Ngoài ra, chi tiết ông chủ lâu đài cổ Charles (Sa Dật đóng) đưa Diệp Hồng xuống hầm bí mật xem sợi dây Linh Chi Tuyền có phần vô lí. Sự dễ dãi này không phù hợp với tính cách thận trọng và mưu mô của nhân vật.

Tri ân cuốn phim nổi tiếng Tung hoành tứ hải

Xoay quanh nhóm cướp ba người gốc Hoa tại những miền đất Đông Âu xinh đẹp, Phi vụ cuối cùng ngay từ khía cạnh bề mặt đã gợi nhắc tác phẩm kinh điển Tung hoành tứ hải ra mắt năm 1991 do Ngô Vũ Sâm đạo diễn, Châu Nhuận Phát đóng chính cùng Trương Quốc Vinh và Chung Sở Hồng.

Trong phim, Trương Đan bị sư phụ, cũng là người anh coi như cha nuôi – Kim Cương (Tăng Chí Vỹ đóng) lợi dụng và hãm hại. Điều này cũng xảy ra với nam chính Châu Nhuận Phát trong bộ phim lúc trước.

Ngoài ra, bộ phim của Phùng Đức Luân còn có nhiều cảnh quay khá giống với Tung hoành tứ hải, nổi bật như hình ảnh nam chính nhảy dù, phóng motor phân khối lớn, nhóm nhân vật chính ngồi trên xe mui trần màu đỏ, đột nhập vào toà lâu đài cổ… Trong hai phim, nam nhân vật chính đều ấp ủ một phi vụ cuối cùng trước khi rửa tay gác kiếm và mục tiêu họ nhắm tới đều là các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền ở trời Âu.

“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 4“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 5
“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 6“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 7
“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 8“Phi vụ cuối cùng”: cuốn phim nghẹt thở về đề tài trộm cắp 9
Những phân cảnh tri ân bộ phim "Tung hoành tứ hải".

Tuy nhiên, sự tương đồng này đơn thuần là cách Phùng Đức Luân tri ân một bộ phim anh yêu thích lúc trước, không phải là sự sao chép hay đạo nhái. Bởi lẽ, mạch truyện và nhiều chi tiết trong phim đều khác biệt với Tung hoành tứ hải.

Đơn cử như mối quan hệ của ba nhân vật chính. Trong Tung hoành tứ hải, họ là anh em kết nghĩa, lớn lên bên nhau và cùng được ông trùm đào tạo trở thành đạo tặc. Còn trong Phi vụ cuối cùng, họ trở thành cộng sự khi đã ít nhiều có kinh nghiệm hành nghề trộm cắp.

Tung hoành tứ hải hoàn toàn tập trung vào thế giới của nhóm cướp. Còn Phi vụ cuối cùng thì chủ yếu xoay quanh vai diễn trọng tâm của Lưu Đức Hoa, và đặc biệt còn khai thác mối thâm tình giữa nhân vật này với gã cảnh sát người Pháp Piere (Jean Reno đóng).

Phon

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang