Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... "đạo diễn ma"

Điện ảnh là một ngành có xu hướng không kiên định và rất khó đoán. Đôi lúc, sau khi phim đã được hoàn thành và được công chiếu, sau khi những thông số về doanh thu đã được tổng hợp thì những tin đồn quái dị liên quan đến hậu trường và quá trình làm phim lại xuất hiện, như gần nhất là “câu chuyện tình” giữa tài tử Twillight Robert Pattinson với một con chó trong phim mới Good Time. Ở đây chúng ta sẽ nói về những… "con ma" điện ảnh… có thật.

“Và, một cách thẳng thắn mà nói, Steven Spielberg đã đạo diễn phim đó. Hoàn toàn không có nghi ngờ gì về điều đó.” Phát biểu trên được trích dẫn ra từ một buổi phỏng vấn gần đây với nhà quay phim kỳ cựu John Leonetti, người đã đảm nhận vai trò trợ lý quay phim thứ nhất cho Poltergeist. Câu nói chứng tỏ rằng tin đồn về việc Spielberg chứ không phải Tobe Hooper đạo diễn Poltergeist là chính xác.

Mặc dù Spielberg được ghi nhận về mặt pháp lý với tư cách là nhà sản xuất cho Poltergeist, mọi thứ từ những thước quay hậu trường cho đến hằng sa số những buổi phỏng vấn với dàn diễn viên và đội ngũ làm phim được tiến hành sau khi phim được trình chiếu có vẻ như cho thấy rằng ông ấy thật sự là người đứng đằng sau tất cả mọi thứ. Hiệp hội Đạo diễn Mỹ còn tiến hành điều tra quá trình sản xuất của Poltergeist sau khi xuất hiện những phát biểu của Spielberg mang tính ám chỉ rằng ông là đạo diễn phim, buộc Spielberg phải gửi một bức thư ngỏ đến Tobe Hooper để khen ngợi tác phẩm của [Hooper]. Leonetti, với tư cách trợ lý quay phim thứ nhất cho Poltergeist, có một góc nhìn thuận lợi để xác minh được rằng ai mới thật sự là đạo diễn cho phim. Ông thừa nhận rằng mặc dù Hooper có một số đóng góp về mặt sáng tạo và thực hiện một số cảnh quay, sự thật hiển nhiên ở đây là Poltergeist là đứa con tinh thần của Spielberg.

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma

Hiện tượng một số đạo diễn rút tên mình ra khỏi một dự án và thay vào đó là tên giả hoặc một trong số những biệt danh của họ không phải là hiếm. Nhưng điều hiếm thấy hơn ở đây là việc một phim được sản xuất, công chiếu và quảng bá như sản phẩm của đạo diễn này, sau đó lại được tiết lộ hoặc đồn là đã có một (hoặc nhiều hơn) đạo diễn khác ảnh hưởng đến phần lớn hoặc toàn bộ quá trình làm phim ấy. Một phim như vậy thường được gọi theo cụm từ ngữ chuyên môn đầy hoa mỹ là… được "đạo diễn ma", và người đạo diễn ấy gọi là “đạo diễn ma”, những người sẽ không xuất hiện trên những dòng credits của phim nhưng sẽ góp công lớn vào việc hình thành nên sản phẩm hoàn chỉnh.

Mặc dù hiện tượng “đạo diễn ma” và những can thiệp về mặt sáng tạo từ người ngoài cuộc là những thứ được thừa nhận trong ngành, không ai đủ thẳng thắn để nói ra điều đó, hoặc vì sợ danh tiếng của đạo diễn bị “thay thế” hư hoại, do hiệu ứng đám đông hoặc đơn giản là thông tin đã bị ém lại một cách hoàn hảo. Đối với những phim kinh phí lớn, những sản phẩm cột mốc của một hãng phim, ranh giới giữa đạo diễn với nhà sản xuất, nhà phát hành v.v lại càng mỏng manh, do đa phần các quyết định liên quan đến phim đều chịu sự ảnh hưởng của nhiều bộ phận, nhóm người, những nhân vật với nhiệm vụ chính là tập trung vào những con số đồng tiền thay vì công nhận phim là một sản phẩm chuyển thể hình ảnh của một đạo diễn từ kịch bản được viết ra dành riêng cho nó. Suicide Squad là một trong những ví dụ gần nhất, bản thân phim trải qua rất nhiều lần dựng lại và biên tập lại hòng thay đổi tông chung theo đúng ý định của hãng phim, qua đó giảm ảnh hưởng của đạo diễn David Ayer đến mức tối thiểu.

Nói đến điện ảnh hiện đại, như với Suicide Squad, những “con ma” này có thể được chứng kiến ở các phim siêu anh hùng Marvel và DC, khi mà phần lớn các phim đều kết nối với nhau trong một vũ trụ điện ảnh tổng thể do đó đòi hỏi phải thống nhất với nhau về nhiều mặt. Cho nên việc phân biệt liệu một phim có sự góp mặt của các đạo diễn ma hay không là tương đối khó, và điều khó hơn là xác nhận độ chân thực của những tin đồn được tiết lộ. Trong nhiều trường hợp, những người đạo diễn này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phim như Spielberg với Poltergeist, khiến cho quá trình “nhận dạng” càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên có nhiều lý do để cho rằng đạo diễn ma là một điều không quá lạ lẫm đối với cư dân La La Land, những nhà làm phim của Hollywood – nếu không muốn nói rằng nó đã xuất hiện ngay thuở ban mai của điện ảnh.

Để chốt lại, sau đây là một số tin đồn cả mới lẫn cũ về những “con ma” tuổi trung niên hoặc già hơn có sở thích làm phim. Dù bản thân chỉ là những tin đồn, hiện tượng này nghiêng về “bị ém” hơn là về “những ngôi sao hạng A và những đội ngũ làm phim kết hợp lại với nhau để chế ra một thuyết âm mưu”.

Poltergeist

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  2

Trong một buổi phỏng vấn về Poltergeist năm 2015, Spieberg có nói: “Tobe [Hooper] không hẳn là tuýp người… thích lãnh đạo. Nếu có một câu hỏi được đặt ra và câu trả lời không xuất hiện ngay lập tức, tôi sẽ bước vào cuộc và gợi ý về những giải pháp cho câu hỏi ấy. Tobe sẽ gật đầu đồng ý, và cứ thế quá trình hợp tác giữa chúng tôi tiếp tục diễn ra.”

Đối với Hooper, ông có cơ hội nói lên lý lẽ của mình trong một bài báo được xuất bản trên tờ LA Times vào tháng 5 năm 1982: “Tôi không hiểu tại sao những câu hỏi này cần phải được đặt ra. Tôi luôn nghĩ phim là một dự án cộng tác giữa nhà sản xuất, biên kịch và tôi. Hai trong số đó là Steven Spielberg (kiêm sản xuất và biên kịch), nhưng tôi thì đạo diễn phim và góp công tạo nên phân nửa phác thảo cho phim. Tôi khá tự hào về những gì mình đã làm,” ông nói.

Tuy nhiên theo nhiều thông tin tiết lộ từ những người có trong dự án Poltergeist, Spielberg có ảnh hưởng rất lớn đến những phác thảo ấy, thứ được cho là nguồn cội của phim. Hơn nữa theo giọng kể không mấy đáng tin của Hooper, có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng Spielberg mới là người có tiếng nói cuối cùng liên quan đến mọi thứ trong Poltergeist thay vì Hooper.

The Thing from Another World

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  3

Như đã nói, “đạo diễn ma” không hẳn là thứ gì quá mới, và hiện tượng này đã xuất hiện hơn 50 năm về trước trong phim được trình chiếu năm 1951 The Thing from Another World của đạo diễn Christian Nyby, với nhiều tin đồn rằng tác phẩm thực chất 100%  là của nhà sản xuất Howard Hawks. Chính Nyby được cho là đã công nhận tác động lớn của Hawks lên trường quay của phim, trong khi Kenneth Tobey (diễn viên chính của phim) cũng xác nhận lại rằng Hawks là người có tiếng nói chính chứ không phải Nyby. James Arnett (người đóng vai The Thing), mặt khác, phủ nhận điều này và kiên quyết rằng Nyby mới thật sự là đạo diễn của phim.

Có một điều có thể chắc chắn ở đây chính là phong cách của phim mang hơi hướng đạo diễn của Howard Hawks (được biết đến với vai trò là đạo diễn hơn là nhà sản xuất) hơn là của Nyby. Tuy nhiên mọi thứ có vẻ như vẫn và còn rất mập mờ, nhất là khi nhiều thành viên trong đội ngũ làm phim nay đã không còn sống để kể lại câu chuyện nữa.

Tombstone

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  4                         

Trả lời một buổi phỏng vấn vào năm 2006 với tạp chí True West, Kurt Russell tiết lộ câu chuyện về việc ông đạo diễn cho bộ phim miền viễn Tây nổi tiếng, Tombstone (với Kurt Russell kiêm thủ vai nhân vật chính trong phim)cũng như giải thích lý do tại sao lại mất một thời gian dài đến vậy để thông tin này được bật mí: “Tombstone là một phim đáng được nhắc đến – đó là lần mà tôi đã liều lĩnh hành động và thành công. Tôi đã ủng hộ đạo diễn [gốc], rồi người đạo diễn ấy bị sa thải, và mọi người quyết định thuê một ‘đạo diễn ma’. Họ muốn tôi đảm nhận vị trí đó. Tôi nói, ‘Tôi sẽ làm, nhưng tôi không muốn tên tôi xuất hiện trên đó.’”

Điều đã xảy ra ở đây là trong quá trình sản xuất phim, biên kịch phim Kevin Jarred vốn đảm nhận công việc đạo diễn ban đầu đã bị sa thải và thay thế bởi đạo diễn của Rambo: First Blood Part 2, George Cosmatos. Tuy nhiên theo Russell, Cosmatos chỉ là một tấm bình phong, để che giấu tên của Russell bên dưới chữ ‘Đạo diễn bởi’, với việc Russell bí mật đưa cho Cosmatos danh sách những thứ cần phải quay mỗi tối trước ngày làm việc. Russell nói với Cosmatos rằng ông sẽ không tiết lộ bí mật này khi George còn sống. Cosmatos mất vào năm 2005.

Dances with Wolves

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  5

Phim đạo diễn đầu tay của Kevin Costner, Dances with Wolves, đem đến cho tài tử này tượng vàng Oscar dành cho giải Đạo diễn xuất sắc nhất cùng 6 giải khác cho phim, bao gồm danh hiệu cao quý nhất tại Oscar 1991: giải Phim hay nhất. Sau hàng loạt giải thưởng điện ảnh cùng những kỷ lục doanh thu, bắt đầu xuất hiện những tin đồn về việc Kevin Reynolds, bạn lâu năm của Costner, đã đạo diễn một lượng lớn của phim.

Reynolds, người tiếp sau đó đã đạo diễn hai phim Waterworld và Robin Hood: Prince of Thieves cũng với Costner đóng vai chính, thực chất đã đạo diễn một số đoạn, bao gồm đoạn săn trâu nổi tiếng, trong Dances with Wolves. Trả lời phỏng vấn cho trang The Den of Geek vào năm 2008, Reynolds nói rằng Costner đã nhờ ông đến phim trường Dances with Wolves trong vài tuần để giúp đỡ cho quá trình làm phim.

A Prairie Home Companion

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  6

Đối với những người hâm mộ trung thành của Paul Thomas Anderson (Boogie NightsMagnoliaThere Will Be Blood, v.v.) chắc hẳn phần lớn nhận ra hoặc biết rằng phong cách làm phim của ông lấy cảm hứng rất nhiều từ Robert Altman, đặc biệt trong cách Altman lợi dụng những cảnh quay dài (long takes) để tạo nên vẻ chân thực cho phim. Khi Altman nhận đạo diễn bộ phim A Prairie Home Companion vào năm 2005, ông đã 80 tuổi. Khác với ‘già gân’ Clint Eastwood vừa mừng sinh nhật lần thứ 87 tháng 5 rồi và vừa tung ra Sully vào năm ngoái, trong lúc A Prairie Home Companion đang được sản xuất có nhiều tin xuất hiện đăng về một Altman mới-80-tuổi không đủ sức khỏe để đạo diễn cho phim.

Theo một tin được đăng năm 2005 bởi MNSpeak, “… những nhà sản xuất phim đã yêu cầu Altman nên có một đạo diễn ‘dự bị’ do sức khỏe kém của ông… có người nói rằng [Anderson] đang gánh vác việc hàng ngày tại phim trường. […] Trong khoản nghỉ giữa những cảnh quay, Altman sẽ đưa ra những chỉ đạo thông qua micro còn PTA sẽ dựa theo đó trực tiếp đạo diễn tại chỗ.”

Piranha 2: The Spawning

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  7

‘Phim đầu tay’ của James Cameron, trình chiếu vào năm 1981. Trên thực tế, người đạo diễn trẻ này chỉ có mặt trên phim trường của Piranha 2: The Spawning trong 2 tuần trước khi bị sa thải bởi nhà sản xuất Ovidio Asonitis, người đã tiếp tục vai trò đạo diễn thay ông nhưng vẫn giữ tên James Cameron là đạo diễn cho phim để tuân thủ hợp đồng.

Cameron đã tách rời bản thân mình từ Piranha 2, mặc dù ông cho nó là ‘phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh về cá ăn thịt người Piranha biết bay.” Trải nghiệm này cũng đem đến cho ông một món quà bất ngờ; trong 2 tuần ngắn ngủi đạo diễn Piranha 2, ông đã có những ác mộng về một người phụ nữ bị săn đuổi bởi một sát thủ nửa người nửa máy. Từ đó mà ý tưởng cho The Terminator đã nảy sinh.

Waterworld

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  8

Ngược lại với Dances with WolvesWaterworld trên ‘giấy tờ’ được đạo diễn bởi Kevin Reynolds, nhưng người đạo diễn phim thực ra lại là Kevin Costner. Waterworld có một quá trình sản xuất chông gai với rất nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến việc phim đã vượt quá kinh phí. Tại thời điểm phát hành năm 1995, Waterworld là phim có kinh phí cao nhất trong lịch sử điện ảnh

Trong quá trình làm phim đã xảy ra xung đột giữa Costner (người kiêm vai chính và sản xuất phim) và Reynolds, dẫn đến việc Reynolds rời bỏ dự án, không rõ là do tự nguyện hay bị sa thải. Costner tiếp nối vai trò đạo diễn Waterworld và có ảnh hưởng lớn đến quá trình biên tập phim.

Tango & Cash

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  9

Andrei Konchalovsky, một đạo diễn người Nga, luôn được cho là một lựa chọn kỳ lạ để đạo diễn bộ phim hành động năm 80 được nhiều người yêu thích, Tango & Cash, với sự tham gia diễn xuất của Kurt Russell và Sylvester Stallone. Quá trình làm phim đã vấp phải nhiều trở ngại và sau vài tháng Konchalovsky đã bị thay thế bởi đạo diễn của Purple Rain Albert Magnoli. Có tin đồn rằng Tango & Cash cũng được chỉnh lại hoàn toàn mới bởi biên tập phim, Stuart Baird – có nghĩa là phim chịu sự ảnh hưởng bởi tận 4 người: Konchalovsky, Magnoli, Baird và Stallone, tài tử nổi tiếng "thích chỉ đạo".

Thông thường khi một tác phẩm điện ảnh có quá nhiều bàn tay nhúng vào nhào nặn, khả năng cao phim sẽ thất bại. Tango & Cash mặc dù đúng là không được lòng các nhà phê bình, phim vẫn khá thành công ở phòng vé và được một bộ phận lớn người hâm mộ yêu thích.

Star Wars: Return of the Jedi

Từ Poltergeist đến Star Wars: Câu chuyện về những... đạo diễn ma  10

George Lucas đạo diễn "phần đầu" Star Wars vào năm 1977, sau đó ông giao cho Irvin Kershner đạo diễn phần tiếp theo The Empire Strikes Back. Quyết định này dựa phần lớn vào mong muốn ở lại California của Lucas để cứu vãn hãng Lucasfilm khỏi tình thế bị phá sản, tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, đó là phần phim này đã trở thành tác phẩm được yêu thích nhất và thành công nhất trong loạt phim Star Wars. Nhưng còn phần Return of the Jedi trình chiếu 3 năm sau đó thì sao?

Trên ‘giấy tờ’, Return of the Jedi được đạo diễn bởi Richard Marquand (Jagged Edge), một cái tên không hẳn được giới điện ảnh biết đến nhiều tại thời điểm đó. Câu chuyện là George Lucas đã không thực sự hài lòng với cách Irvin Kershner đạo diễn phần Empire Strikes Back, vì mặc dù phim là một thành công lớn, nó cũng đã vượt quá kinh phí đề ra. Khác với Empire, tác phẩm mà George Lucas không nhúng tay vào sâu, George Lucas quyết định làm ngược lại với Return of the Jedi. Có tin đồn rằng ông đã buộc Marquand phải quay thêm master shot (cảnh quay chính) cho toàn bộ mọi cảnh phim – qua đó lấy mất đi tầm ảnh hưởng của Marquand lên phim. Ngoài ra Lucas còn đóng vai trò biên tập chính của phim, trao cho ông quyền chỉnh sửa mọi thứ sau khi quá trình sản xuất đã khép lại. Ông áp những master shots thay cho những thước quay của Marquand mà ông không thích.

Theo Muzuco

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Lên đầu trang