Ma thuật bắt đầu từ The Avengers với quyền trượng của Loki, tiếp nối sau đó là Age of Ultron với Scarlet Witch và Vision. Và nay Doctor Strange là người mở ra một kỷ nguyên mới cho Vũ trụ điện ảnh Marvel: Kỷ nguyên ma thuật.
Trong Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), yếu tố ma thuật đã được “gài gắm” từ The Avengers năm 2012 với Quyền trượng của Loki. Hai năm sau đó, The Avengers: Age of Ultron tiếp tục mở rộng với năng lực của Scarlet Witch và sự ra đời của Vision. Nhưng phải đến Doctor Strange, Kỷ nguyên ma thuật của MCU mới thật sự bắt đầu …
Những bước đi đầu tiên của “Phù thủy Tối thượng”
Danh hiệu “Supreme Sorcerer” trong phim Doctor Strange vẫn chưa thuộc về Stephen Strange, vì anh vẫn còn là một bác sĩ phẫu thuật. Với tài năng và trí nhớ siêu phàm, Strange đã trở thành một bác sĩ phẫu thuật lừng danh, từ đó sự kiêu căng và ngạo mạn của con người cũng dần bám lấy anh, đến mức anh chỉ đảm nhận những ca phẫu thuật khó để … không làm ô danh chính mình. Nhưng đời cho ta tất cả, thì cũng sẵn sàng lấy đi tất cả từ ta. Strange gặp tai nạn xe hơi, đôi tay dập nát, kéo anh xuống mặt đất, đối mặt với sự nghiệt ngã của vũ trụ. Mất đi đôi tay, Strange tìm cách bấu víu vào tất cả những gì có thể để trở lại làm một bác sĩ phẫu thuật như ngày trước, để tìm lại danh tiếng và tiền tài. Và những giây phút vẫy vùng đó đã mang anh đến Kamar-Taj.
Kamar-Taj giống như một tu viện ở Himalayas, với bề ngoài đơn giản không có gì nổi bật, và là nơi Stephen Strange gặp mặt The Ancient One, người được cho là đã chữa khỏi cho một trường hợp chấn thương mà bản thân Strange cho rằng không cách nào chữa khỏi. Nhưng chính anh cũng không ngờ anh đang dấn thân vào một con đường mà chưa bao giờ anh nghĩ tới: Con đường trở thành một Phù thủy Tối thượng.
Sự ngạo mạn của con người…
Stephen Strange tìm đến Kamar-Taj trong tâm thế của một kẻ thất bại, nhưng bên trong anh vẫn còn đó sự ngạo mạn của một con người quá thành công. Sau nhiều năm sống trong tiền tài, danh vọng cũng như sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp, đây là lần đầu tiên Stephen Strange gặp thất bại, nhưng không phải thất bại trong công việc, mà là sự thất bại trong chính con người của anh. Và Benedict Cumberbatch dường như đã lột tả được sự ngạo mạn đó một cách hoàn hảo. Anh hóa thân thành Strange như thể đây là vai diễn được “đo ni đóng giày” cho anh. Ngạo mạn, tự cao, nhưng cũng đồng thời có một khát khao học hỏi đến mức đáng phải ghen tỵ, Benedict đã dẫn dắt sự chuyển biến tâm lý trong con người Strange một cách phù hợp, tự nhiên và không hề gượng gạo.
Một Stephen Strange tài năng và ngạo mạn
Và sự ngạo mạn đó không chỉ tồn tại trong Stephen Strange, mà còn thuộc về nhân vật phản diện của phim, Kaecilius. Hắn tìm kiếm quyền năng bóng tối của Dormammu với tham vọng làm chủ thời gian, có một cuộc sống vĩnh hằng. Nhưng thời gian không phải là một thứ để đùa giỡn, để xâm phạm, và bất kì hành động nào tác động đến thời gian đều sẽ phải trả một cái giá. “Nợ đến hạn thì phải trả”, câu nói của một nhân vật trong phim khi nhắc đến việc xâm phạm vào thời gian.
Kaecilius - Một kẻ "tham lam" khác, muốn làm chủ thời gian
… và sự rộng lớn của vũ trụ ma thuật
The Ancient One giống như một cụ thể hóa của sự rộng lớn trong Vũ trụ ma thuật. Trong phim Doctor Strange, The Ancient One mang hình hài một phụ nữ người Nepal, và mặc dù trước khi công chiếu đã có nhiều luồng ý kiến về việc chọn Tilda Swinton vào vai này, nhưng cô đã chứng minh bản thân mình đủ khả năng để đảm nhận một vai diễn quan trọng như The Ancient One. Sự kiên định trong suy nghĩ, mạnh mẽ trong sử dụng ma thuật, một chút hài hước và tình cảm trong nói chuyện, cùng nội tâm khó nắm bắt đã làm nên một The Ancient One vừa cởi mở vừa bí ẩn. Không ai hiểu rõ The Ancient One hơn chính cô.
Một The Ancient One gần gũi nhưng bí ẩn, nghiêm khắc nhưng tình cảm
Vũ trụ ma thuật trong Stephen Strange rộng lớn và khủng khiếp đến mức có thể khiến cho những bộ phim trước đó của Marvel có nhắc tới yếu tố ma thuật phải chấp nhận cúi đầu. Và tại nơi đây tồn tại một thực thể quyền năng, Dormammu, với lòng tham không đáy và luôn tìm cách xâm chiếm các vũ trụ khác nhau. Nhưng, có vẻ như Dormammu trong Doctor Strange … lại tựa như Thanos trong các phim trước của Avengers và trong Guardians of the Galaxy. Còn vì sao lại có chuyện “tựa như” thì xin phép không nói ra tại đây.
Baron Modor - "đàn anh" của Dotor Strange
Bên cạnh Benedict Cumberbatch và Tilda Swinton, những vai diễn còn lại cũng thể hiện khá tốt. Một Baron Mordo (Chiwetel Ejiofor thủ vai) kiên định đi theo con đường mà The Ancient One đã chỉ ra, với tính cách mạnh mẽ quyết đoán nhưng có phần nóng vội của tuổi trẻ. Một Kaecilius (Mads Mikkelsen thủ vai) tham vọng, sẵn sàng đi theo con đường do Dormammu mời gọi nhằm làm chủ thời gian và cuộc sống của chính mình. Người thủ thư Wong (Benedict Wong thủ vai) khó tính, ít cười, nghiêm túc và tận tâm trong công việc. Và cuối cùng là Christine Palmer (Rachel McAdams), một cô y tá luôn làm việc hết mình và đem lòng yêu Strange, đồng thời cũng là một người hỗ trợ kịp thời cho Strange lúc cần kíp. Nhìn chung, ngoài nhóm ba người Strange, The Ancient One và Mordo ra, các nhân vật còn lại dừng lại ở mức tròn vai, chứ không thật sự để lại quá nhiều ấn tượng.
Christine Palmer - Người luôn hết lòng vì Strange
Vẫn còn đó cuộc hành trình
Hành trình của Stephen Strange vẫn còn dang dở, anh đã đặt bước chân đầu tiên trong công cuộc mở rộng MCU với quyền năng ma thuật của mình. Với một kết thúc để mở cùng 2 đoạn after-credit, Doctor Strange hứa hẹn sẽ có một phần tiếp theo đáng được mong chờ, cũng như những vai trò của anh trong các bộ phim sắp tới do Marvel Studio thực hiện. Nếu là fan chân chính của Marvel, lời khuyên thật lòng là các bạn đừng nên bỏ qua Doctor Strange, nơi kỷ nguyên ma thuật bắt đầu.
Sưu tầm