Nếu muốn phát triển một ứng dụng mobile, chắc chắn sẽ đến lúc bạn cần phải lựa chọn hướng đi cụ thể cho app của mình: nên làm native/hybrid app hay chỉ nên tập trung làm một website có giao diện responsive và thân thiện với mobile?
Mỗi hướng đi trên đều có những thế mạnh và hạn chế riêng. Điều quan trọng là bạn cần nắm rõ những gì đang có trong tay và những gì bạn có thể cố gắng đạt được.
Native app
Native app là ứng dụng được thiết kế riêng cho một hệ điều hành di động. App loại này không thể chạy trên các nền tảng khác, chẳng hạn như một ứng dụng native iOS sẽ được phát triển từ ngôn ngữ lập trình Swift và không thể chạy trên điện thoại Android.
Lợi thế lớn nhất của native app là chúng cho phép người dùng truy cập và sử dụng tất cả các tính năng một cách dễ dàng và sẽ ít khi gặp lỗi nếu được thiết kế một cách hoàn chỉnh. Native app cũng mang đến trải nghiệm tốc độ cao và hoàn chỉnh nhất nên hiện vẫn chiếm phần lớn tổng lượng ứng dụng hiện nay.
Tuy nhiên, cũng chính vì không thể chạy trên các hệ điều hành khác nên nhà phát triển muốn phủ sóng ứng dụng của mình trên nhiều nền tảng buộc phải code lại nó rất nhiều lần. Ví dụ như việc các startup phải phát triển ứng dụng của mình tới 3 lần cho các nền tảng phổ biến như iOS, Android và Windows là không hiếm khi xảy ra. Quá trình không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực tương đối mà còn cả thời gian, công sức và chi phí.
Do vậy, nhiều công ty chưa có nguồn lực dồi dào chọn cách phát triển app cho riêng 1 nền tảng trước. Nếu ứng dụng thành công trên nền tảng này, họ sẽ quay lại phát triển nó cho nền tảng khác. Một điều đáng chú ý nữa là các app chạy trên iOS 7 trở lên hiện đang mang về nhiều lợi nhuận nhất trong số tất cả các nền tảng nên lẽ dễ hiểu là ngày càng có nhiều công ty chọn thiết kế app cho iPhone đầu tiên.
Hybrid app
Đúng như tên gọi, hybrid app là loại ứng dụng được thiết kế để chạy được trên nhiều nền tảng khác nhau. Chúng được phát triển dựa trên một ngôn ngữ lập trình tiêu chuẩn (chẳng hạn nhưu C# kết hợp với HTML5 và Javascript). Các tương tác của người dùng trên app loại này cũng thường nằm dưới sự quản lý của các plugin trong hệ điều hành.
Lợi thế lớn nhất của app Hybrid là chúng có thể hỗ trợ đa nền tảng và giúp các công ty tiết kiệm chi phí code nhiều lần. Về phía người dùng, miễn là ứng dụng được thiết kế tốt, thì họ cũng khó lòng phân biệt được đâu là native đâu là hybrid app. Với những framework hỗ trợ hư Ionic, Phonegap,… ngày càng được nâng cấp, rất nhiều startup nổi tiếng đã chuyển sang hybrid app, tiêu biểu là Uber, Evernote, Instagram, Gmail,…Rất bất ngờ phải không?
Tuy nhiên, hybrid cũng không phải là không có nhược điểm. Đối với ứng dụng đỏi hỏi những tương tác phức tạp thì hybrid app sẽ là bài toán khó cho các nhà phát triển. Hybrid có nhiều hạn chế khi lập trình viên muốn phát triển app của mình lên mức cao và tinh tế hơn. Chi phí duy trì ứng dụng hybrid cũng thường lớn hơn chi phí cho các ứng dụng native.
Responsive website thì sao?
Responsive web, loại website được thiết kế có thể xoay và thích ứng với mọi loại màn hình sẽ mang lại trải nghiệm không khác biệt quá nhiều so với app. Trên thực tế, bạn có thể giảm sự khác biệt này xuống mức tối thiểu để đảm bảo rằng home page của mình luôn hiển thị full nội dung trên tất cả các màn hình và trình duyệt.
Hạn chế lớn nhất của responsive web là bạn không thể phân phối nội dung qua ứng dụng trên App Store. Đây có thể là mối rủi ro lớn nhất là nếu bạn muốn phát hành ứng dụng mất phí. Một bất lợi nữa là người dùng sẽ luôn cần có mạng mới vào được website của bạn để sử dụng dịch vụ - điều có thể không có gì đáng nói ở các quốc gia phát triển nhưng ở Việt Nam hay Đông Nam Á nói chung thì cũng nên được cân nhắc. Khi mà rất nhiều dịch vụ hiệu suất trên mobile app hiện nay cho phép người dùng sử dụng ngay cả khi không có mạng, web app của bạn rất có thể sẽ bị cho về vườn.
Lời kết
Các nền tảng mobile hiện nay luôn mang đến rất nhiều cơ hội cho những người có máu khởi nghiệp. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn loại hình app cho công ty mình dựa trên những đặc tính về sản phẩm và nhóm khách hàng.
LAG page (Theo GenK)