[Review] Corsair K63 Wireless: Bàn phím cơ không dây tốt nhất cho bạn
Corsair K63 Wireless có thực sự tốt như lời đồn không? Cùng tìm qua bài đánh giá sau nhé!
Từ trước tới nay, trừ các sản phẩm gaming gear không dây cao cấp với cái giá không dưới 4 triệu hoặc mới đây hơn là các sản phẩm chuột không dây, bàn phím không dây chơi game giá bình dân hơn thì các sản phẩm gắn mác “gaming wireless” đều chưa thể thỏa mãn game thủ, đem đến cho họ những trải nghiệm nhanh nhất, chính xác nhất khi chinh chiến trong thế giới ảo. Tuy nhiên Corsair, nhà sản xuất gaming gear hàng đầu đến từ Mỹ đang dần thay đổi điều đó với các sản phẩm chất lượng hơn. Lần này, thị trường Việt Nam sẽ đón nhận bộ ba sản phẩm Lapboard (dùng đển gắn bàn phím kiêm lót chuột, chưa có ở Việt Nam), chuột chơi game không dây Dark Core RGB (một phiên bản có sạc không dây chuẩn Qi và một không có, sắp về Việt Nam) và sản phẩm được review hôm nay: bàn phím cơ chơi game K63 Wireless.
Không cần bàn cãi về chất lượng của các sản phẩm này khi nó đều được sản xuất bởi Corsair. Corsair cam kết rằng bộ ba sản phẩm chơi game không dây này sẽ vừa tiện lợi với kết nối không dây mà vẫn chơi game, thao tác mượt như các sản phẩm có dây trên thị trường. Nói cho dễ hiểu, công nghệ không dây trên các sản phẩm này sẽ không hề kém cạnh so với Lightspeed của Logitech.
Các tính năng nổi bật:
-
Kết nối không dây băng tầng 2.4 GHz độ trễ 1ms cho tốc độ tối đa với độ trễ tối thiểu.
-
Kết nối bluetooth độ trễ thấp và kết nối dây khi cần.
-
Kết nối không dây bảo mật với mã hóa AES 128-bit.
-
Sử dụng 100% Cherry MX Red switch đem đến trải nghiệm tối ưu khi chơi game.
-
100% anti-ghosting - không bỏ sót một động tác nào của bạn.
-
Chủ động điều khiển ánh sáng theo ý thích với phần mềm Corsair Utility Engine (CUE).
-
Layout Ten Keyless (TKL) nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển, thích hợp với nhiều không gian.
-
Pin sạc dung lượng cao cho thời lượng sử dụng liên tục đến 15 giờ.
-
Tương thích tốt với các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng,....
Cùng mở hộp sản phẩm để xem bên trong có những gì nào:
Vẫn là một phong cách đóng gói “rất Corsair” với tông màu đen vàng. Ngoài ra thì hình ảnh chiếc K63 Wireless cùng Cherry Red Switch cung cấp khá đầy đủ thông tin về chiếc bàn phím.
Bên trong hộp là nhân vật chính của chúng ta được đóng gói khá kỹ với nilon chống trầy, một chiếc kê tay ngắn, dây cáp, receiver nhận tín hiệu 2.4 GHz, adapter, giấy bảo hành và hướng dẫn sử dụng nhanh. Tương truyền ai đọc hết 2 cuốn bí kíp trên sẽ sử dụng phím thành thạo và nhanh hơn người thường.
Miếng kê tay không có gì quá nổi bật, tương tự như trên các sản phẩm trung cấp khác của Corsair. Tuy vậy bấy nhiêu là đủ để sử dụng chiếc bàn phím một cách thoải mái rồi.
Dây cáp kèm theo là cáp micro-USB loại dây cao su chứ không bọc lưới, không mạ vàng. Không ảnh hưởng nhiều lắm tới quá trình sử dụng. Khi gắn dây này vào, bạn vừa có thể sạc pin cho bàn phím vừa sử dụng nó như một chiếc bàn phím không dây thông thường.
Receiver đầu mạ vàng dùng cho kết nối không dây 2.4 GHz, có luôn cả logo Corsair nổi bật.
Adapter thì được làm “ít nổi” hơn với logo Corsair in chìm. Một đầu micro-USB nối với dây cáp, một đầu USB type A thông thường để gắn receiver.
Bộ đôi receiver và adapter này sẽ giúp bạn không phải cúi xuống cắm trực tiếp vào máy tính mà chỉ cần cắm thẳng vào dây cáp trên là được. Kết nối không dây 2.4 GHz cho độ trễ gần như là không có khiến chiếc K63 có tốc độ không hề thua kém với các sản phẩm bàn phím có dây thông thường. Ngoài ra công nghệ mã hóa AES 128-bit sẽ khiến kết nối không dây của bạn trở nên an toàn hơn.
Và cuối cùng là nhân vật chính của chúng ta, chiếc bàn phím cơ chơi game không dây K63 Wireless. Với layout TKL thì chiếc bàn phím khá nhỏ gọn và không nặng lắm so với các mẫu bàn phím fullsize (1,09kg). Dù được làm hoàn toàn từ nhựa nhưng độ hoàn thiện và chắc chắn của sản phẩm gần như là hoàn hảo, không hề cho người dùng cảm giác ọp ẹp khi trên tay.
Thiết kế nhỏ gọn và chắc chắn của chiếc bàn phím này sẽ đảm bảo độ bền cho sản phẩm khi phải trải qua quá trình di chuyển liên tục, đúng với mục đích mà nhà sản xuất hướng đến.
Góc trên bên phải (tính từ trái qua) chính là nơi các cụm phím điều khiển đèn, khóa Windows, các đèn thông báo như nguồn, kết nối không dây, Capslock, Scrolllock, nút mute, giảm và tăng âm lượng được Corsair sắp xếp một cách hợp lý.
Phía đối diện là 4 nút Stop, Previous, Play/Pause và Next được đặt, lý do là bàn phím theo layout TKL nên không có cụm phím số/numpad để đặt 4 nút trên như các bàn phím fullsize. Rãnh đi dây tai nghe hoặc chuột thường thấy trên các bàn phím Corsair cũng xuất hiện nè!
Do là một chiếc bàn phím không dây nên sẽ có một nút nguồn dùng bật tắt bàn phím, gạt qua là tắt, tiết kiệm điện mà. Cạnh bên là cổng micro-USB vừa sạc, vừa biến chiếc bàn phím thành có dây nếu bạn muốn.
Mặt dưới thì không có gì quá nổi bật ngoài các đế cao su chống trượt cùng 2 chân đế nâng bàng phím gạt ngang thay vì đặt dọc như thông thường.
Phía dưới lớp keycap ABS double-shot là một tấm nền màu xanh (do bàn phím sử dụng LED xanh, hắt lên màu sẽ nổi bật hơn) bao quanh các switch Cherry MX RED - khác với K63 LED đỏ và tấm này cũng màu đỏ. Chắc mình cũng không cần giới thiệu về nó nhiều vì độ nổi tiếng cũng như chất lượng của switch Cherry thì ai chơi bàn phím cơ cũng đã biết rồi nhỉ?
So sánh với người tiền nhiệm K63 của mình, K63 vừa có ưu có nhược. Corsair đã mạnh dạn loại bỏ phần đệm cao su bên dưới để chống bụi và nước, giúp giảm giá thành sản phẩm. Bù lại thì K63 Wireless sẽ được trang bị kê tay, thứ mà K63 không có. Ngoài ra thì tùy chọn 3 kết nối không dây, bluetooth và có dây thì thoải mái hơn có dây đơn thuần rồi.
Ngoài kết nối với máy tính qua receiver thì kết nối bluetooth của K63 Wireless cũng rất có ích khi có thể kết nối với các thiết bị di động khác như laptop, smartphone, tablet,... một cách dễ dàng như bao thiết bị bluetooth khác. Bàn phím K63 Wireless sau khi sạc đầy cho phép sử dụng liên tục lên đến 15 tiếng với chế độ đèn nền phím mặc định, 25 tiếng với chế độ đèn thấp nhất và lên đến 75 tiếng khi không sử dụng đèn nền.
Do chỉ có đèn LED đơn sắc xanh nên các tùy chọn hiệu ứng ánh sáng qua phần mềm CUE cũng rất đơn giản, không quá rắc rối. Các thẻ như Action giúp lưu macro cho bàn phím, Lighting Effects giúp chỉnh hiệu ứng ánh sáng và Performance tùy chỉnh phím khóa Windows cùng phím điều khiển đèn khá quen thuộc. Cách sử dụng như nào thì chỉ cần lướt qua bài review này sẽ rõ.
Cảm nhận sử dụng chiếc bàn phím này mình xin phép không nhấn quá mạnh về mặt gõ văn bản hay chơi game vì đã quá quen thuộc với switch line-ear không clicky không khấc của Cherry Red Switch cũng như độ hoàn thiện sản phẩm của Corsair là không chê vào đâu được rồi. Điều cần nhấn mạnh ở đây chính là cách mà bạn tận dụng các kết nối không dây của chiếc bàn phím như Wireless hay bluetooth của nó. Kết hợp với chuột không dây Dark Core RGB và chiếc Lapboard sẽ khiến trải nghiệm chơi game PC của bạn trở nên thoải mái một cách kỳ lạ, không cần phải ngồi lên ghế, đặt bàn phím lên bàn nữa mà chỉ cần tựa lưng vào sofa, đặt bộ ba ấy lên đùi và từ từ cảm nhận từng khoảnh khắc gaming trên màn hình lớn. Hoặc đơn giản hơn là dành cho những ai “siêu lười”, chỉ cần nằm một chỗ mà vẫn điều khiển được máy tính của mình để xem phim thoải mái hơn.
Kết luận:
Đây là một phiên bản nâng cấp đáng giá nhất về hiệu năng cũng như cách sử dụng cho người dùng mà Corsair mang lại từ khi ra mắt K63 có dây. Nếu yêu cầu của bạn khá khắt khe khi vừa muốn sở hữu một chiếc bàn phím cơ không dây nhưng lại không muốn hi sinh tốc, độ chính xác như khi sử dụng bàn phím có dây thì Corsair K63 Wireless chính là lựa chọn cho bạn. Hy vọng trong tương lai, hãng sẽ cho ra mắt các phiên bản switch khác hoặc đẹp hơn là đèn LED RGB sặc sỡ để người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.
Xin cảm ơn Corsair Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này.
Jelly Donuts
Ảnh: Đoàn Dũng
Bài cùng chuyên mục