NFC là gì? Công nghệ này có ứng dụng gì và sử dụng ra sao?
Near Field Communication (NFC) hay công nghệ giao tiếp trường gần rất tiện dụng trong việc trao đổi dữ liệu giữa 2 thiết bị. Vậy NFC là gì? Làm cách nào để sử dụng những tiện ích mà công nghệ này đem lại? Cùng tìm hiểu nhé.
1. NFC là gì?
Cái tên nói lên tất cả. Bạn cần đặt 2 thiết bị NFC lại gần nhau và chúng đã có thể giao tiếp với nhau rồi đấy. Công nghệ này dùng một tần số sóng radio ngắn để giao tiếp, chuyển đổi dữ liệu. Trong công nghệ di động ngày nay thì NFC nổi lên như một công cụ chia sẻ dữ liệu đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi. Kết hợp với Android Beam trên các thiết bị Android thì việc chuyển tài liệu giữa 2 thiết bị rất nhanh chóng. Hơn nữa sự hiệ diện của NFC trên Android còn cho phép biến chúng thành một thiết bị ghi đọc để lập trình cho các thẻ NFC. Xíu nữa sẽ nhắc đến những thẻ này nhé.
2. Thiết bị của bạn có NFC không?
Cách dễ nhất chính là vào Setting/Cài đặt/Tùy chỉnh của điện thoại > Mở phần Connection/Kết nối hay More và tìm mục NFC hay Android Beam. Thường thì các thiết bị giá rẻ sẽ không có chức năng này.
3. Kích hoạt NFC
Khi đã tìm thấy NFC và Android Beam trong Setting thì bạn chỉ việc bật nó lên thôi. Cứ bật 2 tính năng này lên cùng lúc để nhận được tiện ích không giới hạn nhé.
4. Chia sẻ dữ liệu qua NFC
Tính ứng dụng đầu tiên NFC được sử dụng nhiều nhất chính là chia sẻ dữ liệu. Để thành công thì bạn cần lưu ý:
- Cả thiết bị gửi và nhận đều có hỗ trợ NFC và Android Beam, đã bật như bước trên.
- Cả 2 thiết bị không bị khóa hay trong tình trạng tắt màn hình.
- Cả 2 thiết bị sẽ có thông báo và rung lên khi đã kết nối với nhau.
- Đừng kéo 2 thiết bị ra xa khi đang kết nối và chia sẻ dữ liệu.
- Bạn sẽ nhận được thông báo khi file đã chuyển xong.
Dữ liệu như hình ảnh, video, danh bạ, trang web, ứng dụng đều có thể trao đổi qua NFC. Cách thực hiện như trên. Lưu ý:
Chia sẻ ứng dụng App thực chất chỉ là đưa địa chỉ ứng dụng đó trên Google Play Store qua cho máy nhận để việc tải được nhanh chóng hơn mà thôi, không phải chia sẻ file apk.
Chia sẻ trang web chỉ là gửi địa chỉ qua mà thôi. Thiết bị nhận sẽ dùng chính trình duyệt của mình để mở trang web đó lên.
Tương tự, Youtube cũng là chia sẻ địa chỉ video qua máy nhận chứ không chuyển trực tiếp video.
Danh bạ: Chuyển dữ liệu danh bạ lên thiết bị chứ không phải SIM hay trên mây.
5. Thẻ NFC Tag và cách sử dụng
Ngoài việc chia sẻ dữ liệu với các thiết bị hỗ trợ NFC khác bạn cũng có thể dùng NFC để tùy chỉnh lại thiết bị của mình với 1 cú nhấp. Để làm được điều đó thì bạn cần cho thiết bị của mình lại gần thẻ NFC hay một thiết bị tương tự (nhẫn thần kỳ chẳng hạn).
Đó chính là thẻ NFC Tag, trong đó có chứa một con chip NFC nhỏ không tiêu hao năng lượng, nhỏ xíu đủ để nhét vào những thứ như card, tag, nhẫn, chai thuốc, vòng tay, chìa khóa,... Con chip bé xíu này chứa một lượng nhỏ dữ liệu có thể đọc được bởi các thiết bị NFC. Các tag NFC khác nhau có nhiều dung lượng bộ nhớ. Bạn có thể lưu trữ một số dữ liệu nhất định lên các thẻ nhày như một địa chỉ web, số điện thoại khẩn cấp hoặc cả những lệnh tùy chỉnh phức tạp để chỉ 1 nhấp là sử dụng được.
Để sử dụng bạn cần một tag NFC (tất nhiên rồi) như thẻ giữ xe hay gặp nè, nhẫn NFC nè,... một thiết bị đọc ghi NFC hoặc ứng dụng đọc ghi NFC trên điện thoại có hỗ trợ, Trigger là một ví dụ. Bạn có thể lập trình cho thẻ NFC là một tác vụ cụ thể như mở hình, mở web, nhắn tin chỉ bằng cách chạm vào lưng điện thoại của mình, ngầu quá phải không? Chỉ cần lập trình trước rồi dí tag NFC lại gần smartphone của bạn là được.
6. Thanh toán một chạm
Chắc bạn cũng từng nghe qua Samsung Pay, Google Pay hay Apple Pay rồi phải không? Đấy là những phương thức thanh toán một chạm dựa vào công nghệ NFC đấy. Ngoài ra bạn còn dùng NFC để thanh toán tiền tàu điện ngầm, mua quà vặt, tỉ tỉ thứ khác miễn là có nền tảng hỗ trợ.
Trên đây là sơ lược về NFC để bạn tham khảo. Chúc các bạn mày mò thành công.
Jelly Donuts
Nguồn: androidauthority
Bài cùng chuyên mục