Rút kinh nghiệm của năm trước, Gabe và đàn đệ vẫn sẽ tiếp tục duy trì hệ thống Major nhưng sẽ chỉ còn 2 giải đấu. Lần này, địa điểm sẽ diễn ra kỳ Major thứ 4 sẽ là Boston, Mỹ.
Thay vì lựa chọn chu du vòng quanh thế giới với 4 giải đấu lớn mỗi năm, thì nay nhiều khả năng cả The International lẫn 2 giải Major sẽ chỉ tổ chức ở nước Mỹ. Đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về quyết định này của Valve. Vậy nếu cả 3 giải đấu Dota 2 lớn nhất thế giới chỉ được tổ chức tại xứ cờ hoa thì Valve, game thủ lẫn người hâm mộ sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Đối với Valve, lựa chọn Mỹ làm địa điểm duy nhất tổ chức các giải đấu lớn nằm trong hệ thống của mình sẽ giúp họ dễ dàng kiểm soát và quán triệt công tác tổ chức. Sự thất bại thảm hại của Shanghai Major đã trở thành một ấn tượng xấu xí tác động mạnh tới các quyết định về tổ chức giải của Gabe. Cho dù kỳ Manila Major sau đó đã thành công rực rỡ vẫn chưa đủ để khiến Gabe quên đi hoàn toàn cơn tức ở Trung Quốc. Vì lẽ đó việc giữ các giải đấu quan trọng tại địa bàn của mình, Gabe có thể đích thân vi hành kiểm tra tiến độ hoạt động của đối tác tổ chức. Tổ chức gần nhà bao giờ cũng có rất nhiều lợi thế, Valve sẽ giảm được chi phí tiêu tốn khi phải vận chuyển nhân lực, vật lực lẫn đàm phán lựa chọn nhà thi đấu tại một đất nước cách xa bên kia đại dương.
Tuy nhiên, Valve cũng đánh mất đi phần nào cơ hội tăng cường quảng bá Dota 2 trên thế giới. Như tại Philippines, với việc nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ, Manila Major đã không còn chỉ là một giải đấu đơn thuần dành cho tín đồ Dota 2 mà nó còn trở thành chiến lược phát triển du lịch. Đem đến cơ hội giới thiệu hình ảnh Manila tới bạn bè quốc tế cũng như gia tăng lượng lớn người chơi Dota 2 tại SEA. Lợi về công tác quản lý tổ chức nhưng Valve lại đánh mất đi phần nào cơ hội quảng bá tại các thị trường tiềm năng khác trên thế giới.
Na`Vi đi dạo và giới thiệu vẻ đẹp của Manila.
Đối với các game thủ, tất nhiên vui mừng nhất chính là những tay chơi đang thi đấu tại các đội game Bắc Mỹ. Thi đấu tại sân nhà, các game thủ Bắc Mỹ sẽ thoải về tâm lý và tiện lợi về di chuyển. Tới thời điểm bắt đầu TI hay Major, khi mà Digital Chaos, Evil Geniuses, compLexity,... chỉ cần một chuyến bay nội địa ngắn hay một chuyến xe bus thì các team khác phải bay cả chặng đường dài mỗi lúc giải đấu của Valve khởi tranh và lại còn cả vấn đề phải lo về Visa Mỹ nữa. Nhưng bù lại về điều kiện sinh hoạt cũng như môi trường luyện tập sẽ được Valve chăm chút kỹ lưỡng, các game thủ có thể yên tâm thi đấu mà không phải lo lắng vấn đề ăn ở, chất lượng trang thiết bị hay nạn mất cắp.
Phòng chờ TI5 lịch sự với màn hình và đồ ăn luôn sẵn sàng.
Đối với người hâm mộ, thiệt thòi nhất chắc chắn là người hâm mộ tại khu vực châu Á. Các trận đấu diễn ra vào lúc rất muộn, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày cũng như công việc đối với người xem tại châu Á. Nếu cả 3 giải lớn đều diễn ra tại Mỹ thì cứ khoảng hơn 3 tháng người hâm mộ tại SEA hay Trung Quốc sẽ lại phải thức thâu đêm nếu muốn theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ các trận đấu. Tuy nhiên, bù lại người xem có thể yên tâm về chất lượng đường truyền các trận đấu. Tình trạng giật lag hay hình ảnh gặp vấn đề gần như sẽ không xuất hiện khi các trận đấu diễn ra. Khâu kỹ thuật phát sóng sẽ được đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất.
Nhưng cách thức Valve tổ chức các buổi lễ khai mạc và bế mạc tại Mỹ lại chưa chiều lòng được người hâm mộ. Đơn cử như kỳ TI6 vừa qua, rất nhiều ý kiến nhận xét của người hâm mộ cho rằng lễ khai mạc diễn ra quá nhạt nhòa so với thương hiệu giải đấu triệu đô. Dù đã kết hợp công nghệ thực tế ảo nhưng ấn tượng cao trào tới người xem vẫn chưa mạnh như màn trình diễn tại Epicenter Moscow hay reo hò khi Hodor mở cửa cho 2 team tại chung kết Manila Major. Ngoài ra, châu Á có sự cầu kỳ và tỉ mỉ trong các tiết mục sự kiện hơn Mỹ, không tổ chức Major tại châu Á thì thật là đáng tiếc. Và đặc biệt vì ít được tiếp xúc với những giải lớn nên người hâm mộ nhất là tại SEA luôn cuồng nhiệt hơn bất cứ nơi nào.
Với công nghệ hậu kỳ hiện đại, phát sóng các trận đấu sẽ diễn ra chất lượng hơn.
Boston Major chưa diễn ra nên chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Valve và PGL lần này sẽ đem tới nhiều bất ngờ thú vị hơn ở lễ khai mạc so với TI6. Dù tổ chức tại Mỹ có rất nhiều mặt lợi nhưng thiết nghĩ Valve vẫn nên giành ra 1 kỳ Major diễn ra tại châu Á hơn là giữ tất cả tại Mỹ. Valve cứ giữ khư khư Major tại Mỹ thì ngày Hanoi Major được tổ chức sẽ chẳng bao giờ xuất hiện.
Thưởng thức Dota 2 phong cách cổ điển là điều Valve hướng tới tại Boston Major.