LMHT: Đây là những tướng đi rừng đang được các đấu thủ chuyên nghiệp vô cùng tin tưởng

Nguyễn Hoàng Thuận

Những vị tướng đi rừng dưới đây là những cái tên đang được những người chơi chuyên nghiệp vô cùng đáng tin cậy để có thể leo rank một cách an toàn.

Cái tên đầu tiên phải nhắc đến chính là Rengar, tên thú săn mồi này đang có một sức mạnh quá vượt trội so với những vị tướng đồng nghiệp. Dù bị giảm sức mạnh trong đợt cập nhật tới đây nhưng Rengar tỏ ra cực kì bá đạo gần như trong mọi giai đoạn của trận đấu.

Giai đoạn đầu trận của Rengar không quá mạnh như Lee Sin hay Kha’Zix, nhưng hắn có khả năng dọn rừng nhanh. Đồng thời chiêu cuối cho tên thú săn mồi khả năng gank từng con mồi một trên bản đồ và dần tăng tiến sức mạnh thành một con quái vật nhờ nội tại – Dây Chuyền Răng Nanh.

Rengar sẽ bắt đầu trở nên cực mạnh ở giai đoạn giữa trận khi hắn đã có đủ cộng dồn của Dây Chuyền Răng Nanh và có kha khá trang bị, lúc này những ai bị hắn bắt lẻ gần như cầm chắc cái chết. Lượng sát thương hắn ta gây ra là cực lớn lên những mục tiêu máu giấy, cho dù hắn không lên hoàn toàn là sát thương.

Trong giao tranh Rengar sẽ đóng vai trò của một đấu sĩ nhiều hơn là một thích khách, hắn sẽ gây rối loạn đội hình đối phương bằng cú nhảy và W – Tiếng Gầm Chiến Trận sẽ giúp hắn xóa khống chế đồng thời hồi phục lại một lượng máu đã mất. Dồn sát thương hắn cũng không xong, khống chế cũng không được, chả làm được gì cả

Nhắc tới Rengar thì không thể không nhắc đến bạn đời… à tôi nhầm, đối thủ không đội trời chung với hắn, quái vật hư không Kha’Zix. Cũng vừa được chỉnh sửa trong cập nhật thích khách tiền mùa giải, sau nhiều lần lên voi xuống chó cùng Riot, Kha’Zix đã chứng tỏ độ “lỗi” của mình không hề kém cạnh so với tên đối thủ – Rengar.

Sau biết bao lần thay đổi, lần này thì khỏe thật

Kha’Zix sở hữu một giai đoạn đầu và giữa trận đấu cực mạnh với khả năng bắt lẻ những mục tiêu máu giấy. Tiến hóa Q cho hắn khả năng dọn rừng nhanh hơn hẳn so với lúc trước, nhờ đó mà khả năng kiểm soát và tổ chức gank của chú bọ ngựa cũng được cải thiện rất nhiều.

Cũng như Rengar, khả năng bắt lẻ của Kha’Zix là không thể chối cãi. Ý tôi là còn gì tệ hơn việc bị cô lập và phải đối mặt với một con quái vật đến từ hư không cơ chứ? Không những thế, với lối tiến hóa W mới cho hắn cực nhiều sức mạnh, nhất là khả năng làm chậm đến 80% trong 2s khi mục tiêu bị cô lập, khỏi chạy luôn!

Chậm không lối về

Trong giao tranh, cũng giống như Rengar, nhiệm vụ của Kha’zix không còn là xồ vào để hạ gục những mục tiêu máu giấy nữa, mà là gây rối loạn đội hình đối phương bằng khả năng tàng hình không thể bị phát hiện nhờ chiêu cuối – Đột Kích Hư Không cùng khả năng làm chậm diện rộng nhờ W – Gai Hư Không tiến hóa. Nếu đội hình đối phương tan vỡ thì chính hắn sẽ là kẻ dọn dẹp chiến trường bằng cách tàn sát đối phương nhờ E – Nhảy được hồi liên tục khi có mạng.

Thầy tu mù vẫn là một trong những lựa chọn cổ điển và được yêu thích nhất khu rừng gần như trong mọi phiên bản ở xếp hạng đơn. Chưa dừng lại ở đó, gã thầy tu này vẫn đang làm mưa làm gió ở đấu trường chuyên nghiệp bởi những thay đổi trong khu rừng ở đầu mùa 7.

Với khu rừng mới, gã thầy tu như “hổ mọc thêm cánh”. Với lượng kinh nghiệm mà nó mang lại, hắn ta có một lượng sức mạnh đột biến cực lớn ở đầu trận. Cùng với độ cơ động bậc nhất Liên Minh Huyền Thoại, Lee Sin có thể tổ chức những cuộc gank mà chẳng ai ngờ tới được.

Nếu ai đó nói rằng Lee Sin yếu về cuối game, thì chắc hẳn người đó chưa xem Lee Sin “gank tem 70p gg” của C9.Meteos rồi. Đúng là hắn có yếu đi thật, nhưng khả năng tạo đột biến của hắn thì vẫn còn y nguyên. Một cú “Insec” chuẩn xác hoặc một cú sút đỡ đòn đối phương trúng 3-4 người còn lại là dư sức xoay chiều giao tranh luôn đấy. Còn không thì cứ dùng để bảo vệ đồng đội cũng tốt mà!

Kể từ khi ra mắt, Rek’Sai chưa bao giờ hết hot ở đấu trường chuyên nghiệp. Ả ta là một trong những vị tướng bá đạo nhất mà Riot từng cho ra mắt, thậm chí độ bá đạo của ả lúc mới ra mắt còn hơn cả Camille ở hiện tại. Dù đã bị giảm sức mạnh liên tục nhưng có vẻ như Riot chẳng thế làm gì để giảm độ hot của Rek’Sai ở đấu trường chuyên nghiệp.

Nấm Mồ Hư Không sở hữu khả năng kiểm soát rừng gần như bậc nhất trò chơi nhờ các đường hầm cùng khả năng phát hiện vị trí đối phương nhờ nội tại Cảm Quan Địa Chấn. Không những thế, khả năng tổ chức gank của ả ta cũng là cực mạnh nhờ độ cơ động và khả năng né tầm nhìn từ các đường hầm.

Rek’Sai có một lượng sát thương cơ bản khá ổn, điều đó khiến ả ta có thể lên toàn trang bị chống chịu mà vẫn gây được một lượng sát thương rất lớn nếu tấn công các mục tiêu máu giấy. Trong giao tranh, nhiệm vụ của Rek’Sai cũng giống như các đỡ đòn thông thường, ả ta có thể chọn lao lên càng quét đội hình đối phương, hoặc đứng lại bảo vệ tuyến sau của đội hình đều được.

Nên nhớ rằng Cảm Quan Địa Chấn có thể phát hiện chuyển động của các vị tướng kể cả khi chúng đang tàng hình, vì thế chúng ta sẽ không phải sợ một tên Kha’Zix xồ vào hoặc một tên Rengar đang lởn vởn ngoài vòng giao tranh để tìm kiếm mục tiêu nữa.

Nhưng cũng nên cẩn thận không nên "đi dạo" mà không kiểm soát tầm nhìn nhưng anh chàng Trick ở trên

Sau màn trình diễn thành công ở Chung Kết Thế Giới mùa 6, có vẻ như tên Viking vẫn giữ được sức mạnh của mình với khu rừng mới mùa 7.

Olaf là vị tướng đi rừng duy nhất trong danh sách này không có được sự cơ động đến từ những kĩ năng lướt. Nhưng cũng chẳng sao, một chiến binh Viking ngầu lòi thì cần gì những trò bay nhảy màu mè, hắn ta chỉ cần chạy thẳng vào đội hình đối phương và chém giết thôi.

Sở hữu khả năng càn quét cực mạnh đến từ chiêu cuối Tận Thế Ragnarok, Olaf có thể chống lại bất kì kĩ năng khống chế nào và không thể bị ngăn cản khi xông thẳng vào đội hình đối phương. Và khi hắn đã tiếp cận, hắn sẽ xé toạc những mục tiêu máu giấy của đối phương bằng lượng sát thương cực lớn từ những nhát rìu.

Điểm yếu lớn nhất của Olaf là khả năng tranh chấp mục tiêu cũng đã được khắc phục trong khu rừng mùa 7, với sự xuất hiện của hạt thông nổ. Giờ đây hắn có thể nhảy vào hang rồng, baron từ phía trên chứ không cần phải đâm đầu chạy thẳng vào như trước nữa.

Theo: lienminh360

Bài cùng chuyên mục