Ác mộng kì quái với tựa game Little Nightmares
Mới và lạ đúng nghĩa, tựa game Little Nightmares dù chỉ qua bản demo cũng đã cho thấy một sự rùng rợn kì thú mà nó mang lại cho cả người chơi lẫn người xem...
Khi bạn là đứa trẻ, mọi thứ đều đáng sợ. Từ những cái bóng dưới gầm giường, hay ánh đèn chiếu qua khung cửa sổ tạo thành thế giới của những hình ảnh trắng và đen, đều khiến một đứa trẻ hoảng sợ. Từng được biết với cái tên Hunger, tựa game Little Nightmares của studio Tarsier đem bạn trở lại thế giới đó, “bơm” đầy cảm giác tăng cao của kinh ngạc và kinh hoàng mà chỉ bọn trẻ mới cảm nhận được.
Little Nightmares là một game đi cảnh đơn giản với yếu tố lén lút và giải đố. Hãy thử tưởng tượng bạn là cô bé nhỏ xíu, vừa tìm cách không để kẻ thù khổng lồ phát giác, vừa tìm cách để leo lên được lỗ thông hơi cao gấp chục lần chiều cao của mình. Rất khôn khéo và nghệ thuật, nhưng không phải chỉ có thế.
Little Nightmares kết hợp khéo léo thể loại đi cảnh màn hình ngang và kinh dị, đem đến một khởi đầu đầy hứa hẹn. Nếu đã từng chơi các game đi cảnh, bạn sẽ không quá xa lạ với kiểu chơi trong Little Nightmares. Trải nghiệm trong trò chơi mang đến cảm giác rờn rợn thường thấy trong phim của Tim Burton. Trên hết, game thành công trong việc phô diễn vẻ đẹp thông qua ý tưởng độc đáo.
Bạn điều khiển một cô bé nhỏ xíu mặc chiếc áo mưa màu vàng, dẫn dắt bé con vượt qua thế giới kỳ quái. Little Nightmares đem lại cho người chơi cảm giác rợn người lẫn tuyệt vời cùng một lúc. Lối chơi đi cảnh đưa bạn di chuyển thông qua môi trường trong trò chơi. Chẳng hạn, có một đoạn người chơi phải tìm đường giúp bé con áo vàng vượt qua gian nhà bếp rộng lớn, cùng với công việc xay thịt làm xúc xích. Và bạn làm điều này trong khi phải tìm cách tránh tên quái vật khổng lồ trong căn bếp. Chỉ cần nhìn đã biết hắn sẽ không ngần ngại nấu chín nhân vật bé nhỏ của tôi khi tóm được cô bé. Thế nên, lợi dụng sự nhỏ bé của nhân vật, bạn phải tìm cách men theo tường và ẩn náu trong bóng tối dưới bàn hoặc bỏ chạy khỏi hắn tìm lối thoát khỏi bếp.
Little Nightmares mô tả thể loại kinh dị thông qua cảm nhận đọng lại trong thần kinh của người chơi. Không có những màn dọa chúng ta sợ chết khiếp như trong những game khác. Nhưng bạn chắc chắn cảm nhận được sự căng thẳng gia tăng khi tìm cách giải những câu đố. Đó là chưa kể, bạn làm điều đó khi phải lo tránh tên đầu bếp đáng sợ hay những quái vật khác. Trong Little Nightmares, bạn không cần môi trường đầy những yếu tố kinh dị để thấy sợ hãi khi trải nghiệm, và đó chính là một trong những điểm hay nhất của trò chơi. Cảm giác ám ảnh vẫn đến mà không cần những trò kinh dị thường thấy.
Một đứa trẻ yếu đuối bị mắc kẹt trong một tình huống đầy khó hiểu có thể giải thích theo nhiều cách: lớn lên trong một gia đình bị bạc đãi, bị tử kỷ, sống trong vùng chiến sự, hoặc trải qua cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn. Những gì chúng ta đọc được sau cuối đều trở thành trải nghiệm cuộc sống của riêng bản thân, và câu chuyện chừa vừa đủ không gian cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng của người chơi.
Chiếc áo mưa màu vàng rực rỡ khiến nhân vật chính trở nên tách biệt khỏi thế giới đáng sợ xung quanh. Cảm giác cô bé không hề thuộc về nơi này ngay lập tức đi vào nhận thức của người chơi thông qua thiết kế hình ảnh đơn giản. Điều đó còn nhờ thiết kế game không có lời thoại hay dòng chữ nào. Đội ngũ phát triển không để nhân vật chia sẻ suy nghĩ vì sợ sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến hướng tiếp cận mở của trò chơi.
Ý tưởng đằng sau Little Nightmares đến từ một dự án của Tarsier cách đây hơn một thập kỷ. Không biết các bạn còn nhớ không. Hồi E3 2005, studio Tarsier từng công bố game phiêu lưu City of Metronome, thế nhưng sau đó trò chơi đã bị hủy. Từ đó đến nay, rõ ràng studio này đã có rất nhiều thời gian để tinh lọc ý tưởng cũ của trò chơi, và những sắc thái đen tối thừa hưởng từ dự án đã được đưa vào Little Nightmares.
Andreas Johnsson, một trong những người đồng sáng lập studio Tarsier chia sẻ: “Điều tương đồng giữa Little Nightmares và City of Metronome là cách mà chúng tôi thêu dệt các thứ và cường điệu như thế nào để tạo nên bản chất của trò chơi. Chúng tôi muốn đưa tất cả mọi thứ ra bên ngoài, chứ không phải giấu nó vào bên trong. Điều đó rất có ý nghĩa trong Little Nightmares, vì nó được kể trên quan điểm của một đứa trẻ và cho thấy trẻ sẽ trải nghiệm và giải thích mọi thứ ồn ào theo cách như thế nào.”
Một trong những yếu tố chủ đạo của trò chơi chính là đồ họa. Tôi cảm nhận được nét quyến rũ của nó khi nhìn những hình ảnh gameplay của trò chơi, gợi nhớ đến hoạt hình Coraline của Neil Gainman. Hay tên đầu bếp khiến tôi có cảm giác như đó là nhân vật từng thấy trong hoạt hình Corpse Bride của Tim Burton vậy. Thiết kế môi trường kỳ dị cũng là một điểm cộng và bạn có thể nhận thấy tông màu tối được sử dụng cho cảnh vật trong game. Cứ thử nhìn cảnh nhà bếp, có phải bạn có chút cảm giác rợn người? Studio Tarsier đã mất hơn hai năm để phát triển Little Nightmares, và tôi nghĩ thời gian dài đó hoàn toàn tương xứng với trò chơi.
Khi nhìn lại dòng game kinh dị đi cảnh trên thị trường, tôi có thể hiểu được vì sao thể loại này lại nở rộ. Những game như Limbo, Unravel và Inside đã thu hút được cộng đồng người chơi game đông đảo và Little Nightmares cũng không là ngoại lệ. Vì như Dave Merkiv, giữ vị trí chỉ đạo nội dung chuyện kể của trò chơi chia sẻ: “Chúng tôi không muốn cảm hứng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các game khác, vì chúng tôi không muốn làm ra những game đã từng được sản xuất. Mọi người tiêu thụ quá nhiều những thứ này rồi – chơi game, xem phim, đọc truyện tranh – nên chẳng có lý do gì để làm lại các thứ, vì những thứ bạn đang làm là xào nấu những gì người ta đã tiêu thụ. Tốt hơn là có ý tưởng rõ ràng về những gì bạn muốn đạt được và để mọi thứ phát triển từ ý tưởng cốt lõi đó thay vì chỉ lấy ý tưởng từ những trò chơi khác. Bạn thật sự không thể phát triển nếu làm thế.”
Chúng ta đã có những hình dung về Little Nightmares. Thế nhưng, sẽ còn nhiều thứ để trải nghiệm khi phiên bản chính thức của trò chơi ra mắt. Little Nightmares dự kiến phát hành vào mùa xuân năm 2017, trên Xbox One, PlayStation 4 và PC.
Theo motgame
Bài cùng chuyên mục