"Cha đẻ" của bộ truyện tranh "Chú Thoòng" gắn liền với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X đã qua đời
ông Vương Gia Hy (Alfonso Wong Kar Hei) đã từ trần vào ngay ngày đầu tiên của năm mới khiến bao nhiêu người hâm mộ tiếc thương
Tờ Straits Times đưa tin, ông Vương Gia Hy (Alfonso Wong Kar Hei), tác giả bộ truyện tranh hài hước nổi tiếng "Chú Thoòng" đã qua đời vào ngày 1/1/2017 tại Mỹ.
Ông Vương Gia Hy mất vì tuổi già. Thông tin này được công bố bởi công ty OMQ ZMedia, nơi đã nhận phát hành bộ truyện "Chú Thoòng" tại thị trường Đài Loan. Vị tác giả đáng kính hưởng thọ 92 tuổi.
Chân dung ông Vương Gia Hy
Người dân Hong Kong và người hâm mộ ở nước ngoài đã lớn lên cùng với những trang vẽ về nhân vật Chú Thoòng. Tại Việt Nam, truyện "Chú Thoòng" đã được dịch và xuất bản rất nhiều lần từ nhiều nhà xuất bản, góp phần đưa "Chú Thoòng" - nhân vật chính trong truyện - thành một trong những nhân vật nổi tiếng trong dân gian.
Truyện "Chú Thoòng" tập trung miêu tả về đời sống của nhân vật chính tên Thoòng. Thoòng là một người lớn tuổi, tính cách khá trì trệ, bảo thủ, không biết cách hòa nhập với thời đại. Ông hay đeo kính, láu lỉnh và luôn mặc bộ đồ truyền thống Trung Quốc.
Do lạc lõng, mà chú Thoòng sinh ra bệnh hoang tưởng. Thường thì chú rất lạc quan, như một đứa trẻ, trước nhiều tình huống khó khăn, chú có những cách giải quyết khác người và cách ấy đôi khi cũng rất ngây thơ, dễ thương.
Nhưng nhiều khi cũng vì hoang tưởng mà chú đâm ra thất vọng cuộc đời dẫn đến bao phen muốn đi tự tử. Chú Thoòng có một tình yêu ỡm ờ với cô Trần, một cô gái thanh lịch, hợp thời. Chú cũng có một khắc tinh là lão Triệu, là một người nóng nảy, thù vặt, hay nghĩ ra cách chơi xỏ chú Thoòng. Bên cạnh đó, chú còn có hai người bạn thân là Lý Toét, một anh chàng thật thà, tốt bụng nhưng cũng hơi lập dị và Xã Xệ, một người ngờ nghệch, khờ khạo tới mức hài hước.
Bao nhiêu thế hệ đã lớn lên cùng những trang truyện hài hước sâu cay về "Chú Thoòng"
Những người thường xuyên xuất hiện quanh cuộc đời chú Thoòng tạo nên những tình huống vui nhộn, nhưng đôi khi cũng "cười ra nước mắt". Truyện tranh chú Thoòng có 2 cách thể hiện, dưới dạng những truyện ngắn là chỉ 4, 6, 8 hoặc 12 ô tranh, hoặc dưới dạng truyện dài. Truyện ngắn nhiều hơn và cũng là dạng truyện tiêu biểu đã làm nên tên tuổi chú Thoòng.
Truyện "Chú Thoòng" từng được chuyển thể thành phim hoạt hình, phim truyền hình và phim điện ảnh.
"Cha đẻ" của "Chú Thoòng" chuyển đến sống tại Hong Kong vào năm 1956. Ông từng chia sẻ với báo giới rằng: "Cuộc sống của tôi cũng tựa như truyện tranh. Tôi đã dồn hết mọi tâm huyết của mình để viết nên chuyện "Chú Thoòng". Nó mang hơi thở cuộc sống của chính tôi và đó là một cách để tôi mang tiếng cười đến cho đời".
Năm 1962, ông Vương Gia Hy đã sử dụng tên con trai lớn (Vương Trạch) làm bút danh ký bên dưới những mẩu truyện về "Chú Thoòng" được đăng tải trên hàng loạt các tờ báo và tạp chí thời bấy giờ.
Sự ra đi của tác giả Vương Gia Hy để lại niềm tiếc thương vô hạn cho lứa độc giả thuộc thế hệ 8X, 9X. Họ đã vĩnh viễn mất đi một người vẽ giấc mơ, họa nụ cười.
Bài cùng chuyên mục