Bộ phim kể về hành trình “dấn thân” vào con đường trộm chó và sự hối lỗi kịp thời của một anh công nhân tạo được cảm tình nhất định bởi sự mộc mạc.
Kẻ trộm chó là phim đầu tay của diễn viên – đạo diễn trẻ Nguỵ Minh Khang. Kí ức thuở bé khi chứng kiến con vật cưng của mình bị “cẩu tặc” bắt đi tàn nhẫn là lý do khiến anh thực hiện bộ phim này. Anh hy vọng, tác phẩm của mình sẽ là lời cảnh tỉnh dành cho những kẻ đang kiếm sống bằng cái “nghề” bị xã hội lên án. Có lẽ vì xuất phát từ nỗi trăn trở thật lòng và sự chân chất của chính đạo diễn, bộ phim đã phần nào chạm đến lớp khán giả bình dân bằng một thông điệp nhẹ nhàng, tình cảm, dù tổng thể còn nhiều khiếm khuyết.
Bộ phim theo chân hai mảnh đời lận đận – Ghẻ (Nguỵ Minh Khang) và Đen (Hứa Minh Đạt). Ghẻ là biệt danh của Mẫn, một công nhân xưởng may nghèo khó. Đen là một kẻ hành nghề trộm chó. Cả hai quen biết nhau sau một lần Ghẻ bất đắc dĩ giúp đỡ Đen thoát khỏi sự truy đuổi của dân phòng. Đến khi bị ông chủ xưởng may đuổi việc, Ghẻ quyết định trở thành đồng phạm của Đen trong những “phi vụ” trộm chó vì mờ mắt trước số tiền béo bở kiếm được. Cùng lúc này, Ghẻ dần nảy sinh tình cảm với Mén (Phương Khánh), một cô bán bắp xào bị câm đi ngang qua nhà anh mỗi đêm. Nhưng đi đêm cũng có ngày gặp ma, hai tên trộm chó xui xẻo dính vào một vụ trộm tài sản và bị kết tội 18 tháng tù. Đó cũng là bước ngoặt khiến cuộc đời của họ rẽ hướng.
Kẻ trộm chó là câu chuyện kể về những người lao động nghèo với những lời thoại rất đời thường. Nếu nhân vật Ghẻ có bản tính thật thà, bộc trực thì nhân vật Đen đích thị là một kẻ ít học, lông bông vì dòng đời đưa đẩy. Cùng với đó, các nhân vật phụ như ông chủ gánh lô tô – cha của Đen (Minh Nhí), cô Năm (NSND Hồng Vân) hay anh chàng đạp xích lô (Xuân Nghị) đều là những người dân điển hình trong xã hội, tuy nghèo nhưng chất phát, lương thiện. Với một dàn diễn viên có kinh nghiệm lâu năm trên sân khấu kịch, những vai phụ được thể hiện tròn trịa. Tuy xuất hiện không nhiều nhưng họ là người có vai trò đưa ra lời khuyên, kéo hai kẻ lạc lối về con đường lương thiện. Cũng chính sự gần gũi, tự nhiên từ các vai diễn đã giúp cho bộ phim không mang nặng tính tuyên truyền.
Một điểm đáng khen nữa là hai nhân vật chính không được thể hiện một chiều mà có một câu chuyện riêng, một quá khứ riêng đáng cảm thông. Những nút thắt được cài cắm đúng chỗ và lần lượt mở ra ở nửa sau, giúp câu chuyện không “đuối sức” khi càng về cuối.
Các phân cảnh tình cảm, rất may, được xử lý khá duyên. Mối tình của Ghẻ và Mén mang đến những khoảnh khắc lãng mạn vừa đủ còn câu chuyện của ông già mù (Mạc Can) và con chó là điểm sáng nhất phim, một tình tiết khiến khán giả xúc động.
Kẻ trộm chó sử dụng nhiều mảng hài sân khấu, điển hình là đoạn mở đầu phim cố tình chọc cười khán giả bằng ý tưởng sáo rỗng. Hay chi tiết bác nông dân dừng lại trò chuyện với hai tên trộm chó khá ngô nghê. Những màn đối thoại giữa Ghẻ và Đen với nhân vật do diễn viên Lý Hùng thủ vai còn gượng gạo, nặng tính sắp đặt. Ngoài ra, tuyến truyện phụ của Đen và cô bạn gái nhà giàu Khánh Vân (Trương Mỹ Nhân) cũng thiếu sự lý giải hợp lý khi gán ghép hai nhân vật có hoàn cảnh hoàn toàn đối lập.
Nhược điểm lớn nhất của phim là chưa xây dựng thành công tâm lý của nhân vật Ghẻ. Nếu Đen có hoàn cảnh thích hợp dẫn đến con đường trở thành kẻ trộm chó thì Ghẻ lại có tâm lý “nước đôi” kém thuyết phục. Nhân vật này không nỡ nhìn thấy cảnh chú chó bị thương nhưng lại bao che cho một tên trộm vác theo cả bao tải những con vật tội nghiệp bị đánh chết. Những phân cảnh thể hiện tình thương với chú chó mà anh nhận nuôi lại càng bất hợp lý khi so sánh với hành vi mà anh đang thực hiện. Điều khó chấp nhận nhất là động cơ theo chân Đen hành nghề: Ghẻ tốt nghiệp đại học, từng làm trong ngành xây dựng, vì không chấp nhận gian dối trong thi công mà bỏ nghề làm công nhân may, rồi vì bị đuổi việc mà đi trộm chó. Như vậy, nhân vật này vốn có học thức và đạo đức rõ ràng, nhưng cuối cùng lại sa ngã một cách dễ dãi. Giá như biên kịch khéo léo trong việc xây dựng hoàn cảnh cho nhân vật, mạch truyện đã có thể logic hơn.
Trong phim cũng có một phân cảnh được quay tại lò mổ chó. Đây là một tình tiết đắt giá, đánh mạnh vào cảm xúc người xem, bật lên được thông điệp bảo vệ chó, nhưng đạo diễn chưa cho thấy sự dụng công của mình. Cảnh quay khá sơ sài, chưa diễn tả được sự kinh hoàng nơi lò mổ để khiến người xem ghê sợ.
Nhìn chung, Kẻ trộm chó là một bộ phim đưa ra được thông điệp rõ ràng với một câu truyện có hài, có bi, tuy chưa thật sự tốt nhưng phù hợp với lớp khán giả bình dân.
Theo Muzuco
Một số hình ảnh trong phim