Tác phẩm anime đầu tay của hãng hoạt hình Nhật mới nổi Studio Ponoc nhiều khả năng sẽ đem đến đề cử Oscar thứ hai cho GKids.
Studio Ponoc là hãng phim hoạt hình Nhật vừa mới thành lập vào năm 2015 có trụ sở đặt tại Musashino, Tokyo. Giám đốc hãng là Yoshiaki Nishimura, nhà sản xuất kỳ cựu của Studio Ghibli, người từng nhận hai đề cử Oscar liên tiếp cho The Tale of Princess Kaguya và When Marnie Was There. Tuy là một hãng mới và kém tiếng, tựa anime đầu tay của Studio Ponoc là Mary and the Witch's Flower lại có sự góp mặt của nhiều tên tuổi 'máu mặt' thuộc ngành làm phim hoạt hình Nhật, trong số đó có nhiều nhân viên cũ đến từ xưởng anime huyền thoại Studio Ghibli.
Mary and the Witch's Flower mang hơi hướng phong cách hoạt hình của Studio Ghibli cũng như pha với những ý tưởng mới về nội dung. Đối với riêng bản thân Nishimura và đạo diễn Hiromasa Yonebayashi (The Secret World of Arrietty, When Marnie Was There), trải nghiệm làm phim Mary and the Witch's Flower là một điều gì đó lạ lẫm và hoàn toàn mới.
"When Marnie Was There là bộ phim đầy vẻ trầm lắng xoay quanh một cô bé nọ tại một ngôi làng nhỏ kia và không hề kịch tính tý nào," Nishimura nói. "Tôi muốn dựng nên một câu chuyện về một cô gái đầy sức sống và năng động với nhiều tầng cung bậc cảm xúc cũng như những pha hành động sôi nổi." Khi nói về đạo diễn Yonebayashi, người từng là cộng tác hoạt họa lâu năm cho Hayao Miyazaki, ông nói, "Tôi cảm thấy [kinh nghiệm làm việc dưới trướng Miyazaki] là một điều hết sức quý giá và có thể giúp ích cho công đoạn làm Mary and the Witch's Flower."
Bắt đầu từ tờ giấy trắng
Mary and the Witch's Flower chuyển thể từ tiểu thuyết The Little Broomstick của Mary Stewart và kể về một cô gái người Anh bỗng dưng có sức mạnh phù thủy sau khi khám phá ra một đóa hoa thần kỳ. Mong ước của cô là giải cứu những sinh vật bị giam cầm và ngược đãi, vốn là những nạn nhân của một cuộc thí nghiệm tàn bạo tổ chức tại một trường pháp thuật. Sau khi Mary bỗng dưng đánh mất năng lực thần bí của mình, cô đã phải tự làm mới bản thân và xác định rõ lại mục tiêu lý tưởng sống.
Bản thân Nishimura và Yonebayashi, tự lực cánh sinh và thiếu đi nguồn kinh phí từ Studio Ghibli, cũng đã phải trải qua công cuộc làm mới bản thân. Mặc dù vậy, với đội ngũ họa sĩ tài năng bao gồm 450 người (đa số đến từ Ghibli), phim là sự kết hợp hài hòa và tài tình giữa những sắc thái mỹ thuật đương đại (sử dụng công nghệ đồ họa vi tính) lẫn cổ điển (vẽ tay) và trở thành một sản phẩm điện ảnh thật sự mãn nhãn và thu hút không thua kém gì một tác phẩm Ghibli thực thụ.
"Tiểu thuyết gốc có cách khắc họa nên vẻ đẹp thiên nhiên rất đỗi mẫu mực và đầy vẻ kính trọng," Yonebayashi nói. "Nên tôi cũng muốn chắc rằng phim cũng sẽ như thế. Còn những trường đoạn giả tưởng, chúng xảy ra trong thế giới tưởng tượng. Nhưng để có thể thể hiện những yếu tố giả tưởng ấy lên màn ảnh, dù chỉ với nguồn kinh phí thấp, chúng tôi đã bay qua tận nước Anh để tìm tòi và tận mắt chứng kiến cảnh thiên nhiên đời thật hòng tìm cảm hứng sáng tạo. Tôi muốn tạo dựng nên mối tương quan thật sự giữa Red Manor và ngôi trường đại học trong phim, vốn cũng có hẳn một khu vườn [cơ học] riêng của nó nhưng điểm khác là trong khu vườn ấy là vô số những sinh vật kỳ lạ."
Phần lớn tài lực được đổ vào công đoạn tạo hình và hoạt họa cho tổng thể 30 sinh vật biến thể có mặt trong phim. Giải thích kỹ hơn về tiến trình này, Yonebayashi nói: "Khá khó để mà xác định được rõ phải khiến chúng trông giống động vật bình thường đến mức nào và giống những loài sinh vật biến dị đến mức nào. Nếu chúng trông quá dị biến sau khi bị biến hình, thì người xem có thể sẽ bắt đầu đồng cảm với chúng. Và thế nên chúng tôi phải giữ vững cái ranh giới rõ ràng ấy để mà một khi chúng được chuyển về trạng thái cũ, chúng ta có thể hân hoan chào đón điều đó."
Quá trình thay hình biến dạng
Thế nhưng nhân vật ưa thích của Yonebayashi lại là... cây chổi. "Ban đầu nó nhìn chung giống như một chú ngựa chứng thích làm bất cứ gì nó muốn," ông nói. "Và rồi sau đó nó dần trở thành một cộng sự đáng tin cậy của Mary. Cho nên sự thay hình biến dạng ấy thật sự rất thú vị."
Vẽ tông nền sao cho cảnh vật trông như thật khi Mary đang bay cũng không hề dễ. Nhưng cảnh khó dựng nhất có lẽ là cảnh đám đông với hàng trăm con vật tụ lại một nơi. "Chỉ để hoàn thành vài giây cảnh phim, các nhà hoạt họa đã mất đến tận hai tháng ròng," Yonebayashi nói.
Đối với bản thân những nhà làm phim, thông điệp ý nghĩa của Mary and the Witch's Flower gắn kết với những ý niệm niềm tin đầy lạc quan dành cho mọi lứa tuổi. Kế hoạch sắp tới của Studio Ponoc là phát triển nhiều tựa phim ngắn trước khi bắt tay vào thực hiện dự án điện ảnh thứ hai của hãng, sau Mary and the Witch's Flower.
Hãng phát hành nội địa là Toho đã cho phim công chiếu tại Nhật vào ngày 8/7 vừa qua. Sắp tới phim sẽ ra mắt tại cụm rạp ở Mỹ và Bắc Mỹ lần lượt vào ngày 18 và 19/1, với GKids và Fathom Events phụ trách phát hành. Tham gia lồng tiếng cho bản tiếng Anh của Mary and the Witch's Flower bao gồm những cái tên như Kate Winslet, Jim Broadbent và Ruby Barnhill.
Theo Muzuco