Ảo giác xuất hiện từ đâu, và tại sao chúng ta có thể tin được đây là thực tại?
Giác quan + Niềm tin = Thực tại.
Hơn 300 năm trước, nhà triết học nổi tiếng René Descartes đã đặt ra một câu hỏi khiến bất kể ai cũng phải bối rối: Nếu các giác quan của con người không phải lúc nào cũng đáng tin, làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được đâu là thực tại còn đâu là ảo giác?
Hôm nay, một nghiên cứu mới của Đại học Yale đã tìm ra câu trả lời. Hóa ra, não bộ chúng ta luôn giữ được ý thức vào thực tại, bởi nó liên tục kiểm tra những kỳ vọng và niềm tin của chính nó trong quá khứ. Còn khi quá trình kiểm tra này xảy ra lỗi, ảo giác xuất hiện.
Nghiên cứu là lời giải thích cho hàng loạt hiện tượng thần kinh, từ việc bạn cảm thấy điện thoại rung nhưng không phải, cho đến ai đó khẳng định họ nhìn thấy ma hoặc đĩa bay.
Ảo giác xuất hiện từ đâu, và tại sao chúng ta có thể tin được đây là thực tại?
Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức thế giới đúng như những gì chúng ta nghe hoặc thấy. Điều này đã được chứng minh từ những năm 1980. Trong thí nghiệm của mình, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale đã cho tất cả tình nguyện viên nghe một giai điệu và xem một hình ảnh cùng lúc.
Sau đó, giai điệu được bí mật tắt đi, các tình nguyện viên chỉ được cho xem hình. Nhưng một số báo cáo rằng họ vẫn “nghe” thấy âm thanh vào lúc hình ảnh xuất hiện trước mắt mình.
Ảo giác tương tự là điều mà nhiều người vẫn gặp phải ngày nay. Có khi nào bạn cảm thấy điện thoại của mình đổ chuông hay rung trong túi, nhưng thực chất khi rút ra xem thì không phải? Điều này xảy ra nhiều nhất vào khi bạn đang mong đợi tin nhắn hay cuộc gọi của một ai đó.
“Họ mong đợi những âm thanh đến mức não bộ tự sản xuất và nghe thấy chúng”, nhà tâm lý học Albert Powers từ Đại học Yale cho biết.
Những ví dụ này đã gợi ý rằng: Phải chăng những ảo giác phát sinh khi não bộ đặt quá nhiều kỳ vọng, vượt ra khỏi những cảm giác lý tính thật mà nó nhận được từ các giác quan?
Để kiểm tra điều này, Powers và đồng nghiệp của ông, Philipin Corlelet, đã thiết kế lại thí nghiệm của những năm 1980, nhưng nâng cấp nó thành một phiên bản có sự tham gia của máy cộng hưởng từ MRI.
Họ cũng tuyển chọn tới 4 nhóm tình nguyện viên khác nhau để chắt lọc những hiệu ứng: Một nhóm là những người khỏe mạnh, chưa từng gặp ảo giác trước đây. Hai nhóm tiếp theo là những người có vấn đề thần kinh, một nhóm không và một nhóm từng gặp ảo giác.
Nhóm cuối cùng là những người đặc biệt, mà theo các nhà nghiên cứu mô tả là những người thường xuyên nghe thấy tiếng nói trong đầu mình nhưng cũng không hề thấy khó chịu vì nó.
Tất cả những người tham gia nghiên cứu được tập luyện để tạo ra mối liên kết giữa một hình ảnh và một giai điệu dài 1 giây ở tần số 1 kilohertz. Các nhà nghiên cứu sau đó thay đổi độ to nhỏ của âm thanh này, đôi khi tắt hẳn chúng đi và hỏi xem người tham gia có nghe thấy gì hay không.
Lúc này, mỗi nhóm sẽ đều được trả lời thông qua một hệ thống nút bấm. Nếu họ chắc chắn hơn về câu trả lời của mình, họ sẽ bấm nút mạnh hơn và các nhà nghiên cứu có thể ghi nhận cả điều đó. Máy cộng hưởng từ cũng sẽ được sử dụng để ghi nhận hoạt động não bộ khi các tình nguyện viên trả lời câu hỏi.
Ảo giác xuất hiện khi niềm tin của chúng ta quá mạnh mẽ, vượt qua cả các giác quan
Công bố kết quả trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu cho biết nhóm số 3 và số 4 có nguy cơ gặp ảo giác thính giác gấp 5 lần so với những người khỏe mạnh. Họ cũng tự tin vào ảo giác hơn khoảng 28% so với người bình thường.
Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy hoạt động bất thường ở một số vùng não. Chẳng hạn như tiểu não của họ thể hiện rất ít tín hiệu, chứng tỏ nó hoạt động kém hơn bình thường. Trong khi, tiểu não chính là phần não bộ chịu trách nhiệm lập kế hoạch và điều phối hoạt động trong tương lai của cơ thể. Điều đó đòi hỏi nó liên tục phải cập nhật mọi thông tin từ thế giới bên ngoài để tạo thành nhận thức.
Phát hiện này đã xác nhận con người nhiều khi có thể nhận thức thế giới một cách thái quá, tạo thành các ảo giác. Đó là khi niềm tin của chúng ta quá mạnh mẽ, vượt qua cả các giác quan, Powers nói. Rõ ràng, đó cũng có thể là giả thuyết để giải thích tại sao một số người khẳng định rằng mình nhìn thấy ma, đĩa bay hay các vật thể tương tự mà thực chất họ chỉ tưởng tượng ra.
Nghiên cứu cũng chỉ ra tiểu não là vùng có trách nhiệm cho các hiệu ứng ảo giác. Georg Northoff, một nhà thần kinh học tại Đại học Ottawa cho biết đó sẽ là mục tiêu cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.
Đây là một bước quan trọng để xác định nguồn gốc của ảo giác và kiểm soát chúng. Nó cũng mở ra tiềm năng phát hiện sớm và điều trị bệnh tâm thần, đồng thời giải thích được nhiều hiện tượng thần kinh kỳ lạ ở con người.
Tham khảo Science
Bài cùng chuyên mục