Cách người Nhật Bản tiếp cận tin tức về game so với những quốc gia khác
Nhật Bản là một đất nước có nền game cực kì phát triển, vậy liệu bạn có biết người Nhật tiếp nhận tin tức về game qua phương tiện nào chưa?
Cách người Nhật tiếp cận với tin tức về game không khác nhiều so với các quốc gia khác, tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc vẫn có những đặc trưng riêng trong văn hoá game mà không nơi nào trên thế giới có.
Hình ảnh trên là từ bộ phim anime The Snack World của nhà phát hành Level-5, đây là bộ phim kết hợp giữa văn hoá đại chúng đương đại Nhật bản với phong cách game nhập vai. Trong bức hình, dòng chữ phía trên cùng đọc là “Hechima Kikou” (へちま起稿) và đó là bắt chước theo một blog về game của Nhật Bản là Hachima Kikou (はちま起稿). Và nếu là 10 năm trước, đây sẽ trở thành một câu chuyện trên ấn phẩm tạp chí Weekly Famitsu của Nhật Bản.
Đã có rất nhiều sự thay đổi trong một thập kỷ qua cả ở Nhật và trên thế giới do sự phát triển lớn mạnh của internet và truyền thông xã hội. Nhưng từ trước đó, Nhật Bản vốn đã có một mạng lưới thông tin riêng phát triển rất thành công, nhờ có 2ch.
2ch là viết tắt của 2channel, một diễn đàn trên mạng có sức ảnh hưởng rất lớn tại Nhật Bản, nó được ví ngang với các phương tiện truyền thông đại chúng khác như TV, radio và báo chí.
Trở lại năm 1999, Hiroyuki Nishimura đã thành lập một mạng lưới truyền tin trực tuyến ở Nhật, ông thực hiện điều này khi chỉ mới là một sinh viên của Đại học Central Arkansas. Ngày nay, nó vẫn đang là hệ thống trực tuyến lớn, có sức ảnh hưởng ở Nhật Bản. Có thể so sánh nó với cộng đồng game NeoGAF, hoặc bạn cũng có thể nói rằng nó chính là Reddit của Nhật Bản. Hệ thống này đã hình thành nên một nền văn hoá đặc biệt riêng có của Nhật Bản trong nhiều năm.
Các blog game đã rất thành công ở phương Tây, trước khi vươn tay chạm đến Nhật Bản (nhưng không thành công lắm), và có được một lượng độc giả nhất định. Có thể thấy ngay nguyên nhân bởi 2ch của Nhật Bản vốn đã là một kênh cực kỳ phổ biến để người chơi nắm bắt thông tin, không chỉ về game mà còn là tin tức thời sự, chính trị...
Các trang web của Nhật như Hachima Kikou và My Game News Flash là hai ông lớn đầu tiên có được chỗ đứng ở Nhật Bản, và đến nay, có lẽ cũng là hai trang web nổi tiếng nhất tại đây. Họ từng là đối thủ của nhau, và cách mà họ bao phủ tin tức, văn hoá và internet đã có ảnh hưởng rất nhiều tới những người đi sau. Thật khó để nói rằng, những câu chuyện này bắt nguồn từ đâu, bởi nó giống như một dòng chảy vô tận của các blog game ra đời một cách nhanh chóng. Nhưng hai trang web kể trên đã có ảnh hưởng lớn đến cách các blog game sau này về thiết kế và trình bày thông tin.
Kể từ cuối những năm 2000, các blog game của Nhật đã thiết lập một phong cách rất khác so với những trang web game khác trên thế giới. Họ trình bày thông tin một cách khoa học và rõ ràng, có sự gắn kết giữa nội dung game. Thông tin của họ bắt nguồn từ game, nhưng họ cũng “phủ sóng” rất rộng đến cả những chủ đề có liên quan trực tiếp như manga và anime, những thông tin của họ dường như không liên quan gì đến chính trị, sự kiện hiện tại hay showbiz. Một điều mà các trang này làm rất tốt đó là gói gọn cả câu chuyện trong các tiêu đề chứa đầy đủ thông tin. Nội dung trong tin cũng được tối giản, nếu có thứ gì thú vị, họ sẽ đưa tin và không cần phải giải thích điều đó.
Các blog game của Nhật đã thiết lập một phong cách rất khác so với những trang web game khác trên thế giới.
Tuy nhiên, do hầu hết những gì họ làm tổng hợp tin tức, đăng tải các câu chuyện cũng xuất hiện cả trên 2ch hoặc Twitter, nên họ không phải lúc nào cũng là những trang tin uy tín giống như các trang web “dài dòng” khác đã làm. Cũng có một số trang web “nhạt nhẽo” kiểu này như Net Lab, họ làm khá tốt trong việc viết lách một cách thú vị và đầy đủ thông tin về văn hoá của otaku.
Trong vài năm trở lại đây, Twitter đã trở nên quan trọng hơn trong việc tìm kiếm tin tức game của Nhật Bản. Bởi vì bạn có thể tìm kiếm được nhiều từ và ký tự tiếng Nhật trong một bài tweet, nền tảng của ứng dụng này đã được “Nhật hoá”.
Mặc dù sự nổi lên của các blog game này đã thay đổi lớn trong cách game thủ Nhật tiếp cận thông tin trong hơn 10 năm qua, nhưng nó không thay đổi được hoàn toàn. Tuần báo Famitsu và các ấn phẩm Dengeki hiện đang là những “gương mặt” rất uy tín. Cả hai đều có xu hướng cập nhật tin tức báo chí và các sự kiện PR, và họ không bao phủ văn hoá trực tuyến và tin tức game giống như các blog khác của Nhật đã làm. Thay vào đó, độc giả của họ đọc nhiều hơn các ấn phẩm thương mại.
Các ấn phẩm tạp chí game ở Nhật không chỉ tiếp tục có chỗ đứng, mà nội dung trong các tạp chí này thậm chí còn xuất hiện trên mạng trước khi ấn phẩm được ra mắt
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất bản Nhật Bản, tổng số phát hành của Famitsu năm 2009 là 500.000 bản, nhưng đến nay chỉ còn là 300.000 bản. Đây vẫn là số lượng phát hành lớn nhất mà bất kỳ ấn phẩm về game nào ở Nhật Bản đạt được, và dù bạn nghĩ gì về Famitsu, từ lâu nó đã là một phần văn hoá game của Nhật Bản.
Nó được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6/1986 với tên gọi Famicom Tsushin ("フ ァ ミ コ ン 通信") hay "Family News", tận dụng sự nổi tiếng của máy chơi Famicom của Nitendo giữa thập niên 80. Sau này, tên của nó được rút ngặn gọn là Famitsu. Tạp chí này mang đến những bài đánh giá, giới thiệu, trải nghiệm, dữ liệu bán hàng về game, bên cạnh đó là thông tin về showbiz như các thần tượng âm nhạc, thời trang, bikini...
Đó cũng không phải là tạp chí game duy nhất ở Nhật Bản bị giảm “sản lượng” trong hơn 10 năm qua, và điều này cũng không chỉ có riêng ở Nhật. Nhưng điều thú vị là các ấn phẩm tạp chí game ở Nhật không chỉ tiếp tục có chỗ đứng, mà nội dung trong các tạp chí này thậm chí còn xuất hiện trên mạng trước khi ấn phẩm được ra mắt. Trong trường hợp của Famitsu, nó diễn ra như sau: bản tổng hợp của tạp chí rò rỉ trực tuyến trên mạng vào thứ Ba trước khi tạp chí được bán vào ngày thứ Năm. Các blog của Nhật thường chỉ công bố những bản tin tóm tắt. Tuy nhiên, Famitsu.com lại công bố các bản xem trước của nội dung trong tạp chí vào thứ Ba và họ đã làm vậy ít nhất là từ năm 2010.
Đến nay, người Nhật dường như vẫn có một niềm đam mê đặc biệt với tờ tạp chí 250 trang với các câu chuyện đầy đủ được thiết kế tuyệt đẹp. Nó dường như trở thành một thứ văn hoá không thể thiếu với mọi lứa tuổi, và nếu không nhanh chân, bạn sẽ chẳng có cơ hội để sở hữu một tờ tạp chí. Số ấn bản có thể đã thấp hơn năm 2009, nhưng mọi người vẫn đến mua và đọc tạp chí ngay trong năm 2017 - kỷ nguyên của internet, đây thật sự là một điều kỳ diệu, một nét đặc trưng "khác người" của game thủ Nhật Bản.
Bài cùng chuyên mục