Choáng với 1001 cách mà bố mẹ của game thủ chuyên nghiệp từng dùng để ngăn họ chơi game

Nguyễn Hoàng Thuận

Phụ huynh của game thủ chuyên nghiệp cũng như những bậc cha mẹ khác cũng đều không muốn con cái mình quá chìm đắm vào thế giới ảo của game

Ở Việt Nam, việc các bậc phụ huynh can thiệp quá sâu, tới mức ngăn cấm một cách cực đoan con em mình chơi game là câu chuyện hoàn toàn không có gì mới mẻ. Mặc cho ngành công nghiệp game đang phát triển, với doanh thu hàng tỷ đô mỗi năm cũng như nghề game thủ chuyên nghiệp đang dần được thừa nhận và có mức thu nhập ổn định, các bậc phụ huynh vẫn luôn có một định kiến khá tiêu cực về game. Đối với họ, game là thứ gì đó tiêu tốn thời gian, tiền bạc và nhất là gây nghiên cho con em mình, biến chúng trở thành những đứa trẻ chỉ biết vùi đầu vào máy tính mà quên đi những điều quan trọng khác trong cuộc sống.

Những hình ảnh không hề hiếm ở Việt Nam

Nhưng không riêng ở Việt Nam đâu, ngay cả trên thế giới, thực trạng này cũng vẫn đang diễn ra, thậm chí còn có phần gay gắt hơn. Bạn có tin được không, rất nhiều game thủ chuyên nghiệp, thậm chí nổi tiếng toàn thế giới từng suýt nữa không có sự nghiệp như ngày hôm nay, cũng bởi vì những vị phụ huynh khó tính đấy.

Đầu tiên, chúng ta hãy đến với DOTA 2. PPD – người đội trưởng huyền thoại từng đưa EG lên đỉnh của thế giới vào năm 2015 và bỏ túi hơn 6.5 triệu USD ở thời điểm ấy đã phải vượt qua sự ngăn trở cực kỳ mạnh mẽ từ gia đình, đặc biệt đến từ người bố của anh.

Quyết tâm nỗ lực "cứu vớt" cậu con trai của mình khỏi việc nghiện game, bố của PPD đã từng đập tan chiếc máy tính của anh ra làm đôi, tháo rời ổ cứng. Và theo tiết lộ của PPD, bố anh từng có câu nói bất hủ: “Nếu nó dành thời gian chơi đá bóng nhiều như chơi game thì tôi sẽ chẳng bao giờ phàn nàn”.

Trước khi chiến thắng các đội DOTA 2 sừng sỏ khác, PPD phải thắng phụ huynh của mình đầu tiên

Tiếp đến, một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của DOTA 2 là LMHT cũng chứng kiến số phận tương tự. Matthew “Akaadian” Higginbotham – người đi rừng đang khá nổi của Optic Gaming cũng thuật lại câu chuyện tương tự về bố của mình.

Không tới nỗi "cục tính" như cụ thân sinh ra PPD, bố của Akaadian chỉ tìm cách rút dây điện, rồi sau đó là rút dây mạng để ngăn cản con trai mình. Dĩ nhiên cả hai đều thành công. Tuy nhiên điều đó cũng không thể ngăn cản được niềm đam mê của Akaadian. Hiện tại, bố của anh đã chấp nhận điều đó và dành cho con trai mình một sự tôn trọng bất đắc dĩ: “Thằng bé giờ còn kiếm được nhiều tiền hơn tôi.”

Akaadian từng suýt nữa không thể trở thành game thủ chuyên nghiệp

Nhưng các ông bố ở trên vẫn chưa là gì so với sự quái chiêu mà mẹ của Stefano “Verbo” Disalvo – một tuyển thủ Overwatch dành cho quý tử của mình. Khi cậu con trai đang livestream trước hàng ngàn người hâm mộ, bỗng nhiên, hình ảnh chiếc quần lót của cậu, được mẹ treo lên và đung đưa một cách "cẩn thận".

Tất nhiên, Verbo đã trở thành trung tâm của những trò đàm tiếu trên các diễn đàn Overwatch sau đó. Nhưng nỗ lực kiểu ấy chắc chắn là sai lầm, khi mà nó không những chẳng ảnh hưởng nhiều tới sự nghiệp game thủ của Verbo, mà còn làm tình cảm mẹ con đi xuống rất nhiều.

Hãy cẩn thận khi stream tại nhà nhé Verbo

Câu chuyện của Cuyler “Huke” Garland – game thủ chuyên nghiệp tựa game Call of Duty còn ly kỳ và buồn cười hơn nữa. Lần này lại là một ông bố rất kiệm lời. Thay vì tìm cách phá bĩnh, ngăn cấm con trai mình, ông chỉ đơn giản là cầm luôn chiếc Xbox One tới chỗ làm mỗi ngày chứ quyết không để ở nhà cho cậu con trai được thoải mái.

Không cam tâm, Huke quyết định đầu tư một chiếc Xbox One thứ hai của riêng mình. Rồi câu chuyện lại tiếp tục như một vòng tròn, khi mà cha của Huke giờ đây, có tới hai chiếc Xbox ở cơ quan thay vì một. Nhưng rồi, ông cũng chợt nhận ra rằng, nếu cứ cố làm như vậy, rồi đây cơ quan ông sẽ chật ních một rổ Xbox One mất. Thay vì lạnh lùng nói ít làm nhiều, ông chọn cách đối thoại với con trai, và cuối cùng để cho Huke theo đuổi đam mê của mình.

Nếu bố của Huke không dừng lại, chiếc Xbox One thứ 3 chắc chắn sẽ xảy ra

Có thể nói, cuộc chiến giữa game thủ và phụ huynh chắc chắn vẫn còn rất trường kỳ và dai dẳng. Chừng nào mà nghề game thủ vẫn chưa được xã hội công nhận, cũng như tồn tại nhiều bấp bênh như hiện nay, chừng đó các bậc phụ huynh còn tiếp tục lo lắng. Tất nhiên, dù có hơi cực đoan nhưng cũng không thể trách họ. Tất cả là vì tương lai của bạn mà thôi.

Theo Tri Thức Trẻ

Bài cùng chuyên mục