Điện ảnh Hồng Kông loay hoay giữ bản sắc trong cơn lốc “Trung Quốc hoá”

Quang BD

Dưới sự can thiệp của các nhà đầu tư và kiểm duyệt Trung Quốc, điện ảnh Hồng Kông có cơ hội để duy trì sản xuất phim, nhưng cũng khó tránh đánh mất bản sắc thương hiệu.

Vào dịp Tết Nguyên đán 2017, Tây du kí: Mối tình ngoại truyện 2 (Journey to the West: The Demons Strike Back – đạo diễn Từ Khắc) trình chiếu tại Hồng Kông, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu ÁĐây là một sản phẩm hợp tác của các nhà làm phim Hồng Kông với Doanh nghiệp điện ảnh Hoành Điếm – Chiết Giang, cùng Công ty TNHH Cổ phần Phát hành phim cổ trang Trung Quốc.

Nối tiếp tác phẩm của đạo diễn Từ Khắc và nhà sản xuất Châu Tinh Trì, nhiều phim gắn mác hợp tác giữa Hồng Kông và Trung Quốc lần lượt ra đời trong năm nay. Chẳng hạn như Sóng dữ (Shock Wave) của Lưu Đức Hoa chiếu ở Việt Nam cuối tháng 5. Phi vụ cuối cùng (The Adventurers) của Lưu Đức Hoa và Thư Kỳ hay Phá vây (Caught in Trap) của Quách Phú Thành rục rịch phát hành trong thời gian tới cũng như vậy.


“Tây du kí: Mối tình ngoại truyện 2”, “Sóng dữ”, “Phi vụ cuối cùng”, “Phá vây” là các phim hợp tác Hồng Kông – Trung Quốc ra mắt vào nửa đầu năm 2017.

Sau 20 năm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc, nền điện ảnh được mệnh danh “Hollywood của phương Đông” ngày càng đi theo xu hướng “Trung Quốc hóa”, với thị phần chủ yếu thuộc về mảng phim hợp tác hai vùng lãnh thổ.

Chuyên trang điện ảnh Cinezen đưa tinlượng phim hợp tác với Trung Quốc chiếm 15% thị phần điện ảnh Hồng Kông vào năm 2003. 10 năm sau, con số này tăng lên 60%. Còn theo như CGTN America (báo điện tử tiếng Anh của đài truyền hình CCTV Trung Quốc), trung bình mỗi năm, các hãng phim tại nước này đầu tư sản xuất khoảng 50 dự án cho điện ảnh Hồng Kông.

Thực tế, phim hợp tác giữa Hồng Kông và Trung Quốc vốn trở nên phổ biến từ cuối thập niên 1990. Đặc biệt, sau khi Chính phủ hai bên kí kết Hiệp ước Thắt chặt hợp tác kinh tế (CEPA) năm 2003, việc hợp tác sản xuất điện ảnh đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng.

Theo đó, 67% phim điện ảnh Hồng Kông mỗi năm được phát hành trực tiếp sang thị trường Trung Quốc đại lục. Đồng thời, toàn bộ chỉ tiêu phim mà Cục Điện ảnh Hồng Kông đưa ra hằng năm sẽ giao cho các nhà làm phim Hồng Kông hoạt động tại Trung Quốc thực hiện.

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, điện ảnh Hồng Kông suy thoái dần. Từ nền công nghiệp điện ảnh thứ ba toàn cầu (chỉ xếp sau Hollywood và Bollywood), Hồng Kông rớt hạng khỏi top 10 thế giới.

Trong thời kì vàng (thập niên 1970 – thập niên 1990), mỗi năm Hồng Kông cho ra đời khoảng 300 tác phẩm điện ảnh. Nhưng sau năm 1997, con số này chỉ còn khoảng trên dưới 50. Cùng thời điểm đó, điện ảnh Trung Quốc chính thức mở cửa với thế giới, có bước chuyển mình mạnh mẽ trong phương diện đầu tư, mặc dù kĩ thuật làm phim được đánh giá là “chưa đủ trưởng thành”.

Antony Szeto – đạo diễn người Úc nhưng chủ yếu hoạt động điện ảnh ở Hồng Kông cho rằng, việc sát nhập điện ảnh Hồng Kông với Trung Quốc là không thể tránh khỏi sau biến động cả chính trị và xã hội năm 1997.

“Các anh đang chứng kiến nền điện ảnh Hồng Kông suy yếu dần, còn thị trường Trung Quốc thì ngày một lớn mạnh. Vậy nên, những người biết làm phim và muốn kiếm tiền từ làm phim đều tìm đường sang đại lục. Tiền đầu tư đến từ Trung Quốc, còn những ý tưởng hấp dẫn sẽ xuất  xứ từ Hồng Kông”, Antony Szeto nói.


Tây du kí: Mối tình ngoại truyện 1 do Châu Tinh Trì đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Bản thân các nhà làm phim Hồng Kông cũng không phủ nhận điều này. Đạo diễn Trần Gia Thượng từng phát biểu: “Chúng tôi cần thị trường này. Sự rộng lớn của thị trường Trung Quốc có thể giúp chúng tôi đứng vững trên trường điện ảnh thế giới”.

Đó là lí do tại sao, rất nhiều nghệ sĩ Hồng Kông đều sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội, tạo nên hiện tượng “Bắc tiến” diễn ra vô cùng mạnh mẽ từ đầu thế kỉ 21 cho đến nay.

Thành Long gần như đã chuyển hướng hoạt động sang đại lục. Trong 13 năm (2004 – 2017), Lưu Đức Hoa góp mặt trong 33 phim hợp tác Hồng Kông – Trung Quốc, Châu Tinh Trì tham gia thực hiện 11 phim (cả đạo diễn và diễn xuất). Trong top 300 phim ăn khách nhất của Trung Quốc, các đạo diễn xứ Hương Cảng cũng đóng góp được 61 phim.  


Lưu Đức Hoa tích cực hợp tác với điện ảnh Trung Quốc, trong vai trò diễn viên kiêm nhà sản xuất.

Đánh mất bản sắc phim Hồng Kông

Chuyên trang điện ảnh Cinezen của Hồng Kông chỉ ra, phim Hồng Kông có sự đầu tư của Trung Quốc sở hữu thị trường tiêu thụ lớn, đem lại lợi nhuận cao, song không tránh khỏi đánh mất bản sắc từng làm nên thương hiệu “kinh đô điện ảnh châu Á”.

Từ phương diện bề nổi, phim hợp tác giữa Hồng Kông và Trung Quốc đều sử dụng tiếng Trung phổ thông cho lời thoại và nhạc phim, thay vì tiếng Quảng Đông quen thuộc. Shock Wave do Lưu Đức Hoa làm sản xuất kiêm nam chính là một trường hợp như vậy.

Hai dự án mới ra mắt vào tháng sau là Phi vụ cuối cùng và Phá vây cũng sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc phổ thông cho phần thoại phim.


Phi vụ cuối cùng” sắp ra mắt của Lưu Đức Hoa và Thư Kỳ sử dụng toàn bộ lời thoại tiếng Trung Quốc phổ thông.

Sự “nhúng tay” của các doanh nghiệp điện ảnh Trung Quốc còn đưa nhiều nghệ sĩ của nước này tham gia các bộ phim của Hồng Kông.

Quay trở lại với Shock Wave, hai tuyến vai thứ chính quan trọng đều do diễn viên xứ Trung đảm nhận: Tống Giai và Khương Võ. Trong phim, hai nhân vật này đều là người Hồng Kông, diễn xuất cũng không có đòi hỏi đặc biệt để bắt buộc phải giao vai cho diễn viên phía Bắc.

Khương Võ trong vai tên trùm khủng bố tàn bạo và ngông cuồng, khá giống với Ngô Ngạn Tổ trong Tân Câu chuyện cảnh sát (New Police Story – đạo diễn Trần Mộc Thắng) hay Tăng Chí Vỹ trong series Vô gian đạo (Infernal Affairs – đạo diễn Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy).


Khương Võ trong vai ông trùm tàn bạo của “
Shock Wave”.

Còn Tống Giai luôn nơm nớp lo sợ bạn trai Lưu Đức Hoa – một chuyên gia gỡ bom “sinh nghề tử nghiệp” bất cứ khi nào. Hình ảnh này khá giống với Dương Thái Ni của Tân Câu chuyện cảnh sát (đóng cặp Thành Long).

Sâu xa hơn, phim hợp tác với Trung Quốc còn làm thay đổi điện ảnh Hồng Kông từ góc độ văn hoá. Nhà nghiên cứu điện ảnh Hồng Kông Trần Gia Minh nhận định: “Dưới tác động của CEPA, người làm phim Hồng Kông phải đối mặt với việc cân bằng sự khác biệt văn hóa giữa hai vùng lãnh thổ. Tuy nhiên yếu tố văn hóa Trung Quốc vẫn là chủ yếu, vì vậy mà dần đánh mất dấu ấn xã hội và bản sắc phim Hồng Kông”.

Mang sở trường làm phim về cuộc sống đời thường và những thân phận trong xã hội đương đại, Hứa An Hoa từng tạo ra bộ phim Chị Đào (A Simple Life) rất thành công vào năm 2012 (Diệp Đức Nhàn và Lưu Đức Hoa đóng chính). Tuy nhiên với tác phẩm mới nhất Có mấy mùa trăng sáng? (Our Time Will Come) phát hành ngày 01.07 vừa qua, nữ đạo diễn 70 tuổi đã gắn dấu ấn làm phim cá nhân với phong cách nặng tính chính trị của điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim đặt trong bối cảnh chiến tranh chống Nhật và xoay quanh các nhân vật là những người tham chiến.


Châu Tấn trong phim Có mấy mùa trăng sáng?

Trong khi đó, chuyên trang Cinezen trong bài viết đăng tải ngày 07.07 chỉ ra, sự thay đổi lớn nhất trong phim hình sự Hồng Kông chính là: cảnh sát Hồng Kông dần bị thay thế bởi công an của đại lục.

Một cửa ải rất khó khăn đặt ra với các nhà làm phim Hồng Kông là quá trình kiểm duyệt kịch bản. Năm 2012, khi đến tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2, nữ đạo diễn trẻ Mạch Hy Nhân từng chia sẻ, ở Hồng Kông không có đề tài nào không được duyệt, nhưng với thị trường Trung Quốc, chuyện hoàn toàn ngược lại.

Trong bài nghiên cứu CEPA and Hong Kong Film: The mixed blessing of market access, tác giả người Ý Ilaria Maria Sala chỉ ra, các cảnh phim tình cảm nóng bỏng, yếu tố đồng tính, bạo lực, tín ngưỡng, nhạy cảm chính trị thường sẽ bị cắt bỏ.

Giành giải Phim xuất sắc của LHP Kim Tượng hai mùa gần nhất, Mười năm (Ten Years) và Thụ đại chiêu phong (Trivisa) đều của đạo diễn Ân Văn Kiệt và các đồng nghiệp, đề cập sự biến đổi của xã hội Hồng Kông khi được trao trả hoàn toàn về cho Trung Quốc. Hai phim này đều là sản phẩm nguyên bản của người Hồng Kông và bị bài trừ tuyệt đối ở thị trường đại lục.


Hai phim Mười năm và Thụ đại chiêu phong bị cấm vận hoàn toàn ở Trung Quốc.

Cũng không lạ khi dòng phim hình sự Hồng Kông không còn tràn ngập hình ảnh bạo lực, đẫm máu như thời kì hoàng kim với Thần bài của Vương Tinh hay Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow), Tung hoành bốn biển (Once A Thief) đều của Ngô Vũ Sâm…

(Tham khảo: Hong Kong Film Critics, China News, KK News, CGTN America, Commmedia News)

Theo Muzuco

Bài cùng chuyên mục