Lý giải thành, bại của loạt phim bom tấn siêu anh hùng 2016
Disney/Marvel Studios, Warner Bros./DC cùng Fox đều đã tung ra những tác phẩm chiến lược trong năm nay và thu về kết quả tương đối khác nhau.
Từ những bộ phim bị coi là “xanh đỏ lòe loẹt”, chỉ dành cho trẻ con, các tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng nay “trưởng thành” vượt bậc, trở thành những bom tấn hút khách mãnh liệt tại phòng vé.
Năm 2016 là thời điểm bước ngoặt của thể loại khi cả Disney/Marvel Studios, Warner Bros./DC và Fox đều tung ra những con bài chiến lược.
Marvel Studios: Liệu có dấu hiệu chững lại?
Thập niên 1990 là quãng thời gian khó khăn đối với Marvel, khiến họ phải bán bản quyền chuyển thể các nhân vật lên màn ảnh rộng cho nhiều hãng phim khác nhau. Đó là lý do Spider-Man và Ghost Rider thuộc về Sony; Daredevil, Fantastic Four cùng X-Men chạy sang Fox; Blade về tay New Line Cinema; Hulk, Iron Man cùng Namor đến với Universal…
Mọi chuyện chỉ thay đổi chóng mặt sau khi Marvel Studios ra đời vào thập niên 2000. Khi ấy, Iron Man, The Incredible Hulk, Punisher: War Zone thực chất là được Universal cho “mượn bản quyền” nhân vật.
Thành công ban đầu khiến Disney bỏ ra 4 tỷ USD để mua lại Marvel Studios, rồi bơm tiền cho loạt tác phẩm tiếp theo được người ta biết tới như Marvel Cinematic Universe (MCU) - Vũ trụ phim siêu anh hùng Marvel.
Marvel Studios và Disney đã song hành kể từ Thor (2011) tới nay, và đây hiện là vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng lớn nhất, có số lượng nhân vật đông đảo, trải dài từ điện ảnh tới truyền hình, gặt hái doanh thu khổng lồ.
Captain America: Civil War đang tạm thời là tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất toàn cầu năm 2016 với doanh thu hơn 1,1 tỷ USD. Ảnh: Disney. |
Trong năm 2016, Marvel Studios tung ra con bài “đinh” là Captain America: Civil War - xoay quanh cuộc chiến nội bộ giữa Captain America và Iron Man, cùng Doctor Strange - tác phẩm mở ra vũ trụ pháp thuật huyền bí.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ba phim đầu tiên của Marvel Studios là Iron Man, The Incredible Hulk và Punisher: War Zone vẫn mang màu sắc bạo lực nhất định. Đó là bởi khi ấy, chúng không có sự tham gia của Disney. Sau khi “nhà chuột” nhúng tay vào kể từ Thor, loạt tác phẩm trở nên “tươi sáng” hơn hẳn.
Cho đến giờ, bất cứ phim nào của Marvel Studios cũng chứa đựng nhiều tình tiết hài hước, những câu thoại có thể biến thành ảnh chế gây bão mạng Internet. Điều đó không có gì sai. Nhưng trong lúc tập trung cho mảng hài hước, Marvel Studios vẫn đang loay hoay tìm cách xây dựng một kẻ phản diện mẫu mực, đáng nhớ.
Lần lượt Malekith, Ronan, Ultron, Zemo hay mới nhất là Kaecilius cùng Dormammu ở Doctor Strange được giới thiệu hoành tráng, nhưng chỉ mang đến những kế hoạch đầy ắp lỗ hổng, và bị tiêu diệt phần nào đó khá “lãng xẹt”.
Nhân vật ác nhân duy nhất gây ấn tượng đến từ Marvel Studios là Loki của Tom Hiddleston, nhưng họ không thể cứ trông chờ mãi vào chỉ một người như thế, bởi vũ trụ siêu anh hùng Marvel là vô cùng rộng lớn.
Chính điều đó khiến không ít người lo ngại liệu Thanos của Josh Brolin có thể cáng đáng nổi trách nhiệm làm đối thủ của cả Avengers lẫn Vệ binh dải ngân hà trong Avengers: Infinity War (2018) hay không. Những lần xuất hiện của gã trước đây luôn là chớp nhoáng, và Thanos chưa thể hiện được gì nhiều cho những ai không đọc truyện tranh Marvel.
Warner Bros.: Những cú “bước hụt” đáng tiếc
Tuy Marvel Studios là hãng đầu tiên xây dựng vũ trụ điện ảnh thành công, nhưng trên thực tế, DC và Warner Bros. mới là những người tính tới điều đó trước tiên.
Sau hai tập phim Batman ăn khách hồi đầu thập niên 1990, đạo diễn Tim Burton lên kế hoạch làm tiếp phần ba và dự án Superman Lives có Nicolas Cage thủ vai Siêu nhân, rồi cuối cùng sẽ kết hợp hai siêu anh hùng trong một tác phẩm.
Nhưng tất cả đổ bể trong nỗi thất vọng của cả người hâm mộ lẫn các ngôi sao vì nhiều lý do khác nhau. Năm 2007, tức một năm trước khi Iron Manra đời, Warner Bros. toan triển khai dự án Justice League: Mortal xoay quanh nhóm siêu anh hùng Liên minh Công lý. Nó rốt cuộc cũng bị “xếp xó” trong niềm tiếc nuối vô hạn của người hâm mộ.
Chỉ khi bị Marvel Studios bỏ rơi rất xa, Warner Bros. mới thực sự nghiêm túc trong việc xây dựng vũ trụ điện ảnh, mà mở đầu là Man of Steel(2013). Chiến lược được tiếp nối bằng Batman v Superman: Dawn of Justice và Suicide Squad trong năm nay. DCEU - DC Comics Extend Universe (Vũ trụ phim siêu anh hùng DC) - chính là tên gọi dành cho nhóm tác phẩm.
DC cùng Warner Bros. đã hơi vội vàng trong việc tìm cách đuổi kịp đối thủ và cho ra đời những sản phẩm gây thất vọng trong năm 2016. Ảnh: Warner Bros. |
Nhưng sự vội vàng trong cách xây dựng vũ trụ ấy là điều ai cũng có thể cảm thấy rõ khi theo dõi DCEU. Batman v Superman quá dài dòng, đen tối, thậm chí khó hiểu đối với đại chúng. Còn Suicide Squad thì khiến người xem nhớ lại quãng thời gian phim siêu anh hùng còn “xanh đỏ lòe loẹt”.
Cả hai chứa đựng không ít lỗ hổng về mặt nội dung và khiến công chúng cảm thấy hụt hẫng. Nhiều fan của Warner Bros. lớn tiếng, thậm chí mù quáng, chỉ trích các nhà phê bình và trang Rotten Tomatoes đã “ăn tiền” của đối thủ Marvel Studios cùng Disney để vùi dập hai tác phẩm.
Họ quên mất rằng chuyên trang tổng hợp ý kiến giới phê bình mới được Fandango mua lại hồi tháng 2, mà Time Warner sở hữu tới 30% cổ phiếu của Fandango.
Thực tế là cả hai phim siêu anh hùng trong năm 2016 của Warner Bros. và DC đều không hay, và những điểm sáng hiếm hoi người ta có thể chỉ ra là hai mỹ nhân Gal Gadot (Wonder Woman) và Margot Robbie (Harley Quinn), cùng nhân vật Batman do Ben Affleck thể hiện.
Fox: Thành công chưa trọn vẹn
Với Fox, họ chọn con đường rất khác để đối chọi Marvel Studios: tái khởi động loạt X-Men năm 2011 với dàn diễn viên trẻ tuổi, rồi tìm cách kết hợp họ với nhóm sao gắn liền với thương hiệu từ năm 2000 tới nay.
Đỉnh cao chính là tác phẩm X-Men: Days of Future Past (2014), cho phép các nhà làm phim nay có thể vẽ ra những câu chuyện mới, chứa đựng tình tiết không tuân theo các tập phim cũ.
Các fan quốc tế hay so sánh thế này về phong cách làm phim của ba “ông lớn” trong dòng phim siêu anh hùng: nếu nói Marvel Studios là bình minh, thì Fox là chiều tà, còn Warner Bros. là đêm đen.
Deadpool giúp Fox quên đi nỗi thất vọng X-Men: Apocalypse. Phim mới nhận được hai đề cử Quả cầu vàng 2017. Ảnh: Fox. |
Loạt X-Men của Fox rõ ràng “xám” hơn so với Marvel Studios, tập trung khai thác tâm lý, mâu thuẫn nội tâm nhân vật, nhưng cũng không quên đưa vào những chi tiết hài hước duyên dáng.
Chỉ tiếc là trong năm 2016, X-Men: Apocalypse trở nên quá cũ kỹ với những ý tưởng và đấu tranh từng được nêu ra từ X-Men: First Class(2011), còn ác nhân Apocalypse thì chỉ thích nói nhiều hơn là làm.
May mắn thay, Deadpool trở thành vị cứu tinh cho Fox, khi thu tới hơn 760 triệu USD, nhận nhiều lời khen ngợi và mới được trao đề cử Quả cầu vàng. Đó là dự án bị dán nhãn R, tức hạn chế trẻ em dưới 17 tuổi, và mất rất nhiều thời gian để được “bật đèn xanh”. Nhưng sự mạo hiểm mà Fox dành cho tài tử Ryan Reynolds rốt cuộc đã được tưởng thưởng.
Tương lai nào sau năm 2016?
X-Men: Apocalypse tuy thất bại, nhưng cũng kịp giới thiệu tiếp thế hệ dị nhân trẻ tuổi mới. Deadpool sau thành công phòng vé chắc chắn sẽ có phần hai. Trong năm 2017, Logan đánh dấu lần cuối cùng Hugh Jackman sắm vai Wolverine. Động thái ấy phần nào cho thấy quyết tâm muốn thay đổi từ ê-kíp sản xuất của X-Men.
Bài toán lớn của Fox nằm ở một thương hiệu khác: Fantastic Four. Nếu muốn trở thành đối trọng lớn của Marvel Studios và DC, họ cần phải tìm ra lời giải cho Bộ tứ Siêu đẳng sau thất bại cay đắng năm 2015. Nhiều fan đã gợi ý Fox hãy bắt tay với Marvel Studios như Sony cùng thương hiệu Spider-Man.
Với Warner Bros., cũng may là doanh thu của cả Batman v Superman và Suicide Squad đều thuộc dạng “khủng”, cho thấy lượng fan của truyện tranh DC vẫn là rất lớn.
Trách nhiệm lấy lại niềm tin người hâm mộ lúc này đặt ở Wonder Woman - bộ phim xoay quanh “ngôi sao sáng giá nhất” của Batman v Superman, và sau đó là Justice League - “đối trọng” của The Avengers.
Có một chút dấu hiệu sáng sủa khi Warner Bros. vốn nổi tiếng là hãng phim bảo thủ, già cỗi. Nhưng phản ứng tiêu cực dành cho nội dung hai dự án siêu anh hùng năm 2016 khiến họ lên tiếng hứa hẹn sẽ thay đổi, sẽ “hài hước hơn” trong các tác phẩm mới kể từ nay về sau.
Cuối cùng, “ông lớn” Marvel Studios tung ra tới ba phim mới trong năm 2017 là Guardians of the Galaxy Vol. 2, Spider-Man: Homecoming và Thor: Ragnarok. Theo dõi trailer đầu tiên của chúng, đây dường như sẽ tiếp tục là nhóm tác phẩm hài hước, tươi sáng, thậm chí có phần “đáng yêu”, có thể chiều lòng công chúng và chinh phục các kỷ lục phòng vé mới.
Theo Zing.vn
Bài cùng chuyên mục