Như một thiếu niên đang lớn, Facebook cũng vấp phải vô vàn vấn đề, lần này là với dư luận, trên cương vị là "anh cả" của tất cả các mạng xã hội hiện nay.
Ông chủ Facebook đã khởi động năm 2016 bằng một lời tuyên thệ khá chung chung mang theo một thông điệp của hy vọng:
“Khi mà thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như cơ hội hơn, chúng ta cần phải can đảm để tiến bước và khiến những mỗi ngày trôi qua đều thực sự có ý nghĩa.” – với những hình ảnh ấm áp về gia đình.
Thế rồi năm 2016 cũng trôi qua.
Đây được coi là năm mà Facebook phải đối mặt với nhiều tranh cãi chưa từng thấy, từ những lời chỉ trích về động thái “độc quyền” thông tin tại Ấn Độ, tự động xóa bỏ những hình ảnh lịch sử trên nền tảng của mình, những đoạn video livestream về cảnh con người ta vi phạm nhân quyền cho tới việc hết lần này đến lần khác copy đối thủ Snapchat. Mọi chuyện bị đẩy lên cao điểm vào tháng 11 vừa qua, khi Facebook bị cáo buộc chi phối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ bằng những thuật toán chọn lọc nội dung trên News Feed người dùng, tiếp đó là những tin tức giả mạo ủng hộ cho một luồng quan điểm chính trị nhất định nào đó.
Đây thực chất không hẳn là một năm tệ hoàn toàn đối với Facebook. Họ đã mang về mức doanh thu quảng cáo khổng lồ cũng như những khoản đầu tư nghiêm túc vào các nỗ lực nghiên cứu phòng trừ bệnh tật qua quỹ Chan Zuckerberg Initiative.
Tuy nhiên, những biến động xảy ra trong suốt một năm qua cũng cho thấy vận hành và quản lý một kênh mạng xã hội khổng lồ cỡ hàng tỷ người đang ngày một trở nên khó khăn như thế nào.
Sức mạnh chưa từng có
Nhờ lượng người dùng lên đến 1,79 tỷ user mà Facebook đã thu về 6 tỷ USD lợi nhuận quảng cáo trong năm nay – mức tăng trưởng rất ấn tượng so với con số 3,69 tỷ USD năm ngoái.
Lý giải sức hút khó cưỡng của quảng cáo Facebook, chuyên gia truyền thông Gordon Borrell cho biết “Mạng quảng cáo của Facebook thật sự rất hoàn hảo. Thay vì phải làm đủ cách như trước đây, bạn chỉ cần đặt một mẩu quảng cáo lên mạng xã hội khổng lồ là có thể thấy kết quả ngay lập tức.” Facebook đang phổ biến đến mức theo thống kê, có tới 85% ngân sách chi tiêu cho quảng cáo online được dùng vào nền tảng của Facebook và Google giữa thời kỳ ngày càng nhiều các nhà xuất bản nội dung truyền thống đang phải đổi mặt với nguy cơ phải thu hẹp quy mô và sa thải nhân viên hàng loạt.
Đối với nhiều người, Facebook đã trở nên quá lớn để có thể kiểm soát một cách hiệu quả. Nhà hoạt động xã hội Robert McChesney cho rằng khi các công ty trở nên quá lớn như vậy, chúng có thể trở thành mối đe dọa đối với nền dân chủ cũng như đối với các doanh nghiệp nhỏ trong cuộc chiến cạnh tranh.
“Thực dân” thời đại số
Một trong những bước đi sai lầm mà Facebook từng tiến hành là Free Basics - dự án cung cấp Internet cho người nghèo tại Ấn Độ. Dù được công ty một mực khẳng định mục đích cao đẹp là phủ sóng Internet đến với khu vực nghèo đói nhất thế giới nhưng Free Basics hóa ra lại không phải một kết nối Internet hoàn thiện. Đây thực chất là một gói sử dụng các ứng dụng, dịch vụ được chọn sẵn – và đương nhiên bao giờ cũng phải kèm theo ứng dụng Facebook.
Chính vì vậy mà tháng 2 năm nay, chính phủ Ấn Độ đã quyết định bác bỏ dự án này do những vi phạm về tính trung lập của Internet (Net neutrality) mà nó gây ra. Đây thực sự là một đòn đau đối với gã khổng lồ của Thung lũng Silicon. Tệ hơn nữa, nhà đầu tư kiêm thành viên hội đồng quản trị của Facebook, ông Marc Andreessen còn thẳng thừng phát biểu một cách khá cực đoan trên Twitter: “Chống thực dân đã kìm hãm người Ấn nhiều thập kỷ liền, sao không dừng lại luôn đi?”
Nitin Pai, giám đốc trung tâm nghiên cứu Takshashila, Ấn Độ thì chỉ trích: “Facebook và Mark Zuckerberg phải nhìn nhận lại những giá trị mà họ muốn tăng cường hay làm suy yếu trên thế giới này… Không giống các công ty đa quốc gia chỉ đơn thuần là bán sản phẩm, dịch vụ cho mọi người trên khắp thế giới, Facebook còn khiến con người ta kết nối với nhau nhiều hơn. Họ không thể cứ tỏ ra ngây thơ vô tội, không liên quan gì đến chính trị trong các hoạt động kinh doanh quốc tế của mình như vậy.”
Trên thực tế, tham vọng bành trướng toàn cầu của Facebook còn lớn đến mức họ từng tuyên bố đang nghiên cứu một công cụ “kiểm duyệt nội dung” cho phép mạng xã hội của mình hoạt động được tại Trung Quốc.
Kiểm duyệt và trách nhiệm xã hội
Kiểm duyệt nội dung có lẽ là chủ đề khiến Facebook bị chỉ trích nhiều nhất trong năm 2016. Mặc dù luôn khẳng định mình không phải một công ty truyền thông và cũng không dính dáng gì đến các bình luận chính trị nhưng có vẻ như Facebook vẫn rất vui vẻ với việc kiểm duyệt nội dung hiển thị trên News Feed của người dùng khi những nội dung đó vi phạm yêu cầu của cảnh sát hoặc quy định riêng của công ty.
Chính điều này đã dẫn đến hàng loạt sai lầm ngớ ngẩn trong năm qua, trong đó có việc Facebook tự động xóa bức ảnh “Em bé Napalm” đại diện cho chiến tranh Việt Nam khỏi wall của nhiều người chia sẻ nó. Sau vụ việc, đích thân giám đốc vận hành Sheryl Sandberg phải viết thư xin lỗi về việc.
Marc Andreessen và Sheryl Sanberg
Tháng 8 vừa qua, Facebook cũng vô hiệu hóa tài khoản của Korryn Gaines trong suốt cuộc đụng độ có vũ trang của người này với cảnh sát hạt Baltimore, Mỹ theo yêu cầu từ phía trụ sở cảnh sát. Trước khi bị cảnh sát bắn chết, Gaines đã liên tục đăng tải cập nhật lên Facebook về việc cô tự khóa mình trong căn hộ và cố bắn lại cảnh sát. Vụ việc này đã vô tình hé lộ ra rằng cảnh sát hoàn toàn có thể yêu cầu Facebook xóa bỏ nội dung hay deactivate những tài khoản nhất định mỗi khi họ cảm thấy có một mối lo ngại nào đó về an ninh.
Trong một trường hợp khác, Facebook đã gỡ bỏ các đoạn phim quay cảnh biểu tình tại công ty ống dẫn Dakota Accesss và vô hiệu hóa tài khoản của các phóng viên người Palestine. Một vài nguồn tin cũng cho hay Facebook đã xóa bỏ một số nội dung vận động cho chiến dịch biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu Black Lives Matter.
Sự thiếu minh bạch của những động thái như vậy đã dẫn đến việc thành lập một liên đoàn hơn 70 người cũng như nhiều nhóm hoạt động nhân quyền kêu gọi Facebook công khai về những lần kiểm duyệt nội dung của mình. Một nhà vận động cho biết anh cảm thấy những điều Zuckerberg tuyên bố về việc bảo vệ tự do ngôn luận là khá lấp lửng khi mà Facebook vẫn xóa nội dung và khóa tài khoản của người dùng mỗi lần họ có liên quan đến các vụ việc chính trị.
Ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống
Sau tất cả thì cuộc tranh cãi nảy lửa nhất người ta dành cho Facebook chính là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhiều người cho rằng Facebook đã thất bại trong việc kiểm soát tin tức giả mạo và để chúng gây hiểu nhầm, chi phối kết quả bầu cử. Những người này cho rằng các thuật toán hiển thị của Facebook đã định hình quan điểm của không ít cử tri Mỹ.
Garcia Martinez, cựu nhân viên bộ phận quảng cáo của Facebook cho biết: “Việc Zuckerberg nói Facebook chẳng có ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử nghe thật vô lý, nhất là khi công ty có cả một đội bán hàng ở Washington DC suốt ngày chỉ làm công việc rêu rao với các nhà quảng cáo rằng họ có thể làm tất cả những chuyện đó. Chúng tôi thậm chí còn từng đùa nhau rằng chúng tôi có thể “bán” toàn bộ cuộc bầu cử này cho người nào trả giá cao nhất.”
Trong suốt những tháng nước rút của cuộc tranh cử, rất nhiều tin tức giả mạo đã được lan truyền trên mạng xã hội này.
Mặc dù trước đó đã viết một bài post bác bỏ cáo buộc Facebook chi phối kết quả cuộc bầu cử tổng thống nhưng sau khi sự phẫn nộ từ cộng đồng dâng cao, Zuckerberg đã phải đăng tải một bài viết xin lỗi với khẳng định rằng Facebook sẽ nỗ lực tìm cách ngăn chặn tin giả, nhưng phân biệt thật giả đúng sai luôn là chuyện rất khó khăn.
Martinez nhận định: “Mark Zuckerberg giờ đây phải chấp nhận mang trọng trách của một tổng biên tập trang chính cho tất cả các độc giả trên nền tảng của mình.”
Facebook từng rất năng nổ trong việc ngăn chặn các nội dung đồi trụy và bạo lực, và nay công ty cũng cần phải làm điều tương tự với các nội dung sai lệch được chia sẻ tràn lan.
Nhiều vấn đề trước mắt
Càng về cuối năm 2016, Facebook lại càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, bao gồm cả việc mảng kinh doanh quảng cáo đã chạm mức bão hòa. Martinez bình luận: “Họ đã dùng quảng cáo vắt kiệt News Feed người dùng đến hết mức rồi.”
Điều này cũng có nghĩa là Facebook cần chuẩn bị cho những chiến lược mới nhằm mở rộng nguồn doanh thu. Rất có thể đó sẽ là những sản phẩm khác mà công ty sở hữu như WhatsApp, Instagram hay công nghệ thực tế ảo của Oculus Rift.
Một thách thức khác của Facebook chính là Snapchat – cái gai trong mắt mà ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh không tài nào nhổ được sau nhiều lần “gạ” mua, đến mức giờ đây chỉ còn biết…bắt chước theo bởi nó quá hút hồn giới trẻ.
Năm 2017 tới đây, Facebook sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến truyền thông mới khi bộ phim bom tấn The Circle được ra mắt. Với sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng như Tom Hanks và Emma Watson, nội dung của The Circle sẽ xoay quanh một lời cảnh tỉnh về các công nghệ phá hủy quyền riêng tư của người dùng, bao gồm cả Facebook, Google và Twitter. Viễn cảnh tăm tối mà bộ phim mở ra chắc chắn sẽ dấy lên rất nhiều tranh cãi về đạo đức của các công ty mạng xã hội khổng lồ.
Dù thế nào thì có vẻ như những vòng xoáy dư luận đã phần nào qua đi đối với Facebook, và công ty non trẻ cũng nên chấp nhận thực tế nhiều bão táp cần phải vượt qua y như quá trình bất cứ cô cậu tuổi teen nào cũng phải trải qua để thực sự trường thành. Biết đâu, vài năm tới, chúng ta sẽ lại ngồi bàn luận chính những điều này về “cậu em” Snapchat?
Theo genk.vn