Những sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong năm 2016 đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người dân trên toàn thế giới.
Một năm đầy biến động đang chuẩn bị trôi qua. Trong đó, nhiều sự kiện cộp mác "lần đầu tiên" đã khiến cả dư luận phải giật mình kinh ngạc và trở thành một dấu ấn khó quên trong lòng công chúng trên thế giới.
1, Một công ty Trung Quốc nắm quyền sở hữu hãng phim lớn tại Mỹ
Tháng 01/2016, tập đoàn Đại Liên Vạn Thế (Dalian Wanda Group) của Trung Quốc đã tiến hành thâu tóm hãng phim Legendary Entertainment - một doanh nghiệp lớn tại Mỹ với nhiều sản phẩm "bom tấn" trong thời gian vừa qua như Jurassic World và Inception với mức giá 3,5 tỷ USD.
Một số chuyên gia cho rằng vụ thâu tóm này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là giá trị thực tế. Thậm chí, nhiều nhân vật tầm cỡ của điện ảnh Mỹ còn nhìn nhận điều này như một phần xu hướng tất yếu về sự tăng cường hợp tác giữa kinh đô điện ảnh Hollywood và thị trường có số dân đông nhất thế giới.
2, Cuộc gặp gỡ thân mật giữa Giáo hoàng và Thượng phụ
Ngày 12/02/2016, Giáo Hoàng Francis và Thượng phụ Kirill đã gặp nhau tại thủ đô Havana của Cuba, đánh dấu lần đầu tiên hai người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rome và Giáo hội Chính Thống giáo Nga "giáp mặt" sau gần 1.000 năm.
Cuộc gặp mặt lịch sử này là một thành công đối với Giáo Hoàng Francis trong việc xoa dịu mối căng thẳng giữa hai bộ phận lớn của Thiên Chúa giáo.
Trước đó, Giáo Hoàng Francis từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo khác từ Giáo hội Chính Thống giáo, bao gồm cả Thượng phụ Đại kết thành Bartholomew - người được coi là nhà lãnh đạo tinh thần của toàn bộ hệ thống nói trên.
3, Hạ cánh thành công tên lửa đẩy Falcon 9 trên biển
Ngày 08/04/2016, Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX của ông trùm công nghệ Elon Musk đã hạ cánh thành công tên lửa đẩy Falcon 9 tại một bệ đáp điều khiển từ xa trên mặt biển.
Đây là bước tiến lớn cho tập đoàn SpaceX nói riêng và toàn bộ ngành khai phá không gian nói chung vì việc có thể hạ cánh và tái sử dụng tên lửa đẩy sẽ giúp cắt giảm đáng kể chi phí đưa người và hàng hóa lên vũ trụ, đồng thời mở ra cơ hội phát triển chưa từng có cho lĩnh vực đặc biệt này.
Từ đó tới nay, tập đoàn SpaceX đã nhiều lần thành công trong việc cho hạ cánh tên lửa đẩy Falcon 9 của mình.
4, Sử dụng chip điện tử cấy trong não để điều khiển hoạt động của cơ thể
Tháng 05/2016 vừa qua, các nhà khoa học đã đạt được bước tiến lớn trong việc điều trị cho những người bị liệt do chấn thương cột sống.
Họ sẽ lắp đặt một con chip ở phần não bộ của bệnh nhân, sau đó nhận tín hiệu và truyền thẳng tới hệ thống kích thích thần kinh lắp trên tay khiến người này có thể cử động phần cơ tay bị liệt.
Dẫu công nghệ vẫn đang được thử nghiệm mà chưa thể tiến hành điều trị rộng rãi, song nó vẫn đem lại nguồn hy vọng sống cho rất nhiều người trên thế giới.
5, Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới thăm thành phố Hiroshima
Tổng thống Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm thành phố Hiroshima của Nhật Bản, một trong hai địa danh từng bị quốc gia này thả bom nguyên tử vào cuối Thế Chiến II.
Ngày 27/05, ông Obama đã đặt vòng hoa tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, đồng thời bắt tay và thể hiện sự chia sẻ đối với những nạn nhân còn sống sau vụ tấn công kinh hoàng trên.
6, Thế vận hội dành cho người tị nạn
Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, một đội tuyển bao gồm những người tị nạn tới từ nhiều quốc gia khác nhau đã được phép tham gia tranh tài dưới một màu cờ duy nhất.
Ủy ban Olympic Quốc tế cũng chọn ra 10 vận động viên đại diện cho 4 quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, bao gồm Syria, Nam Sudan, Ethiopia và Cộng hòa Dân chủ Congo để chiến đấu hết mình trong cuộc thi lần này.
Bên cạnh đó, có 9 quốc gia lần đầu tiên đạt huy chương vàng trong kỳ Thế vận hội như Singapore, Bahrain, Fiji, Bờ biển Ngà, Jordan, Kosovo, Puerto Rico, Tajikistan và đặc biệt là Việt Nam.
7, Những hình ảnh cận cảnh đầu tiên của sao Mộc
Từ năm 1610, nhà khoa học lỗi lạc Galileo Galilei đã phát hiện ra sự tồn tại của 4 mặt trăng di chuyển xung quanh sao Mộc - Callisto, Europa, Ganymede và Io. Từ đó, ông đã tìm được những bằng chứng xác thực về thuyết Nhật tâm.
Nhưng phải hơn 400 năm sau, con người mới có thể chứng kiến tận mắt hình ảnh những mặt trăng này di chuyển sau khi chiếc tàu không người lái Juno bắt đầu thâm nhập quỹ đạo sao Mộc vào tháng 07/2016 vừa qua.
Một trong những nhiệm vụ chính của tàu không gian Juno là giúp con người hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển của hành tinh khổng lồ này.
8, Cá thể hổ hoang dã tăng đột biến
Vào tháng 04/2016, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (World Wildlife Fund – WWF) đã công bố số lượng các cá thể loài hổ sống trong hoang dã lần đầu tiên có dấu hiệu tăng lên sau suốt gần một thế kỷ bị suy giảm liên tục.
Số lượng các cá thể hổ hoang dã được ghi nhận trong năm 2016 là khoảng 3.890 con, cao hơn hẳn so với con số 3.200 cá thể được ghi nhận vào năm 2010. Trong đó, số lượng các cá thể hổ hoang dã tăng lên chủ yếu nằm ở bốn quốc gia như: Bhutan, Ấn Độ, Nepal và Nga.
Dẫu vậy, các nhà bảo tồn vẫn cố gắng lên tiếng cảnh báo về tình trạng môi trường sống của loài hổ tiếp tục bị thu nhỏ, và loài này vẫn là một trong những mục tiêu ưa thích của những kẻ săn trộm, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
9, Nam Cực bị ô nhiễm không khí
Lần đầu tiên trong suốt bốn triệu năm qua, mức độ khí CO2 trong khí quyển đo được tại Nam Cực đã đạt ngưỡng 400ppm.
Mức độ khí CO2 – một sản phẩm chính của việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch trong khí quyển đã không ngừng tăng lên kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp tại châu Âu nổ ra vào thế kỷ 19.
Trước đó, Nam cực là khu vực duy nhất trên Trái Đất có mức độ CO2 trong khí quyển chưa đạt tới mức đáng báo động. Điều này có nghĩa nơi hẻo lánh nhất trên Trái Đất cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự ô nhiễm do con người gây ra.