Bauhaus (1919-1933) là tên của một trường đại học tại Đức được thành lập bởi KTS Walter Gropius năm 1919.
Đây là ngôi trường đầu tiên đào tạo về Mỹ thuật công nghiệp, trung tâm của trường phái hiện đại và nơi hình thành ý tưởng cho sự ra đời của Chủ nghĩa Công năng. Đây là ngôi trường đầu tiên đào tạo về Mỹ thuật công nghiệp, trung tâm của trường phái hiện đại và nơi hình thành ý tưởng cho sự ra đời của Chủ nghĩa Công năng.
Bauhaus: Lịch sử ra đời và các giai đoạn phát triển
Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) là sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc, nước Đức và Châu Âu nói chung lâm vào khủng hoảng. Trong bối cảnh xã hội đó, mọi nhu cầu xã hội thay đổi, hiện thực cuộc sống được nhìn nhận vào chính tính thực tiễn của nó, điều đó tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa nghệ thuật.
Tại Đức, nghệ thuật bị tổn thương với những khó khăn vật chất của cuộc sống, nghệ sỹ không còn năng lực sáng tạo như trước đây. Trước hiện thực đó, KTS Walter Gropius nhận ra những khuôn vàng thước ngọc của kiến trúc thời trước (những định ước cũ, những hoa văn rườm rà..) không còn phù hợp nữa. Và Gropius tìm lập một chốn mới, để nuôi dưỡng sự sáng tạo của các hoạ sĩ, các nhà thiết kế và các KTS.
Ngày 12/4/1919, chính quyền thành phố Weimar cấp giấy phép cho Gropius lập Học viện thiết kế Bauhaus Quốc gia, trên cơ sở sáp nhập hai trường: Viện Hàn lâm Nghệ thuật Weimar với Trường Mỹ nghệ (đã giải thể năm 1915), thành lập tổ chức Bauhaus nhà nước (Staatliches Bauhaus Weimar – State Bauhaus Weimar). “Bauhaus” được dịch là “ngôi nhà của các công trình” (building house), nhưng theo Gropius, nó là viết tắt của “Một sự háo hức với sự cởi mở, thử nghiệm, sáng tạo, liên kết chặt chẽ để thực hành công nghiệp và đa quốc gia”
Bauhaus hoạt động và phát triển qua ba giai đoạn: Weimar, Dessau và Berlin
Giai đoạn ở Weimar (1919-1925)
Weimar là giai đoạn phát triển cực thịnh của Bauhaus, trên 200 học viên và thu hút được sự tham gia giảng dạy của nhiều nghệ sỹ Kandisky, Paul Klee, L. Feininger, Moholy Nagy… Giai đoạn đầu, Bauhaus hướng vào chủ nghĩa Ấn tượng và tìm kiếm con đường cải cách (giống như phong trào thủ công Mỹ nghệ và phong cách trẻ) bằng cách quay lại Trung cổ, ngành Kiến trúc giữ vai trò lãnh đạo.
Quá trình phát triển đã hình thành một ngôn ngữ tạo hình sơ đẳng mang đậm chất công năng ra đời vào buổi đầu của những năm 20 (thế kỷ XX), hướng đến các hình dáng trong sáng mang tính cấu trúc. Lúc này Bauhaus ảnh hưởng của chủ nghĩa cấu trúc Nga bởi sự gia nhập của Kandinsky và Moholy Nagy.
Ở giai đoạn này, Bauhaus đã khẳng định phong cách thông qua các cuộc triển lãm. Tháng 2 – 1923, Bảo tàng Thủ công Mỹ nghệ Zurich đã mở triển lãm, giới thiệu các sản phẩm của Bauhaus. Đến tháng 8-1923 lần đầu tiên Bauhaus mở Triển lãm gọi là Tuần lễ Bauhaus (Bauhaus Week) với khẩu hiệu “Mỹ thuật và công nghệ – một sự thống nhất mới”
Giai đoạn ở Dessau (1925-1932)
Dưới áp lực của chính phủ bảo thủ, Bauhaus phải rời bỏ Weimar chuyển đến Dessau, tại đây, Bauhaus đã cho ra những thiết kế đồ nội thất mang một kiểu dáng mới, những chiếc ghế có sử dụng ống thép, đồ gỗ mang tính hệ thống và các kiểu bếp lắp ghép. Trọng tâm của công tác đào tạo là thiết kế công nghiệp và kiến trúc. Mục tiêu chính, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về sản xuất công nghiệp còn tạo ra các mặt hàng sản xuất hàng loạt, giá cả phải chăng để phục vụ rộng rãi các tầng lớp xã hội.
Năm 1926-1927, Bauhaus được công nhận rộng rãi nhưng nó vấp phải vấn đề tài chính và những tranh cãi nội bộ, chuyên ngành kiến trúc vẫn chưa có lớp học, vì vậy bị nhiều sự chỉ trích của sinh viên. Chính bởi vậy tháng 4 năm 1927 bộ môn Kiến trúc ra đời với sự lãnh đạo của Hannes Meyer, và H. Meyer cũng được Gropius tiến cử vào chức giám đốc mới của Bauhaus với một hy vọng vào một xung lực mới.
H. Meyer đã sắp xếp lại Bauhaus về phương diện tổ chức cũng như nội dung. Về thiết kế, ông yêu cầu tạo ra những sản phẩm được tiêu chuẩn hóa để đem sản xuất hàng loạt thỏa mãn các nhu cầu của nhân dân. Ông nỗ lực để khoa học hóa công tác giảng dậy và cho thiết lập thêm các môn như tâm lý học, xã hội học và kinh tế học.
Về Kiến trúc, Meyer yêu cầu phân tích các yếu tố xã hội. Ông không nhìn ngôi nhà như “cái máy để ở” (Le Corbusier). Vì vậy các công việc thiết kế của ông thường được thực hiện dưới các góc độ kinh tế và ông thường xây dựng bằng các loại vật liệu rẻ tiền có thể sử dụng các linh kiện thông qua khâu tiền chế.
Giai đoạn này Bauhaus cũng có nhiều biến động trong đội ngũ lãnh đạo, và cũng có nhiều liên quan đến chính trị.
Giai đoạn ở Berlin (1932 -1933)
Cũng vì lý do chính trị mà Bauhaus chuyển về Berlin, song tồn tại không lâu, năm 1933, chế độ quốc xã đóng cửa Bauhaus. Tiếp theo sự giải thể này là cuộc di cư của các giảng viên và sinh viên, sự kiện này đã giúp phổ biến tư tưởng của Bauhaus tới nhiều nước, những tư tưởng này có ảnh hưởng tới sự đào tạo nghệ thuật khắp các nước phương Tây. Gropius cùng với Moholy Nagy đã thành lập trường New Bauhaus ở Chicago năm 1937 (sau trở thành viện thiết kế). Vậy 14 năm tồn tại, Bauhaus đã tạo ra một xu hướng mới, với sức ảnh hưởng rộng rãi.
Phương châm đào tạo của Bauhaus.
Tại Bauhaus, Gropius muốn thống nhất giữa nghệ thuật, thủ công và công nghiệp.Theo ông, “Kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, chúng ta đều phải trở về làm thợ thủ công! Ở đó không có gì là “Art Professional – nghệ thuật chuyên nghiệp”. Không có sự khác biệt cơ bản giữa nghệ sĩ và thợ thủ công. Nghệ sĩ là một nghệ nhân cao quý.
Để đạt được điều này Bauhaus, đã thực hiện sự thay đổi sâu rộng về cơ cấu tổ chức và chương trình đào tạo: Cơ sở của quá trình đào tạo là khóa tiền huấn luyện, sinh viên được thể nghiệm về màu sắc, hình dáng và vật liệu. Sau giai đoạn đào tạo cơ bản này, sinh viên được lựa chọn một trong các phân xưởng của Bauhau: Đồ gỗ, đồ gốm, đồ sứ, chế biến kim loại, chế biến thủy tinh … Tóm lại, đây là phương pháp đạo tạo kết hợp giữa học và hành, một sinh viên được học lớp đào tạo cơ sở trong sáu tháng và ba năm để học thực hành. Bởi vậy bên cạnh việc học trên lớp là học dưới các xưởng, mỗi xưởng có hai người thày, đó là các nghệ sỹ dạy thiết kế và những người thợ dạy thực hành, gọi là những đốc công.
Chương trình đào tạo phần cơ sở được các họa sỹ của Chủ nghĩa Hiện đại như Kandinsky, Klee, Feininger, Schlemmer … giảng dạy. Lý thuyết về màu sắc, hình thể, tương quan giữa hình thể và màu sắc, cũng như sự biểu cảm tự thân của màu sắc và tương quan giữa chúng … là những vấn đề cơ sở của tạo hình mà Bauhaus trang bị cho sinh viên. Ở đây các họa sỹ, giáo sư của Bauhaus muốn phân tích các yếu tố tạo hình dưới góc độ của tâm lý học để hướng dẫn sinh viên muốn liên hệ giữa hiện thực tự nhiên với thực nghiệm của nghề nghiệp, hay nói cách khác, tự nhiên được tư duy và trừu tượng hóa.
Chương trình đào tạo cơ sở kể trên được thực hành trong các xưởng, hiện thực các lý thuyết qua các tác phẩm, ở đó sinh viên được làm như những thợ trong các xưởng thủ công.
Như vậy một thày dạy tạo hình và một thày dạy thủ công phải đào tạo đồng thời các học viên. Có như vậy “bức tường kiêu căng giữa những nghệ sỹ và những thợ thủ công sẽ phải đạp đổ”, chỉ như vậy mới có thể sáng tạo ra “nền xây dựng mới của tương lai” (Gropius). Và Gropius muốn giáo dục lớp người trẻ của Bauhaus trở thành những nhà sư phạm cho xã hội.
Quan điểm, phong cách và sức ảnh hưởng
Bản tuyên ngôn của Bauhaus tuyên bố về một nguyên tắc sáng tạo: “sáng tạo là xây dựng”, xây dựng được tạo lập chung, tất cả phải đóng góp bằng thủ công. Bauhaus thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật với kỹ thuật và công nghiệp. Sản phẩm của Bauhaus (đồ gia dụng, đồ dệt, đồ điện, gốm…) đã được chấp nhận cho sản xuất đại quy mô. Dựa trên quan điểm trên Bauhaus tạo ra một phong cách đặc trưng, tác phẩm không mang tính cá nhân, hình thể có dạng hình học cơ bản, màu sắc đơn giản nhưng có sự tao nhã ở đường nét.
Quan điểm của Bauhaus là tạo ra những tác phẩm để sử dụng, để bán được, chứ không phải để trưng bày trong các viện bảo tàng. Mà ở đó cái đẹp gắn liền với giá trị công năng. Từ đó Bauhaus đi đến việc từ bỏ hoàn toàn tính chính xác của nghệ thuật, hình thể phù hợp với tư tưởng thực dụng. Tất cả tạo lên một “nguyên tắc chung” của Bauhaus, và nó tạo ra sự sáng tạo trong các xưởng với khẩu hiệu “Nghệ thuật và kỹ thuật một thể hợp nhất”.
Thay lời Kết
Vậy là chỉ trong 14 năm tồn tại, nhưng Bauhaus đã để lại cho thế giới những tư tưởng, những công trình kiến trúc, nghệ thuật, thiết kế tầm cỡ di sản. Cái tên Bauhaus không còn là cái tên của một ngôi trường, Bauhaus ngày nay là cái tên của một trường phái thiết kế đầy tính nhân bản, là một trường phái hiện đại với ý tưởng của chủ nghĩa công năng. Mà ở đó, hình dáng do công năng quy định, bỏ đi mọi sự trang trí rườm rà, trang trí là cản trở cho việc sản xuất hàng loạt và làm tăng giá thành sản phẩm. Bauhaus tìm ra hướng giải quyết mới cho vật dụng, kết hợp tất cả các ngành trang trí tạo thành một khối thống nhất.
Như đã nói, khi Bauhaus đóng cửa cũng là lúc phong cách này lan rộng ra toàn thế giới và các trường nghệ thuật danh tiếng ở Đức, Mỹ, Anh đều thành lập dựa trên cơ sở triết lý nghệ thuật và thực hành của Bauhaus.
Tài liệu tham khảo
Lê Huy Văn – Trần Văn Bình, Lịch sử Design, NXB Xây dựng, 2002
Viện Mỹ thuật (Biên dịch), Bauhaus (1919-1933)
KTS Đoàn Hồng Lư