Chưa từng có một sự kiện crossover nào lớn hơn “Crisis on Infinite Earths” (Khủng hoảng Vô tận Trái Đất).
Crossover (đan xen) là một phạm trù quan trọng và phức tạp trong thế giới comic. Đó là những sự kiện mà các nhân vật và biệt đội siêu anh hùng chạm trán và liên kết với những đồng minh mới, đến từ một thế giới khác mà chúng ta không ngờ tới, để chống lại một mối hiểm họa lớn hơn rất nhiều hoặc bản thân giữa họ có sự xung đột khác biệt.
Nhìn rộng ra, những sự kiện crossover đồng nghĩa với việc những xung đột cấp vũ trụ có thể tập hợp mọi nhân vật vào một vũ trụ nhất định và dẫn tới khả năng sẽ thay đổi nó mãi mãi. Trong mảng comic, crossover cũng tương tự như các bộ phim “bom tấn” mùa hè của điện ảnh, hứa hẹn mang tới những câu chuyện gây chấn động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhân vật, thậm chí toàn bộ hướng xuất bản của bộ truyện đó trong những năm tiếp theo.
Tất nhiên, kỳ vọng càng lớn thì khả năng gây thất vọng càng cao. Có không ít crossover khiến người hâm mộ (và cả những nhà bán lẻ comic) phải thất vọng và gây ảnh hưởng xấu tới các sự kiện sau đó. Tình trạng này ngày càng phổ biến trong các dòng comic chính thời nay – cũng như hiện trang reboot (làm lại) và relaunch (ra lại) - đang ngày càng trở nên “thừa mứa”. Tuy nhiên, một crossover “chuẩn” chắc chắn sẽ gây được ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với cộng đồng fan hâm mộ.
Suốt nhiều năm qua, Marvel và DC Comics đã tung ra vô số phần truyện crossover, trong số đó có một vài sự kiện đã đạt đến tầm “kinh điển”, gây ảnh hưởng lớn tới con đường phát triển của vũ trụ comic trong nhiều năm liền, thậm chí là mãi mãi. Tiếp nối phần trước, dưới đây là top những sự kiện crossover đình đám nhất còn lại của hai “ông lớn” này.
“Mutant Massacre” (1986)
Tác giả: Chris Claremont, Louise Simonson và Walter Simonson
Họa sĩ: John Romita Jr., Walter Simonson và Sal Buscema
“Mutant Massacre” (Thảm sát Dị nhân) của Marvel là ví dụ điển hình nhất chứng minh rằng một crossover không cần thiết phải “động chạm” đến mọi ngóc ngách của vũ trụ, mà nó chỉ cần gây ảnh hưởng mạnh đến một trong số đó là được. Thảm kịch đẫm máu “Mutant Massacre” diễn ra do một nhóm thợ săn người đột biến với tên gọi “The Marauders” nhận lệnh tấn công Morlock – những người đột biến lẩn trốn dưới những cống ngầm của thành phố New York từ ác nhân Mister Sinister.
Sau đó để bảo vệ nhóm Morlock, X-Men, X-Factor và New Mutants đã phải giao chiến với Marauders, dẫn tới rất nhiều thương vong. Ngoài tính chất ác liệt của cuộc chiến, “Mutant Massacre” còn được rất nhiều fan nhớ tới vì đây là lần đầu mà Wolverine và Sabretooth đối đầu nhau. Mặc dù không thay đổi cả vũ trụ Marvel, nhưng sự kiện này đã ảnh hưởng tới mạng sống của rất nhiều nhân vật được yêu thích và dẫn tới sự xuất hiện của một số ác nhân lớn.
“Civil War” (2006 – 2007)
Tác giả: Mark Millar
Họa sĩ: Steve McNiven
Sau vụ nổ kinh hoàng tại một trường học ở Connecticut, gây ra bởi nhóm “The New Warriors” khi tấn công kẻ ác Nitro, Chính phủ Mỹ đã đề ra Đạo luật Đăng ký Siêu Anh hùng để theo dõi hành động của tất cả các cá nhân sở hữu siêu năng lực. Việc này đã phân các siêu anh hùng ra làm 2 phe – phe chống đối Đạo luật của Captain America và phe ủng hộ của Iron Man.
Không giống như những crossover thông thường, “Civil War” không tập hợp các siêu anh hùng để cùng chống lại một thế lực hắc ám nào đó lớn hơn; mà nó mang một hướng đi mới, tập trung vào những lý lẽ và tư tưởng trái chiều về chủ nghĩa anh hùng. Khi kết thúc cuộc nội chiến, chúng ta đã phải nói lời giã biệt với một trong những siêu anh hùng biểu tượng nhất của Marvel, và ý tưởng chủ nghĩa anh hùng cũng vĩnh viễn bị sứt mẻ. Nội dung của crossover này đã mang đến ý tưởng cho bộ phim bom tấn gần đây nhất của Marvel là “Captain America: Civil War”, và mới đây đã được tiếp tục với phần truyện “Civil War II”.
“Infinity Gauntlet” (1991)
Tác giả: Jim Starlin
Họa sĩ: George Pérez và Ron Lim
Với kết quả là một nửa dân số toàn vũ trụ bị quét sạch ngay trong đoạn đầu thì có lẽ bạn không thể đòi hỏi một crossover nào có quy mô lớn hơn “Infinity Gauntlet” (Găng tay Vô cực) nữa. Khi tên Titan loạn trí Thanos nắm được quyền kiểm soát đầy đủ 6 viên Infinity Gems (Ngọc Vô cực) điều khiển mọi sức mạnh của vũ trụ, những anh hùng còn sống sót phải tìm ra cách đánh bại hắn, một nhiệm vụ quá “bất khả thi”.
Kết quả là hầu hết họ đều không thể sống sót, nhưng đó chưa phải là kết thúc, khi mà chúng ta còn có “siêu tác giả” Jim Starlin với trí tưởng tượng siêu phàm của mình. Series này đã biến Thanos từ một kẻ ác theo đúng khuôn mẫu của comic thành một trong những mối đe dọa khủng khiếp nhất lịch sử Marvel. “Infinity Gauntlet” cũng đã châm ngòi cho bộ ba sự kiện vô cùng lớn, theo sau đó là “Infinity War” và “Infinity Crusade”. Có một vài sự kiện cấp vũ trụ Marvel khác cũng đã xảy ra sau đó, song về sức ảnh hưởng thì có lẽ không cái nào vượt qua được “Infinity Gauntlet” trong suốt nhiều thập kỷ qua.
“Crisis on Infinite Earths” (1985 – 1986)
Tác giả: Marv Wolfman
Họa sĩ: George Pérez
Chưa từng có một sự kiện crossover nào lớn hơn “Crisis on Infinite Earths” (Khủng hoảng Vô tận Trái Đất). Được sáng tác để kỷ niệm 50 năm thành lập DC Comics, bộ truyện này đã tạo nên một hiện thực hoàn toàn mới cho giai đoạn phát triển mới của vũ trụ DC. Mọi thứ mà fan hâm mộ yêu thích về Vũ trụ DC đều được chứa đựng trong 12 tập truyện này, khi mà những nhân vật từ thời Golden Age chiến đấu bên cạnh các siêu anh hùng hiện đại khi thực tại “sập xuống” đầu họ theo đúng nghĩa đen. Không chỉ mang tới những siêu anh hùng được yêu thích nhất của DCU, nó còn đề cập đến đủ những nhân vật kinh dị, khoa học viễn tưởng và giả tưởng của nhà phát hành đình đám này.
Bộ đôi Wolfman và Perez thực sự đã đào hết các ngõ ngách trong lịch sử hào hùng của DC Comics. Tất nhiên, với một tiêu đề “kêu” như vậy thì bạn sẽ kỳ vọng vào việc rất nhiều sự kiện gây sốc diễn ra. Trong số đó, có lẽ khó tin nhất chính là cái chết của Supergirl và Flash (Barry Allen). Khi mọi chuyện kết thúc, DC không còn tồn tại đa vũ trụ nữa, mà đã về một thể thống nhất, sẵn sàng chờ đón những độc giả, nhân vật mới và “tái sinh” mọi thứ một lần nữa.
Theo Comicbookresources