Tâm sự cười ra nước mắt của một game thủ Việt… sợ Tết
Bạn thực sự nghĩ Tết là khoảng thời gian để chơi game thỏa thích, muốn làm gì cũng được? Bạn đã nhầm, nhầm to rồi!
Khi viết ra những dòng này, chúng ta chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán. Nhiều người vẫn nghĩ đây là thời gian để nghỉ ngơi, để gặp gỡ gia đình, bạn bè, để được quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Thật ra không phải, mà đúng hơn cả, Tết giống như khoảng thời gian đày đọa bản thân của nhiều người. Họ làm việc quần quật cả năm trời để lấy cho mình vài đồng tiền thưởng Tết rồi lại dắt díu bầu đoàn thê tử về quê chuẩn bị cái Tết ấm áp. Hết Tết, vòng tuần hoàn này lại bắt đầu lại từ đầu…
Một số kẻ khác thì vin vào Tết để biến những ngày đầu tiên của năm mới trở thành những chầu nhậu chí tử, tưng bừng khói lửa để sau đó chẳng còn nhớ gì, tất cả chỉ bằng hai từ để bào chữa cho bản thân: Tân Niên!
Từ hồi đi học tôi đã không thấy Tết có gì vui. Nó giống như 10 ngày bạn ở nhà làm mọi thứ mình muốn và sau đó tiếp tục đi học trong tình trạng ủ ê ảm đạm vì ăn ngủ nghỉ quá nhiều. Tôi thích duy nhất một thứ của những ngày đầu năm mới Âm lịch mà thôi: Lì xì. Còn lại, giờ đây khi đã đi làm, có gia đình, cái Tết giống như một cuộc chiến trước, trong và sau.
Tôi còn nhớ cái thở dài của mẹ khi chuẩn bị cỗ mùng 3 hóa vàng, khi ấy cả đại gia đình có mặt và chờ đợi bữa cơm ấm cúng. Tôi nhớ cái cảm giác uể oải của những ngày chỉ có ăn và ngủ. Thực tế thì ăn và ngủ thì ai mà chẳng thích đúng không nào, thế nhưng nó không hề thỏa mãn như nhiều người trong số chúng ta suy nghĩ đâu.
Này nhé, trước Tết thì chạy doanh số, chốt sổ để tính thưởng Tết. Trong Tết thì hết ông bà chú bác, cả một huyện người phải đi thăm nom chào hỏi, ấy là nếu may mắn không phải ngồi lại uống với họ một hai chén rượu. Sau Tết thì cái dư âm của quãng thời gian đó bắt đầu quay trở lại “ám” lấy con người, khiến cho chúng ta có cảm giác uể oải, làm việc không thể nào có năng suất cao nhất được.
Nhiều người, hay đúng hơn là nhiều cậu bé còn đang trong độ tuổi đến trường cho rằng, Tết tuyệt vời đấy chứ, được chơi game thoải mái thỏa thích suốt cả chục ngày trời. Cũng đúng. Nhưng họ quên mất hai điều cơ bản của Tết: Một là việc nhà, hai là cơn ác mộng mang tên BÀI TẬP TẾT!
Còn nhớ nhiều năm về trước, ngay khi nghe những lời chúc Tết của giáo viên khi đang đứng trên bục giảng trong buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của năm cũ, ngay trong đầu tôi cũng như bạn bè trong lớp đã bắt đầu vẽ ra những kịch bản vô cùng thuyết phục và hấp dẫn về việc chúng tôi sẽ “xõa” trong ngày tư ngày Tết ra sao.
Những ngày đầu tiên, “kịch bản” diễn ra có vẻ suôn sẻ. Trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, những con mọt game của lớp tôi có mặt tại quán game quen thuộc từ rất sớm. Ai cũng sung sướng nghĩ rằng những ngày như thế này không chơi thì chỉ có mỗi việc ăn và việc ngủ. Đời còn gì tươi đẹp hơn đâu? Từ việc party đi raid boss đến đánh vài trận DotA, thậm chí là lập mạng LAN bắn CS cùng nhau chỉ khiến cho chúng tôi cảm thấy những ngày như thế này không nên kết thúc một chút nào.
Nhưng rồi tôi và đám bạn nhận ra, ngày Tết hoàn toàn không chỉ để chơi game. Những ngày cận Tết, gia đình bỗng có bao nhiêu việc, từ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, sắm đồ ăn Tết… Những công việc như thế tự nhiên lấy đi của con người ngót nguyên cả ngày trời. Bản thân là một đứa con trai nhưng tôi không thoát phận bị mẹ lôi ra chợ với lý do “xách đồ về cho mẹ, mua nhiều nặng lắm”.
Hồi đó chưa biết nghĩ, chứ giờ đây, càng lúc tôi càng thương mẹ. Ở một nơi mà xã hội trọng nam khinh nữ vẫn còn mạnh mẽ như Việt Nam, việc tôi bù đầu vào game hay những hội hè cùng bạn bè khắp nơi trong khi mẹ vẫn cứ tần tảo sáng sớm 23 tự đi ra chợ mua đồ cúng ông Công ông Táo chẳng phải chính là tiếp tay cho lối suy nghĩ phụ nữ phải đảm hết việc nhà hay sao?
Cũng chính từ giây phút này, tôi cảm thấy Tết chẳng còn vui như hồi trẻ con nữa, mà thay vào đó, nó giống như một cuộc đua nơi những gia đình khác nhìn vào và ngầm đánh giá chính việc chuẩn bị Tết của chúng tôi như một cách “chấm điểm” xem nhà đó làm ăn có khá giả hay không.
Không chỉ riêng tôi mà những người bạn thuở cấp 2, cấp 3 cũng cùng chung cảnh ngộ. Ai cũng phải chuẩn bị cho ngày Tết. Mỗi nhà mỗi cảnh, thậm chí có những đôi đã cưới nhau và có con cái đề huề, thì công việc thậm chí còn mệt mỏi nữa. Sáng mùng 3, chúng tôi hội họp một bữa café. Mỗi người một chuyện, cùng chúc nhau một năm mới đầy sức khỏe, cùng rôm rả với những chuyện cũ chuyện mới. Nhưng thứ không ai nói nhưng cũng ngầm hiểu, đó là tất cả chúng tôi, giống như mọi người khác, đều vừa trải qua một khoảng thời gian đầy mệt mỏi để có được cái Tết ấm êm đủ đầy.
Nguồn:Gamek
Bài cùng chuyên mục