Bài viết này sẽ đi ngược lại lịch sử của trò chơi trứ danh "Assassin's Creed" cũng như lịch sử của hai phe Hiệp Sĩ và Sát Thủ.
Vào tuần sau, bộ phim Assassin's Creed/ Sát Thủ Bóng Đêm, được chuyển thể từ tựa game trứ danh cùng tên, sẽ chính thức được trình chiếu tại các rạp. Với những fan của thương hiệu game này thì cuộc chiến truyền kỳ hơn vạn năm giữa hai phe Sát Thủ và Hiệp Sĩ vốn dĩ đã quá quen thuộc, và chắc chắn họ sẽ hiểu được những tình tiết ẩn chứa trong phim. Tuy nhiên, với những người đi xem phim thông thường thì có lẽ họ sẽ gặp bỡ ngỡ đôi chút về sự thù hằn giữa hai hội này. Thêm vào đó, với thời lượng 2 tiếng, bộ phim chắc chắn sẽ khó lột tả hết cái phức tạp trong cuộc chiến của họ, thậm chí là bỏ qua vài động cơ và nguyên cớ của cả hai phe. Những Hiệp Sĩ Đền Thánh không phải là những đối thủ tầm thường, vậy nên người viết xin mạn phép cung cấp vài thông tin "lịch sử" liên quan tới họ.
Sự ra đời của Hiệp Sĩ Đền Thánh
Câu chuyện của các Hiệp Sĩ bắt đầu cách đây khoảng 75 ngàn năm trước công nguyên. Khi đó những kẻ cai trị Trái Đất là một chủng tộc với tên gọi là Isu, được mô tả trong sách sử của hội là "những vị thần với bộ não to lớn, với sự thông thái và sở hữu nền công nghệ vượt xa những gì mà con người hiện đại có mơ cũng không với tới". Những Isu xây dựng nên Nền Văn Minh Đầu Tiên, và rồi họ quyết định rằng họ cần một lực lượng lao động đông đảo để có thể đạt được những tham vọng to lớn hơn.
Những Isu chọn ra vài sinh thể hình người đầu tiên của Trái Đất. Chậm rãi mà chắc chắn, họ tôi luyện những sinh thể này thành loài người. Nhờ công nghệ điểu khiển thần kinh được gắn trong não bộ của con người, tộc Isu sử dụng nhân loại như nô lệ, tùy nghi sai khiến và thao túng. Cho tới khi họ bắt đầu giao phối với nô lệ của họ, từ đó tạo ra những "con lai" có khả năng chống lại màn kiểm soát tâm trí này. Và rồi rất nhanh sau đó, loài người đứng lên lật đổ những "chủ nhân" của mình nhằm giành lấy tự do.
Chỉ 10 năm sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu, một tai họa khủng khiếp đã xóa sạch toàn bộ sự sống trên Trái Đất. Chỉ còn 1 vạn người sót lại sau thảm họa, tộc Isu thì chỉ còn vài trăm. Nhận thức được sự tuyệt diệt của mình, những người còn lại của tộc Isu tự biến mình thành thần, như trong những tín ngưỡng tôn giáo của nhân loại, lần lượt dìu dắt nền văn minh của giống người cho tới ngày tàn của họ.
Về sau, một nhóm người quyết định đứng ra tiếp tục bảo vệ, giám sát và chỉ dẫn nhân loại – giống như những gì Isu đã làm – chỉ khác là họ nhắm tới sự hòa hợp, không phải nô dịch. Những hậu duệ của những người "con lai" đó vẫn giữ trong tim nhiệm vụ to lớn này, rồi cuối cùng tự đặt cho mình cái tên Templars (Hiệp Sĩ Đền Thánh), dựa theo những điện thờ chứa những bảo vật công nghệ cuối cùng của tộc Isu. Còn những người đứng lên chống lại họ, bất kể là nam hay nữ, được gọi là những Assassin (Sát Thủ).
Ký hiệu của hội Hiệp Sĩ Đền Thánh trong game và phim
Đức tin phía sau những kẻ nắm quyền
Trong những phần game đầu tiên (và có lẽ là cả trong phim), thì câu chuyện về những anh hùng của hội Sát Thủ khiến cho người chơi lẫn người xem có cái nhìn khá phiến diện về những Hiệp Sĩ: Họ chỉ là những tay cường hào ác bá, bạo chúa hung tàn, tham quyền đoạt lợi… những kẻ chỉ mong muốn áp bức và thống trị nhân loại. Và đúng là phe này thu hút một số những kẻ độc ác, nhưng đức tin và chính nghĩa của họ thật sự rất cao quý. Nói ngắn gọn thì hội Hiệp Sĩ được lập nên vì một sự thật: Loài người là một chủng tộc của hỗn loạn, được tạo ra để được dẫn dắt, và bỏ mặc cho họ tự sinh tự diệt là điều quá tàn nhẫn.
Vậy nên câu trả lời là giống người cần được dẫn dắt tới sự hòa bình hòa hợp. Nói cho công bằng thì đây là mục tiêu chung của cả Hiệp Sĩ và Sát Thủ, vấn đề ở đây là hội Sát Thủ cho rằng muốn đạt được hòa bình chân chính, con người phải được tự do tuyệt đối, thoát khỏi mọi sự ràng buộc, hạn chế hay những ý thức hệ. Phe Hiệp Sĩ lại khinh ghét cái gọi là "tự do" này, cho rằng nó sẽ chỉ dẫn tới sự vô chính phủ, bạo loạn, thuyết hư vô và sự sụp đổ của nhân loại.
Một cảnh trong bộ phim
Về cơ bản, hội Hiệp Sĩ nắm lấy quyền lực không phải vì họ muốn giữ nó cho riêng mình mãi mãi. Cái họ mong muốn là ảnh hưởng hay nắm lấy vai trò lãnh đạo xuyên suốt lịch sử loài người, nhằm đưa nhân loại tiến tới cái tốt đẹp nhất của họ. Nhưng để đạt được điều đó, người dân cần những nhà lãnh đạo quyền lực để đi theo – tư tưởng mà hội Sát Thủ bất đồng… dù rằng trong thực tế thì con người thường thuận theo điều trên.
Tất nhiên, việc các Hiệp Sĩ bị biến thành kẻ ác trong mắt mọi người là điều khó tránh khỏi. Bằng việc áp đặt đức tin và tư tưởng của mình, họ xem bất kỳ ai có quan điểm khác đều là kẻ thù. Không chỉ thế, vì mục đích cao cả, những Hiệp Sĩ chấp nhận làm hại hay tàn sát hàng ngàn người vô tội, xem đó chỉ là cái giá nho nhỏ phải trả cho sự tiến bộ của toàn nhân loại.
Chưa xét tới việc trong hàng trăm quả táo, thế nào cũng có vài quả hư. Và trong bộ sậu của hội Hiệp Sĩ cũng xuất hiện những kẻ tàn ác thật sự, chỉ muốn đoạt quyền mà bất chấp thủ đoạn. Nếu chúng ta chỉ nói tới một thế giới tiểu thuyết giả tưởng, nơi chỉ có trắng và đen, thì những hành động kể trên của một hội kín không thể nào được xem là "anh hùng" được. Có điều, chung quy mà nói, thì Hiệp Sĩ hay Sát Thủ, họ đều có một đức tin tương tự và chân chính.
Cuộc chiến vạn năm
Cuộc chiến giữa hai phe bắt đầu vào 10 ngàn năm trước, hội Hiệp Sĩ gần như thúc đẩy nhân loại tiến tới những nền văn minh rực rỡ, còn Sát Thủ thì nổi dậy và cắt cổ những kẻ lãnh đạo các phong trào cấp tiến. Với các Hiệp Sĩ thì đây là tội ác rất kinh khủng, vì họ cho rằng cái chết của một nhân tài kiệt xuất là một sự mất mát to lớn với nhân loại, hơn là cái chết của hàng trăm tên vô danh tiểu tốt. Đáng tiếc là việc tập trung vào phe Sát Thủ trong game, phim và tiểu thuyết khiến cho âm mưu thật sự và lịch sử của hội Hiệp Sĩ vào khoảng thời gian này bị chìm vào trong bóng tối.
Tử thù đối mặt
Điều duy nhất chúng ta biết là gần như tất cả những hình tượng lịch sử nổi danh nhờ tài đoàn kết nhân dân, thống nhất quốc gia qua con đường vũ lực quân sự - như vua Arthur, Alexander Đại Đế, Hoàng Đế Caesar, Hugues de Payens, Xersex và cả Tần Thủy Hoàng Doanh Chính – tất cả đều là thành viên của hội Hiệp Sĩ. Hiển nhiên, tất cả những nhân vật này (trong game) đều bị bôi nhọ, bị xem là những con quái vật khát máu, hôn quân bạo chúa, và đều bị ám sát bởi những Sát Thủ. Và rồi cuộc xung đột cứ thế tiếp diễn cho tới khi thứ công nghệ bị quên lãng của tộc Isu tái xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 12.
Alexander Đại Đế cũng là thành viên của hội Hiệp Sĩ
Những mảnh vỡ của Thiên Đường
Pieces of Eden thực chất chính là những thiết bị công nghệ cao do tộc Isu chế tạo ra, dùng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc dùng để điều khiển tâm trí con người. Loài người chịu ảnh hưởng của các thiết bị này thông qua một máy thu tín hiệu được đặt ngay trong não của họ. Và như đã viết, Isu giao phối với con người, tạo ra những "con lai" có thể kháng lại các thiết bị này.
Một trong số hai người "con lai" đó, Adam và Eva, đánh cắp một trong số những "mảnh" này (trong hình dạng quả táo) và thoát khỏi sự vùng đất Eden của các Isu. Chính điều này dẫn tới cuộc nổi dậy của loài người trước những kẻ tự xưng là thần thánh. Và rồi, những mảnh vỡ này lưu lạc khắp nơi, cho tới khi một trong số chúng tái xuất hiện lại, dẫn tới cuộc chạy đua tìm kiếm và tranh giành chúng giữa Hiệp Sĩ và Sát Thủ.
Quả táo của Eden trong phim
Nếu như lý tưởng vượt trên nhân loại và sứ mệnh dẫn dắt loài người của hội Hiệp Sĩ vốn dĩ đã thu hút khá đông đảo những anh tài quyền lực và có sức ảnh hưởng lớn, thì những cổ vật "ma thuật" này lại lôi kéo thêm vào đó những phần tử mới với quan điểm cực đoan và ích kỷ. Đó là những nhà khoa học vô thần, những kẻ chỉ tin vào thứ quyền lực thần kỳ trước mắt của những cổ vật này, thay vì tin vào giống loài tối thượng đã tạo ra chúng. Kế đó là những kẻ xem những thiết bị này là thánh tích của Chúa trời để lại, và điên cuồng truy tìm những bảo vật này nhân danh Giáo Hội. Cả hai nhân tố mới này đều gần như bị ám ảnh và mượn danh Hiệp Sĩ để đoạt cho bằng được những "Mảnh vỡ của Thiên Đường" này nhằm mục đích riêng.
Công cuộc truy tìm những mảnh ghép này chính là yếu tố then chốt trong toàn bộ cốt truyện của tất cả các game, lẫn phim, của thương hiệu Assassin’s Creed. Hội Hiệp Sĩ nhận ra rằng những cổ vật này sẽ giúp cho họ không cần phải âm thầm, lén lút gây dựng sức ảnh hưởng mà gần như ngay lập tức giúp họ điều khiển và thậm chí là nô dịch tầng lớp lao động. Và cứ mỗi mảnh Eden họ tìm thêm được, lại giúp họ khai mở thêm những khả năng của các mảnh trước đó. Thế rồi xuyên suốt các Châu Lục, phương pháp của các Hiệp Sĩ dần dà thay đổi.
Ảnh Elizabeth Đệ Nhất với Quả Táo của Eden trong tay
Trong thời kỳ Chiến Quốc Nhật Bản, một mảnh của Eden rơi vào tay Takeda Shingen, và ông dùng nó nhằm chinh phạt Nhật Bản, cho tới khi ông bị ám sát bởi Hattori Hanzo trong trận vây thành Mikatagahara. Còn tại Anh Quốc vào thế kỷ 16, nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất sử dụng mảnh của Eden để khiến toàn bộ người dân cải từ đạo Công Giáo sang Tin Lành. Hoặc ở Đức, Adolf Hitler dùng thiết bị này thao túng nhân dân tin vào chủ nghĩa Dân Tộc Gia Trắng Ưu Việt, khơi mào cuộc chiến diệt chủng dân Do Thái và rồi tới Đệ Nhị Thế Chiến.
Còn ở Hoa Kỳ, hội Hiệp Sĩ cho thành lập một nhóm các nhà khoa học gồm Thomas Edison, Henry Ford và Harvey Firestone, những người tiên phong trong công cuộc xây dựng Trật Tự Thế Giới Mới – nhằm tạo ra điện và dây chuyền lắp ráp để kiểm soát tầng lớp lao động. Điều này đã đưa nhân loại đến với tương lai, đồng thời giúp cho hội Hiệp Sĩ giành những thắng lợi quan trọng trước phe Sát Thủ.
Thomas Edison, Henry Ford và Harvey Firestone
Cỗ máy Aminus: Chiến trường hiện đại
Sau khi nắm được khả năng điều khiển tâm trí và điều tiết thần kinh trong nửa sau của thế kỷ 20, hội Hiệp Sĩ vứt bỏ lớp vỏ bọc cũ là những con chiên của đạo Công Giáo, và ẩn nấp sau một lớp áo giáp mới có tên Tập Đoàn Công Nghệ Abstergo. Thành quả lớn nhất trong công cuộc nghiên cứu những mảnh của Eden chính là cỗ máy Aminus, một thiết bị cho phép người dùng đăng nhập vào ký ức của tổ tiên họ, vốn được mã hóa trong gien di truyền. Hội Hiệp Sĩ đã chuẩn bị một kế hoạch rất khôn khéo nhằm tìm cho ra những mảnh Eden vẫn còn thất lạc đâu đó xuyên suốt dòng thời gian.
Thế nhưng, hội Hiệp Sĩ chỉ có thể truy cập và lấy được những thông tin trực thuộc của riêng phe họ trong suốt cuộc xung đột. Họ cần cả những ký ức lưu trữ thông tin của cả phe Sát Thủ. Thế là hội Hiệp Sĩ nhắm tới những Sát Thủ của hiện tại để lấy cho được bí mật thật sự của tộc Isu. Tuyển mộ những người vốn không hề hay biết mối liên kết giữa mình và hội Sát Thủ là phương án dễ dàng nhất, và dự án Aminus cứ thế được tiến hành.
Cỗ máy Aminus trong game
Việc tấn công hội Sát Thủ như thế nhanh chóng gây ra ít nhiều sự chú ý, và hội Hiệp Sĩ tiến hành cài nội gián trong lòng kẻ địch, giết hại những người đứng đầu của hội Sát Thủ, tung ra những bí mật của hội ra khắp thế giới – để rồi tất cả bị xóa sổ trong một cuộc tấn công quân sự lớn. Một nhóm nhỏ những trẻ em của hội Sát Thủ bị thất lạc và không hề hay biết gì về thông tin nằm trong AND của chúng. Vậy là hội Hiệp Sĩ lại bắt đầu chiêu mộ, đây cũng chính là khởi điểm của dòng game và cả bộ phim Assassin’s Creed.
Và trong phim...
Giữa phim và game
Bộ phim Sát Thủ Bóng Đêm sẽ đưa vào vài thay đổi trong cốt truyện so với game, nhưng "sườn chính" vẫn được giữ nguyên vẹn. Trong phim thì nhân vật Callum Lynch (Michael Fassbender) được Tập đoàn Abstergo tuyển dụng để thực hiện dự án nghiên cứu Aminus, và hiển nhiên là anh không hề hay biết gì về tổ tiên Sát Thủ của mình. Giám đốc điều hành của tập đoàn, Tiến sĩ Alan Rikkin (Jeremy Irons) cùng con gái là Sofia (Marion Cotillard), giữ bí mật về hội Hiệp Sĩ. Đơn giản vì khi Callum đăng nhập vào ký ức của tổ tiên mình, Aguilar de Nerha, anh sẽ biết ngay cả hai là tử thù.
Callum Lynch và Alan Rikkin
Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa game và phim là: Trong game, nếu sử dụng Aminus thì người dùng buộc phải được cố định lên ghế và phải ngồi yên như thế cho tới khi ngừng kết nối. Còn trong phim, với dòng Aminus mới, người dùng có thể tự do hoạt động và mô phỏng những gì mà ký ức trong máy đang được tái hiện.
Nhược điểm lớn nhất mà hội Hiệp Sĩ gặp phải khi sử dụng cỗ máy này là: Hiệu Ứng Thất Thoát. Nói một cách đơn giản, nếu sử dụng Aminus quá lâu để đăng nhập vào ký ức tổ tiên mình, những người thực nghiệm bắt đầu thay đổi: Họ có được những kỹ năng, những viễn cảnh và thậm chí là nhận thức được cả lý tưởng của tổ tiên mình. Thông thường thì những ảo ảnh này khiến cho họ trở nên hóa điên hoặc mất trí. Tuy nhiên, trong vài trường hợp hiếm hoi – hoặc là gặp đúng thủ lĩnh giỏi – thì những tù nhân này có thể nổi dậy chống lại hội Hiệp Sĩ. Và rồi cuộc chiến vạn năm giữa Hiệp Sĩ và Sát Thủ lại tiếp tục.