Trung Quốc: Thị trường tiềm năng hay gánh nặng của Hollywood?
Nhiều thập kỉ qua, Trung Quốc là thị trường được Hollywood xem trọng để phát hành phim. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích bề mặt, thì quốc gia tỉ dân cũng mang đến cho kinh đô điện ảnh thế giới không ít áp lực trong quá trình sản xuất phim.
Trung Quốc với những dấu hiệu đáng mừng ở phương diện tiêu thụ điện ảnh đã trở thành thị trường hàng đầu của Hollywood. Tuy nhiên, quốc gia này cũng gây áp lực cho các hãng phim của Mỹ bởi chính sách phát hành ngặt nghèo, cùng sự bành trướng thế lực của tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên –doanh nghiệp có tiếng nói trong ngành sản xuất phim cả hai nước.
Để chiều lòng các nhà chức trách cũng như khán giả xứ Trung, các nhà sản xuất Hollywood đã khéo léo đưa Trung Quốc vào phim của họ, thông qua cốt truyện, bối cảnh và cách thức sử dụng diễn viên. Tuy nhiên, giải pháp này đôi khi gây ra hiệu quả kém tích cực trên màn ảnh.
Trung Quốc – “gà đẻ trứng vàng” cho chiến lược Hollywood tấn công châu Á
Theo một nghiên cứu của chuyên trang thống kê kinh tế Economic History Association, châu Á trở thành thị trường tiềm năng trong mắt các “ông lớn” Hollywood vào đầu những năm 1990. Trong đó, các vùng lãnh thổ nói tiếng Hoa được xem là đối tượng khai thác ưu tiên, bởi dân số đứng số một toàn cầu.
Một lí do không kém phần quan trọng là Trung Quốc chính thức mở cửa với thế giới, có bước chuyển mình mạnh mẽ trong đầu tư và phát hành phim. Phim Mỹ được đón nhận nồng nhiệt tại đây, vì đáp ứng được những công nghệ kĩ xảo mà điện ảnh nội địa còn hạn chế.
Cũng trong giai đoạn cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990, nhu cầu xem phim của người dân Trung Quốc tăng cao rõ rệt. Lượng người ra rạp lên đến vài trăm triệu lượt một năm. Năm 1984 có lượng vé bán ra lớn nhất, lên tới 700 triệu vé (theo số liệu của chuyên trang điện ảnh truyền hình châu Á RFA). Giai đoạn này tại Mỹ, số lượt người xem phim ngoài rạp xấp xỉ 1,3 tỉ lượt một năm. Tỉ lệ chênh lệch giữa hai thị trường không quá lớn.
Lịch sử phát hành phim Hollywood cũng nhiều lần chứng kiến pha “cứu cánh” quan trọng từ thị trường Trung Quốc, gần đây nhất là The Mummy và Transformers: The Last Knight. Hai phim này đều bị xếp vào hạng “bom xịt” tại khu vực Bắc Mỹ, nhưng lại thắng lớn khi xuất khẩu sang xứ Trung.
“The Mummy” và “Transformers: The Last Knight” thua trên sân nhà, thắng ở Trung Quốc.
Theo trang thống kê doanh thu phòng vé Box Office Mojo, tính đến hết tháng 7, The Mummy thu về 91,8 triệu USD từ các rạp chiếu xứ Trung, chiếm khoảng 23,1% doanh thu toàn cầu (397,7 triệu USD). Transformers: The Last Knight còn gây chấn động hơn. Trong số 570,6 triệu USD tổng doanh thu, số tiền thu được từ Trung Quốc chiếm tới 40,1% - ước chừng 228,8 triệu USD.
Với tầm ảnh hưởng vượt trội như vậy, Trung Quốc từ lâu đã trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho ngành phát hành phim của Hollywood.
Trung Quốc – áp lực lớn đối với kinh đô điện ảnh thế giới
Năm 2012, ngành điện ảnh Trung – Mỹ kí kết thoả thuận hợp tác, quy định mỗi năm Trung Quốc chỉ nhập khẩu tối đa 34 tác phẩm của Hollywood. Tới năm 2016, con số này tăng lên 39 phim, nhưng vẫn là quá ít so với khoảng 250 phim Mỹ được phát hành hằng năm.
Năm 2017 ghi dấu một mùa phim hè (tháng 5 – tháng 8) rệu rã và thất thu của Hollywood. Kinh đô điện ảnh thế giới kì vọng, thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ đóng vai trò chủ đạo mang về lợi nhuận cho các hãng phim. Đáng tiếc, việc này không đơn giản như họ mường tượng.
Theo tin The Hollywood Reporter đăng tải ngày 11.7.2017 (theo giờ Mỹ), Trung Quốc đang gây khó dễ cho việc lưu thông phim Mỹ, nhiều bom tấn chưa có ngày chiếu chính thức tại nước này.
Cụ thể, Spider-Man: Homecoming lùi lại ít nhất đến cuối tháng 8, War for The Planet of the Apes, Valerian, Dunkirk có thể tới đầu tháng 9 mới chiếu ở Trung Quốc, khi đó mùa phim hè đã khép lại. Ước tính, sự trì hoãn này có thể hao tốn của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ tới vài triệu USD.
Trung Quốc “đóng băng” một số bom tấn của Mỹ.
Theo phân tích của chuyên trang kinh tế Bloomberg, thêm một trở ngại nữa cho Hollywood là khán giả Trung Quốc ngày càng có nhiều lựa chọn về phim ảnh (phim Hoa ngữ, phim Hàn, phim Ấn Độ, phim Thái Lan…). Họ ngày càng khó tính trong việc quyết định bỏ tiền xem một bộ phim ngoài rạp.
“Có một dấu hiệu đáng lo ngại cho các hãng phim Hollywood là họ quá tự mãn khi nghĩ rằng, khán giả Trung Quốc sẵn sàng đón nhận bất cứ bộ phim rác rưởi nào”, nhà phân tích thị trường Jonathan Papish đến từ chuyên trang điện ảnh China Film Insider phát biểu.
Sau thời gian dài thuộc về bom tấn Mỹ, vị trí quán quân của phòng vé Trung Quốc trong tuần cuối tháng 7 vừa qua đã được trả lại cho tác phẩm nội địa – phim Chiến Lang 2 (Wolf Warrior 2). Bộ phim chào mừng kỉ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc vừa ca ngợi lòng tự tôn dân tộc, vừa phô diễn võ thuật truyền thống, xuất sắc thu về 126 triệu USD sau ba ngày mở màn, vượt mặt cả siêu phẩm chiến tranh đang gây bão toàn cầu là Dunkirk (73 triệu USD).
Quán quân phòng vé Trung Quốc tuần cuối tháng 7 là tác phẩm nội địa.
Một áp lực không hề nhỏ mà Hollywood phải đối mặt khi tiếp cận thị trường Hoa ngữ là tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên (Wanda) - doanh nghiệp sừng sỏ sở hữu khối tài sản 634 tỉ NDT (khoảng 91 tỉ USD) và chiếm lĩnh vị trí độc tôn trong ngành điện ảnh Trung Quốc.
Tính đến năm 2016, Vạn Đạt sở hữu 260 rạp chiếu phim bậc nhất trong nước, với 2300 phòng chiếu. Còn tại Mỹ, tập đoàn này cũng thâu tóm 100% cổ phần cụm rạp AMC với tổng số phòng chiếu là 5048. Là đối tác tiêu thụ phim quan trọng, Vạn Đạt luôn khiến các nhà sản xuất và phát hành phim phải nể mặt.
Trong một lần trả lời báo Mỹ, CEO Vương Kiện Lâm của tập đoàn này nói: “Những phim mang chất liệu văn hóa Trung Quốc, diễn viên Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc được xem là phim hợp tác, sẽ dễ dàng phát hành ở Trung Quốc hơn”. Phát biểu này là gợi ý, cũng là lời ép buộc các nhà làm phim Hollywood đưa yếu tố Trung Hoa vào phim của họ.
Dấu ấn Trung Hoa trong phim Hollywood
Trong hơn 30 năm qua, nhiều bom tấn đồ sộ của Mỹ đã lưu lại dấu ấn Trung Quốc, dù ít hay nhiều, thông qua bối cảnh, cốt truyện và diễn viên.
Theo chuyên trang bối cảnh điện ảnh thế giới World of Locations, Trung Quốc luôn nằm trong top 7 quốc gia châu Á thường xuyên được lựa chọn làm ngoại cảnh phim Hollywood. Đơn cử năm 2016 từng có 9 đoàn làm phim của Mỹ tới Trung Quốc đại lục bấm máy, bao gồm The Great Wall, Star Trek Beyond, Now You See Me 2…
Ngoại cảnh Trung Quốc xuất hiện trong phim Mỹ theo hai kiểu: ngoại cảnh nguyên bản và ngoại cảnh trưng dụng. Ngoại cảnh nguyên bản giữ nguyên địa danh trên phim (Ngoạ hổ tàng long, The Great Wall). Ngoại cảnh trưng dụng ám chỉ bối cảnh thực tế được biến tấu, có sự can thiệp của kĩ xảo khi lên phim (Avatar).
Hollywood từng nhiều lần đến Trung Quốc quay phim.
Việc làm phim về Trung Quốc thì ngày càng trở nên phổ biến trong điện ảnh Mỹ. Xu hướng này được chỉ ra qua nhiều báo cáo của hội thảo Xu hướng mới của kịch bản Hollywood: dùng chất liệu châu Á làm chủ đạo tiến ra thế giới được tổ chức tại Hong Kong vào năm 2012. Theo đó, các bộ phim trong trào lưu này kể câu chuyện có nguồn gốc Trung Quốc, hoặc vay mượn chất liệu văn hoá Trung Hoa cho một tác phẩm đậm màu sắc Mỹ.
Với The Great Wall, đạo diễn Trương Nghệ Mưu khẳng định, bộ phim khắc họa một câu chuyện hoàn toàn Trung Quốc. Ngoài việc đề cập tới Vạn Lý Trường Thành, ông còn đưa vào phim quái vật Thao Thiết của truyền thuyết Trung Hoa. Dù vậy, tạo hình của các diễn viên từ kiểu tóc đến trang phục chiến đấu cùng với vũ khí trên màn ảnh lại phản ánh tính thẩm mỹ của điện ảnh Mỹ.
Khác với bộ phim kể trên, The Matrix của chị em đạo diễn nhà Wachowski chỉ mang dấu ấn Trung Hoa ở khía cạnh hành động. Dưới sự chỉ đạo võ thuật của đạo diễn Viên Hòa Bình, nhiều cảnh phim gợi nhắc các tác phẩm võ thuật kinh điển trên màn bạc Hong Kong.
“The Matrix” mang nhiều hơi hướng phim võ thuật Hong Kong.
Tạp chí Wall Street Journal chỉ ra rằng, sử dụng diễn viên gốc Hoa là chiêu bài tối ưu để điện ảnh Mỹ “chen chân” tại thị rường Trung Quốc. "Họ cần diễn viên Trung Quốc. Nam hay nữ không quan trọng. Đóng vai gì cũng không rõ. Chỉ cần là diễn viên Trung Quốc”, tờ báo này viết.
Nối tiếp thế hệ gạo cội Dương Tử Quỳnh, Châu Nhuận Phát, Thành Long, Chân Tử Đan…, nhiều diễn viên trẻ hơn của điện ảnh Hoa ngữ cũng được nhận vai trong phim Hollywood. Có thể điểm qua một số cái tên như Lý Băng Băng (Transformers 4), Phạm Băng Băng (X-Men: Days of Future Past, Iron Man 3), Cảnh Điềm (Kong: Skull Island, Pacific Rim: Uprising), Angela Baby (Independence Day: Resurgence), Châu Kiệt Luân (Now You See Me), Huỳnh Hiểu Minh (Escape Plan 2), Ngô Diệc Phàm (Valerian and the City of A Thousand Planets)…
Nhiều thế hệ diễn viên Hoa ngữ đã tham gia bom tấn Hollywood
Trong 5 năm trở lại đây, mật độ diễn viên gốc Hoa góp mặt trong bom tấn Mỹ ngày càng dày đặc. Không thể phủ nhận, hiện tượng này mang về lợi ích trực tiếp và nhanh chóng cho các hãng phim.
Đáng nhớ nhất là trường hợp của Now You See Me. Với sự tham gia của ông hoàng nhạc Pop Hoa ngữ Châu Kiệt Luân, doanh thu của phim tại Trung Quốc tăng từ 23 triệu USD ở phần đầu lên tới 97 triệu USD ở phần 2.
Song, việc sử dụng diễn viên Trung Quốc trong phim Mỹ đôi khi cũng ảnh hưởng không tốt tới bộ phim. Nhiều diễn viên Hoa ngữ tham gia phim Mỹ với vai trò vô thưởng vô phạt, nếu bỏ đi cũng không ảnh hưởng tới nội dung.
Phạm Băng Băng trong X-Men: Days of Future Past chỉ có duy nhất một câu thoại "Đến lúc rồi!”. Còn trong Iron Man 3, hình ảnh của cô chỉ được giữ lại trong phiên bản trình chiếu ở Trung Quốc. Về phần Angela Baby, vai diễn của cô nhỏ tới nỗi bị cắt gọt rất nhiều góc quay khi Independence Day: Resurgence ra mắt.
Gây tranh cãi ồn ào nhất đầu năm 2017 là sự xuất hiện của Cảnh Điềm trong bom tấn Kong: Skull Island. Ngoài diễn xuất dở tệ, nữ diễn viên xứ Trung còn bị chỉ trích vì nhân vật không có tác động đến truyện phim, chỉ tương tác với duy nhất bạn diễn da màu Houston Brooks và luôn sạch sẽ một cách vô lí trong khung cảnh hoang tàn.
Phạm Băng Băng, Angela Baby, Cảnh Điềm đều đóng vai trò rất nhỏ trong các phim Hollywood từng tham gia
Theo nguồn tin từ Sina, Cảnh Điềm có mối quan hệ tình cảm với Vương Kiện Lâm – CEO của tập đoàn Vạn Đạt. Hãng Legendary – đơn vị sản xuất Kong và cả The Great Wall trước đó đã được Vạn Đạt mua lại từ năm 2016. Đưa tên Cảnh Điềm vào dàn cast của hai bom tấn này là điều mà các nhà sản xuất, đạo diễn không được quyền lựa chọn.
Tại buổi họp báo vào giữa tháng 4 năm nay ở Trung Quốc, BTC Triển lãm Sản xuất điện ảnh - truyền hình Mỹ - Trung lần thứ 4 (UCFTIEXPO) cùng với Hiệp hội điện ảnh Mỹ và tạp chí The Hollywood Reporter khẳng định, nền công nghiệp điện ảnh của hai nước sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài trong tương lai. Theo đó, 100 dự án phim đã được đưa ra để thương thảo. Một phim trong số đó đã hoàn thành và ba phim khác đang trong giai đoạn thực hiện.
Điều này chứng tỏ, mặc dù vấp phải nhiều cản trở, song Hollywood sẽ không dễ dàng từ bỏ thị trường Trung Quốc rộng lớn và hứa hẹn mang về nhiều lợi nhuận.
Bài cùng chuyên mục