Chiến dịch “No More Fanservice” gây tranh cãi: Có phải anime Ecchi đã đến lúc bị loại bỏ khỏi văn hóa đại chúng?

Dũng Nhỏ TT

Chiến dịch "No More Fanservice" do một nhóm nữ quyền quốc tế phát động gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận dữ dội trong cộng đồng anime Nhật Bản.

Chiến dịch "No More Fanservice": Nữ quyền lên tiếng phản đối anime ecchi

Một bài viết được đăng tải gần đây trên trang OtakuKart đã dấy lên làn sóng tranh cãi lớn trong cộng đồng người hâm mộ anime, khi dẫn lại thông tin về một liên minh các tổ chức nữ quyền quốc tế được cho là đang khởi động chiến dịch có tên “No More Fanservice”. Mục tiêu của chiến dịch này là kêu gọi các nền tảng phát trực tuyến như Netflix và Crunchyroll gỡ bỏ những anime mang thể loại ecchi – dòng anime thường chứa yếu tố gợi cảm, khoe thân hình nhân vật nữ và những cảnh quay mang tính khiêu gợi.

Theo thông tin được bài viết trích dẫn, các nhà hoạt động trong chiến dịch khẳng định rằng ecchi “không phải nghệ thuật”, mà chỉ là sản phẩm phục vụ thị hiếu nam giới, góp phần khách thể hóa phụ nữ và làm giảm giá trị thẩm mỹ cũng như chiều sâu nội dung của ngành công nghiệp anime.

Những bộ anime bị “gọi tên” và những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực

Trong danh sách các bộ anime bị đề cập, dễ dàng nhận thấy những cái tên rất quen thuộc với cộng đồng fan như Prison School, High School DxD hay To Love Ru , những tác phẩm nổi tiếng với mức độ fanservice dày đặc, các phân cảnh gợi cảm, phục vụ thị hiếu thị giác của người xem nam giới.

Ngoài việc chỉ trích về mặt nội dung, chiến dịch cũng cảnh báo rằng anime ecchi rất dễ tiếp cận với đối tượng trẻ em, do hình thức hoạt hình dễ bị xem là vô hại, “chỉ là hoạt hình” mà không có cảnh báo rõ ràng về độ tuổi.

Các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng việc này có thể dẫn tới lệch lạc nhận thức giới tính, khiến trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận hình ảnh không phù hợp, từ đó hình thành những định kiến sai lệch về giới và tình dục.

Phản ứng từ cộng đồng: Người ủng hộ – kẻ phản đối

Tại Nhật Bản, diễn đàn Yaraon! Blog đã ghi nhận hàng trăm bình luận trái chiều về vấn đề này. Một bộ phận người dùng tỏ ra đồng tình, cho rằng anime hiện tại ngày càng sa đà vào yếu tố 18+, làm lu mờ cốt truyện và thông điệp nhân văn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến ngành.

Một số ý kiến khác thậm chí chia sẻ rằng họ đã từng gửi khiếu nại chính thức đến các nhà sản xuất vì cảm thấy nhân vật nữ bị vẽ quá gợi cảm, thiếu tôn trọng và không phù hợp với thị trường đại chúng.

Ngược lại, nhiều fan trung thành của thể loại ecchi lại phản đối mạnh mẽ, cho rằng “không thích thì đừng xem” là lựa chọn hợp lý, thay vì áp đặt cấm đoán. Họ lập luận rằng fanservice là một phần đặc trưng của anime từ lâu đời, không thể gán toàn bộ cho mục đích "đồi trụy" như cách mà chiến dịch mô tả.

Một người bình luận: “Phim hành động máu me như Mortal Kombat thì không sao, nhưng phim hoạt hình có tí cảnh hở vai là bị chửi tơi bời. Có phải tiêu chuẩn kép không?”

Liệu đây có phải là tin thật hay chỉ là chiêu trò câu view?

Dù chiến dịch “No More Fanservice” đã gây ra làn sóng tranh luận lớn, nhưng một số cư dân mạng bắt đầu nghi ngờ về tính xác thực của thông tin. Nhiều người chỉ ra rằng OtakuKart từng đăng tải các bài viết mang tính phóng đại, chưa được xác minh đầy đủ.

Trong bài viết lần này, OtakuKart có đề cập đến các tờ báo lớn như BBC News và The Japan Times nhằm tạo sự uy tín. Tuy nhiên, các nguồn dẫn này không hề tồn tại, hoặc không có bài viết liên quan, làm dấy lên nghi vấn đây có thể là fake news hoặc thông tin chưa kiểm chứng được sử dụng để gây tranh cãi nhằm tăng lượt truy cập.

Fanservice – nghệ thuật hay lạm dụng thị hiếu?

Bỏ qua tính xác thực của chiến dịch, có thể thấy tranh luận về fanservice trong anime vẫn là một đề tài nóng chưa có hồi kết. Sự phát triển của anime ngày nay không chỉ chịu ảnh hưởng từ khán giả nội địa Nhật Bản, mà còn từ cộng đồng quốc tế – nơi các quan điểm về giới tính, đạo đức truyền thông và quyền trẻ em được đặt ra nghiêm túc hơn.

Dù bạn là người ủng hộ hay phản đối fanservice, không thể phủ nhận rằng đây là cuộc đối thoại cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp anime bền vững, biết lắng nghe và thích nghi với sự đa dạng văn hóa và thị hiếu toàn cầu.

Bạn nghĩ sao? Fanservice là gia vị nghệ thuật hay yếu tố cần kiểm soát trong anime hiện đại?

Bài cùng chuyên mục