Shonen Jump đã giao Dragon Ball cho một biên tập viên "Chân Uớt Chân Ráo" để bảo toàn tinh thần sáng tạo của tác giả Toriyama

Dũng Nhỏ TT

Trong tập mới nhất của podcast Nhật Bản nổi tiếng KosoKoso phát sóng ngày 12/4/2025, một câu chuyện hậu trường thú vị và đầy bất ngờ về Dragon Ball – bộ manga huyền thoại của cố tác giả Akira Toriyama – đã được hé lộ.

Người kể chuyện không ai khác chính là Yu Kondo, biên tập viên đời thứ hai của Dragon Ball, người từng đồng hành cùng Toriyama trong giai đoạn phát triển đầy đột phá của Dragon Ball Z.

Câu chuyện càng trở nên đáng chú ý khi tiết lộ rằng: Kondo khi đó chỉ là một biên tập viên trẻ mới vào nghề, thậm chí chưa từng biết mình sẽ trở thành người kế nhiệm cho vai trò quan trọng bậc nhất tại tòa soạn Weekly Shonen Jump – tạp chí truyện tranh hàng đầu Nhật Bản.

Một cuộc gặp "trời định": Khi Toriyama được giao cho một người mới vào nghề

Theo lời kể của Kondo trong podcast (do chính Kazuhiko Torishima – biên tập viên đời đầu của Dragon Ball – dẫn dắt cùng nhà sáng tạo Yuji Horii, “cha đẻ” của Dragon Quest), mọi chuyện diễn ra một cách hết sức bất ngờ và không theo bất kỳ quy trình chính thức nào.

Khi Torishima được bổ nhiệm làm Tổng biên tập mới của Shonen Jump, ông biết rằng cần phải tìm một người kế nhiệm để chăm lo cho Dragon Ball. Nhưng thay vì triệu tập một cuộc họp tuyển chọn nghiêm túc hay đưa ra tiêu chí rõ ràng, Torishima đơn giản chỉ gọi Kondo đi… mua một cái máy fax.

Không lâu sau, tại một buổi lễ trao giải vào tháng 12 năm ấy, Torishima kéo Kondo ra khỏi hội trường và dẫn anh đến gặp một người đàn ông mặc áo nỉ giản dị. Người đó chính là Akira Toriyama.

“Lúc đó tôi còn không hiểu chuyện gì đang diễn ra,” Kondo kể lại. “Cuộc gặp chỉ diễn ra vài phút. Sau đó tôi mới được thông báo rằng mình đã trở thành biên tập viên mới của Dragon Ball.”

Một quyết định "liều lĩnh" nhưng đầy toan tính từ Torishima

Tại thời điểm đó, Kondo chỉ mới có 6 tháng kinh nghiệm làm việc tại Shonen Jump, vẫn còn là một lính mới trong giới xuất bản manga. Tuy nhiên, theo Torishima, đó không phải là điểm yếu – mà chính là lợi thế. Ông cho rằng một người chưa bị định hình bởi những quy tắc cứng nhắc của ngành biên tập sẽ dễ dàng xây dựng mối quan hệ mềm mại, linh hoạt hơn với Toriyama – một tác giả vốn nổi tiếng là “dị biệt”, sáng tạo theo cách riêng và không thích bị gò bó bởi lịch trình hay cấu trúc truyền thống.

Torishima thậm chí còn thẳng thắn thừa nhận trong chương trình rằng ông cố tình không đào tạo Kondo quá nhiều, bởi ông tin tưởng rằng nếu có gì sai sót, Toriyama sẽ tự điều chỉnh và mối quan hệ giữa tác giả – biên tập viên sẽ tự tìm được sự cân bằng.

“Cứ làm theo ý cậu đi”: Tự do sáng tạo là chìa khóa tạo nên huyền thoại


Kondo nhớ lại khoảnh khắc nhận việc đầu tiên một cách đầy hài hước:

“Torishima hỏi tôi: ‘Cậu có đọc Dragon Ball chưa?’
Tôi bảo: ‘Dạ, có rồi ạ’.
Ông ấy đáp: ‘Vậy thì… cứ làm theo ý cậu đi.’”

Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại chính là chìa khóa mở ra một thời kỳ vàng son của Dragon Ball, đặc biệt là giai đoạn chuyển giao sang Dragon Ball Z, nơi câu chuyện trở nên trưởng thành hơn, kịch tính hơn, và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ toàn cầu.

Chính nhờ sự tự do sáng tạo tuyệt đối, kết hợp giữa một Toriyama đầy ý tưởng và một Kondo không gò bó tác giả theo khuôn mẫu, mà Dragon Ball đã có những bước ngoặt lớn – từ mô típ phiêu lưu vui nhộn thời đầu sang các trận chiến mang tầm vũ trụ, cùng hàng loạt nhân vật mới như Vegeta, Frieza, Cell hay Majin Buu.

Mối quan hệ Toriyama – Kondo: Một sự kết hợp định hình cả nền manga shonen

Những năm tháng làm việc cùng nhau giữa Akira Toriyama và Yu Kondo không chỉ giúp Dragon Ball phát triển vượt bậc về mặt nội dung mà còn tạo ra một hình mẫu lý tưởng về quan hệ tác giả – biên tập viên trong ngành xuất bản manga.

Sự kết hợp giữa tư duy trẻ trung, linh hoạt của Kondo và tài năng sáng tạo thiên bẩm của Toriyama đã đem đến một làn gió mới cho bộ truyện, đưa Dragon Ball trở thành biểu tượng toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến không chỉ truyện tranh mà cả game, phim hoạt hình và văn hóa đại chúng.

Một “canh bạc” táo bạo làm nên kỳ tích

Quyết định trao quyền cho một biên tập viên còn non tay như Yu Kondo thời điểm đó có thể bị xem là liều lĩnh. Nhưng trong cái nhìn của Torishima – người hiểu rõ nhất Toriyama – đó là một nước cờ chiến lược để bảo vệ tinh thần sáng tạo thuần túy của tác giả. Và thực tế đã chứng minh rằng: sự sáng tạo không giới hạn luôn cần được trao gửi vào tay những người không bị trói buộc bởi công thức hay lối mòn.

Từ một khối truyện tranh tưởng chừng giản đơn, Dragon Ball đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của hàng triệu người trên thế giới – và đằng sau kỳ tích đó là những câu chuyện hậu trường ít ai biết tới, như mối quan hệ độc đáo giữa một tác giả thiên tài và một biên tập viên “mới toe”.

Bài cùng chuyên mục