'The Emoji Movie', Rotten Tomatoes, Metacritic và những con số quyền lực

Trong 3 ngày khởi chiếu cuối tuần từ 28 đến 30/7 vừa rồi, The Emoji Movie - hoạt hình về biểu tượng cảm xúc đang được phần nhiều dư luận cho là “thảm họa mới của điện ảnh” - đã đạt doanh thu nội địa lên đến $24,5 triệu, và được dự đoán thu xấp xỉ nếu mở rộng ra toàn cầu. Những con số trên cho thấy The Emoji Movie đã làm được một điều không phim nào khác làm được trong một mùa hè bom tấn đầy sóng gió: Ăn khách ở phòng vé mặc cho điểm Rotten Tomatoes (RT) cực kỳ thấp (7%).

Tại sao lại xảy ra chuyện hi hữu như vậy? Tại sao The Emoji Movie đặc biệt hơn tất cả những phim “dở” khác đối với người xem phim rạp bình thường? Có nhiều lý do cho điều đó. Thứ nhất, The Emoji Movie là một phim dành cho trẻ em, và trẻ em khi ra rạp sẽ kéo theo phụ huynh hoặc bạn bè của mình, một sự kết hợp hứa hẹn cho ra những phòng rạp rôm rả và nhộn nhịp. Thứ hai, The Emoji Movie, mặc cho nhiều “tội lỗi” của nó, trên hết là một phim khá “mới” và tâm lý, khi nội dung của nó xoay quanh emoji – những biểu tượng cảm xúc đã quá quen thuộc với người dùng internet. Chỉ dựa trên tiền đề, The Emoji Movie đã có thể thu hút ngay cả những người khó tính nhất.

Lý do thứ ba, lý do quan trọng nhất và cũng là vũ khí tối thượng của Sony: khả năng điều khiển tối thượng đối với sản phẩm của chính họ. Với The Emoji Movie, Sony ra “lệnh cấm vận” những nhà phê bình phim không được đăng bất cứ gì về The Emoji Movie cho đến cận kề buổi chiếu thử tối thứ 5 ngày 27/7. Điều này giúp hạn chế tối đa số lượng review xấu cho phim xuất hiện trước ngày công chiếu chính thức, gây ảnh hưởng mạnh đến điểm số trên một trang tính điểm phim dựa theo review như RT. Sony, như nhiều hãng phim khác, càng lúc càng quan tâm và nhận biết được sự ảnh hưởng của Rotten Tomatoes lên kết quả tại phòng vé, và tìm mọi cách hòng giảm thiểu những “thiệt hại” mà trang này gây ra – trong trường hợp của The Emoji Movie là đẩy lùi thời gian review của các nhà phê bình phim, qua đó hạn chế phần nào điểm RT xấu trước ngày công chiếu 28/7.

'The Emoji Movie', Rotten Tomatoes, Metacritic và những con số quyền lực

The Emoji Movie được làm dành cho khán giả dưới 18 tuổi, những người đã chấm điểm A-  cho nó dựa theo CinemaScore (hãng khảo sát thị trường khán giả xem phim), nên chúng tôi muốn tạo thêm cơ hội cho phim,” phát biểu Josh Greenstein, Giám đốc tiếp thị và phân phối toàn cầu của Sony. “Có phim nào được công chiếu rộng rãi với điểm [RT] dưới 8% mà thu được hơn $20 triệu trong những ngày đầu công chiếu không? Tôi nghĩ là không.”

Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Rotten Tomatoes có thực sự ảnh hưởng đến quyết định của người xem phim hay không? Khi nói đến những yếu tố ảnh hưởng có thể có ở đây, chúng ta không đơn thuần nói đến những bài đánh giá RT tổng hợp lại, mà là điểm số RT tính được sau quá trình tổng hợp và phân loại, như The Emoji Movie với 7% đánh giá tích cực, hay còn gọi là Tươi (Fresh) và 93% tiêu cực (Thối/Rotten). Đây có thể là một câu hỏi dễ trả lời với một số người, vì RT, đơn giản nhất mà nói, là một phương tiện hữu hiệu được dùng để phóng đại khả năng truyền miệng của cá nhân xem phim, một trong những thứ vốn có ảnh hưởng lớn đến người xem. Tuy nhiên, liệu như vậy thôi có đủ để tạo ra đến hàng trăm triệu đô khác biệt lời lỗ trong doanh thu?

'The Emoji Movie', Rotten Tomatoes, Metacritic và những con số quyền lực 2

Đối với khán giả yêu điện ảnh chắc chắn không ai còn lạ lẫm gì với IMDb, trang chuyên chấm điểm phim dựa theo đánh giá của người dùng. Và thật sự có một thời gian dài IMDb là kim chỉ nam duy nhất cho những ai muốn bàn luận, đánh giá, tìm hiểu ý kiến, nguồn, thông tin v.v. cho bất kỳ phim nào và bất kỳ đạo diễn, diễn viên hay người làm phim nào. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đối với dư luận nói chung và người yêu điện ảnh nói riêng, có vẻ như RT đã mỗi lúc một lấn sâu vào vị trí mà IMDb chưa bao giờ muốn rời, đặc biệt là về mặt đánh giá phim. Khi mà người đồng nghiệp mê bóng rổ, Taylor Swift và The Vampire Diaries của bạn bắt đầu nêu những con số phần trăm thay vì điểm số trên thang 10 của một phim làm dẫn chứng cho chất lượng và “độ hay dở” của nó, thì đó cũng là lúc IMDb cần bắt đầu chuyển sự chú ý của mình sang một hướng khác. Hướng khác ở đây bao gồm một yếu tố lớn: Mức độ tin cậy.

Đánh giá của RT và của đối thủ cạnh tranh chính của nó hiện nay, Metacritic, được cho là lời vàng lời ngọc so với đánh giá của IMDb cũng là dựa vào sự khác nhau trong độ tin cậy. Trong thời đại mà người dùng internet không còn ngây thơ như trước nữa, không còn mua sắm đồ một cách buông thả trên ebay hay Amazon mà dựa vào đánh giá từ những người dùng trước đó hay từ các chuyên gia, thì người xem phim (và… biết dùng internet) cũng trải qua một quá trình thay đổi tương tự. Thay vì phụ thuộc vào đánh giá của những người xem phim khác, nay họ phụ thuộc vào đánh giá của một tầng lớp được cho là cao siêu hơn: những nhà phê bình phim chuyên nghiệp. Với RT và Metacritic, chúng ta có 2 công cụ để chuyển đổi những review của những nhà phê bình ấy thành những con số mà một người không am hiểu có thể nắm bắt dễ dàng. Và khác với IMDb, RT và Metacritic đem đến cho người yêu điện ảnh một sự kết hợp hài hòa giữa 2 điều: độ tin cậy và sự đơn giản cần có.

Nhưng... liệu như vậy thôi có đủ để ảnh hưởng đến hàng trăm triệu đô khác biệt lời lỗ trong doanh thu? Liệu độ tin cậy là đủ? Để nắm bắt được một cách chính xác hơn về tầm ảnh hưởng của RT và Metacritic, đặc biệt là lên doanh thu của một phim (đại diện cho sức mua hay sự quan tâm của khán giả tiềm năng đối với một phim), chúng ta cần một lần nữa nhìn đến những con số.

Rotten Tomatoes, Metacritic và những con số quyền lực

Đối với RT, Hollywood đã rục rịch tổ chức nhiều khảo sát về mối liên quan giữa doanh thu và điểm RT của một phim. Theo một khảo sát gần đây do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện, cứ 10 người thì có 7 người cho rằng họ sẽ ít muốn đi coi một phim hơn nếu điểm Rotten Tomatoes của phim đó nằm trong khoảng 0 – 25%. Fizziology, một hãng nghiên cứu mạng xã hội, sau một quá trình theo dõi và phân tích phản ứng dư luận mạng đối với mọi "dự án Hollywood lớn,” đã phát hiện ra rằng RT có ảnh hưởng lớn đến khán giả tuổi từ 25 hoặc nhỏ hơn.

Về vấn đề này, giám đốc Fizziology Ben Carlson có nói, “Sự việc đã đạt đỉnh điểm vào mùa hè năm nay. Có nhiều phim được phần đông khán giả nói đến liên tục trong nhiều tháng liền, rồi bất thình lình, mọi thứ trở nên im lặng và không ai nói đến nó nữa ngay khi phim vừa có điểm Rotten Tomatoes. Mọi người đang dùng hệ thống điểm đó như pass/fail (trong môi trường đại học, khi chọn lựa chọn này bạn sẽ chỉ có hai giải pháp đậu hoặc rớt thay vì nhận điểm theo thang đo alphabet). Hollywood luôn nói rằng có một số phim không chịu sự ảnh hưởng của của các bài đánh giá. Nhưng có vẻ như chúng sẽ chịu ảnh hưởng bởi Rotten Tomatoes.”

'The Emoji Movie', Rotten Tomatoes, Metacritic và những con số quyền lực 3

Biểu đồ thể hiện mối quan hệ giữa điểm RT và xu hướng doanh thu nội địa của các phim phát hành năm 2016 với kinh phí trên 100 triệu đô (Nguồn: Reddit)

Theo một khảo sát từ luận văn vào năm 2011 của Nick Krishnamurthy thuộc đại học Claremont McKenna với tiêu đề “Film Review Aggregators and Their Effect on Sustained Box Office Performance”, nay là Giám đốc điều hành Sáng tạo của hãng phim TriStar, có một mối liên quan tương đối giữa điểm số Rotten Tomatoes và Metacritic với doanh thu của những phim được công chiếu rộng rãi. Qua phân tích thông số của 127 phim rạp năm 2010 (đã lọc ra những phim được trình chiếu giới hạn, hoặc chiếu tại quá ít rạp) nghiên cứu đã đưa ra kết luận đáng kinh ngạc liên quan đến hai trang Rotten Tomatoes và Metacritic như sau: “…sử dụng doanh thu nội địa trung bình mỗi phim đạt được sau tuần thứ hai công chiếu, khi tăng lên một đơn vị trong điểm số (% đối với Rotten Tomatoes và 1 điểm đối với Metacritic) sẽ dẫn đến doanh thu tăng $190000 và $360000. Điều này cho thấy rằng nếu một hãng hoặc một công ty phát hành chịu đầu tư sâu hơn vào chất lượng phim, qua đó tạo cơ hội tăng điểm số trên RT hay Metacritic, doanh thu có thể tăng lên đến hàng triệu đô. Tuy vậy, thường khó có thể nâng cao chất lượng phim sau khi đã hoàn thành quá trình sản xuất. Trong trường hợp đó, nghiên cứu này đề xuất rằng một sự đầu tư vào chất lượng ngay từ ban đầu hoặc trong quá trình sản xuất có thể có lợi cho mọi bên liên quan.”

Cũng theo một khảo sát được dựng lên vào năm 2016 bởi biên tập viên Jason Dietz của chính Metacritic, các số liệu được xuất cho thấy những điểm nối kết giữa điểm Metacritic so với doanh thu của một phim. Xem xét 1158 phim được công chiếu tại ít nhất 2000 rạp từ năm 2006 đến 2015, Jason Dietz đưa ra các số liệu như sau: những phim có điểm từ 0 đến 40 sẽ chịu sự giảm mạnh trong doanh thu tuần thứ hai so với tuần thứ nhất lên đến 52,5%, với doanh thu trung bình của tuần đầu từ 13 đến 16 triệu đô. Mặt khác, những phim có điểm tích cực (từ 60 đến 100) sẽ cho ra doanh thu tuần đầu dao động từ 35 đến 60 triệu đô và chỉ giảm từ 44% đến 38% doanh thu sang tuần thứ 2. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối liên quan mật thiết giữa điểm số của Metacritic với doanh thu của phim.

'The Emoji Movie', Rotten Tomatoes, Metacritic và những con số quyền lực 4

Dựa theo những nghiên cứu trên, tuy không có gì chắc chắn do thị hiếu người xem phim thường có xu hướng thay đổi và chịu sự ảnh hưởng của những yếu tố ngoại vi như kinh tế hoặc độ tuổi các thành viên trong gia đình, chúng ta có thể phần nào nhận xét rằng các trang tổng hợp đánh giá phê bình phim như Metacritic và Rotten Tomatoes có ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của một phim tại phòng vé. Khi nói đến những phim được công chiếu rộng rãi, có một điều gần như chắc chắn đó là những phim được đánh giá cao sẽ thường thu được lợi nhuận cao, và trường hợp ngược lại là những phim được đánh giá thấp. Bây giờ, việc cần phải làm là đợi kết quả tuần thứ 2 của The Emoji Movie.

Theo Screenrant, The Hollywood Reporter, Rotten Tomatoes, Metacritic, trường Claremont, Berkeley và Linfield

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang