Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

Galaxy S5 là chiếc smartphone đầu tiên trên thị trường được trang bị cảm biến đo nhịp tim, tuy nhiên từ lâu đã có những ứng dụng để giúp mang chức năng này lên smartphone, với cách thức hoạt động tương tự cảm biến trên Galaxy S5. Dưới đây là những ứng dụng như vậy.

Ngay khi được Samsung ra mắt, cảm biến đo nhip tim là một trong những tính năng “hot” và đáng chú ý nhất trên Galaxy S5. Tuy nhiên trên thực tế trước khi được trang bị trên Galaxy S5, nhiều ứng dụng trên smartphone với chức năng đo nhịp tim đã từng xuất hiện.

 

Cơ chế hoạt động của cảm biến đo nhịp tim trên Galaxy S5 là ghi nhận sự thay đổi của mao mạch trên đầu ngón tay, từ đó thực hiện các biện pháp tính toán phù hợp để đưa ra nhịp tim của người dùng ở con số gần đúng nhất. Cách thức hoạt động của những ứng dụng đo nhịp tim trên smartphone cũng tương tự, khi sử dụng camera và các thuật toán để theo dõi sự thay đổi mao mạch ngón tay và đưa ra kết quả nhịp tim.

 

Những ứng dụng miễn phí với chức năng đo nhịp tim dưới đây (dành cho cả Android lẫn iOS) có cách thức hoạt động và cơ chế hoạt động tương tự cảm biến nhịp tim trên Galaxy S5, giúp người dùng có thể nhanh chóng theo dõi trạng thái đo nhịp tim hiện tại của mình.

 

Những ứng dụng này thực sự hữu dụng với những ai có vấn đề về bệnh tim mạch, đái tháo đường… và có biện pháp xử lý phù hợp nếu cảm thấy nhịp tim quá cao hoặc quá thấp.

 

Runtastic Heart Rate (tương thích Android 2.2 và iOS 6.0 trở lên)

 

Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

 

Đây là ứng dụng của Runtastic, hãng nổi tiếng với các ứng dụng và thiết bị theo dõi sức khỏe trên người. 

 

Cách thức sử dụng ứng dụng này tương tự như cảm biến nhịp tim trên Galaxy S5, người dùng sẽ đặt ngón tay của mình giữa camera và đèn flash của smartphone, thuật toán trên ứng dụng sẽ đo sự thay đổi độ sáng của đèn flash, từ đó tính toán ra sự thay đổi của mao mạch ngón tay và đưa ra kết quả về nhịp tim của người dùng.

 

Sau khi hoàn tất đo nhịp tim, ứng dụng sẽ cho phép người dùng chọn tình trạng của mình (đang mệt mỏi, khỏe mạnh hay bình thường) và hoàn cảnh hiện tại (đang nghỉ ngơi, sau khi tập thể dụng, ở tình trạng bình thường) và lưu lại kết quả. Ứng dụng sẽ lưu lại những kết quả này để giúp họ thuận tiện hơn trong việc theo dõi sự biến đổi về nhịp tim của mình theo thời gian và trong từng hoàn cảnh.

 

Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

Runtastic Heart Rate sẽ tự động lưu lại lịch sử đo nhịp tim của người dùng để giúp theo dõi sự biến đổi về nhịp tim

 

Runtastic Heart Rate được đánh giá là ứng dụng đo nhịp tim tốt nhất hiện nay trên nền tảng Android. Tuy nhiên nhược điểm của ứng dụng đó là đối với phiên bản miễn phí chỉ cho phép người dùng đo nhịp tim tối đa 3 lần trong mỗi ngày. Nếu muốn có số lần đo nhiều hơn người dùng cần phải bỏ tiền ra để mua phiên bản có phí của ứng dụng. 

 

Trong trường hợp không muốn bỏ tiền ra để mua phiên bản có phí của ứng dụng, người dùng có thể gỡ bỏ ứng dụng sau khi đã sử dụng hết cả 3 lần đo nhịp tim trong ngày, sau đó tiến hành cài đặt lại ứng dụng để có thể tiếp tục dùng ứng dụng để đo nhịp tim (cũng với tối đa 3 lần sử dụng).

 

Download ứng dụng miễn phí tại đây (dành cho Android) và tại đây(dành cho iOS).

 

Heart Beat Rate (tương thích Android 2.2 trở lên và iOS 4.3 trở lên)

 

Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

 

Cách thức hoạt động và cơ chế đo nhịp tim của ứng dụng Heart Beat Rate cũng tương tự như ứng dụng kể trên. Sau khi cài đặt ứng dụng, bạn đặt ngón tay vào camera của smartphone, sau đó nhấn nút Start trên giao diện chính của ứng dụng để bắt đầu quá trình đo nhịp tim.

 

Sau khi quá trình đo nhịp tim hoàn tất, ứng dụng sẽ cho phép người dùng lựa chọn trạng thái hiện tại của bạn là đang nghỉ ngơi (Resting) hay đang vận động, tập luyện (Training). 

 

Từ kết quả đo, kết hợp với trạng thái hiện tại của người dùng, ứng dụng sẽ đưa ra lời khuyên cho biết nhịp tim của bạn ở mức bình thường (Normal), cao (High) hoặc quá chậm (Low). Đồng thời ứng dụng cũng đưa ra những lời khuyên cho người dùng thường xuyên kiểm tra nhịp tim, đặc biệt vào thời điểm buổi sáng khi mới thức dậy, vào thời điểm sau khi vận động hoặc sau khi ăn xong...

 

Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

 

Heart Beat Rate cũng khuyên người dùng nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ nếu nhịp tim thường xuyên ở trạng thái quá cao hoặc quá thấp.

 

Khác với ứng dụng Runtastic Heart Rate, ứng dụng Heart Beat Rate không giới hạn số lượng đo nhịp tim trong ngày, tuy nhiên phiên bản miễn phí của ứng dụng lại hạn chế chức năng lưu lại kết quả lịch sử đo nhịp tim. Tuy nhiên điều này cũng không quá ảnh hưởng đến việc dùng ứng dụng để đo nhịp tim và kiểm soát sức khỏe của mình.

 

Download ứng dụng miễn phí tại đây (dành cho Android) và tại đây(dành cho iOS).

 

Video hướng dẫn sử dụng Heart Beat Rate:

 

 

 

Instant Heart Rate (tương thích Android 2.1 và iOS 5.0 trở lên)

 

Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

 

Có cách thức và cơ chế hoạt động giống như 2 ứng dụng kể trên, tuy nhiên ưu điểm của Instant Heart Rate đó là không đòi hỏi smartphone phải được trang bị đèn flash, mà thay vào đó với những smartphone không có đèn flash trên camera vẫn có thể dùng ứng dụng, nhưng phải ở điều kiện ánh sáng môi trường tốt.

 

Sau mỗi lần đo nhịp tim, ứng dụng sẽ chỉ rõ nhịp tim của bạn đang ở mức bình thường, quá cao hay quá thấp, đồng thời cho phép người dùng ghi lại lưu ý về lần đo nhịp tim này (chẳng hạn tình trạng sức khỏe lúc đo, trạng thái lúc đo...) để lưu lại lịch sử các lần đo nhịp tim.

 

Mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone với những ứng dụng miễn phí

 

Ứng dụng cũng cho phép người dùng lưu lại lịch sử các lần đo nhịp tim, đưa ra các thông tin về mức nhịp tim bình thường, cao hay thấp... 

 

Download và cài đặt ứng dụng miễn phí tại đây (dành cho Android) và tại đây (dành cho iOS).

 

Những lưu ý khi dùng ứng dụng đo nhịp tim

 

Những ứng dụng kể trên chỉ mang tính chất tham khảo về tình trạng nhịp tim của người dùng. Bạn nên sử dụng đồng thời cả 3 ứng dụng và so sánh kết quả đo của các ứng dụng với nhau để có được kết quả chính xác.

 

Một vài lưu ý khi sử dụng:

 

- Không đặt ngón tay quá mạnh lên camera và đèn flash vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trên ngón tay, dẫn đến kết quả đo không chính xác.

 

- Ngồi yên và không di chuyển trong quá trình đo vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

 

- Không đo nhịp tim khi ngón tay đang lạnh vì điều này khiến máu ở ngón tay lưu thông kém, dẫn đến việc đo kết quả không chính xác.

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang