[Bạn thắc mắc - LAG trả lời] Tại sao không thể dùng tủ lạnh để tản nhiệt cho máy tính của bạn?
Dù bên trong tủ lạnh có nhiệt độ mát mẻ, lý tưởng cho việc làm mát nhưng tại sao chúng ta không thể đặt dàn máy tính của mình vào để làm mát các linh kiện? Cùng tìm hiểu lý do tại sao qua bài viết này nhé!
Dù rất muốn có được hiệu năng tản nhiệt tốt như dàn máy của anh chàng ở hình trên nhưng các anh em cũng đừng bắt chước theo nhé vì chúng ta không thể sử dụng tủ lạnh để tản nhiệt cho một dàn máy tính bình thường được. Sau đây là các lý do mà phương pháp làm mát trên không được áp dụng:
1. Công suất giải nhiệt của tủ lạnh
Đầu tiên phải nói đến công suất giải nhiệt của một chiếc tủ mini như hình trên cũng chỉ đạt 10-25W nhiệt năng trên mỗi phút do hệ thống tản nhiệt của nó nhỏ và nằm tách biệt với bên trong tủ. Một chiếc CPU cao cấp dành cho thị trường phổ thông sẽ có TDP khoảng 95W nên với hiệu suất tản nhiệt nhỏ như vậy thì chiếc tủ lạnh kia không thể nào làm mát cho một CPU có công suất chênh lệch lớn như vậy được.
Thêm vào đó, máy nén khí trong tủ lạnh hoạt động dựa theo nhiệt độ bên trong tủ. Tủ sẽ làm mát các thứ bên trong tới một nhiệt độ nhất định - thường thì là 4 độ C - rồi sau đó ngừng và máy nén khí hoạt động trở lại khi nhiệt độ lên tới một mức nhất định. Nếu đặt dàn máy của bạn vào bên trong tủ thì máy nén khí phải hoạt động liên tục hết công suất để làm mát bên trong mà không được nghỉ. Bùm! Và thế là không có tủ lạnh mà xài nhé.
2. Hóa đơn tiền điện
Giả sử bạn tìm được một chiếc tủ có công suất làm mát vượt trội so với lượng nhiệt mà các linh kiện máy tính đó tỏa ra thì liệu bạn có đáp ứng nổi lượng điện mà nó tiêu thụ. Đơn cử như chiếc tủ lạnh công nghiệp ở ảnh trên có công suất khoảng 800W đấy trong khi cả dàn máy tính của bạn chỉ tỏa ra lượng nhiệt tầm 500W là tối đa mà thôi (đó là với những linh kiện hiện đại, cao cấp hiện nay). Sao phải bỏ ra nhiều công suất như thế để tản nhiệt cho dàn máy tính công suất thấp hơn cả tủ lạnh trong khi có thể sử dụng một bộ tản nhiệt nước AIO có công suất chỉ vài W mà thôi.
3. Không có dòng khí
Để tản nhiệt cho các linh kiện máy tính một cách hiệu quả thì ngoài các linh kiện tản nhiệt có đủ khả năng tản nhiệt thì cần phải có một dòng khí chủ động đem dòng khí nóng ra khỏi case cũng như đem dòng khí mát vào case để tiếp tục vòng tuần hoàn đó. Case máy tính là thế nhưng tủ lạnh lại không thể có được tính năng này. Thứ nhất là nó dùng bộ tản nhiệt tách biệt với bên trong case, thứ 2 là nếu đem thổi một dòng khí bên ngoài vào tủ và hút khí nóng bên trong trủ khi các linh kiện máy tính của bạn đang bên trong thì tủ lạnh không khác gì một chiếc hộp thông thường cả. Đó cũng là lý do tại sao khi mở tủ lạnh liên tục, nhiệt độ bên trong sẽ tăng lên nhiều so với khi đóng kín tủ trong thời gian dài.
4. Sự ngưng tụ hơi nước
Bất cứ linh kiện nào khi được làm lạnh đến một nhiệt độ chênh lệch nhất định so với nhiệt độ không khí bên ngoài sẽ gây ra hiện tượng ngưng tụ, nước từ trong không khí sẽ ngưng tụ lại, bao quanh linh kiện đó. Ví dụ như đang đặt dàn máy của mình vào bên trong tủ lạnh và cần thay thế hay theo dõi chúng, bạn sẽ phải mở tủ ra. khi đó không khí chứa hơi nước sẽ tràn vào, nước sẽ bắt đầu đọng lại trên các linh kiện của bạn như thế này đây:
Ai cũng biết nước bình thường nguy hiểm đến các linh kiện điện tử như thế nào, còn không biết thì Google tại sao nhé! Nguy cơ "chết", cháy linh kiện sẽ lên cao khi nước ngưng tụ lại trên các linh kiện khi bạn đặt chúng vào tủ lạnh. Vì thế đây là lý do quan trọng nhất không nên đặt các linh kiện máy tính đang hoạt động vào bên trong tủ lạnh, nhớ nhé!
Trên đây là một số lý do tại sao bạn lại không nên đặt dàn máy thân yêu của mình vào bên trong chiếc tủ lạnh để tản nhiệt. Nếu bạn có nhu cầu tản nhiệt cho máy tính thì hãy tham khảo các bài viết sau đây để hiểu thêm nhé:
Những điều cơ bản cần biết về dòng khí trong case máy tính
Các giải pháp tản nhiệt cho gaming PC trên thị trường hiện nay
Nguồn Tổng Hợp
Bài cùng chuyên mục