Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của bitcoin vào khoảng 260 tỷ USD (theo số liệu Coinmarketcap). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là 260 tỷ USD đang tồn tại ở một nơi nào đó và sẽ được phát tán cho những người đang nắm giữ bitcoin.
Tác giả bài viết này là Jason Bloomberg, Chủ tịch của Intellyx và là chuyên gia phân tích đầu ngành về cách mạng kỹ thuật số. Những bài viết và bài phát biểu của ông xoay quanh câu chuyện các xu hướng công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển mình như thế nào.
Ở bài viết mới được đăng tải trên Forbes, ông đã nêu ra 7 lời dối lòng mà những người tôn sùng bitcoin cũng như các đồng tiền số khác thường mắc phải.
1. Ngụy biện đen trắng
Đây là kiểu ngụy biện tự phân định câu trả lời xuống chỉ còn 2 lựa chọn, hoặc trắng, hoặc đen, dù trên thực tế có nhiều lựa chọn hơn.
Bitcoin nói riêng và tiền số nói chung là loại tài sản hoàn toàn mới mà mọi phép so sánh đều sẽ trở nên khập khiễng. Do đó phản ứng thường thấy theo xu hướng ngụy biện đen trắng là cho rằng bitcoin chỉ có thể là bong bóng đầu cơ hoặc thực sự là loại tiền tệ mới sẽ thay thế tất cả các đồng tiền hiện nay,
Từ đó bạn sẽ đi đến lập luận tiếp theo: việc để các Chính phủ quản lý cung tiền như hiện nay ẩn chứa nhiều vấn đề, vì thế chúng ta cần một nguồn cung tiền không phụ thuộc vào bất kỳ Chính phủ nào. Trong khi đó, thực ra thì cải thiện cách quản lý cung tiền của các Chính phủ mới là giải pháp hiệu quả hơn.
2. Giá trị vốn hóa của bitcoin là chỉ số có nhiều ý nghĩa
Công thức tính toán giá trị vốn hóa rất đơn giản nhưng cũng dễ đánh lừa người khác: hãy nhân số lượng bitcoin (hoặc bất kỳ đồng altcoin nào) đang tồn tại với mức giá hiện tại của nó.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của bitcoin vào khoảng 260 tỷ USD (theo số liệu Coinmarketcap). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là 260 tỷ USD đang tồn tại ở một nơi nào đó và sẽ được phát tán cho những người đang nắm giữ bitcoin.
Trên thực tế, khi bong bóng vỡ và tất cả mọi người đều muốn thoát ra để lấy lại tiền của mình, tổng số tiền để phân chia sẽ không bao giờ lớn hơn tổng số tiền đã được rót vào bitcoin, và con số đó nhỏ hơn rất, rất nhiều so với mức giá trị vốn hóa hiện nay,
3. Hệ thống xử lý giao dịch phi tập trung là 1 ý tưởng tốt
Giống như bất kỳ công nghệ nào dựa trên nền tảng blockchain, mọi cơ sở hạ tầng hỗ trợ giao dịch tiền số đều phụ thuộc vào hệ thống xử lý giao dịch phi tập trung. Trong trường hợp của bitcoin, đó là những “thợ mỏ” được thưởng bằng đồng bitcoin.
Mô hình này có một vài hạn chế như chi phí đào coin sẽ ngày càng đắt đỏ và ngốn một lượng điện khổng lồ, nhưng đây không phải là vấn đề lớn nhất. “Quả bom hẹn giờ” đằng sau bitcoin và các đồng tiền số tương tự là nếu như giá trị thị trường của khoản thưởng xuống thấp hơn chi phí đào, các thợ mỏ sẽ ngừng đào, đồng nghĩa không còn ai xử lý giao dịch và cuối cùng cả hệ thống sẽ ngừng hoạt động.
Còn đối với những đồng altcoin không thưởng cho các thợ mỏ xu mới, lý do để tham gia càng giảm xuống khi cơn sốt hạ nhiệt.
Vậy thì giải pháp là gì? Câu trả lời chính là các hệ thống xử lý giao dịch tập trung – như Visa, Mastercard và tất cả các ngân hàng. Như vậy theo suy luận này thì tiền số chẳng có nghĩa lý gì.
4. Nắm giữ mãi mãi là 1 chiến lược tốt
Một bộ phận đầu cơ kiếm bộn tiền nhờ bán khi giá lên và mua vào khi giá xuống, tất nhiên là vì họ có khả năng canh đúng thời điểm. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều người tin rằng giá bitcoin và altcoin sẽ nhân lên nhiều lần trong tương lai và họ sẽ không bán ra dù mức độ biến động giá lớn đến mức nào.
Trên thực tế, càng nhiều người có quan điểm như vậy thì bong bóng đầu cơ càng phình to. Hãy nhớ rằng chỉ có những người biết thoát ra đúng thời điểm thì mới có thể kiếm tiền trong cơn sốt đầu cơ. Tất cả những người còn lại sẽ thua cuộc.
5. Các đồng tiền số có thể trở thành 1 phương tiện trao đổi hùng mạnh và con người có thể làm cho chúng khan hiếm
Chỉ có tối đa 21 triệu đồng bitcoin được tạo ra, việc tạo ra đồng mới ngày càng khó khăn và công nghệ blockchain không cho phép gian lận chi tiêu.
Đây là những đặc tính quan trọng tạo nên giá trị đầu cơ tích trữ của bitcoin, nhưng điều này khiến bitcoin không thể được sử dụng rộng rãi như 1 phương tiện trao đổi. Ai sẽ muốn mua – hay bán – 1 tách cafe bằng bitcoin nếu hôm nay 1 bitcoin có giá 5 USD nhưng ngày mai đã có giá 50 USD và ngày kia giá lại quay về 10 USD?
6. Những đồng altcoin sinh sau đẻ muộn sẽ sửa chữa hết những điểm hạn chế của bitcoin
Có hàng trăm đồng altcoin và số lượng sẽ còn tiếp tục tăng lên. Giờ đây cả những người hâm mộ cuồng nhiệt của bitcoin cũng phải thừa nhận rằng đồng tiền này có một số điểm hạn chế, thậm chí một số người đã “nhảy tàu” sang những đồng altcoin được cho là sẽ khắc phục những nhược điểm của bitcoin.
Nhưng thực tế là không ít đồng altcoin chỉ ưu việt hơn bitcoin ở chỗ dễ dàng bị bọn tội phạm lợi dụng hơn vì tính nặc danh cao hơn và biến động giá dù mạnh đến mức nào cũng không gây nhiều thiệt hại bằng bitcoin.
7. Các đồng tiền số sinh ra sau các vụ ICO đều sẽ có giá trị
Có lẽ hoạt động phát hành tiền số lần đầu ra công chúng (ICO) là góc điên rồ nhất của thế giới tiền số. Giống như các vụ IPO, đây là 1 kênh để startup huy động vốn từ nhà đầu tư, nhưng tiếc là điểm giống nhau chỉ dừng lại ở đó.
Về bản chất thì nhiều startup phát hành tiền số “từ trong hư không” và bán chúng cho những người đầu cơ. Do chưa được quản lý chặt chẽ nên các công ty lừa đảo dễ dàng kêu gọi vốn đầu tư để rồi dự án “bánh vẽ” không thể phát triển và cuối cùng tiền của nhà đầu tư sẽ bị cuỗm sạch.
Theo Tri Thức Trẻ