Ngành công nghiệp chip hùng mạnh một thời của Nhật Bản bên bờ vực sụp đổ

Nhật Bản từng thống trị thị trường bán dẫn những năm thập niên 80 nhưng dần bị các đối thủ từ Hàn Quốc và Trung Quốc bỏ lại phía sau.

Kế hoạch bán Toshiba Memory phần nào giữ lại chút ảnh hưởng của người Nhật trong ngành công nghiệp chip. Nhưng liệu họ có thể duy trì tính cạnh tranh trước cấu trúc sở hữu phức tạp?

Theo thỏa thuận ký kết hôm thứ Năm, mảng bộ nhớ flash của Toshiba sẽ được bán cho liên minh gồm 10 công ty Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.


Toshiba phải bán đi mảng chip để cứu vãn công ty.

Nếu Toshiba Memory suy yếu, phần còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn trị giá 10 nghìn tỷ yên (88,9 tỷ USD), bao gồm các doanh nghiệp phụ trợ, sẽ điêu đứng. Trung tâm chế tạo chip flagship hàng đầu của Toshiba nằm ở thành phố Yokkaichi có công suất thuộc hàng lớn nhất thế giới, cung cấp chip cho thung lũng Silicon gấp nhiều lần so với hàng chục nhà máy khác trên khắp Nhật Bản.

Các nhà máy ở Yokkaichi đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho phần còn lại của nền công nghiệp. Đó cũng là lý do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản can thiệp vào thương vụ mua bán nhằm giữ quyền kiểm soát của nước này đối với Toshiba Memory trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng rò rỉ công nghệ.

Trở lại những năm 1980, bán dẫn đã trở thành ngành công nghiệp màu mỡ đối với đất nước mặt trời mọc giữa lúc bùng nổ máy tính cá nhân. Các công ty Nhật Bản đã xây dựng dây chuyền sản xuất hàng loạt hiệu quả để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.


Nhật Bản từng ở vị trí thống trị ngành công nghiệp bán dẫn.​

6 trong số 10 nhà sản máy chip hàng đầu thế giới năm 1990 thuộc về Nhật Bản, trong đó NEC đứng đầu, Toshiba giữ vị trí thứ hai và Hitachi đứng thứ Tư. Sự thống trị vượt trội này còn là yếu tố buộc Intel phải rút khỏi mảng kinh doanh DRAM.

Tuy nhiên, các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan đã vươn lên mạnh mẽ từ những năm thập niên 90. Toshiba Memory là cái tên cuối cùng trong số các nhà sản xuất chip lớn nhất Nhật Bản vẫn còn hoạt động ở lĩnh vực này. Công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc vốn được chính phủ hậu thuẫn mạnh mẽ.

Quan điểm chủ đạo trong giới quan sát cho rằng, tương quan lực lượng của ngành chip vài năm tới chủ yếu sẽ là cuộc chiến “tay đôi” giữa các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc. Tsinghua Unigroup của Trung Quốc đang dồn nguồn lực lên đến 30 tỷ USD vào nhà máy chip ở Nam Kinh, trong khi Samsung Electronics cũng đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển.

Giữa lúc, mảng bộ nhớ của Toshiba được dự báo có thể sẽ gặp khó để giữ chân đội ngũ kỹ thuật và hoạt động các nhà máy nội địa.

Theo genk

Bài cùng chuyên mục