Thiết kế smartphone không chỉ sở hữu giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn mang lại sự tự tin cũng như nhiều tính năng hữu ích cho người tiêu dùng.
Thiết kế là đặc điểm gây ấn tượng đầu tiên đối với người dùng
Trong bối cảnh cấu hình phần cứng của smartphone đang dần trở nên bão hòa và không có nhiều chênh lệch đáng kể trong cùng tầm giá, thiết kế bên ngoài chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố then chốt để gây ấn tượng thuyết phục người dùng.
Nếu không xét đến các tính năng phần mềm, thiết kế chính là cơ sở để chúng ta phân biệt được các dòng smartphone, hay thậm chí là các thế hệ điện thoại thuộc cùng một dòng máy. Đó chính là lý do vì sao các nhà sản xuất luôn tìm cách tạo ra một dấu ấn riêng biệt (như logo, vỏ máy, viền điện thoại hay hình dạng các phím chức năng) mà chỉ cần nhìn vào, người dùng có thể nhận ra ngay đó là sản phẩm của họ.
Thiết kế bên ngoài sẽ tạo nên điểm độc đáo riêng biệt cho smartphone.
Mặt khác, thiết kế sang trọng cũng sẽ mang lại cảm giác tự tin cho người dùng. Điều này đặc biệt đúng trong phân khúc tầm trung với những sản phẩm không gây nhiều ấn tượng về mặt phần cứng những vẫn luôn được nhiều khách hàng ưa chuộng nhờ thiết kế tinh tế không kém gì các dòng smartphone cao cấp.
Thiết kế thể hiện sự sáng tạo và công sức của nhà sản xuất
Tính riêng quý III năm 2017, số lượng smartphone bán ra trên toàn thế giới đã cán mốc 383 triệu máy tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là sự xuất hiện của rất nhiều thế lực lớn nhỏ đang nuôi tham vọng thống trị hoàn toàn thị trường “béo bở” này. Vì vậy, nếu không giải quyết được bài toán thiết kế, nhiều khả năng các sản phẩm của họ sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng giữa quá nhiều smartphone như hiện nay.
Điều này cũng lý giải vì sao các nhà sản xuất luôn dành sự quan tâm nhất định cho khâu thiết kế sản phẩm và không ngần ngại vung tiền đầu tư để đổi mới. Samsung là một ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này khi cứ mỗi năm trôi qua, họ lại khiến cả thế giới phải kinh ngạc với những cải tiến đột phá trong thiết kế smartphone của mình.
Nếu sở hữu thiết kế không có điểm nhấn, các smartphone sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Cụ thể, Samsung đã liên tục đi đầu trào lưu với Galaxy Note Edge - smartphone có màn hình cong tràn cạnh đầu tiên hay mới đây nhất là bộ đôi Galaxy S8/S8+ mở ra xu hướng màn hình vô cực cao cấp. Và sự thật cũng đã chứng minh: Thiết kế viền màn hình siêu mỏng đã trở thành chuẩn mực mới cho smartphone trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, điểm độc đáo ở những sản phẩm của Samsung là dù có cùng thiết kế màn hình cong nhưng vẫn luôn làm mê đắm người tiêu dùng trong suốt 2 năm vừa qua. Chỉ với những thay đổi rất nhỏ nhưng cực kỳ tinh tế mà những chiếc S6 Edge, Note 5 hay S7 Edge mỗi năm lại cong một kiểu và được đón nhận nồng nhiệt.
Samsung luôn cố gắng thay đổi thiết kế cho mỗi sản phẩm mới của mình.
Điều này cũng cho thấy Samsung, cũng như nhiều nhà sản xuất khác, luôn cực kỳ nghiêm túc trong thiết kế sản phẩm của mình. Từ khâu lên ý tưởng, tiến hành nghiên cứu, đánh giá cho đến thử nghiệm và thu thập ý kiến người dùng, tất cả đều được chú trọng và tiến hành tỉ mỉ nhằm tạo ra những chiếc smartphone phù hợp với tiêu chí thẩm mỹ nhất.
Thiết kế kim loại nguyên khối lên ngôi
Xét về thiết kế, lớp vỏ bên ngoài luôn đóng một vai trò quan trọng, thậm chí còn góp phần không nhỏ quyết định đến thành bại của sản phẩm. Trong khi vỏ nhựa đã dần trở nên lỗi thời không phù hợp với xu hướng hiện đại còn lớp kính lại có mức giá hơi cao và độ bền thấp, lớp vỏ nhôm cao cấp đang trở thành xu hướng mới với nhiều ưu điểm vượt trội.
Không thể phủ nhận ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào những thiết bị có thiết kế kim loại nguyên khối chính là sự sang trọng và cực kỳ đẳng cấp. Ngoài yếu tố thẩm mĩ, lớp vỏ này còn mang đến cảm giác cứng cáp, chắc chắn hơn rất nhiều so với lớp vỏ nhựa hay kính. Điều này giúp cho thiết kế vỏ kim loại luôn nhận được nhiều lời khen từ các chuyên gia cũng như người tiêu dùng và được các nhà sản xuất trên thế giới ưa chuộng.
Thiết kế vỏ nhôm đang trở thành xu hướng mới với nhiều điểm nổi bật về mặt thẩm mỹ và tính năng.
Không những vậy, lớp vỏ kim loại còn sở hữu khả năng tản nhiệt tuyệt vời, giúp người dùng thoải mái sử dụng các tác vụ nặng mà không lo ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ của máy. Nhờ tính năng dẫn nhiệt tốt của kim loại, lớp vỏ sẽ nhanh chóng nóng lên sau một thời gian ngắn sử dụng và nhiệt bắt đầu thoát ra ngoài, làm mát không gian bên trong cũng như bảo đảm độ bền phần cứng của máy.
Hãy lấy Samsung Galaxy J7+ làm ví dụ. Chiếc điện thoại này mới ra mắt cách đây hơn 2 tháng nhưng đã nhanh chóng trở thành một tượng đài trong phân khúc tầm trung nhờ thiết kế đơn giản mà cực kỳ sang trọng của mình.
Thiết kế ấn tượng đã giúp Galaxy J7+ chinh phục người dùng.
Cụ thể, J7+ vẫn sở hữu thiết kế nguyên khối quen thuộc như các sản phẩm khác thuộc dòng J7 với sự kết hợp hoàn mỹ giữa khung kim loại bo tròn sang trọng, thân máy mỏng 7.9mm cực tinh tế và mặt kính 2.5D cao cấp.
Ở mặt sau, phần anten hình chữ U kỳ lạ của J7 Pro đã biến mất, thay vào đó chỉ đơn giản là hai đường thẳng được sơn cùng màu với vỏ. Điều đó giúp thiết kế máy trở nên đơn giản gọn gàng nhưng không kém phần bắt mắt. Đặc biệt, cụm camera kép được đặt dọc trên mặt lưng và không hề bị lồi lên, mất thẩm mỹ như nhiều dòng máy khác.
Galaxy J7+ kế thừa và phát huy tối đa thiết kế của dòng Galaxy J vốn đã rất thành công trước đó.
Có thể nói, khi mà cuộc chiến phần cứng đã gần như không còn tầm ảnh hưởng quá lớn như trước đây thì thiết kế đột phá chính là chìa khóa để các nhà sản xuất chinh phục hoàn toàn bộ phận người tiêu dùng. Vì thế, đây vẫn luôn là tiêu chí đánh giá đầu tiên mỗi khi lựa chọn một chiếc smartphone mới.
Theo Tri Thức Trẻ