Với việc được nâng cấp để hỗ trợ công nghệ sạc không dây PowerPlay, Logitech G703 đã trở thành phiên bản nâng cấp hoàn hảo hơn rất nhiều so với G403 nổi tiếng một thời.
Đối với người sử dụng máy tính ở Việt Nam, Logitech có lẽ là cái tên hết sức quen thuộc với "độ phủ sóng" cực cao, khi mà các sản phẩm của hãng nằm ở đủ mọi phân khúc, cũng như phục vụ rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau: từ những người công nhân viên chức văn phòng bình thường, cho đến những game thủ chuyên nghiệp.
Một trong những điều ấn tượng nhất mà Logitech đã làm được với các sản phẩm gaming gear, chính là việc cho ra đời công nghệ Lightspeed giúp cho các sản phẩm không dây của hãng đạt được chất lượng chơi game không kém gì những món đồ "có dây" truyền thống. Trước đây, mặc dù chuột và bàn phím không dây có ưu thế ở sự gọn gàng tiện dụng, nhưng lại không bao giờ là lựa chọn của game thủ bởi chúng sở hữu độ trễ đầu vào cao (Chuột không dây kết nối theo chuẩn bluetooth thường có độ trễ khoảng 8-13ms). Hiển nhiên là trong thế giới của các game thủ, nơi mà chiến thắng và thất bại đôi khi chỉ cách nhau có vài mili giây ngắn ngủi, thì độ trễ như vậy là điều không thể chấp nhận được.
Thế nhưng, kể từ ngày Logitech tung ra những sản phẩm gaming gear không dây sử dụng công nghệ Lightspeed, những chú chuột không dây đã dần có được chỗ đứng riêng của mình trong lòng cộng đồng game thủ. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng đến với chú chuột chơi game không dây Logitech G703, sản phẩm được coi như phiên bản nâng cấp của G403 đã từng rất thành công trong quá khứ.
Thông số kỹ thuật
Kích thước: 124 mm (dài) x 68 mm (rộng) x 43 mm (cao)
Trọng lượng: 107,6 g (không tạ), 117,6 g (lắp tạ)
Cảm biến quang học Pixart PMW3366, độ nhạy 200 - 12000 DPI, tốc độ tối đa 400 IPS
Tần số giao tiếp: 1000 Hz
Thời gian phản hồi: 1ms
Switch: Omron tuổi thọ 50 triệu lần click
Chiều dài dây: 1,83 m
Hộp sản phẩm bao gồm 1 chuột, 1 Lightspeed USB Receiver, 1 dây extender, 1 USB Adapter.
Mở hộp sản phẩm
Có lẽ không còn có quá nhiều điều để nói về phong cách đóng hộp đã trở thành "đồng phục" của các sản phẩm chuột chơi game do Logitech sản xuất.
Các tính năng nổi bật được in ở mặt sau của hộp sản phẩm
Ở mặt bên là thông số kỹ thuật chi tiết của chuột
Chi tiết sản phẩm
Như đã nói ở trên, do là phiên bản nâng cấp của sản phẩm chuột chơi game Logitech G403 đã từng rất thành công trong quá khứ, nên về mặt ngoại hình thì G703 có thể nói là giống y hệt G403. Vẫn là thiết kế công thái học phù hợp cho những người thuận tay phải, cùng với kích thước phù hợp với cỡ tay phổ thông của cộng đồng game thủ nói chung.
Hai cụm đèn LED được bố trí trên con lăn và ở Logo Logitech G trên lưng chuột
Do chuột thiết kế dành cho người thuận tay phải, nên hai phím phụ được đặt ở phía thân bên phải của chuột
Hai phím trái phải được cắt rời ra khỏi phần thân chuột, cho hành trình bấm ngắn, đồng thời người sử dụng không phải dùng nhiều lực để nhấn chuột.
Receiver hỗ trợ công nghệ Lightspeed của Logitech, cùng với USB Adapter để gắn với cổng kết nối USB.
Dây kết nối USB của chuột được bọc dù tương đối chắc chắn.
Khi gắn vào với nhau thì chúng trở thành dây nối dài để thu ngắn khoảng cách giữa chuột và thiết bị
Mặt sau của chuột. Ở phía dưới là vị trí lắp tạ được đính liền với chuột bằng nam châm bên trong.
Cũng giống như G403, G703 sử dụng cảm biến quang học PMW3366 do Pixart sản xuất. Đây được đánh giá là một trong những cảm biến tốt nhất trên thị trường gaming gear hiện tại. Do đó mà chất lượng cảm biến của G703 là điều không thể bàn cãi, và chú chuột này thể hiện đặc biệt xuất sắc trong các tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất như CSGO hay Overwatch.
Chuột sử dụng tạ sắt nặng 10g để tùy biến trọng lượng.
Vậy G703 khác với người tiền nhiệm G403 ở chỗ nào? Khác biệt đầu tiên có thể kể đến là việc G703 sử dụng switch Omron thế hệ mới với tuổi thọ 50 triệu lần click, gấp 2,5 lần so với switch được sử dụng trong G403. Thế nhưng, điều khiến cho G703 "ăn đứt" phiên bản không dây của G403 chính là việc, đây là một trong số ít những sản phẩm chuột chơi game của Logitech hỗ trợ công nghệ sạc không dây PowerPlay, giúp xóa đi nỗi lo hết pin giữa chừng khi đang chinh chiến. Đương nhiên, để sử dụng PowerPlay, bạn cần phải có pad chuột Logitech G PowerPlay, và thay thế tấm PowerCore vào vị trí lắp tạ trên chuột.
Nếu không thích sử dụng chuột không dây, bạn có thể chỉ đơn giản là cắm dây sạc vào để sử dụng như bình thường.
Cổng Micro USB trên G703
Thời lượng pin của chuột rơi vào khoảng 20 tiếng sử dụng liên tục sau khi sạc đầy nếu bật đèn LED. Nhìn chung, một lần sạc pin có thể đáp ứng được khoảng 2-3 ngày chơi game của game thủ.
Và như mọi sản phẩm gaming gear khác do Logitech sản xuất, G703 tương thích với phần mềm tùy biến Logitech Gaming Software.
Tổng kết
Ưu điểm:
+ Trang bị cảm biến Pixart PMW3366 - một trong những cảm biến quang học tốt nhất thế giới hiện tại.
+ Hỗ trợ sạc không dây nhờ công nghệ PowerPlay, xóa đi nỗi lo hết pin khi đang chơi game.
+ Dễ dàng chuyển đổi giữa chế độ có dây và không dây.
+ Sử dụng Switch Omron thế hệ mới với tuổi thọ 50 triệu lần click.
Nhược điểm:
- Thiết kế giống hệt G403.
- Không có kết nối Bluetooth, bắt buộc phải kết nối thông qua việc cắm dây hoặc dùng USB Receiver.
Với mức giá gần 2 triệu đồng, Logitech G703 được coi là một phiên bản nâng cấp hoàn hảo hơn và đắt tiền hơn của G403 đã từng rất thành công trong quá khứ. Nếu bạn là một game thủ đang tìm kiếm một sản phẩm chuột không dây chất lượng cao, hay đang có ý định nâng cấp lên bộ sản phẩm không dây PowerPlay của Logitech, thì G703 thực sự là một lựa chọn "chất đến từng đồng".
Theo genk